Những loài dế đất, bọ cát tản mạn về đâu mà càng
đêm càng vắng tiếng... Những loài vật càng nhẹ, ăn ít, không tham tàn với đồng
loại càng vắng bóng nhiều hơn trong những ngày gần kề cơn đại họa.
Hiện tượng
loài vật xôn xao, sợ hãi, lánh nạn khỏi vùng đất tai ương nhiều ngày trước khi
cơn sóng thần ập đến đất Nhật, làm trên hai vạn người thiệt mạng, cũng đuợc những
người dân sống sót tại địa phương quan sát và ghi nhận.
Trong vũ trụ có muôn vàn hiện tượng
chằng chịt và phát sóng liên hồi. Không
có gì tình cờ mà cũng chẳng có gì tiền định vì đó là dòng chảy tự nhiên, tan hợp
triền miên mang tính khách quan và cũng chẳng có cái “ngã” nào chủ xướng phát
sinh hay ngự trị cả. Loài vật có căn cơ
riêng biệt bắt được sớm hơn hay có độ cảm nhận tinh vi và bén nhạy hơn loài người
về những làn sóng của dòng năng lượng vũ trụ đang trôi chảy mà con người không
thể – hay chưa – bắt được. Con người phải
nhờ những con mắt thần “thiên lý nhãn” của phương tiện khoa học, kỹ thuật mới
theo kịp loài chim báo bão, biết trước sự vận hành của thời tiết; nhưng vẫn còn
mịt mờ với bao nhiêu biến động thường xuyên trong lòng đất và ngoài vũ trụ. Ai biết trước được bão tố, cuồng lưu, sóng thần,
động đất sẽ đến khi nào. Trước thiên nhiên,
con người nhỏ bé vừa nông nổi tự hào về những tiến bộ của khoa học trong thế kỷ
20, bỗng chững lại trước trước những biến dịch không lường từ bên ngoài vũ trụ. Con người cầm vũ khí nguyên tử trong tay mà
run sợ về sự mong manh của mình trước những cơn bão từ trường, những lối vận hành
khốc liệt của các thiên thể, những sự va chạm của thiên hà mà trái đất này còn
bé mọn và mau tan hơn cả một hạt bụi trần.
Những người
ở riêng trong lĩnh vực tâm linh và khoa học càng ngày càng gần nhau hơn qua dòng
tâm cảm và qua kiến thức, suy tư về một khái niệm truyền thống dường như bí ẩn
nhưng càng ngày càng hiện ra rõ mặt. Đó
là ngưồn năng lượng tự nhiên và thiêng liêng trong đời sống vũ trụ và trên hành
tinh này. Nguồn năng lượng tuy không hình,
không dáng, rỗng lặng nhưng lại bao la, bát ngát, bao trùm hết thảy. Nó phi thời gian, phi không gian, phi hình tướng
nhưng ở đâu, nơi đâu và thời nào cũng có.
Nó thu liễm và phát tiết ra thành những làn sóng vô hình. Khi những cơn sóng có cùng tần số thì bắt gặp
nhau, giao thoa với nhau để tạo thành một loại năng lượng mới tạm thời hay dài
lâu: Sóng lành kết tụ thành năng lượng lành
đầy vui tươi, nhẹ nhàng, an lạc và giải thoát. Sóng dữ kết tụ thành năng lượng
dữ đầy cuồng nộ, tàn phá và đổ vỡ tang thương.
Mỗi sinh vật là một đối thể cô đơn nhưng thường tại và năng động để thu
và phát năng lượng qua những tần số mang sóng lành hay dữ. Con người vừa cô đơn, vừa “độc tôn” vì ai ăn
nấy no, ai dò nấy biết. Những thần thánh
và những nhà tiên tri là những “trạm” thu và phát sóng có tần số diệu kỳ chứ không
phải là nguyên nhân tạo sóng. Gần gũi với
các bậc thiện lành chân chính, bất cứ trong lĩnh vực nào, con người cũng sẽ được
lợi lạc thu nhiễm được định lực của những lượn sóng lành qua tâm, qua trí.
Đức Phật xuống
đời mang cho đời một nguồn an lạc. Sóng lành mùa Phật Đản từ mấy nghìn năm trước
không biết có khác chi mấy nghìn năm sau. Nhưng con người bỗng thấy gần nhau hơn
và nhìn vào đất trời lộng gió sâu hơn qua hương sen trên hồ và tiếng chuông chùa
trầm ngân rơi dần vào tịch lặng.
