14/03/2012 17:56 (GMT+7)
Số lượt xem: 123155
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thất Lắng Nghe, ngày 30/7/2004

Khánh Như con!

Thầy đã nhận hai lá thư của con từ Hà Nội và cũng đã mấy lần nghe con nói qua điện thoại. Thầy hiểu và thương con lắm.

 Nay, có cơ duyên, Thầy viết thư cho con, mong con khỏe, vững tiến trên bước đường mà con đã lựa chọn.

Và để giúp con, Thầy muốn chia sẻ với con những điều sau đây:

- Bản chất của chanh

Bản chất của chanh là chua, dù là chanh ở nơi nào, được trồng và chăm sóc ở bất cứ vùng đất nào, ngay cả những vùng đất “hứa”.

Chanh là chua, đó là một sự thật. Biết như vậy đó là biết đúng sự thật, thấy như vậy là thấy đúng sự thật, cảm nhận như vậy, là cảm nhận đúng sự thật, nói như vậy là nói đúng sự thật. Sự thật thì lúc nào và ở đâu cũng có giá trị.

Nếu cây chanh từ chối bản chất chua của nó, thì sự hiện hữu của cây chanh mất hết ý nghĩa. Vì sao như vậy? Vì cây chanh đóng góp cho cuộc đời và làm lợi ích cho mọi người bằng chất chua của nó. Và nếu chanh hết chất chua, thì vỏ chanh liền bị người đời liệng vào sọt rác, và cây chanh cũng bị người ta chặt gốc con ạ!

- Những làn sóng bạc

Thời gian vừa qua, Thầy đau phải về quê tĩnh dưỡng hai tuần, sáng nào Thầy cũng ra biển thở, thiền hành, ngắm mặt trời lên và ngắm những làn sóng bạc.

Con ơi! Thức ăn bổ dưỡng nhất của con người không có gì hơn là không khí trong lành và yên tĩnh. Thầy nhờ khung cảnh này, mà sức khỏe tự nó phục hồi một cách nhanh chóng.

Mỗi lần thở vào và thở ra, Thầy thấy phổi, tim, gan, dạ dày, ruột già, ruột non, máu, hệ thần kinh đều liên kết với nhau và có mặt trong nhau một cách kỳ lạ. Trong các bộ phận ấy của thân thể, không có bộ phận nào lạm dụng và ăn hiếp nhau cả. Cho nên một lần thở có ý thức là một lần hạnh phúc con ơi!

Và khi đi thiền hành trên bờ biển, Thầy thấy những làn sóng nào mà từ ngoài khơi đã lên cao, thì những làn sóng ấy bị tan vỡ trước khi vào bờ. Và con biết không, những con sóng dù lớn mạnh và dữ dội đến mấy, nhưng khi chạm vào bờ đều tan tành và trở thành những bọt nước tí teo và mong manh.

Cũng vậy, ở đời cái gì muốn lên cao phải lên cao từ cái thấp, nhưng cái thấp mà lên cao quá dung lượng của mình thì dễ bị sụp đổ.

Con ơi! Thầy không muốn con là những làn sóng bạc kia mà muốn con là đại dương, để mặt trời soi bóng, để cho mặt trăng tỏa chiếu và để cho những làn sóng bạc trở về sau khi chúng đã hăm hở chạm bờ.

- Thêm chút muối

Con biết không? Có người khách đến nhà của một người bạn ăn tiệc, tô canh bị lạt, người bạn thêm vào tô canh một tí muối, tô canh đúng khẩu vị, khiến mọi người đều ăn ngon. Xong tiệc, người bạn ấy trên đường về nhà vừa đi, vừa nghĩ, với tô canh thêm vào một tí muối mà ăn ngon đến như thế, huống hồ là bỏ cả muỗng muối vào tô canh thì ngon biết mấy. Khi về đến nhà, đúng bữa ăn, ông ta thực hiện theo ý nghĩ của ông, đem cả một muỗng muối đầy đổ vào tô canh, tô canh mặn chát, ông dùng không được, tô canh ấy phải bưng đi đổ.

Cũng vậy, sống ở đời, người không biết vừa phải, người ấy sẽ bị thất vọng từ chuyện này đến chuyện khác, người ấy không những bị thất vọng từ những việc lớn mà ngay cả việc nhỏ. Và người biết vừa phải thì người ấy lúc nào và ở đâu họ cũng có thẩm quyền để chế tác ra những chất liệu hạnh phúc và an lạc cho chính họ. Họ không tưởng tượng quá mức để đến nơi phải đi hỏng cẳng.

Con ơi! Người sống có hạnh phúc và an lạc, là do người ấy thấy được bản chất của cái đẹp mà không phải do tưởng tượng về cái đẹp. Người ấy sống hạnh phúc và an toàn là do họ thấy được bản chất của cái xấu mà không phải do cái xấu từ sự tưởng tượng.

Do thấy và biết như vậy, nên giữa cái xấu và cái đẹp của mọi người, họ đều sống có an toàn và hạnh phúc, họ không bị cái xấu, cái đẹp đánh lừa.

