Chén trà trong hai tay
Chánh niệm nâng tròn đầy
Thân và tâm an trú
Bây giờ và ở đây.
Nhìn cách uống trà của Thầy, khoan thai trang trọng, tôi thấy Thầy
trang nghiêm như đang tham dự một khoá lễ . Đặt tách trà xuống nhẹ
nhàng và sửa lại tư thế Thầy bắt đầu kể:
Thầy đi xuất gia
từ bé được giáo dục và đào tạo trong tinh thần nhân bản của Đạo Phật,
thế mà đến năm 18-20 tuổi, Thầy vẫn chưa hoàn toàn tin Phật. Thầy rất
cứng đầu cộng với cái ngông nghênh của tuổi trẻ nữa, những điều gì dẫu
là lời Phật dạy mà thấy không hợp lý là không tin và chống đối . Hồi đó
sư phụ của Thầy sau mỗi lần tụng kinh lễ Phật đều có lời phục nguyện :
“Cầu cho kẻ âm siêu thoát người dương an lành, hoặc là tội diệt phước
sanh, hay chiến tranh chấm dứt thiên hạ thái bình…” Những điều phục
nguyện trên, Thầy đều thấy hợp lý và chấp nhận. Duy chỉ có lời phục
nguyện sau đây là Thầy không thể nào chấp nhận được, vì thấy nó bất hợp
lý và phản lại tinh thần khoa học. Lời phục nguyện đó là: “Con xin cầu
nguyện cho những loài hữu tình và vô tình đều tròn đầy hạt giống hiểu
biết và trí tuệ”.
Thầy tự nghĩ hữu tình là loài có tình
thức hiểu biết như con người, loài vượn, khỉ, cá heo… chẳng hạn. Thì cầu
cho chúng đầy đủ thể tính sáng suốt thì còn có thể được, nhưng loài vô
tình như cây, cỏ, đá, hoa…thì cầu cho chúng phỏng có ích gì , vì nó biết
gì đâu? Một vài lần Thầy đã đem vấn đề thắc mắc trên hỏi các Thầy lớn,
song các Thầy giải thích thiếu tinh thần khoa học, nên Thầy cũng chưa
thoả mãn. Chỉ mới đây thôi tình cờ đọc một bài báo, Thầy mới thấy được
rằng khoa học càng phát triển thì sẽ củng cố thêm cho nền tảng triết học
của Phật giáo, bài báo đó đại ý: “Bên Canada người ta dùng nhạc Mozart
và Beethoven để nuôi dưỡng cho cây kiểng. Trong đêm tối người ta nhận
ra các cây hoa lớn mau hơn và hướng về phía có nhạc Mozart phát ra,
người ta lại đã thí nghiệm nhạc Mozart với lúa mì, lúa mạch. Họ bắt
những loa phóng thanh trên cánh đồng lúa và cho nhạc Mozart phát thanh
nhiều giờ trong ngày và người ta nhận thấy lúa mọc nhanh thoải mái và
năng suất cao hơn các cánh đồng khác”.
Qua thí
nghiệm trên đại chúng thấy đó, rõ ràng những loài vô tình vẫn có cái
biết. Trí tuệ con người có thể đưa sắt thép nặng hàng tấn lên trời,
nhưng không thể thay loài ong mà xây nên tổ cho chúng . Thầy nghe nói có
những loài lan quý hình như Bạch Ngọc, Tố Tâm thì phải, đòi hỏi nước
rửa mặt của người con gái đẹp tưới cho nó , nó mới phát triển cho hoa,
còn giao cho đấng mày râu chăm sóc nó sẽ chết . Qua một vài tư liệu
trên, mới thấy Tuệ Giác của Đức Phật thật siêu việt, trong khi nhân loai
còn nằm trong thời kỳ hỗn mang tăm tối mà Ngài đã thấy được cái biết
của muôn loài như vậy . Hèn chi trong kinh điển Đại Thừa với Tuệ Giác “
bất Nhị - không hai” đó, ngài Thường Bất Khinh Bồ Tát luôn chắp tay cung
kính, mỗi lần gặp ai ngài cũng đều thốt lên: “Tôi không dám khinh ngài
vì ngài là một vị Phật tương lai”. Với cái nhìn cái thấy xuyên suốt vào
thể tính bình đẳng của vạn hữu. Đức Phật của chúng ta lòng từ bi thật
vô hạn.
