– bất cứ bà Mẹ nào trên
trái đất – cũng đều là lời kinh ghi nhớ suốt đời cho những đứa con. Gã
Đất Lành (Gable Goodearth), nhà tâm lý giáo dục Ireland, đã làm một cuộc
thăm dò suốt 12 năm với gần 1026 tử tù trên khắp thế giới đã tìm thấy
rằng, có hơn 810 người tù kêu tiếng cuối cùng là “Mẹ”, “Mẹ ơi!”, “Con
thương Mẹ”, “Mẹ tha thứ cho con”! trước giây phút bị hành quyết.
Tử tù! Những tâm hồn bạo tàn, oan khiên,
chai đá nhất cũng chỉ còn Mẹ là dòng tinh huyết cuối đời trước khi nhắm
mắt buông tay.
Viễn khách, kẻ tha hương thường liên tưởng
quê hương với Mẹ. Ngày còn Mẹ, mỗi lần về thăm quê có nghĩa là về thăm
làng. Ngày vắng Mẹ, đứa con phương xa về thăm đất nước; đâu cũng là tổ
quốc, làng cũ vẫn như xưa nhưng tôi vẫn cảm thấy hình như thiếu một chút
chất men nồng đượm của quê nhà. Có lẽ vì quê hương là quê mẹ. Ngày
vắng mẹ rồi, lòng mẹ trãi dài khắp mọi miền đất nước nên đâu cũng là…,
mà cũng không là, trọn vẹn một quê hương!
Tiếng vọng lời dặn dò của Mẹ “coi chừng
hỏng cẳng” cứ mãi theo tôi mà lớn, mà già, mà phấn đấu với đời, mà hiện
hình với ngày tháng.
“Hỏng cẳng” với mẹ tôi là gặp vùng nước
sâu trên sông, chân không đứng được trên đất sẽ bị uống nước, chết
trôi. Hỏng cẳng giữa đời là chơi vơi không có chỗ đứng cho mình, cuộc
sống sẽ bị chao đảo, mất chỗ dựa. Nhưng hỏng cẳng trong chính mình mới
quả thật là bi kịch của đời sống.
Thời mới lớn, ngay cả khi biết bơi khá
giỏi, đủ sức bơi ngang bơi dọc trên sông Bồ, sông Hương tôi vẫn còn lo…
hỏng cẳng. Trong dòng nước tuy đã quen, nhưng khi bơi trên những tầng
rong rêu xanh lè vờn qua, vờn lại dưới đáy sông, tôi vẫn cảm thấy rờn
rợn khi tưởng tượng đến thế giới bí ẩn bên dưới. Có chăng những âm
binh, ma rà, quái vật sẵn sàng kéo tôi về một thế giới khác. Lòng sông
cũng như lòng người. Khi thấy được thì chẳng phải là điều đang thấy;
khi dẫm chân lên hay sờ mó được thì nó biến tướng vô hình hay thiên hình
vạn trạng.
Vào đời, tôi muốn cầu toàn nên lại càng
thường xuyên bị… hỏng cẳng. Trễ là hỏng chân: Trễ giờ, trễ hẹn. Thiếu
là hỏng cẳng: Thiếu thông tin, thiếu chính xác, thiếu của, thiếu người,
thiếu tin tưởng. Mất là hỏng sạch: Mất công, mất thì giờ, mất việc, mất
bạc, mất vui, mất sướng… đều là những khoảng trống làm hỏng chân, hỏng
cẳng bất cứ khi nào.
Thằng Bờm còn có cái quạt mo để đổi.
Thằng Cuội còn có gốc cây đa để ngồi. Người trần gian lên tới vua,
quan, công, hầu, khanh, tướng… sau một đời đi qua, rồi cũng tan loãng
như mây trên đỉnh núi. Bơ vơ. Bèo bọt. Không một chỗ nương thân. Tại
sao tôi không có cái bến nào để tới, để dựa, để khỏi hỏng chân? Có dừng
lại một chút với cơm áo, gia đình, cuộc sống thì liền theo sau là cả một
chuỗi hỏng chân như kéo dài bất tận.
Mọi vật và mọi việc đổi thay như chong
chóng mà tôi thì không tìm thấy một bến bờ nào để dựa hay ít nhất cũng
có thể trú chân cho khỏi hỏng cẳng. Có chăng một nơi vượt ra ngoài mọi
lý luận, định kiến và hoài nghi. Chỗ dựa cuối cùng không bao giờ đổi
thay với cảnh, với tình, với người, với vật… làm ta hỏng cẳng là Lòng
Mẹ. Nhưng chiều nay về làng cũ sau 25 năm sống lang bạt nơi quê người,
Lòng Mẹ nơi xóm nghèo một thuở bỗng đi đâu. Gió Nồm cho Mẹ “dên” lúa
vẫn về. Tiếng cu cườm gáy buồn và xa vẫn vọng tới. Nắng vàng tươi trẻ
sớm mai vẫn già đi với màu chiều sẫm lại. Nơi quê Mẹ, đi đâu cũng có
tình Mẹ mang theo. Tôi không cởi áo quần, nhông nhông nhảy xuống hụp
lặn dưới sông Bồ hồn nhiên như xưa nhưng cái cảm giác “hỏng cẳng” chợt
ùa đến. Tôi nhìn dòng sông quê hương vẫn còn rong rêu chờn vờn bên
dưới. Tầm nhìn xa xôi bị ngắt quảng vì nhà cửa lác đác mọc lên bên ruộng
lúa một thời xa tít tắp. Dư âm tiếng Mẹ thuở nào không còn đồng vọng.
