28/09/2011 14:54 (GMT+7)
Số lượt xem: 209888
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đào Tấn, nghệ sĩ sân khấu tuồng lỗi lạc của Việt Nam nửa sau thế lỷ XIX đầu thế kỷ XX đã qua đời trong thân thế một nhà sư, pháp danh Mai Tăng.


 

Người nghệ sĩ sân khấu, mà tên tuổi gắn liền với thành tựu nghệ thuật sân khấu tuồng cổ điển Việt Nam, là một người con Phật. Điều này ít ai được biết đến và nếu có được nhắc đến trong các tài liệu nghiên cứu nghệ thuật sân khấu thì cũng ít được chú ý. Do vậy, bài viết này nhằm mục tiêu nhấn mạnh đến yếu tố Phật Giáo trong sáng tác của Đào Tấn.

Đào Tấn

Ông sinh năm 1845, dưới thời Thiệu Trị, tại huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ông thường được giới thiệu như một nghệ sĩ nghệ thuật sân khấu tuồng cổ, nhưng để xác định đầy thân thế ông, cần phải ghi nhận ông là một nhà khoa bảng, nhà biên kịch và nghiên cứu nghệ thuật sân khấu tuồng, diễn viên tuồng, nhà thơ, tăng sĩ Phật Giáo.

Đào Tấn chỉ là tăng sĩ Phật Giáo vào những năm cuối đời, nhưng Đạo Phật có mặt bên ông trong suốt chặng đường đi qua cuộc thế của ông. Ông đỗ đạt (cử nhân) vào khoa thi năm Tự Đức thứ 20, khi mới 22 tuổi, đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Nguyễn: tham tri, phủ doãn, tổng đốc, thượng thư, hiệp tá đại học sĩ, cơ mật viện đại thần. 30 năm làm quan, ông dốc lòng phục vụ cho nước, cho dân bằng tài năng, trí tuệ, công sức, nỗ lực của mình. Thời kỳ ông tham chính là thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử triều đại phong kiến Nguyễn. Giặc Pháp tùng xẻo từng phần đất của Tổ Quốc, triều đình mấy lần thay vua. Là quan văn, lại là một học giả, ông khó có thể đóng góp một cách tích cực vào công việc giữ nước. Ông dồn sức vào nỗ lực đóng góp cho văn hóa nghệ thuật dân tộc. Ông làm thơ làm văn, tác phẩm lên đến gần 1000, bài đủ các thể loại, sáng tác, nhuận sắc và tham gia dàn dựng tổng cộng hơn 20 vở tuồng cổ. Ông đã đưa nghệ thuật sân khấu tuồng lên đến đỉnh cao và sau ông, loại hình nghệ thuật này bắt đầu suy thoái dần dần, và cuối cùng là như ta thấy ngày nay, chỉ còn là một thứ nghệ thuật gần như là bảo tàng.

Ông làm quan, nhưng chuyên tâm vào sáng tác, hoạt động nghệ thuật và hướng đến cuộc sống tu hành. Có thể nói ông đã bắt đầu cuộc đời tu hành từ năm 29 tuổi, chỉ sau 7 năm trên hoạn lộ. Làm quan mới 7 năm mà đã muốn đi tu, thật là hiếm thấy. Ông tự đề chân dung:

Vi tiếu lậu thiên ky
Phong trần không mãn ly
Linh phong tam thập tải
Vi kiến thử tăng quy

Tạm dịch:

Nhẹ cười khẽ lậu thiên cơ
Bám đầy y áo bẩn dơ bụi hồng
Ba chục năm xa Linh Phong
Sao còn chưa thấy lão tăng trở về.

Và ông cố gắng trở về tìm mọi cách để trở về chùa, nguồn cội con người thật sự của ông. Năm 1884, ông xuất gia lần thứ nhất, trong 3 năm với lý do chịu tang cha. Ông trở về Linh Phong như ý nguyện, làm một ẩn tăng ngày đêm tu trì Phật Pháp, nghiên cứu kinh sách.

Năm 1904, ông xuất gia lần thứ 2 và viên tịch 3 năm sau đó (1907).

Đào Tấn xuất gia tổng cộng có 6 năm, nhưng cả cuộc đời ông là cuộc đời tu Phật, như lời thơ của ông: “Giai sĩ từ bi ninh thị Phật”

“Giai sĩ từ bi ninh thị Phật”

Tạm dịch: Kẻ sĩ từ bi cũng chính là Phật. Đó là suy nghĩ của ông, là khẩu hiệu sống của ông và đồng thời đó cũng là tiêu chuẩn đánh giá tính chất Phật ở người trí thức mà ông đã để lại cho chúng ta.

Đào Tấn bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật với một số kịch bản tuồng viết dưới sự chi phối của những quan điểm Nho giáo, như tam cương, trung hiếu. Điều này cũng dễ hiểu, vì ông là một người được đào tạo từ Nho học, là một nhà khoa bảng Nho học và là một ông quan theo lý tưởng Nho học. Và trong đạo Phật truyền thống của dân tộc Việt, việc gắn với các tư tưởng Nho học cũng không có điều lạ. Nếu những sáng tác của Đào Tấn vừa mang tính chất Phật học, vừa mang tính chất Nho học thì chúng ta cũng không lấy gì làm lạ. Nhưng ở Đào Tấn, các nhà nghiên cứu ghi nhận một sự chuyển hóa từ Nho học sang Phật học: “Đào Tấn đã sớm thấy các học thuyết xưa cũ của nhà Nho không còn phù hợp với những biến chuyển, đổi thay của thời thế, nhất là không giúp ông giải thoát các bế tắc trong cuộc sống cũng như sáng tác. Đào Tấn đã bắt đầu chuyển hướng … ”(1)

