03/05/2011 23:03 (GMT+7)
Số lượt xem: 2089
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Quan điểm Hoằng pháp toàn diện do Thượng tọa Thích Phước Nghiêm, Phó Ban Hoằng pháp Trung ương đề ra tại Hội thảo Hoằng pháp 2011 yêu cầu Phật giáo Việt Nam chúng ta tìm kiếm những phương thức hoằng pháp mới, hiệu quả thiết thực để có thể hoằng pháp mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng, đặc biệt là lớp trẻ, tương lai của Phật giáo mai sau.

Chia sẻ quan điểm hoằng pháp toàn diện của Thượng tọa Thích Phước Nghiêm, dưới đây, chúng tôi xin được đề xuất một phương thức hoằng pháp mới cho đối tượng thanh thiếu niên, là tổ chức sinh hoạt hè cho học sinh nghỉ hè, dưới sự quản lý của tổ chức Gia đình Phật tử với sự góp sức của tổ chức thanh thiếu niên Phật tử khác.

Sinh hoạt hè là một khái niệm bắt đầu có từ mùa hè năm 1975. Khi đó, sinh hoạt hè là một hoạt động bắt buộc, chủ yếu do địa phương tổ chức.

Học sinh từ cấp I đến cấp III khi nghỉ hè phải đăng ký sinh hoạt hè tại địa phương và được tổ chức tham gia các sinh hoạt  cộng đồng như sinh hoạt đoàn,  đội, hội, công tác khu phố, văn nghệ, vệ sinh đường phố, thể dục thể thao, cắm trại…

Về sau, sinh hoạt hè vẫn còn được duy trì, mặc dù không bắt buộc.

Đây là một hoạt động, mà xét ra, rất bổ ích cho học sinh, hơn là sử dụng thời gian nghỉ để kết bạn rong chơi, lao vào tiệm game, hay nhậu nhẹt sớm…

Một số địa phương có cán bộ phong trào thanh niên tốt thì thu hút được học sinh. Nhưng nhiều địa phương không xem trọng hoạt động bổ ích này cho thanh thiếu niên, vì vậy, một sinh hoạt bổ ích có thể dần dần thoái trào, hạn chế phần đóng góp cho xã hội.

Với quan điểm hoằng pháp toàn diện, tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên, nhà chùa, với tinh thần góp phần phục vụ xã hội và tranh thủ hoằng pháp ở mọi cơ hội, có thể tổ chức sinh hoạt hè cho thanh thiếu niên ở nhà chùa.

Sinh hoạt hè ở chùa nhằm vào mục tiêu tạo một sân chơi bổ ích, lành mạnh, đạo đức cho con em gia đình Phật giáo cũng như tất cả những thanh thiếu niên yêu đạo Phật, làm cho các em có được một kỳ nghỉ hè vui tươi, sinh động gắn liền với Phật pháp.

Chùa là một trung tâm sinh hoạt cộng đồng giáo dục. Vì vậy, nhà chùa là một địa điểm thích hợp với việc tổ chức sinh hoạt hè cho học sinh.

Cái khó là vấn đề nhân sự. Ba tháng hè là ba tháng chư tăng ni an cư kiết hạ, tập trung tu học, thu hẹp sinh hoạt bên trong nội viện.

Các bậc huynh trưởng công tác Gia đình Phật tử thì chỉ có thể dành cho Phật sự vào ngày chủ nhật, những ngày khác thì không thể, vì còn bận việc thường nhật.

Trong khi đó, sinh hoạt hè là một sinh hoạt cần diễn ra thường xuyên, không phải lúc nào cũng liên tục, nhưng cũng nên là 2-3 ngày/tuần. Đặc biệt, những kỳ trại có thể kéo dài hàng tuần liên tục.

Vậy, nếu tổ chức sinh hoạt hè, tập trung học sinh nghỉ hè đến chùa sinh hoạt, thì lấy đâu ra người để cáng đáng công việc mà vốn dĩ rất nặng nề và mất thời gian này?

Giải pháp, theo chúng tôi là hướng về lực lượng tăng ni trẻ, thực chất đã là một dạng thầy của xã hội, tuổi đời thích hợp với công việc, giàu nhiệt huyết cống hiến.
Nhưng làm sao khi quý thầy cô cần phải nhập hạ theo quy định của giáo hội?