Mùa Phật Đản
đầu tiên – mà thế hệ Chiến Tranh Việt Nam 4x & 5x chúng tôi được thấy – trên
quê tôi đang về có sớm quá hay muộn màng thì chỉ có những mùa sen trên Bàu Lộ
hay dưới những ao hồ mới biết. Đó là ngày
8 tháng Tư ta năm 1955, khi tôi 10 tuổi.
Những xóm nghèo trên quê tôi đón hòa bình vui như chim ca nắng mới. Chút yên ổn vừa hồi sinh sau ngày hòa bình trở
lại với hiệp định “Giơ neo” chia đôi đất nước năm 1954.
Trong ký ức
của tuổi thơ, tôi chỉ còn nhớ cái nền xi măng đầy gạch ngói vụn còn sót lại của
ngôi chùa Làng bị bom đạn tàn phá. Người
ta làm một cái rạp bằng tranh tre và lợp lá cau. Cũng có “lễ đài” dựng lên. Rơm rạ cột thành bó vuông chồng lên nhau làm
nền và bao quanh bằng những tấm cót đan bằng tre, nứa màu trắng đục. Lũ trẻ trong làng thích nhất là cái tượng “Phật
mới sinh” to bằng hai người thường, vừa được những nhà... nghệ sĩ nông dân
trong làng vẽ lên trên tấm cót có ba cây tre bắt chéo làm giá đỡ đằng sau. Tôi được nhìn tận mắt mấy chú trong làng dùng
mực xạ màu đen, củ nghệ màu vàng, hột mồng tơi màu tím, bao nhang dầm trong nước
màu đỏ và mực xanh bình dân học vụ để vẽ tượng Phật. Lần đầu, tôi được nhìn “ôn Phật” mới sinh, một
tay giơ lên trời, một tay chỉ xuống đất, môi đỏ chót, miệng cười toe... vui chi
lạ! Đã 56 năm rồi mà tôi vẫn chưa quên lời
bình luận của mấy bác trưởng tộc trong làng về bức tượng Phật Đản Sinh đầu tiên
trên quê tôi, rằng: “Mấy chú quen đi cày,
mạnh tay vẽ ông Phật mới sinh mà mặt mũi già khằn như ông cụ già 5, 6 mươi tuổi!” Ấy thế mà không sao cả. Nghe đâu lễ đài làng Liễu Hạ chúng tôi vẫn được
chấm hạng nhì trong toàn xã Hương Cần năm đó.
“Kính lão ngoan đồng cầu đắc thọ” chăng?!
Sớm mồng 8
tháng Tư ta là ngày Phật Đản. Mỗi làng là
một đơn vị rước Phật về tập trung trên đồng lúa mới gặt. Có một lễ đài chung cho cả 7 làng và 3 phe
trong xã. Cả 10 đơn vị sẽ cử hành chung
một lễ Phật Đản chính thức. Thuở đó, chưa
có Gia Đình Phật Tử trong địa phương. Sắp nhỏ có cha mẹ sinh hoạt ở chùa thì được
xếp vào hàng “thiếu nhi Phật tử”. Trong
mùa Phật Đản đầu tiên sau ngày hòa bình trở lại năm ấy, dân làng chúng tôi vốn đã
chịu nhiều tang thương và đau khổ của chiến tranh suốt mấy mươi năm, nên ai cũng
muốn gần gũi một chỗ dựa tinh thần an lành và vô sự. Hình ảnh ông Phật trầm tư muôn thuở và lời
kinh từ ái, thuận hòa của đạo Phật đến với dân làng như những giọt nước mát rưới
trên vùng khát vọng khô héo đã bao năm qua.
Bởi vậy, lễ rước Phật trong ngày
lễ Phật Đản nầy không ai chủ xướng vận động kêu gọi nhưng lại trở thành một ngày
lễ hội thân thiết với dân làng, những người sau cuộc chiến đang thiết tha tìm cầu
nẻo thiện.
Đám rước mộc mạc và đơn sơ nhưng ai
cũng nếm được chút hương vị đượm tình khó tả như mùi vị đồng chua nước mặn. Nắng mùa Xuân trên con đường Nhứt càng lên
cao, đám rước càng dài ra. Tự phát. Những Thiếu nhi Phật tử chúng tôi được xếp
hàng hai, mỗi đứa cầm một cây đèn ú, đi trước, ngay sau giá tượng “ôn Phật” có
hai lọng che. Tiếp theo có kiệu hương án
và hai giá trống chiêng; mỗi giá do hai người gánh. Đám thanh niên trong làng thay phiên nhau gánh
từ chùa Làng cho đến địa điểm hành lễ chung, đi bộ chừng một giờ. Tất cả
giàn giá là bộ đồ gánh đám ma của Làng được mượn tạm và trang trí, chế biến lại
theo “kiểu Phật” với nhiều chữ vạn, hoa sen và những đường hoa văn cắt xén đơn
sơ, thoáng nét vụng về nhưng đầy... hỷ xã.