Hồi nhỏ học luật Thầy thấy nhiều chuyện buồn cười.
Thời Phật còn tại thế có vị Tỳ Kheo bị kẻ xấu cướp lấy Y Bát rồi trói
ngài vào một sợi dây rừng còn sự sống, ngài không dám vùng vẫy để bứt
ra, hay là có vị Tỳ Kheo mỗi khi đi ra đường lại đem chổi theo, mỗi bước
chân đi qua đều phải quét trước sợ dẫm đạp lên côn trùng, và trong Đại
Luật Phật chế các vị Tỳ Kheo không được tiểu lên cỏ sạch, dòng nước
sạch. Những chuyện đó bây giờ Thầy thấy không còn buồn cười nữa, mà là
một việc làm xuất phát từ tâm Đại Từ Đại Bi .
Cái ác lớn
của con người bắt nguồn từ những cái ác nhỏ nhất, không nuôi dưỡng lòng
thương thì cuộc đời này chỉ là địa ngục – địa ngục ở trong tâm hồn
chúng ta.
Niết Bàn là gì? Là trạng thái an lạc trong tâm
hồn với tấm lòng tràn đầy hiểu biết và yêu thương . Còn địa ngục? Là tâm
niệm điên đảo vô minh mờ tối, đầy ngã chấp, tham sân, cọng với trạng
thái dày vò ăn năn ray rứt với tội lỗi đã làm.
Vì tôn
trọng sự sống như vậy nên đạo Phật được gọi là Đạo Hoà Bình. Con người
trên trái đất này nếu thực hành giáo lý đạo Phật - Giáo lý bất hại, thì
các nhà nhân chủng học, các nhà bảo vệ môi sinh khỏi phải hoảng kinh báo
động lên rằng: “Trái đất đang bị lâm nguy, đang thoi thóp giãy giụa vì
sự tàn phá của con người”.
Con người tồn tại được là tồn
tại trong tương quan tương duyên với vạn hữu, vì theo lời Phật dạy: “Cái
này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này sanh
thì cái kia sanh, cái này diệt thì cái kia diệt”. Không còn màu xanh hoa
lá, không còn chim hót cá lội con người không thể nào hiện hữu được.
Ngoài kia trời đang xuống dần hương trà thoang thoảng nhẹ đưa,
những đồi trà chung quanh chùa , sương chiều đã lãng đãng , từ lòng
thung lũng một cánh chim vụt bay lên, bất giác tôi chợt nhớ bốn câu thơ :
Chim nào rớt xuống lòng thung (*)
Xé toan lưới mộng trùng trùng bay lên
Bay lên đỉnh núi không tên
Cất cao tiếng hót mông mênh lưng trời.
Bao nhiêu năm giong ruổi tìm cầu , cũng có đôi lần đạt đến đỉnh
cao của danh vọng bạc tiền, nhưng tự tâm không bao giờ thấy an lạc . Giờ
đây hành lý đời đã quẳng lại hết, quay về nương tựa nơi am tranh góc
núi… giòng sữa pháp ngày đêm nhuần thấm, tôi đã tìm lại được cho tâm hồn
mình niềm thanh lương cố hữu. Một bình minh mới trong tâm tôi bắt đầu,
hốt nhiên tôi thì thầm: “Thầy ơi - con đã thấy được đạo ở nơi tách trà,
nơi tiếng chim hót, áng mây trời, cội tùng, đỉnh núi. Vì tất cả là biểu
hiện của Pháp thân”.
-----------------
(*) Thơ Nguyễn Văn Phước