Đức
Thế Tôn thành đạo bằng con đường nào? Bằng con đường chí thiện, có nội
dung đoạn trừ các lậu hoặc, để thành tựu Niết-bàn và giáo hóa chúng
sanh.
- Điểm Đến Chí Thiện
Sau những ngày từ bỏ vương cung, cạo bỏ
râu tóc, mặc áo hoại sắc, làm người xuất gia, Thế Tôn nói: “Mặc dù cha
mẹ không bằng lòng, than khóc nước mắt đầy mặt, ta vẫn cạo bỏ râu tóc,
đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống đời sống thoát ly gia đình.
Ta xuất gia như vậy, kẻ đi tìm cái gì chí thiện, đi tìm con đường vô
thượng tối thắng, hướng đến tịch tịnh”.[1]
Như vậy, điểm cùng
đích mà khi xuất gia Thế Tôn hướng tới là điểm chí thiện. Cùng đích của
chí thiện là Diệt đế tức là Niết-bàn hay tịch tịnh tuyệt đối. Vì sao? Vì
nó là đời sống không còn bị sanh, già, bệnh, chết chi phối. Cùng đích
của chí thiện là vô sanh, bất diệt, nơi không còn bất cứ một bóng dáng
nào của tham dục và ngã tưởng.
- Đường Lớn Mở Ra
Thế Tôn đã đi đến cùng đích của chí thiện bằng con đường nào? Bằng con đường Thánh đạo tám chi.
Do
đi trên cao đường nầy, Thế Tôn đã vượt ra khỏi hai cực đoan là khổ hạnh
ép xác và buông lung trong các dục. Sống với đời sống ép xác khổ hạnh,
khiến con người có cái nhìn lãnh cảm với cuộc đời và hờ hững với những
gì đang hiện hữu; và sống với tâm buông lung trong các dục, khiến cho
con người quá nhiệt tình với các nhu cầu của lòng tham, nên bị mù quáng
và chết điếng bởi nó.
Nên, Thánh đạo tám chi, con đường vượt ra
khỏi hai cực đoan ấy, để đi đến cùng đích của chí thiện và Thế Tôn đã đi
đến cùng đích ấy bằng con đường nầy.
Vì vậy, đức Thế Tôn nói:
“Nầy các Tỳ-kheo! Quý vị tu tập, cần phải từ bỏ hai cực đoan ấy. Tôi sẽ
nói cho quý vị biết về con đường Trung đạo, quý vị phải hết lòng nghe,
ghi nhớ và nỗ lực thực hành!
Thế nào là con đường Trung đạo? Đó
là Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh
tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Con đường đủ tám yếu tố như vậy, gọi
là Trung đạo. Đây là con đường đi tới an lạc, trí tuệ,giác ngộ và
Niết-bàn”. [2]
Như vậy, Thế Tôn thành đạo là do Ngài đã tự mình
đi trên con đường nầy và con đường lớn đã mở ra, dẫn Ngài đến chỗ an lạc
chí thiện, trí tuệ minh triệt, giác ngộ tối thượng và Niết-bàn tuyệt
đối.