Chúng tôi đã được tập dượt tối hôm qua tới khuya. Đám bé quê lần đầu được người lớn công nhận,
cho tham gia một vai trò lễ nghi trong một đám rước nên đứa nào đứa nấy đều
sung sướng và hãnh diện như cậu ấm về làng.
Bởi thế, đứa nào cũng mở hết khẩu độ bình sanh của tuổi hoa niên để vừa đi
vừa hát vang trời bài “Vui Mừng Gặp...” theo điệu đăng đàn cung: “Vui mừng gặp ngày nay, mồng 8 tháng
tư. Ngày khánh tiết, Phật Thích Ca ngài,
hiện về Ca Tỳ La Vệ trong đời khổ, vận đức từ bi...”
Tiếng hát vang lừng của tuổi thơ hòa với tiếng
chuông trống trầm hùng và lời niệm Phật của tuổi già tạo nên một đám rước rỡ ràng
đầy kính ngưỡng là “dấu Phật” in bóng trên đường quê sau ngày hòa bình trở lại. Phật Đản, không phải chỉ có một ngày mà là một
mùa kể từ khi đám sen trong hồ nhú lên và nứt ra từng lá mới cho đến những ngày
các chùa lắng lòng trong ba tháng an cư kiết hạ của chư Tăng, Ni và trãi dài
cho đến tháng Bảy ngày Rằm xá tội vong nhân.
Rồi thời gian đi qua, ngày Phật Đản
mồng 8 tháng 4 theo Trung Quốc thay đổi.
Bài “Vui mừng gặp ngày nay mồng 8 tháng Tư...” không còn hát nữa khi ngày
Phật Đản đổi sang Rằm tháng Tư theo truyền thống chung của Phật giáo Thế giới
chọn ngày trăng tròn tháng Năm làm ngày Phật Đản (Vesàkha, Vesak). Nói đúng hơn là Mùa Phật Đản vì thời điểm được
chọn theo Phật giáo của mỗi nước không giống nhau, thống nhất trong cùng một ngày
như ngày Chúa Giáng Sinh – Noel, Christmas... 25 tháng Chạp. Ngày 15 tháng 12 năm 1999, Đại hội đồng Liên
Hiệp Quốc đã chọn một ngày Văn Hóa Phật Giáo gọi là “Ngày Tam Hợp Thiêng Liêng Phật Đản” (The Thrice–Sacred Day of Vesak). Đây là một thời điểm biểu tượng bao gồm cả ngày
đản sinh, ngày thành đạo và ngày nhập diệt của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong
một thập niên qua, Phật giáo thế giới đã có ngày lễ hội Tam Hợp Phật Đản hàng năm
chung cho Phật giáo toàn thế giới, hay Phật giáo của nhiều nước trong từng vùng
địa lý thích ứng. Mùa Phật Đản 2600, tức
là 2011 theo lịch Công nguyên, Vesak nhằm vào ngày 17 tháng Năm. Lễ hội Phật Đản Vesak quốc tế năm nay sẽ được
tổ chức tại thủ đô Bangkok của Thái Lan từ ngày 11 đến ngày 16 tháng 5. Tuy nhiên Phật giáo của mỗi nước như Tích
Lan, Miến Điện, Trung Hoa, Đài Loan, Nhật,
Lào, Cam Bốt, Mã Lai, Việt Nam, Singapore, Úc... sẽ tổ chứa Vesak riêng. Tại các nước Âu, Mỹ thì Vesak được tổ chức
theo từng vùng. Như ở miền Bắc
California, lễ hội Vesak 2011 sẽ được tổ chức tại chùa Kim Quang, thành phố
Sacramento, trong hai ngày 28 và 29 tháng 5 với sự tham dự của các phái đoàn Phật
giáo thuộc nhiều nước đang sinh hoạt trong vùng.
Dẫu cho đứng
ở vùng đất hay thời điểm nào thì sự kết hợp giữa đời sống thể lý và tâm linh vẫn
là yếu tính của con người. Đạo Phật không
đem Đạo từ ngoài để gieo vào đời sống tâm linh của con người. Đạo Phật khơi mở để giúp con người thấy được
“Đạo” đang có sẵn trong chính lòng mình.
