Một con người xuất khẩu thành thơ, đi mua chịu rượu và đồ nhậu, ghi vào
sổ nợ cũng ghi bằng thơ, viết văn và làm thơ với một tốc độ kinh hồn,
ông để lại cho nền văn học Việt Nam một số lượng tác phẩm đồ sộ, giá
trị. Vậy mà số phận thật hẩm hiu, ông có vợ, có người yêu nhưng không
tìm thấy hạnh phúc,
ông chia tay với vợ, với người yêu và giong ruỗi đi tìm, đi tìm giai nhân khắp bốn phương trời, tìm trong mộng, trong thi ca và trong cả những ngôi chùa mà ông có duyên đến và được đón nhận, không mặn nồng nhưng vẫn không lạt lẽo. Bởi vì ông có thời dạy văn chương ở Đại Học Vạn Hạnh của Phật giáo ở đường Trương Minh Giảng Sài Gòn, với lại ông có điên điên nhưng lành không phá phách, nên những ngôi chùa ông đến đều cho ông ăn cơm, thỉnh thoảng có cho tiền nữa. Ngôi chùa ông thường đến là ngôi chùa Dược Sư ở đường Lê Quang Định Gò Vấp, Thành Phố Hồ Chí Minh, nơi đó có phòng phát hành kinh sách Phật Giáo, có Sư Cô Như Hạnh phụ trách. Tôi mê sách nên mỗi khi đi Sài Gòn là luôn ghé lại chùa Dược Sư, có quen Sư Cô Như Hạnh, tôi thường ghé phòng phát hành kinh sách và Thi Sĩ Bùi Giáng cũng hay ghé lại, bởi vậy tôi có gặp ông. Hôm đó ông tới ( xin lỗi tôi không còn nhớ rõ năm ) và cũng đúng lúc nhà chùa thọ trai, nên Sư Cô Như Hạnh vô bên trong nhà trù bưng ra đĩa cơm mời ông, ăn xong còn dúi tiền vào tay ông nữa. Trên bàn có viết và giấy, ông tự tay lấy viết và hý hoáy viết. Tít tắt ông bỏ viết xuống và nhìn Sư Cô Như Hạnh cười móm mém, như thầm cảm ơn và ra đi.
Ông đi rồi Sư Cô Như Hạnh, đưa tờ giấy có chữ viết của Thi Sĩ Bùi Giáng với nét bút sắt thật đẹp cho tôi, ông viết không đẹp như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhưng mà vẫn đẹp, bay bướm nữa. Ông viết bốn câu lục bát :
Đi tu thứ nhất ở chùa,
Thứ nhì ở tận cuối mùa lang thang -
Dược Sư thơ mộng vô vàn,
Sầu lên vút tận mây ngàn tần thân.
Hai chữ tần thân ông viết bằng chữ Việt, ông mở ngoặc viết chữ Hán rồi đóng ngoặc lại. Tôi không hiểu hai chữ tần thân, sau này tra Tự Điển Hán Việt có nghĩa như sau: Tần : luôn luôn - Thân: rên rỉ .
Đọc bốn câu thơ lục bát của ông, mới thấy được cái tài hoa, cái xuất khẩu thành thơ của ông, cái uyên áo trong tứ thơ của ông. Tôi có một người bạn ở Hoa Kỳ, cũng là một thi sĩ am hiểu Phật học, tôi gởi tặng anh hai câu “ Đi tu thứ nhất ở chùa, thứ nhì ở tận cuối mùa lang thang “ Anh hiểu theo cách hiểu của anh, giảng lại cho tôi nghe rất dài dòng văn tự. Anh giảng câu đầu là ông nói về tục đế, câu thứ hai nói về chân đế, trong tục có chân và trong chân có tục, tương nhiếp lẫn nhau, vân vân và vân vân. Tôi chỉ nghe không ý kiến bởi vì chỉ có Thi Sĩ Bùi Bàng Giúi mới có thể giảng giải thâm ý của ông .
