Thương tặng : Những chú Tiểu, chú Điệu Việt Nam.
Từ
hôm được chú Giác Viên ngỏ ý, hằng ngày lại được nhìn hình ảnh tiêu sái
thanh cao của quý thầy quý chú, và nhất là muốn sau này mình sẽ giống
như mẫu người lý tưởng: “ Trên đời này chỉ có chú Giác Viên là tuyệt nhất ,chuyện gì cũng biết hết”.
Bữa nọ tôi ở chùa về rụt rè thưa với ba má xin đi tu. Ban đầu má dứt khoát từ chối và còn mắng cho một trận: “Con với cái nuôi cho bây lớn,mới nhờ đỡ được chút đỉnh lại bỏ nhà đi, tui thiệt vô phần vô phước” rồi má thở dài! Còn ba, ba nói như vầy: “Gia đình nẫu có năm bảy đứa con trai, cho
đi tu bớt một đứa cũng không hề gì. Còn ba chỉ có mình con là con trai ,
đi tu rồi làm sao? Ai đâu nối dõi tông đường? Với lại ba thấy đi tu sao
mà khổ quá ! Hồi nhỏ ba đi chăn bò, thường ghé lại chùa Hội Phước xin
nước uống, thấy mấy khạp tương để ngoài trời, tò mò dở ra coi : nào là
vỏ bầu, vỏ bí, muối mít, chuối khô nữa, nước tương thì đen hơn nước xì
dầu. Các chất tạp pí lù nổi lềnh bềnh thấy mà phát lạnh xương sống. Hơn
nữa tướng con ốm yếu, ăn uống lại kham khổ làm sao mà lớn. Ba sợ nhất
là chuyện tụng kinh, ông thầy ở chùa Hội Phước do tụng kinh nhiều quá
tổn khí, nên ốm như cái que. Con người thọ được là nhờ tinh - khí -
thần, mà đi tu thì suốt ngày tụng kinh gõ mõ, hơi hám đâu chịu cho nổi,
thôi lớn lên một chút rồi tính”.
Từ nhỏ đến giờ, đây là lần đầu tiên được nghe ba nói những lời êm ái thân tình, khiến tôi rưng rưng nước mắt ( ba tôi nghiện rượu nặng thường xuyên say sưa và hay đánh đập con cái ).
Hồi đó tôi đâu biết tinh - khí - thần là cái gì, nhưng nghe ba dài
dòng phân tích như vậy, tôi cũng thấy có lý và phục ba lắm, song mộng
tưởng đi tu để sau này làm con người “chuyện gì cũng biết hết” như chú Giác Viên lại mạnh mẽ hơn, thành thử tôi tìm lý lẽ minh chứng ngược lại: “ Ba nói vậy chớ mấy thầy, mấy chú ở dưới chùa có ông nào
ốm đâu. Lâu nay con ăn cơm ở dưới chùa thấy có xì dầu, đậu khuôn, nấm
nữa, chứ đâu phải chỉ có tương không . Với lại con còn nhỏ mấy thầy đâu
có bắt tụng kinh nhiều mà sợ, mấy thầy quan tâm đến chuyện học hành của
chúng điệu hơn, chú Giác Viên nói nếu con chịu đi tu chú sẽ gởi qua
trường Bồ Đề học kiếm thêm một ít chữ nữa, chớ con học mới tới lớp nhất
(lớp năm bây giờ) thì chữ nghĩa có mấy lăm". Lần đó má chẳng ừ, ba chẳng thuận, nhưng tôi năn nỉ miết ba má cũng xiêu. ( lòng nào mà chẵng khứng khi nỗi thiết tha ấy là chính đáng ). Riêng ngoại mừng hơn hết, ngoại từng nói : “ một người đi xuất gia làm đạo, ông bà cha mẹ nhiều đời được siêu thăng” Hôm tôi làm lễ thế phát (nhằm vào ngày kỷ niệm đức Phật xuất gia mồng 8 tháng 2 âm lịch),
gương mặt già nua của ngoại sáng lên và đầy hạnh phúc. Buổi lễ có
ngoại, má với mấy chị và một số Phật tử. Thường tình có con, có em đi tu
là diễm phúc cho gia đình, ai mà chẳng sung sướng nhưng khi thấy con
mình, em mình, ốm nhách đen thui và nhỏ xíu, kể từ hôm nay sẽ rời khỏi
mái ấm gia đình, trong nhà sẽ vắng tiếng nói, tiếng cười thân thương của
em, của con. Và khi sống trong chùa có được tình thương bảo bọc như
lúc còn ở với mẹ, với chị không? Rồi khi thấy Thầy Từ Hương ( vị Bổn sư thế độ) hạ kéo xuống cắt tóc tôi và đọc câu: “ Nguyện đoạn nhất thiết ác” đã nghe tiếng sụt sịt. Thầy cắt tiếp lần thứ hai và đọc : “ Nguyện tu nhất thiết thiện”, tiếng thút thít to hơn nhưng cố nén thành ra tức tưởi. Thầy cắt lần cuối cùng với câu: “ Thề độ nhất thiết chúng sanh” thì những người thân yêu của tôi không kềm nổi nữa oà lên khóc, làm tôi cũng nao nao trong dạ.