- Đoạn Trừ Lậu Hoặc Và Chứng Tam Minh
Thế
Tôn đoạn trừ các lậu hoặc bằng con đường nào? Bằng con đường thiền quán
với sự có mặt của Chánh tư duy, sau khi đã đi qua hỷ lạc, do các loại
thiền định từ Sơ thiền đến Tứ thiền đem lại, Ngài dừng lại ở nơi Tứ
thiền, với tâm thuần tịnh, không còn các bóng dáng của khổ thọ, lạc thọ,
ưu thọ, hỷ thọ và niệm tưởng, và bấy giờ Ngài đi vào thiền quán, lấy
“lão tử” làm đối tượng tư duy để thấy rõ “sanh”; lấy “sanh” làm đối
tượng tư duy để thấy rõ “hữu”; lấy “hữu” làm đối tượng tư duy để thấy rõ
“thủ”; lấy “thủ” làm đối tượng tư duy để thấy rõ “ái’; lấy “ái” làm đối
tượng tư duy để thấy rõ “thọ”; lấy “thọ” làm đối tượng tư duy để thấy
rõ “xúc”; lấy “xúc” làm đối tượng tư duy để thấy rõ “lục nhập”; lấy “lục
nhập” làm đối tượng tư duy để thấy rõ “danh sắc”; lấy “danh sắc” làm
đối tượng tư duy để thấy rõ “thức”; lấy “thức” làm đối tượng tư duy để
thấy rõ “hành”; lấy “hành” làm đối tượng tư duy để thấy rõ “vô minh”;
lấy “vô minh” làm đối tượng tư duy để thấy rõ “vô minh” diệt, thì “hành”
diệt; “hành” diệt, thì “thức” diệt; “thức” diệt, thì “danh sắc” diệt;
“danh sắc” diệt, thì “lục nhập” diệt; “lục nhập” diệt, thì “xúc” diệt;
“xúc” diệt, thì “thọ” diệt; “thọ” diệt, thì “ái” diệt; “ái” diệt, thì
“thủ” diệt; “thủ” diệt, thì “hữu” diệt; “hữu” diệt, thì “sanh” diệt;
“sanh” diệt, thì “lão tử” diệt.
Sau khi đã tư duy và thấy rõ như
vậy, Ngài liền thấy và biết một cách như thật rằng, chính “ái, thủ và
hữu” là tác nhân và tác duyên hiện tại để “sanh lão tử” có mặt; và “vô
minh, hành” là tác nhân, tác duyên quá khứ để cho “thức, danh sắc, lục
nhập, xúc và thọ” có mặt, và toàn bộ “khổ uẩn” đời nầy và đời sau có
mặt, nên Ngài đã dùng năng lực của Giới, Định và Tuệ hay các yếu tố trợ
đạo và chánh đạo, để chặt đứt “ái, thủ và hữu”; chặt đứt “vô minh và
hành”, khiến các lậu hoặc đều dứt sạch; và bằng tuệ giác, Ngài đã soi
chiếu vào tự thân, thấy rõ nhân duyên của mình, từ một kiếp, hai kiếp
cho đến vô lượng kiếp, trong quá khứ với tên như vậy, với dòng họ như
vậy, với cha mẹ như vậy, với quốc độ như vậy, với hành nghiệp như vậy...
với sự thấy rõ như vậy,gọi là Túc mạng minh. Ngài đã chứng minh nầy,
cuối canh một của đêm Thành đạo.
Tiếp tục thiền quán, Ngài dùng
tuệ giác để soi chiếu nhân duyên và nghiệp quả của chúng sanh, Ngài đã
thấy rõ nhân duyên và nghiệp quả của những loài chúng sanh sinh ra từ sự
ẩm ước; từ trứng; từ thai; và từ sự biến hóa. Sự thấy rõ như vậy, gọi
là Thiên nhãn minh. Ngài chứng minh nầy vào cuối canh hai của đêm Thành
đạo.
Ngài vừa chứng Thiên nhãn minh, thì ngay lúc ấy, sấm sét nổ
tung vang trời, mưa bắt đầu tuôn xuống xối xả. Nhưng Ngài vẫn điềm nhiến
bất động, dẫn tâm hướng đến Lậu tận trí và biết đúng như thật: đây là
khổ; đây là tập khởi của khổ; đây là sự vắng mặt của khổ; và đây là con
đường chấm dứt sự khổ.
Sau khi đã có Chánh kiến như vậy rồi, Ngài lại tiếp tục quán chiếu để thấy rõ:
“Đây là những ước muốn mê lầm. Đây là những kiến thức mê lầm. Đây là những mê lầm do vô minh.
Đây
là nguyên nhân của sự ước muốn mê lầm. Đây là nguyên nhân của những
kiến thức mê lầm. Đây là nguyên nhân của sự mê lầm do vô minh.