- Nói chuyện với lá gan

Ta giận và buồn ai là lá gan ta sẽ tiết ra nhiều chất độc để hủy hoại thân thể của ta. Nên, ta sống hoan hỷ và bao dung là ta đã giúp cho lá gan của ta rất nhiều. Trong nội tạng, gan có chức năng gạn lọc hết thảy chất độc từ các thực phẩm bên ngoài đưa vào. Và gan sẽ tiết ra chất độc khi ta có những nỗi buồn chạm tới ruột gan.

Mỗi khi ăn và uống ở trong chánh niệm để ta cùng với gan gạn lọc những chất độc hay chuyển hóa chất độc, thành những chất bổ dưỡng nuôi thân thể ta và ta phải buồn vui ở trong chánh niệm để ta cùng với gan tiết ra những chất liệu lành mạnh nuôi thân tâm ta trong đời sống hạnh phúc và an lạc.

Con ơi! Thầy muốn con nói chuyện và cười với lá gan của con mỗi ngày, bằng năng lượng thực tập chánh niệm để mỗi ngày nỗi vui buồn trong con đều được thăng hoa và Bồ đề tâm trong con càng lúc càng vững chãi.

-Màng nhĩ

Hiệu năng của màng nhĩ là chắt lọc những âm thanh tạp từ bên ngoài, khiến cho thính giác khỏi bị ô nhiễm và tạo ra một sự nghe chuẩn xác.

Ta nghe mà không lọc, tâm ta sẽ bị rối bời. Lại nữa, sự chấp ngã và tôn vinh cái tôi là bản chất cố hữu trong mỗi con người chúng ta. Nên ta nghe ai khen ta, thì ta thích, ta nghe ai chê ta, thì ta buồn. Ta nghe như vậy là nghe mà không lắng. Ta nghe như vậy là nghe mà không có chất liệu của Niệm, Định, Tuệ.

Ta nghe theo bản tính của cái tôi của ta như vậy, thì ta sẽ làm trò chơi cho những kẻ dối láo, và chắc chắn, nếu ta làm vua thì sẽ mất nước, ta làm dân thì sẽ mất vua, ta làm chồng thì sẽ mất vợ, ta làm vợ thì sẽ mất chồng, ta làm cha mẹ thì sẽ mất con cái, ta làm con cái thì sẽ mất cha mẹ, ta làm thầy thì sẽ mất trò, ta làm trò thì sẽ mất thầy và ta làm bạn bè với nhau thì sẽ mất nhân nghĩa, trung tín.

Vậy, con ơi! Thầy muốn con nghe mọi âm thanh của cuộc đời với đôi tai có màng nhĩ của Niệm, Định và Tuệ. Nghe bằng đôi tai nầy, con sẽ không bị những âm thanh dịu ngọt mà trống rỗng của thế gian đánh lừa và con cũng chẳng có gì để sợ hãi khi hai tai con chạm vào những âm thanh khô cứng của những viên đá cuội cọ xát vào nhau.

-Những hạt mưa

Những hạt mưa mùa đông, chúng tầm thường và vô nghĩa làm sao! Nhưng, những tia nắng mùa đông thật là vô cùng có ý nghĩa và hết sức giá trị. Cũng vậy, những tia nắng mùa hạ của Huế thật dễ ghét làm sao! Vì chúng đã làm cho cây cối héo hắt, làm cho con người oi bức khó chịu. Nhưng, những cơn mưa mùa hạ, thật là niềm khát khao của người dân Huế.

Những cơn mưa mùa đông ở Huế là rất thuận với thời tiết, bởi vì là mùa đông ở Huế mà! Và những cơn nắng ở Huế là rất thuận với thời tiết, vì là thời tiết mùa hạ ở Huế. Những tia nắng mùa đông, những cơn mưa mùa hạ đều là trái với thời tiết ở Huế. Nhưng những khi những cơn mưa và những tia nắng này xuất hiện, thì đem lại cho con người và cảnh vật Huế rất nhiều niềm tin vui và hy vọng.

Cũng vậy đó con! Sống ở đời có những cái thuận mà không vui, có những cái nghịch mà vui con ạ!

- Một búp măng!

Con ơi! Bụi trúc ở bên cạnh phòng khách của Thất Lắng Nghe mùa hè này, có sinh ra một búp măng thật bậm bạp. Mấy dì và mẹ con lên thăm Thầy, Thầy chỉ vào búp măng mà nói: “Búp măng ở bụi trúc nơi Thất Lắng Nghe, nó lớn lên thật thanh bạch và hùng tráng làm sao! Nó thanh bạch và hùng tráng là do nó có gốc rễ và chất liệu từ những cái sinh ra nó”.

Con biết không? Bụi trúc ở Thất Lắng Nghe, nó bị ăn hiếp bởi cây mai cổ từ bên ngoài và nó bị áp bức bởi ba bức tường từ ba phía bên trong, dưới gốc của nó lại là sỏi đá. Một bụi trúc như vậy mà còn phải sống trong hoàn cảnh mùa hạ của Huế nửa, thế mà vẫn xanh tươi và lại còn sinh ra những thế hệ tương lai, rồi nuôi dưỡng thế hệ ấy một cách thanh bạch và hùng tráng nữa.