Có những tâm
hồn như “hóa Phật” khi tiếp cận với những năng lượng an lành trong mùa Phật Đản.
Người Việt chỉ mới đạt tới phần thẩm mỹ của tâm hồn khi thu nhiếp sóng lành mùa
Phật Đản. Nếp cũ tâm linh và văn hóa được
gọi là “đạo Thờ Cúng Ông Bà” của người Việt mới chỉ ở mức độ là phần cảm tính. Khái niệm tôn giáo dân gian của người Việt chưa
rõ ràng và lan tỏa trong đời sống văn hóa xã hội như tôn giáo dân gian Thần Đạo
(Shinto) của người Nhật Bản. Thần Đạo không
có kinh điển nhưng có tới 800 huyền thoại và chuyện thần thoại để làm căn bản
cho thế giới quan và nhân sinh quan của dân tộc họ. Trong khi nếp tâm linh dân gian truyền thống
của người Việt chúng ta vẫn còn mờ nhạt như những viễn mơ đầy sương khói.
Khác với hàng Tăng lữ Việt Nam xuất
gia là xuất thế, các thiền sư Nhật Bản đồng thời cũng là những đạo sĩ Thần Đạo
nhập thế. Từ thế kỷ thứ 6, đạo Phật đã hòa
quyện với Thần Đạo để hình thành một dân tộc tính vừa mạnh mẽ, vừa nhu hòa giúp
con người vươn lên trong tâm bình và trí lạc.
Trong thiên tai động đất và sóng thần kinh hoàng kéo theo hệ lụy vỡ lò
nguyên tử xảy đến cho dân Nhật trong tháng 3 - 2011 vừa qua đã làm cho toàn thế
giới sững sờ và kinh ngạc trước phản ứng đầy hy sinh, chịu đựng quá kham nhẫn và
chánh định của một dân tộc anh hùng. Nhật
có thể không bằng các nước Âu Mỹ hàng đầu về khoa học kỹ thuật. Nhưng trình độ dân trí, khí phách kiên cường
và lòng yêu nước, yêu dân tộc, yêu thiên nhiên và con người của dân tộc Nhật biểu
hiện trong cảnh tai ương nạn khổ của đất nước họ vừa qua, rõ ràng là chưa có nước
nào sánh kịp trong một hoàn cảnh tương tự.
Cộng đồng thế giới ngưỡng mộ phong cách trầm tĩnh tự điều phục, sự dấn
thân trong tinh thần kỷ luật cao độ, lòng hy sinh âm thầm không tên tuổi, tình
tự dân tộc dâng trào không băng cờ khẩu hiệu của người Nhật.
Một câu hỏi nổi lên tự nhiên là những
yếu tố tinh thần và văn hóa nào đã un đúc nên một dân tộc tính cao đẹp như thế. Có nhiều cách nhìn nhưng tựu trung có 4 hướng
chính: Đó là từ phía truyền thông đại chúng,
phía doanh nhân và khoa học kỹ thuật, phía chính trị cầm quyền và phía xã hội tôn
giáo. Những yếu tố hình thành và chi tiết
tạo tác tương ưng cái “tinh thần Nhật Bản” ấy tuy khác nhau nhiều về cách thế,
nhưng câu trả lời xương sống mà hầu như mọi phía đều đồng ý là: Dân tộc
Nhật Bản từ thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên đã sống và chiến đấu bằng tinh thần
Thần Đạo; nhưng cung cách xử thế tiếp vật trầm tĩnh, kham nhẫn và ý chí chịu
đựng để sáng suốt vươn lên trong mọi tình huống cay nghiệt nhất đã được un đúc
bằng tinh thần Phật Giáo. Dân Nhật có 130 triệu nhưng hơn 100 triệu là tín đồ
Thần Đạo Phật Đạo. Sự tĩnh tại của đạo Phật là một sức mạnh tinh thần nội tại. Tôn
giáo không khuất bóng trong những suy niệm siêu hình mà thể hiện thành một
“tinh thần Nhật Bản” có bản sắc dân tộc đầy dũng cảm, hy sinh, tự chế và tự trọng
làm cho thế giới nghiêng mình cảm phục.
Suốt 15 thế kỷ sóng lành của đạo Phật
đã thường xuyên có mặt bên cạnh những ngọn sóng thần đầy cuồng nộ – cả nghĩa đen
lẫn nghĩa bóng – trong dòng lịch sử nhiều thăng trầm của nước Nhật.