Đây
là sự vắng mặt của những nguyên nhân mê lầm. Đây là vắng mặt nguyên
nhân của những kiến thức mê lầm. Đây là sự vắng mặt của những nguyên
nhân sinh khởi vô minh.
Đây là con đường đưa đến sự diệt tận
những ước muốn mê lầm. Đây là con đường đưa đến sự diệt tận những kiến
thức mê lầm. Đây là con đường đưa đến sự diệt tận những mê lầm do vô
minh”.
Bằng con đường thiền quán, soi rọi tâm thức như thế, Ngài
đã loại trừ hết thảy dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Ngài tự biết mình đã
giải thoát hoàn toàn, không còn bị ràng buộc bởi bất cứ lậu hoặc nào và
tự tuyên bố:
“Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc đáng làm đã làm xong, vĩnh viễn không còn tái sanh nữa”.
Với
Chánh kiến đối với các lậu hoặc ở nơi tự tâm như vậy, gọi là Lậu tận
minh. Ngài đã chứng được minh nầy, vào cuối canh ba của đêm Thành đạo.
Cùng
ngay lúc ấy, Ngài quán chiếu, thấy rõ mọi nhân duyên của hết thảy mọi
ngôn ngữ và âm thanh, nên Ngài đã chứng Thiên nhĩ thông. Tiếp tục thiền
quán, Ngài chứng được Tha tâm thông, biết rõ tâm của hết thảy chúng
sanh. Và ngay sau đó, Ngài chứng luôn Thần túc thông, không còn bất cứ
một chướng ngại nào đối với bước chân đi của Ngài.
Chướng ngại đã qua, nắng ấm đã lên, Ngài nhìn muôn vật mỉm cười và tự nhủ:
“Cửa vô sanh bất diệt đã mở ra, Đạo lớn đã thành”. Bấy giờ là vào ngày mồng 8 tháng 12 âm lịch, lúc Ngài 35 tuổi.[3]
- Thành Đạo Và Hoằng Pháp
Sau
khi đức Thế Tôn, đoạn sạch hết thảy lậu hoặc, chứng đắc Tam minh và
thành tựu Lục thông, Ngài thành bậc Như Lai, A-la-hán, bậc Vô thượng
giác với đầy đủ mười phẩm tính giác ngộ.
Ngài nói: “Này các Tỳ
kheo! Trong toàn thể thế giới, Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới,
cùng với quần chúng Sa môn, Bà la môn, chư Thiên và loài Người, Như Lai
là bậc chiến thắng, không bị chiến bại, toàn tri, toàn kiến, được tự
tại, do vậy được gọi là Như Lai”.[4]
Và ở trong kinh Mật Hoàn,
đức Thế Tôn đã khẳng định sự thuyết pháp của Ngài cho những người chất
vấn rằng: “Ngài thuyết pháp không phải để tranh luận với một ai giữa
đời”.[5] Và Tôn giả Mahakaccana đã nói cho các hiền giả về sự thuyết
pháp của Thế Tôn rằng: “Thế Tôn biết những gì cần phải biết, thấy những
gì cần phải thấy, Ngài trở thành vị có mắt, trở thành vị có trí, trở
thành Chánh pháp, trở thành Brahma, vị thuyết giả, diễn giả, vị đem lại
mục tiêu, vị trao cho bất tử, vị Pháp chủ, NhưLai”. [6]
Sau khi
thành đạo, với cái biết như vậy, với cái thấy như vậy, với Chánh pháp
như vậy... sau nhiều tuần lễ yên lặng quán chiếu, Ngài đã thương đời,
thương chúng sanh chìm đắm trong vô minh khổ hải sinh tử, nên Ngài đã
đến vuờn Nai để chuyến vận Pháp luân, kêu gọi năm anh em Kiều Trần Như,
nên từ bỏ hai cực đoan: một là ép xác khổ hạnh; hai là buông lung trong
các dục; và hãy thực hành Trung đạo là Bát chánh đạo. Sau đó Ngài chuyển
vận pháp luân Tứ Thánh Đế ba lần gồm: thị chuyển, khuyến chuyển và
chứng chuyển với đầy đủ mười hai hành tướng cho năm anh em Kiều Trần
Như. Từ đó Phật, Pháp, Tăng có mặt một cách đầy đủ cả sự và lý ở trong
thế gian. Phật là đấng Thế Tôn, Pháp là Bát Thánh đạo, trục quay của Tứ
Thánh Đế và Tăng đoàn có mặt đầu tiên là năm anh em Kiều Trần Như, được
thiết lập trên nền tảng Thánh đạo với bản thế thanh tịnh và hòa hợp.