Đời có tươi thì có phai; tình có ấm lên thì có nguội. Vẫn biết thế
nhưng tình cảm tự nhiên con nhớ Mẹ, thương Mẹ vượt ra ngoài biên giới
chật hẹp của sự hợp lý và vô lý thường tình. Tôi muốn được gối ngủ trên
phản gỗ hay giường tre có bàn tay phe phẩy cái quạt mo cau già của Mẹ.
Tôi muốn ra bến Dấu Hàn để tắm nhưng có ai tắm được hai lần trên cùng
một dòng sông. Sông Bồ còn đó, nhưng Mẹ không còn và bến xưa đã lấp.
Trái tim của Mẹ dẫu là uyên nguyên, là kim
cương, là vĩnh cữu vẹn toàn, nhưng cũng phải đổi thay. Ngày Mẹ không
còn nữa, dẫu lòng Mẹ có bao la trời biển thì cũng chỉ còn là một ý niệm
đẹp. Dẫu có về Bến Mẹ thì vẫn bị lạc hướng vì không biết bến ấy nơi
đâu.
Bến Mẹ, bờ xa tìm đâu cho thấy…
***
Có lần được xem một trò chơi cổ của xóm Ấn
Độ, tôi nghe chùm âm thanh reo lên từng đợt từ miệng của đám trẻ:
“Pa-ra-mi-ta! Ba la mật đa?!”
Khái niệm gốc của tiếng reo “Paramita” có
nghĩa là “được rồi” hay “tới bến”. Cái “tới bến” đó đôi khi chẳng có gì
to lớn hay kỳ vĩ mà đơn giản như hơi thở. Chỉ cần một hơi thở ra và thở
vào lại được cũng là đã “tới bến” rồi. Bởi vì mỗi giây phút đi qua trên
quả đất nầy đều có hàng trăm đứa trẻ sinh ra mà không thở vào được và có
hàng nghìn con bệnh thở hắt ra rồi xuôi tay nín luôn, không còn được một
hơi thở vào khi sự sống đã mất. Vì thế, một đứa trẻ kiểng chân, nín thở
để ném được viên bi của nó vào mục tiêu trong cuộc chơi thi đua cũng kể
là… tới bến rồi. Có những bến bờ không thấy được vì sự xung động nhẹ
như sương ném xuống hồ. Hồ vẫn vắng lặng với tình cảm và tâm linh. Cái
bến vô hình đầu tiên ấy là “Bến Mẹ”.
Bến Mẹ là bến yêu thương tròn đầy nhất
giữa cuộc sống êm đềm và gai góc nầy. Nhưng rồi, Mẹ già, Mẹ cũng phải
rủ áo ra đi. Bến Mẹ chỉ còn trong tâm tưởng của con! Mẹ về với những
người muôn năm cũ.
Mùa Vu Lan, khi thu về, là mùa của Mẹ Việt
Nam. Bóng dáng bà mẹ phương Đông không là mùa Xuân hoa phấn, mùa Hè rực
rỡ như bà mẹ Mỹ châu hay mùa Đông cằn cỗi úa tàn như bà mẹ Phi châu. Mẹ
Việt Nam là mùa Thu: Nắng thời xuân xanh của Mẹ đã nhạt màu vì gieo neo
nuôi con. Thu quyến rũ vì Thu mong manh. Trời thu cao rộng và sâu
thẳm. Mẹ mong manh vì nhân dáng Mẹ đã vàng phai; nhưng lòng mẹ càng
xanh mướt mênh mông và sâu lắng vô cùng.
Vu Lan về khi cả thế giới đang vào Thu.
Đi từ phương Đông về phương Tây mười lăm năm trước, lòng tôi đã từng ấm
hoài khi còn Mẹ; nhưng năm nay, tôi cũng bay theo hướng mặt trời mà chỉ
thấy màu nắng cũ buồn thiu khi Mẹ không còn.