Con ơi! Vào những buổi sáng, trước khi đi thiền với đại chúng, Thầy ngồi yên lặng học hạnh của trúc và mỉm cười với nó. Thầy cũng muốn con mỗi ngày nhìn vào những bụi trúc của Làng Mai để học theo hạnh và mỉm cười với nó.

- Chùm hoa Mưng

Hồ Sao Mai ở chùa Từ Hiếu có những gốc Mưng già mà cách đây 6 - 7 năm Sư Ông Thiện Hạnh cùng với quý Thầy Tăng sinh đi bứng từ những vùng quê đất cát, hay những nơi hoang dã đem về trồng ở hồ Sao Mai chùa Từ Hiếu, nay những gốc Mưng già ấy trẻ lại và lại ra hoa màu hồng thật đẹp. Những cánh hoa Mưng màu hồng bị những chú ong bướm trêu chọc, nhưng những cánh hoa ấy không chịu và chấp nhận rơi xuống nằm yên trên mặt hồ phẳng lặng. Một bông hoa từ một chùm hoa rơi xuống, cứ như thế một bông hoa từ những chùm hoa Mưng rơi xuống, nằm yên trên mặt hồ Sao Mai phẳng lặng, chúng liên kết lại với nhau trở thành như một tấm thảm hồng tươi, óng ánh dưới ánh nắng mặt trời ban mai, tạo nên một bức tranh kỳ diệu.

Những gốc Mưng già ngày xưa khô cứng, nhưng bây giờ chúng lại nở hoa! Và hoa rơi kết thành những tấm thảm.

- Một trái tim

Con ơi! Trong việc lựa chọn hướng đi cho cuộc sống, con có cái đúng của con và ba con cũng có cái đúng của ba con, con ạ! Cái đúng của con là cái đúng của tuổi trẻ, cái đúng của những người mang đầy nhiệt huyết. Và cái đúng của ba con là cái đúng của một người lớn, cái đúng của một nhà giáo, cái đúng của một người gia trưởng. Đứng trước hai cái đúng ấy, mẹ con phải hành xử thế nào cho cái đúng của ba con và cái đúng của con đều có mặt một cách toàn vẹn trong trái tim của mẹ. Một trái tim chịu đựng để hai mũi tên “đúng” găm vào mà không làm cho ai thương tích. Trái tim ấy là trái tim Bồ Tát đó con ạ!

- Cả tấm lòng

Có những chiều chủ nhật, Minh, Quyên, Tuấn, Cúc, Hà, dì Mỹ, mẹ con, Từ Liêm cũng có khi có cả dì Ý, chị Nhạn và chị Bé Đen nữa, đều quây quần ở Thất Lắng Nghe cùng với Thầy ăn bánh bột lọc, hoặc bánh cuốn. Không khí Thầy trò đạo vị và hạnh phúc làm sao! Trong hạnh phúc ấy, ai cũng nhắc đến con, để phần cho con. Như vậy, dù con đang ở xa, nhưng con đang cùng với mọi người có mặt ở đây, ai cũng thương con cả. Mẹ con vừa ăn, vừa khóc, vì nhìn Minh - Quyên, Hà, Tuấn - Cúc mà nhớ đến con, mẹ con nhớ con lắm con ạ. Trước mặt ba con, thì mẹ thu giấu nỗi nhớ về con, nhưng sau lưng ba con là mẹ con khóc và nhớ con nhiều lắm. Và ba con cũng vậy, làm bộ như nghiêm và tĩnh, nhưng thật ra thương và nhớ con đứt ruột con à! Mẹ Mỹ cũng vậy, mỗi lần nhắc đến tên con là mặt mày mếu máo. Đúng như con đã viết thư cho Thầy, là con không có bệnh gì cả, chỉ có bệnh nhớ nhà thôi. Nhớ, không phải là bệnh của riêng con, mà bệnh của tất cả mọi người, khi sống xa nhà và xa người mình thương yêu.

Nhưng, con ơi nói chuyện nhớ thương khi xa nhà đến bao giờ cho cùng! Vậy, con hãy cố gắng lên, chuyển hóa sự nhớ thương bằng tất cả tấm lòng học tập và thỉnh thoảng con gởi nỗi nhớ thương theo mây trời về mưa trên phố Huế, để nơi đây lắng bụi ưu phiền và cây chanh vẫn còn giữ mãi chất chua của nó, làm mát lại giữa cơn nắng trưa hè.

Và cuối thư, Thầy trò mình không bao giờ hứa gặp nhau nơi một cõi thiên đàng, mà hứa gặp nhau nơi một cõi lòng chân thật, nghe con!

Thích Thái Hòa


http://www.thuviencophap.org/2012/03/gap-nhau-noi-mot-coi-long-chan-that.html

Âm lịch

Ảnh đẹp