Bấy
giờ, Tăng đoàn của Thế Tôn càng ngày càng lớn mạnh, chánh pháp càng lúc
càng được tuyên dương rộng rãi, rạng ngời khắp xứ Ấn độ bấy giờ.
Đối
với sự nghiệp hoằng pháp, đức Thế Tôn dạy: “Như Lai hay đệ tử Như Lai
thuyết pháp để bạt trừ tất cả nỗ lực thiên kiến, tùy miên về mọi chấp
trước kiến xứ, sự an tịnh của mọi hành động, sự vứt bỏ mọi chấp trước,
sự diệt trừ khát ái, để đưa đến ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”.[7]
Như
vậy, sau khi thành đạo, đối với con đường hoằng pháp, Ngài nói: “Ngài
thuyết pháp không quan tâm đến sự tôn trọng hay không tôn trọng của thế
gian mà vì là trách nhiệm của Ngài đối với đời”.[8]
Nói một cách
khác, vì thương chúng sanh thọ khổ mà Phật có mặt ở trong thế gian và
thuyết pháp, giáo hóa đem lại Chánh kiến và sự an ổn cho cõi đời. Trong
sự giáo hóa và thuyết pháp của Ngài đã có sự thống nhất và xuyên suốt
một mục đích duy nhất như Ngài nói: “Chư Tỳ kheo! Xưa cũng như nay, Ta
chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ”.[9]
Với lý tưởng hoằng pháp để
diệt khổ cho chúng sanh, Thế Tôn sau khi thành đạo, Ngài đã lên đường
chuyển vận bánh xe chánh pháp đầu tiên tại vườn Nai và thành lập Tăng
đoàn, để cùng Ngài hoằng pháp, đem những điều tốt đẹp, cao quý do Ngài
đã giác ngộ truyền bá cho nhân loại khắp cả muôn nơi.
Giáo lý do
Ngài giảng dạy không hề có sự tranh hơn thua với ai, mà chỉ nhắm thẳng
tới sự diệt tận khổ đau cho con người, nếu con người biết chấp nhận
pháp, nương tựa pháp và hành trì theo pháp, thì nhất định ngay trong đời
sống nầy khổ đau sẽ bị diệt tận.
Ở trong các kinh điển, đức Phật
đã dạy rằng: “Những ai đến với Ngài không phải để nói hay để tranh cãi
mà đến để thấy và chứng ngộ”.
Tăng đoàn có mặt giữa cuộc đời và
đi khắp thế gian, cũng chỉ vì mục đích ấy, chứ không vì bất cứ mục đích
nào khác. Nghĩa là không tranh giành hơn thua với ai, với đoàn thể nào,
mà chỉvì lợi ích và an lạc cho đa số; vì lòng thương đối với cuộc đời,
mà thuyết pháp giáo hóa chúng sinh, khiến cho chúng sanh không bị tham
dục, sân hận và si mê ám hại, như đức Phật nói ở trong kinh Đại bổn:
“Này
các Tỳ kheo! Hãy đi cùng khắp, vì hạnh phúc cho đại chúng, vì an lạc
cho đại chúng, vì lòng thương tưởng với đời, vì hạnh phúc, vì lợi ích,
vì an lạc cho loài người, loài trời. Chớ có đi hai người cùng một chỗ.