Thay cho các quan điểm Nho giáo, Đào Tấn đã đưa quan điểm nhân thừa Phật Giáo vào các sáng tác của mình. Nhà nghiên cứu Mang Viên Long cũng gọi đó là “văn dĩ tải đạo”, nhưng cần xác định rõ, đạo ở đay là Đạo Phật. Đào Tấn nhận thấy tuồng là loại hình nghệ thuật có sức tác động mạnh mẽ đến công chúng, ông đã dùng tuồng (Nam bộ gọi là hát bội) để “tải đạo Phật”. Nói theo cách nói hiện đại là ông đã chủ động khai thác nghệ thuật sân khấu tuồng phục vụ hoạt động hoằng pháp.

Tư tưởng Phật Giáo chủ đạo trong các kịch bản tuồng của Đào Tấn là tư tưởng nhân quả. Cốt truyện của các kịch bản tuồng thương là vay mượn từ Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quá trình biên soạn lại, Đào Tấn đã tập trung nhấn mạnh tư tưởng nhân quả. Quả báo dành cho các nhân vật ác luôn là cái chết bi thảm, sự trừng phạt thích đáng. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó qua các kịch bản tuồng của ông còn giữ được như Trầm hương các, Hộ sinh đàn, San Hậu, Khuê các anh hùng, Đào Phi Phụng….

Còn người thiện thì dù có chết thì bao giờ cũng được vãng sinh về Tây Phương. Trong các kịch bản tuồng, Đào Tấn luôn đồng hành với người thiện tâm. Trong vở Trầm hương các, Đắc kỷ, một cô gái hiền hậu bị hồ ly sát hại để lấy xác, đã được Bồ Tát Địa Tạng Vương cứu độ siêu thoát.

Dương Tú Hà, một nhân vật chính diện, nhân đức, khi tự tử, đã được Bồ Tát Quan Âm cảm ứng và tiếp dẫn. Đào Tấn đã thể hiện lời của Bồ Tát Quan Âm như sau:

Kim Tú Hà tiết liệt bất di
Tùng phật địa thung dung tự tại
Bất phụ ân vi nghĩa
Thủ toàn tiết vi trinh
Dĩ mạo đạt thiên đình
Đắc siêu sinh tịnh độ.

Bồ Tát Quan Âm hóa thân thành những vị thần cứu hộ trong mọi hoàn cảnh, lắng nghe lời nguyện cầu phù trợ người hiền. Đó chính là tư tưởng phẩm Phổ Môn, kinh Pháp Hoa thể hiện bằng hình tượng nghệ thuật sân khấu. Phật là hiện thân của từ bi, cứu khổ, công bằng, có cảm có ứng. Nhân vật Phật không tham gia chi phối hành động kịch, nhưng tinh thần Phật bàng bạc trong suốt những vở tuồng của Đào Tấn, nhất là các vở sáng tác về sau: “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo”.

Tư tưởng tịnh độ là một yếu tố quan trọng trong sáng tác tuồng của Đào Tấn. Hành thiện tức là tu Phật, “Tâm chánh là tâm phật, tâm tà là tâm ma”. Cứu cánh của tu hành không chỉ là được phúc làm giàu, làm quan mà là vãng sanh. Những cụm từ như “Nam mô A Di Đà Phật”, “Siêu sinh tịnh độ” là những cụm từ gắn với sáng tác của Đào Tấn. Nếu Đạo Phật trong thơ Đào Tấn là một đạo phật thoang thoảng hương vị thiền cao thâm, thì Đạo Phật trong kịch bản tuồng Đào Tấn là Đạo Phật tịnh độ dễ hiểu, gần gũi với đối tượng bình dân, khán giả sân khấu.

40 năm sáng tác kịch bản tuồng cũng chính là 40 năm hoằng pháp của Đào Tấn. Tư tưởng Tịnh Độ thấm nhuần trong các tác phẩm của ông chắc chắn đã có một tác động tích cực vào việc truyền bá Đạo Phật Tịnh độ tại Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Ông đã độ người bằng cách độ của ông sáng tác và trình diễn những vở tuồng mang tư tưởng Phật Giáo. Một số nhà nghiên cứu cho rằng Đào Tấn chịu ảnh hưởng của Đạo Phật trong sáng tác (2). Chúng tôi lại quan niệm ngược lại. Đào Tấn chủ động đưa Đạo Phật vào sáng tác với một ý thức tích cực, Đạo Phật không ảnh hưởng đến con người nghệ sĩ của ông, mà con người Phật tử của ông tích cực tham gia vào hoạt động sáng tác với mục tiêu là truyền bá tư tưởng nhân thừa và Tịnh độ Phật Giáo bằng những sáng tác. Kịch bản tuồng ở đây là công cụ của Đào Tấn, là phương tiện nói lên tiếng nói từ bi, là pháp môn tu của ông như trong tuyên ngôn: Giai sĩ từ bi ninh thị Phật. Cũng thế, tác phẩm nghệ thuật nói lên tiếng nói từ bi, thiện nghiệp chính là Phật Pháp.

---------------------------------------------

(1)(2) Mang Viên Long: Ảnh hưởng của Đạo Phật trong đời sống và tác phẩm của nhà viết tuồng Đào Tấn, trong Thời Văn 7 – Hợp tuyển văn chương & tri thức, Nhà xuất bản Văn Nghệ TPHCM, 2006.


Âm lịch

Ảnh đẹp