Chúng tôi nghĩ rằng, khi đã quan tâm đến đối tượng thanh thiếu niên, thì giáo hội cũng nên nghĩ đến một hình thức đặc cách nào đó đối với những tăng ni xung phong nhận trách nhiệm công tác thanh niên Phật giáo trong dịp hè. Chẳng hạn, có thể tổ chức cho quý vị nhập hạ sau đó.

Kiết hạ là một hoạt động trên thực tế có thể linh động về mặt thời gian. Thời Đức Phật, thời điểm an cư đấy là lúc vào mùa mưa, côn trùng sinh sản nhiều, việc đi lại của chư tăng trở nên bất tiện phần vì vấn đề sát sinh ngoài ý muốn do giẫm đạp côn trùng, phần còn vì mưa gió gây bất tiện trong hoàn cảnh chư tăng thời xưa chỉ có thể đi bộ.

Vì vậy, với quý vị tăng ni trẻ đứng ra tổ chức sinh hoạt hè cho học sinh, có thể tổ chức kiết đông, kiết thu, thay vì kiết hạ.

Còn một nguồn nhân lực nữa là các Phật tử là thầy cô giáo cũng nghỉ hè. Chắc chắn một số vị sẵn sàng công quả, một số vị có thể nhận công việc với một mức thù lao giới hạn, hỗ trợ nhà chùa.

Có địa điểm, có người đảm nhiệm, công việc tiếp theo là tập trung học sinh nghỉ hè đến các chùa.

Việc này rất dễ dàng khi nhắm vào đối tượng là con em của những Phật tử đi chùa thường xuyên, cũng như số thanh thiếu niên Phật tử học sinh, sinh viên đi chùa.

Cũng nên có những thông báo rộng rãi để hướng về số học sinh, sinh viên ngoài những đối tượng đã nói trên.

Có địa điểm, có người phụ trách, học sinh, sinh viên đến chùa sinh hoạt hè, vấn đề còn lại là kế hoạch chương trình sinh hoạt.

Những hoạt động sinh hoạt hè do Đoàn phường các địa phương thực hiện một số lớn có thể đưa vào chương trình sinh hoạt hè của nhà chùa, kể cả những nội dung giáo dục tinh thần yêu nước, trách nhiệm đối với xã hội.

Nhưng tổ chức sinh hoạt hè ở chùa, cao nhất, là hướng đến mục tiêu hoằng pháp cho thanh thiếu niên.

Vì vậy, phải lấy hoạt động hoằng pháp, cũng như hoạt động truyền thống của tổ chức Gia đình Phật tử hay các tổ chức thanh thiếu niên Phật tử làm nội dung chính.

Học giáo lý, đi lễ nhiều chùa, tiếp xúc với quý thầy cô, đặc biệt là các vị tôn đức, thi nấu ăn chay, nghe thuyết pháp… chắc chắn là những hoạt động sinh hoạt hè không thể thiếu.

Điều cần làm là Phật giáo hóa sinh hoạt hè. Địa điểm nhà chùa, người tổ chức thực hiện là tăng ni, chương trình hoạt động dựa trên nội dung sẵn có của tổ chức Gia đình Phật tử…, đó là Phật giáo chúng ta đã thực hiện được giai đoạn cơ bản của mục tiêu Phật giáo hóa sinh hoạt hè ở chùa.

Điều còn lại là chỉ cần tập trung thiết kế các hoạt động cụ thể, sao cho tất cả đều có tác dụng hoằng pháp.

Chúng tôi nghĩ rằng, nếu không thể triển khai ngay đồng loạt thì có thể triển khai thí điểm.

Khóa tu mùa hè cho thanh thiếu niên mà một số chùa đã tổ chức rất thành công, thực chất, đã là hoạt động sinh hoạt hè tổ chức ở chùa.

Tuy nhiên, khóa tu thì chỉ giới hạn trong một thời gian ngắn, và trong điều kiện sống tập trung, không phải em nào cũng tham dự được.

Vì vậy, mở rộng, bổ sung các hình thức sinh hoạt mới, sao cho tập trung đông nhất học sinh, sinh viên đến chùa trong dịp hè là điều cần thiết.

Minh Thạnh


Âm lịch

Ảnh đẹp