“Tổ tổ tương truyền cũng
nghi thức ấy. Hằng Hà tuy rộng, nhưng lời nguyện rộng hơn. Núi Hy Mã
Lạp cao nhưng lời nguyện cao hơn. Nơi con vẫn còn thơm sữa mẹ, con đã
hiểu gì về đại nguyện trên. Ngày ấy con vì cảm tình mà đến với đạo, con
chưa ý thức được sứ mệnh của mình nơi trần gian lâm luỵ này, nhưng Thầy
đã tuyên thệ giùm con. Chú tiểu năm xưa đã hai lần lột xác (một lần thọ
Sa Di và một lần thọ Tỳ Kheo - Bồ Tát ) mà đại nguyện ngày nào vẫn
khuyết như trăng non”.
Phần nghi lễ xong Sư phụ biểu chú Giác Viên cạo tóc cho tôi, khi cạo có
năm bảy người Phật tử xúm lại xem, nghe tiếng ma sát giữa dao lam và
da đầu kêu ràn rạt, tôi bỗng sởn da gà vì sợ đứt, tay chú Giác Viên đưa
tới đâu từng mảng tóc xanh rơi xuống đó, chỉ một loáng là xong. Đưa tay
lên rờ đầu tôi thấy một chòm tóc nơi mỏ ác là còn lại, ngoài ra đều
nhẵn bóng. Ngay lúc đó tôi rơi vào cảm giác vô ký, không buồn mà cũng
không vui. Má với mấy chị tâm trạng hơi khác tôi, buồn vui lẫn lộn. Thầy
đưa cho tôi một bộ đồ vạt khách màu nâu để thay, có lẽ Thầy may trừ hao
hay sao mà vừa dài vừa rộng, tay áo ống quần phải xắn lên mấy lượt.
Xúng xính trong bộ đồ như là mặt bính ấy, tôi bỗng thấy thương mình
quá! Hình ảnh chiếc áo sơ mi với ve áo giống tai voi với cái quần ống
loa má may năm ngoái chợt hiện lên trong tâm trí . “ Thằng Phước xuống tóc, mặc bộ đồ chùa thấy hiền và dễ thương quá!”
một cô Phật tử nhìn tôi khen như vậy. Một cô khác tỏ ra mình là người
hiểu đao hơn, đưa ngón tay trỏ lên trước miệng khẻ suỵt có ý thầm trách:
“ Sao chị lại ăn nói như vậy? Mặc dầu nhỏ nhưng đã là đệ tử Phật rồi mình phải xưng hô cho phải đạo chớ”. Đoạn bà bước đến bên tôi cài hộ hột nút áo bị bật ra, âu yếm nói: “ Hôm nào chú đem bộ đồ đây cho con V nó sửa lại dùm, quần áo gì mà rộng thùng thình”.
Cô là người đầu tiên gọi tôi bằng chú. Ôi tiếng gọi ban đầu nào cũng
làm cho người ta sung sướng cảm động đến rơi nước mắt ! Như hài nhi bập
bẹ lần đầu tiên hai tiếng: “ba ba, má má!” tiếng của tấm lòng bẽn lẽn thẹn thùa mắc cỡ, cứ nói với nhau trông trổng, rồi bỗng một hôm nào đó “tốt ngày” miệng lưỡi chợt dịu mềm đi, thốt lên hai tiếng thân thương…
Ấu thơ tôi không quá khốn khổ như ông Ni Đề thời đức Phật còn tại thế,
song là thằng bé thất thểu cùng xóm cùng làng, ngày ngày kiếm ăn nơi bìa
rừng, mé suối, hoặc ở nương chè, phút chốc bỗng trở thành to lớn . Cho
hay pháp Phật thật nhiệm mầu, chỉ nhuần gội có chút nước cành dương mà
đổi mới hoàn toàn, lớn nhanh như chú bé Phù Đổng năm xưa.
Ngày 10 tháng 05 năm 1990
Thích Giác Tâm