Nhà văn Trần
Mộng Tú đã có một đoạn viết rất đẹp về hình ảnh và tinh thần Võ sĩ Đạo –
Samurai – của Nhật: “Hầu hết những nguyên
tắc của Võ Sĩ Đạo đều dựa trên căn bản triết lý của đạo Phật và Thần đạo. Thần
đạo thiên về khía cạnh tích cực, hướng dẫn con người thăng hoa vật chất, phát
huy tối đa sự sáng tạo, xây dựng một xã hội vượt bực bằng tất cả khả năng của
mỗi cá nhân. Trong khi đó Phật giáo giúp cho con người nhìn thấy cái phù du của
đời sống, cái hư ảo của mất còn. Hai tôn giáo này đã nằm trong máu người dân
Nhật. Nên với những phẩm hạnh đó, các Samurai hành xử qua sự thấm nhuần tư
tưởng Phật Giáo, đặc biệt tinh thần an nhiên của Phật Giáo Thiền Tông, đơn giản
và tĩnh lặng. Họ trở thành những anh hùng đơn giản và bình tĩnh trước mọi tình
huống. Samurai tự coi mình mang vẻ đẹp thanh cao và lý tưởng của hoa Anh Đào.
Khi nắng xuân ấm áp những nụ hoa Anh Đào đang khép, nở bung ra, nó khoe tất cả
những nét đẹp tuyệt vời của từng cánh hoa. Nhưng khi một trận gió, một cơn mưa
xuân đến thổi tung cánh hoa lìa cành, nó cũng dâng hiến một trận mưa hoa ngoạn
mục trong không gian, để mọi người đứng ngẩn ngơ chiêm ngắm. Sống và chết, hoa
Anh Đào cùng khoe vẻ đẹp dù mong manh ngắn ngủi.”
Từ một vùng
quê Việt Nam vô danh sau chiến tranh như làng tôi cho đến điểm nóng trong mắt
nhìn thế giới như nước Nhật hôm nay, đạo Phật đã đến và ở lại không hồ nghi, phân
biệt. Tánh Phật giữa đời thường có khi
nhỏ bé và đơn sơ như một hạt cát: Lành.
Có khi cao rộng, thâm sâu mà vô tâm như suối nguồn hạnh phúc: Xả !
Năm nay, mùa
Phật Đản lại về trong khung cảnh toàn thế giới đang trải qua nhiều biến động chẳng
lành. Thiên tai xẩy ra liên miên ở nhiều
nơi gieo nhiều tang thương và bể khổ. Nhiệt độ trái đất đang nóng dần kéo theo
khả năng hủy diệt môi trường sống. Ngôn
ngữ súng đạn thay cho ái ngữ cảm thông thương thảo hòa bình trong quan hệ quốc
tế. Chỉ riêng tại xứ Hoa Kỳ nầy, đầu năm
ở miền Đông có những đàn chim hàng chục nghìn con đang bay rợp trời bỗng rơi xuống
chết đầy đường. Cùng thời gian động đất
xảy ra ở Nhật, ở bờ biển phía Tây Nam California, hàng triệu con cá chết đột ngột,
xác đóng dày bãi biển tới 30cm mà không hiểu nguyên nhân vì sao. Hiện tại, tin từ Florida
cho biết trong vùng vịnh Mexico
cực Đông Nam
của Mỹ, đang có hàng chục nghìn con cá voi khổng lồ kết thành một vòng tròn chợt
biến, chợt hiện chẳng biết vì lí do gì. Người ta lo ngại hiện tượng “chim sa cá...
chết” là điềm báo trước chuyện chẳng lành. Cho dẫu đó là những hiện tượng thiên
nhiên do sự biến động môi trường sinh thái đang âm ỉ hoặc bừng bừng diễn ra trên
địa cầu hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên
thôi, nhưng tại sao con người càng văn minh tiến bộ, càng no cơm ấm áo – cứ ngỡ
như đang đứng lấp ló ở cửa Thiên Đường,
Niết Bàn – lại càng canh cánh nỗi lo bên mình đến thế.