Tôi mơ màng nghĩ ngợi hai câu sau :
Dược Sư thơ mộng vô vàn,
Sầu lên vút tận mây ngàn tần thân.
Chắc hẳn rằng khi chia tay với vợ, và sau này cả người yêu nữa, ông có đau khổ, có trách họ, rằng họ đã không hiểu ông, không nuôi dưỡng hồn thơ ông, để ông cô đơn rồi đến nỗi phải chia tay. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn ông, ông vẫn còn yêu họ, thương họ, ông muốn có không khí ấm cúng của một gia đình, có đĩa cơm nóng hổi, đậm đà hương vị quê hương, có tô canh rau tần, đĩa mướp xào, chén tương, chén cà, đĩa rau luộc.…Ông đọc nhiều chắc ông có ao ước như Đại văn hào Nga Dostoiefski “ Tôi xin đổi tất cả văn nghiệp của tôi , để có được một người vợ, biết nấu cho ăn ngon, và biết đứng ở cửa đợi chờ tôi về, trong suốt một ngày tôi làm việc mệt “.
Vẫn còn yêu thương người nữ,vẫn nhớ đến người mang nặng đẻ đau mình, và công đức sinh thành hơn cả nước trong nguồn chảy ra nữa. Ông nhớ đến người mẹ mẫu mực nhưng lận đận một đời đã khuất, nên khi gặp Ni Sư Trí Hải, có tên đời là Công tằng tôn nữ Phùng Khánh, đẹp người, đẹp hạnh tu, trí tuệ bậc nhất trong giới tu nữ ở đất Sài thành, ông đem lòng thương kính cứ luôn gọi là mẫu thân Phùng Khánh, sau khi ông mất Ni Sư Trí Hải có giảng cho Tăng Ni Phật tử về thâm nghĩa trong thơ ca của Bùi Giáng trong nhiều buổi giảng . Thương, quý, Ni Sư Trí Hải ông thương lây qua các Ni Cô khác, nhất là các Ni Cô ở chùa Dược Sư, nơi mà ông thường lui tới nghỉ chân, được ăn cơm , được lì xì tiền tiêu vặt. Cảm nghĩa, cảm tình ông đã coi chùa Dược Sư là thơ mộng nhất, các Ni Cô là người hiền thục nhất, đẹp nhất trong giới nữ lưu. Ông đã nhớ đến họ, tâm tưởng đến họ và có lúc ông đã buồn, qua họ ông nhớ đến mẹ ông, vợ ông ngày cũ, nhớ đến người yêu dang dở chia tay. Nhớ đến thân phận của một kẻ lãng tử như mình, tứ cố vô thân, không một mái ấm gia đình. May thay vẫn còn lòng từ bi của Phật, cho ăn cho uống, không đuổi xô, hất hủi. Chính điều đó đã khiến cho ông buồn tủi, và cái buồn của ông "Sầu lên vút tận mây ngàn tần thân "
Sống ông dạy học trường chùa, ăn cơm chùa, và khi chết ông được chùa Vĩnh Nghiêm lo tang lễ, có Sư Tăng tụng niệm nguyện cầu. Âu đó cũng là duyên phước cuối kiếp làm người của ông. Nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu, bỗng nhớ về ông trong một đêm mưa gió bời bời, viết về ông, ghi lại bốn câu thơ ân nghĩa của ông để giữ lại tinh hoa của ông để rơi rớt lại trên dặm đường lãng du, phiêu bạt,mà ông tự nhận đứng hàng thứ hai sau các Sư Cô xuất gia ở Chùa:
Đi tu thứ nhất ở chùa,
Thứ nhì ở tận cuối mùa lang thang .
Chùa Bửu Minh, Gia Lai,
Mùa Vu Lan Phật Lịch 2552-DL.2008.
Thích Giác Tâm