Đâu đó, từ trong tâm thức, tôi nghe tiếng
vọng “Bát nhã ba la mật đa – Prajna Paramita…”, một tuyên ngôn của đại
trí tuệ chinh phục chính mình. Làm sao chinh phục được những xao động
ngay chính trong lòng tôi; bắt thời gian của ngày xưa còn mẹ và hôm nay
mẹ không còn dừng lại thành một điểm. Và nếu thời gian chỉ còn một điểm
không có ngày xưa và bây giờ thì Mẹ nơi đâu? Vui, buồn; thương, ghét…
không thể diễn ra cùng lúc mà phải có trình tự trước sau. Cho dẫu hít
vào và thở ra hay viên bi rời tay đứa trẻ lăn vào lỗ thì cũng cần động
tĩnh của thời gian và không gian.
Tuyên Ngôn Chinh Phục Chính Mình có giải
quyết được gì trong dòng biến hiện không ngừng? Khi Bồ tát Quán Tự Tại
– là Avalokitesvara, là Như Lai, là Tánh Phật, là Người Thật trong mỗi
chúng ta – chinh phục được chính mình và về lại hoàn toàn tuyệt đối trọn
vẹn với chân tính của mình thì chẳng cần gì cả. Cần gì mắt mới thấy;
cần gì tai mới nghe; cần gì mũi để ngửi; cần gì lưỡi để nếm; cần gì thân
để cho hay nhận; cần gì ý để suy nghĩ về ta… một khi ta đã là ta. Cái
Ta chân nhân, trong suốt, rỗng lặng không còn cưu mang hai bờ đối nghịch.
Không sinh thì có gì để mà diệt; không dơ thì đâu cần sạch; không tăng
thì còn gì để mà giảm… nên mọi giá trị nhìn ngắm, cân đo, lớn nhỏ, đẹp
xấu, thương giận cũng không còn.
Chiều Vu Lan, bao người thổn thức buồn
thương vì mất Mẹ. Người ta bỗng hóa buồn vui vì tưởng tượng và khách
thể hóa bóng mẹ, hồn mẹ với đóa hoa hồng. Cảm xúc thuần túy như rượu
ngon, chẳng phá được nỗi buồn vì nỗi buồn như bóng đêm âm u. Chỉ có trí
tuệ tuyệt vời mới tìm về được Mẹ. Trí tuệ bát nhã giúp người con đại
hiếu Mục Kiền Liên tìm ra được mẹ Mục Liên Thanh Đề đang chịu đựng khổ
đau dưới chín tầng địa ngục. Tuy gặp được mẹ rồi nhưng vẫn còn một vọng
niệm ta và mẹ nên cơm hóa thành than. Chỉ khi nào Mẹ có trong ta,
ta có trong Mẹ; ta không tìm Mẹ, Mẹ không tìm ta mới gặp được Mẹ. Chỉ
khi nào Mục Kiền Liên đứng trước cửa địa ngục A Tỳ mà thấy hết những
linh hồn đau khổ bằng cái tâm của Phật - Bồ Tát mười phương; không phân
biệt ta, người khắp cả chín tầng địa ngục thì lửa từ bi trí tuệ mới dập
tắt được lửa tham ái vô minh. Dẫu có đệ nhất thần thông nhưng còn chấp
ngã – chỉ biết khóc cho mẹ mình – thì thần thông ấy cũng sẽ trở thành vô
dụng. Bài học Mục Kiền Liên là bài học nhân sinh, rằng, dẫu có tu đến
bậc “thánh tăng” trước đôi mắt trần nhỏ bé của người đời mà vẫn còn cố
chấp, ngã mạn, tham ái lợi quyền thì vẫn phải còn quay cuồng trong vòng
ngũ thú: Tài ba cho lắm cũng đành bó tay khi cơm đến gần mẹ, cháy đỏ
thành than vì lửa mông muội, vô minh phát ra từ chính tâm hồn mình. Khi
nỗi suy tư về Mẹ gặp nỗi suy tư về ta dấy lên, hòa quyện vào nhau, phá
tan thành quách thì hai bến bờ đối đãi cũng không còn. Tiếng chuông,
Bến Mẹ, chỉ còn rỗng lặng hư không. Lửa cháy ngất trời hay mây trắng
phiêu du trôi đi và chuyển hóa ngay trong lòng ta chỉ bằng một niệm…
Ta gặp Mẹ.
Khi cả tỷ - tỷ người nói lao xao mà cũng
chẳng có ai nói với ai lời nào hết vì mỗi người đang tự nói với chính
mình. Mỗi người tự chinh phục mình, dắt mình về Bến Mẹ. Gate, gate,
paragate, parasamgate… Bồ đề tát bà ha! Đi, đi, đi cho tới bờ tới bến.
Không huơ tay, kiểng chân; chẳng phải bước đi đâu cả mà giữ cho tâm hoàn
toàn rỗng lặng, nuốt hết lời, hóa thân thành “tuyên ngôn chinh phục
chính mình” với tâm không thành trí tuệ nên mới gọi là Tâm Kinh. Bát
Nhã Tâm Kinh. Bến Mẹ đây rồi. Hạnh ngộ Mẹ ơi!
Trần Kiêm Đoàn
Trên đường Đài Bắc - San Francisco;
mùa Vu Lan 2007