Điều nghịch lý đầy mỉa mai cho khát
vọng hòa bình an lạc của con người là phương tiện vật lý càng giàu có thì kết
quả tinh thần càng nghèo khó. Khoa học kỹ
thuật và giao thông vận tải phát triển, những tưởng càng ngày con người càng có
điều kiện đến gần nhau hơn. Nhưng thực tế
thì lại càng tạo ra mầm đối đầu và xung đột nhiều hơn là cảm thông và hóa giải. Môi trường truyền thông đại chúng như báo chí,
truyền hình, truyền thanh, mạng lưới vi tính, điện thư, điện thoại cầm tay...
ngỡ như giúp con người sống chan hòa, chia sẻ với nhau giữa lòng cuộc đời thì lại
càng làm cho những đối tượng hiểu lầm, cô đơn và xa cách nhau nhanh chóng hơn.
Phải chăng vì “một dòng nước trong
năm bảy dòng nước đục” đang xâm lấn địa cầu nên năng lượng lành càng ngày càng
mất. Sóng đời thô nhám quá nên khó bắt được sóng lành co rút lại, ẩn sâu kín
trong đáy lòng người khó ngoi lên được.
Đức Phật ra đời, đem đến cho trần
gian một pháp môn vi diệu nhất: Buông xả.
Khi tất cả đều trống không và rỗng lặng thì ôm đồm và khư khư nắm giữ gì
đây?! Đạo Phật kế thừa đem đến cho người phương thuốc thần diệu nhất: Thêm vui,
bớt khổ. Cho đến một ngày chỉ có toàn niềm
vui là ngày đắc đạo!
Ngày 31 tháng 3 năm 2011, một người
Nhật tên là Masaru Emoto, gởi điện thư cho nhiều người trên thế giới. Anh là một nhà khoa học và cũng là một nghệ sĩ,
tự nhận mình là một Người Mang Thông Tin của Nước (Messenger of Water). Trước hết anh chứng minh rằng, công thức về năng
lượng lừng danh của nhà bác học Albert Einstein, E=MC², thật sự có nghĩa
rằng: Năng lượng = Số người nhân với
bình phương của lương tâm. (Energy = Men × Conscience²) Bởi
thế theo sự hiểu biết và trải nghiệm của anh trong suốt 20 năm nghiên cứu và làm
việc với môi trường Nước thì nước thiên nhiên đã trở thành trong mát hơn khi nó
nhận những làn sóng rung động vi tế xuất phát từ tấm lòng lành cầu nguyện của
con người, bất luận dẫu cho sóng lành cầu nguyện đó ở cách xa bao nhiêu. Trong hoàn cảnh bi thảm của lò nguyên tử Fukushima bị rò rỉ sau trận
động đất tại Nhật, phóng xạ nguyên tử mang khả năng giết người và mọi loài sinh
thể đã tìm thấy lan vào trong vùng nước xung quanh. Theo Emoto, sự khôn ngoan của trí tuệ con người
chưa đủ cứu nguy khi sóng nước thiên nhiên đã và đang đến hồi cuồng nộ, nhất là
dòng nước bị con người đưa vào lò phản ứng nguyên tử để làm dịu lại nguy cơ nóng
chảy các thiết bị kích hoạt phản ứng. Cần
phải có sóng lành của tâm hồn mới mong góp phần cứu khổ. Anh tha thiết khẩn cầu nhân loại trên toàn thế
giới đúng 12:00 giờ trưa hôm nay tại múi giờ của mình, xin lắng lòng cầu nguyện
để chuyển tải năng lượng lành tới cứu nguy cho vùng đất trời đang bị nạn. Lời cầu nguyện: “ Xin hướng về Nước của Lò Nguyên Tử Fukushima, chúng tôi xin tạ lỗi đã làm cho
Nước phải chịu đựng khổ đau. Xin tha lỗi
cho chúng tôi. Xin cảm tạ Nước với lòng
yêu thương.” (The Water of Fukushima
Nuclear Plant, we are sorry to make you suffer.
Please forgive us. We thank you
and we love you.) Một lời nguyện đơn giản thế thôi, nhưng nếu được cả hàng
tỷ người cùng phát sóng từ trái tim mình, năng lượng giao thoa sẽ có hùng lực
không thể nghĩ bàn, xoay chuyển được những chuyển động của vũ trụ.
Không phải chỉ có ngày hôm nay mà ước
mong mùa Phật Đản năm nay và mãi mãi rằng, chỉ có sóng lành trôi chảy trong tâm
thức của nhân gian để cho bụi đời lắng xuống: Một con nước đục, một chục dòng
trong. Chỉ có sự trong ngần mới thấy được
nhau để cảm thông và hóa giải.
Sacramento, mùa Phật Đản 2600; Vesak 2011
Trần Kiêm Đoàn