Này
các Tỳ kheo! Hãy thuyết giảng Chánh pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu
thiện, nghĩa lý đầy đủ, văn cú vẹn toàn. Hãy nêu rõ đời sống phạm hạnh
hoàn toàn thanh tịnh. Có những chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nếu không
được nghe giảng Chánh pháp sẽ bị nguy hại”.[10]
- Kỷ Nguyên Mới
Như
vậy, ta thấy ngày Thành đạo của đức Thế Tôn đã mở ra cho nhân loại một
kỷ nguyên mới. Một kỷ nguyên của Chánh kiến, thấy rõ thế gian là vô
thường và những gì cấu tạo nên nó chỉ là do quan hệ duyên khởi và trống
rỗng tự ngã. Những nỗi khổ đau của con người ở trong thế gian không do
một ai có thẩm quyền áp đặt, mà chính là do lòng tham dục, tính hận thù
và sự kiêu căng nơi tâm họ tạo nên.
Tâm cũng vô thường như bất cứ
những sự vô thường nào ở trong thế gian, nên những khổ đau của con
người không phải là tuyệt lộ. Nó có thể thay đổi khi nhân và duyên của
của nó được thay đổi. Nhân và duyên làm thay đổi khổ đau của thế giới
con người là Bát Thánh Đạo. Thực hành Bát Thánh Đạo, do đức Phật công bố
tại vườn Nai, sau khi Ngài thành đạo, trong thời thuyết giảng đầu tiên
cho năm anh em Kiều Trần Như, thì những khổ đau của thế giới con người
sẽ bị diệt tận.
Nên, ngày Thành đạo của Thế Tôn đã mở ra cho nhân
loại, một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên của Chánh kiến, Chánh tư duy,...
từ bậc Giác ngộ hoàn toàn. Và một niềm tin mới, một niềm tin mọi khổ
đau của con người có thể diệt tận và hạnh phúc, an lạc của con người có
thể có mặt ngay trong đời sống này.
Lại nữa, ngày Thành đạo của
đức Thế Tôn lại mở ra cho nhân loại một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên từ
bỏ mọi huyền đàm, suy tưởng, và phải biết đối diện với cái thực tế trước
mắt, là khổ và diệt khổ, bằng con đường thực nghiệm, đoạn tận phiền não
ở nội tâm, chứ không phải bằng con đường nô lệ thần linh qua việc tế
tự, lễ nghi để cầu xin ban ân sủng hay tìm cầu chạy bươn theo hướng trục
vật.
Lại nữa, ngày Thành đạo của đức Thế Tôn, đã mở ra cho nhân
loại một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên của ý thức tự giác và tự nguyện.
Tự giác và tự nguyện học đạo, tự giác và tự nguyện tầm đạo, tự giác và
tự nguyện ứng dụng đạo, tự giác và tự nguyện chứng đạo, tự giác và tự
nguyện hoằng đạo, để đem lại sự an bình và tốt đẹp cho cuộc đời.
Chính
ý thức tự giác, tự nguyện ấy là khởi điểm cho mọi nền tảng hạnh phúc và
văn minh của nhân loại. Con người không thể nào có hạnh phúc, khi bị
người khác sai sử. Nếu bị người khác sai sử làm vua, làm tổng thống, làm
người xuất gia cho đến ngay cả bị sai sử làm hòa thượng đi nữa, vẫn bị
khổ đau như thường. Nó khổ đau, vì những việc làm ấy không có gốc rễ từ ý
thức tự nguyện và tự giác. Và xã hội loài người không thể nào có văn
minh, tiến bộ, nếu trong những lãnh vực sinh hoạt của chúng, thiếu ý
thức tự giác và tự nguyện này.
Vì vậy, ngày Thành đạo của đức Thế
Tôn là ngày mở ra một kỷ nguyên mới, về đời sống ý thức tự giác và tự
nguyện để làm lực đẩy xã hội loài người đi lên.
Và ngày Thành đạo
của đức Thế Tôn là ngày không những mở đầu cho sự có mặt của trí tuệ
toàn hảo của bậc Đại Giác Ngộ, mà còn là ngày khởi đầu hạnh nguyện đại
bi và trách nhiệm giáo hóa của Ngài đối với muôn loài như Ngài đã nói:
“Ngài
thuyết pháp không quan tâm đến sự tôn trọng hay không tôn trọng của thế
gian mà vì là trách nhiệm của Ngài đối với đời”.[11]
Với trách
nhiệm ấy, không đến với Ngài từ bất cứ quyền uy nào, mà từ ý thức tự
nguyện, tự giác với đầy đủ hai chất liệu của đại trí và đại bi, khiến
cho ngày thành đạo của Ngài đối với nhân loại là một nhu cầu khẩn thiết
và trở thành bất tử trong lịch sử văn minh củathế giới con người.
Lịch
sử ấy chỉ có nghĩa đích thực, khi nào những người đệ tử của Ngài, có
đời sống biết nương tựa Pháp, học Pháp, hành theo Pháp và chứng ngộ
Pháp, sống với đời sống như vậy, thì không có đời sống nào cao quý hơn;
biết cúng dường Phật bằng học Pháp, hành theo Pháp và chứng ngộ Pháp,
thì không còn có bất cứ sự cúng dường nào cao hơn; biết thiết lập đạo
tràng để học Pháp, hành theo pháp và chứng ngộ Pháp, thì không còn có
bất cứ sự thiết lập nào cao hơn; biết thương yêu và phụng sự cuộc đời
bằng cách học Pháp, hành theo Pháp và chứng ngộ Pháp, thì không còn có
bất cứ sự thương yêu và phụng sự nào cao hơn;và biết làm lễ kỷ niệm ngày
thành đạo của đức Thế Tôn, bằng cách học Pháp, hành theo Pháp và chứng
ngộ Pháp, thì không còn có bất cứ lễ kỷ niệm nào có ý nghĩa cao hơn nữa
cả.
Vì vậy, là đệ tử Thế Tôn, chúng ta phải tu học tinh cần, để
thấy Pháp và chứng ngộ Pháp, khiến mọi không gian đều là không gian của
đạo, và khiến cho mọi thời gian đều là thời gian thực nghiệm đạo và
chứng đạo, như Thế Tôn đã chứng và đã thành.
Đó là ý nghĩa hướng về và kỷ niệm ngày Thế Tôn thành đạo của những hàng đệ tử Phật chúng ta.
CHÚ THÍCH
[1] Kinh Thánh Cầu, Trung bộ I, tr 163, ĐHVH 1973.
[2] Phật Thuyết Tam chuyển pháp luân kinh, số 110, Đại Chính 2.
[3]
Tham khảo Kinh Thánh Cầu, Kinh Nhất Thiết Lậu Hoặc, Trung bộ I, ĐHVH,
1973. Phẩm Phật Đà, Tương Ưng Bộ II, ĐTKVN, 1993. Phật Bản Hạnh Tập Kinh
31, 32, Đại Chính 3.
[4] Kinh Phật Thuyết Như Vậy, Tiểu Bộ I, Tu Thư PHVH 1982.
[5] Kinh Mật Hoàn, Trung Bộ I, tr109A, ĐHVH 1973
[6] Kinh đã dẫn như trên tr 111A.
[7] Kinh Xà Dụ, Trung Bộ I, tr 136B, ĐHVH, 1973.
[8] Kinh đã dẫn, tr 140A.
[9] Kinh đã dẫn, tr 140.
[10] Kinh Đại Bổn, Trường Bộ III, tr 45, ĐHVH, 1972.
[11] Kinh Xà Dụ, Trung Bộ I, tr 140A, ĐHVH, 1973.
http://phapluan.com/phathoc/chuyende/thanh-dao/1346-huong-ve-thanh-dao