Sơ
lược lịch sử
Vương Xá (Rājagaha) thuộc quận
Nalanda, tiểu bang Bihar, cách Boddhagaya khoảng 46km và thủ phủ Patna 60km về hướng Đông
nam. Bên cạnh tên gọi Rājagaha được dùng trong kinh điển Pāli, địa danh này còn
có nhiều tên gọi khác như Vasumati, Barhadrathapura, Girivraja, Kusagrapura và
Rajgir. Tên gọi Kusagrapura được ngài Huyền Trang nhắc đến trong ký sự của
mình, nhưng Huyền Trang nói rằng tên gọi này chỉ dành gọi kinh thành cũ, nơi
luôn bị đe dọa bởi nạn hỏa hoạn. Còn kinh thành mới được xây lại sau đó thì có
tên gọi Rājagaha, là kinh đô của vương quốc Magadha (Ma-kiệt-đà) với vị vua trị
vì là Bimbisara (Tần-bà-sa-la).
Lịch sử hình thành nên kinh thành này vẫn chưa
được biết rõ, tuy có một số hiện vật bằng đất sét được tìm thấy nơi đây có niên
đại một ngàn năm trước Tây lịch. Theo Thiên anh hùng ca Ramayana của Ấn giáo
thì Rājagaha do Vasu, người con thứ tư của Brahma xây dựng. Nhưng đó chỉ là
huyền thoại. Lịch sử của kinh thành chỉ có thể được bắt đầu từ vua Bimbisara.
Và việc xác nhận kinh thành ngày nay chủ yếu dựa theo hai cuốn ký sự của ngài
Pháp Hiển và Huyền Trang.
Rājagaha có thể nói là mảnh đất gắn
liền với Phật giáo. Thái tử Siddhattha sau đêm vượt thành xuất gia đã tìm đến
nơi này khởi đầu cho việc tìm đạo. Tại nơi đây, vua Bimbisara khi nhìn thấy
ngài khất thực trên đường đã cố nài nỉ Ngài từ bỏ con được tu sĩ, quay trở lại
đời sống thế tục để thụ hưởng những vui thú thế gian mà một bậc vương tử đang
có, và hứa sẽ chia quyền cai trị vương quốc của mình cho ngài nếu ngài nghe
theo lời khuyên của mình. Nhưng khi nhận thấy lời nói của mình không lay chuyển
được ý chí của một vị tu sĩ trẻ, nhà vua đã thôi không thuyết phục nữa mà mời
vị tu sĩ trở về viếng thăm kinh thành khi mục đích thành tựu. Vị tu sĩ hứa với
nhà vua sẽ quay trở lại, sau đó rời kinh thành này, đi đến nhiều nơi tìm thầy
học đạo.
Sau sáu năm tu tập, vị thái tử năm
xưa đã chứng đắc đạo quả và trở thành một vị Phật. Nhớ lại lời hứa trước đây
với nhà vua, vào năm đầu tiên sau khi đạt được giác ngộ, Đức Phật đã trở về
Rājagaha để viếng thăm nhà vua. Khi Đức Phật trở lại nơi đây, nhà vua và quần
thần của ông đã đón tiếp Ngài cùng các đệ tử rất long trọng. Trong lần viếng
thăm này, nhà vua đã cúng dường lên Đức Phật Trúc Lâm tịnh xá (Veluvana) để làm
nơi cư trú cho Tăng chúng. Và cũng trong lần này, Đức Phật đã thâu nhận hai vị
đại đệ tử là Xá Lợi Phất (Sariputta) và Mục Kiền Liên (Mogallana). Bên cạnh đó,
trong lần này cũng có rất nhiều dân chúng của Rājagaha phát tâm quy y và xuất
gia theo Ngài, đặc biệt trong số này có Purana Kassapa, Makkhali Gosala, Ajita
Kesakambali, Pakudha Kaccayana, Nigantha Nattaputta, Sanjaya Belatthaputta,
Upatissa, Kolita, Abhaya và Upāli…
Đức Phật đã an cư mùa mưa đầu tiên
tại tịnh xá Trúc Lâm, và sau khi kết thúc kỳ an cư, Ngài đã lên đường trở về
Capilavatthu để thăm lại quê hương sau nhiều năm xa cách. Theo Buddhavamsa
(Phật sử) của Sri Lanka
thì Đức Phật đã trải qua năm kỳ an cư tại kinh thành này. Ngoài lần đầu tiên
ra, Ngài còn ở đây vào các lần thứ ba, thứ tư, thứ mười bảy và hai mươi tính
theo thứ tự trong 45 năm thuyết pháp độ sanh của Ngài. Ngoài các kỳ an cư, Đức
Phật hẳn đã đến nơi đây nhiều lần, vì có rất nhiều bài kinh cũng như giới luật
được thuyết giảng và chế định tại Rājagaha trong những bối cảnh khác nhau.
Cũng tại nơi đây, Đề-bà-đạt-đa
(Devadatta) vì tham vọng, đã có những hành động bất thiện đối với Đức Phật. Ông
đã từng cho lăn đá, thả voi say Nalagiri... nhằm hãm hại Đức Phật, nhưng những
việc làm ấy đều thất bại. Đề-bà-đạt-đa còn cấu kết với thái tử A-xà-thế
(Ajatasatru), cùng làm những điều bất chính. Một người thì tìm cách đoạt ngôi
từ cha mình, còn một người thì lập mưu hãm hại bậc Đạo sư của mình, nhằm giành
lấy ngôi vị lãnh đạo Tăng đoàn.
Sau khi Đức Phật nhập diệt,
Rājagaha được các Tỳ-kheo chọn làm nơi kiết tập kinh điển lần thứ nhất. Kỳ kiết
tập diễn ra tại động Sattapanni, dưới sự chủ trì của ngài Ca Diếp và sự bảo trợ
của vua A-xà-thế. Nhà vua cũng cho dựng một ngôi tháp tại đây để thờ xá-lợi của
Thế Tôn mà ông nhận được tại Kusinagar.
Lịch sử về Rājagaha chỉ được biết
rõ vào khoảng thời gian thế kỷ thứ V trước Tây lịch nhờ vào những kinh sách của
Phật giáo.Sau đó vị trí chính trị xã hội của nơi này không còn được chú ý khi
hậu duệ của vua A-xà-thế đã dời đô về Pataliputta. Nhưng dù Rājagaha không còn
là kinh đô sau đó, nó vẫn còn là một trung tâm Phật học và là một nơi hành
hương nổi tiếng của các Phật tử trong những thế kỷ tiếp theo. Sự kiện vua
Ashoka sau một thời gian lên ngôi đã đến chiêm bái nơi này, cho dựng một ngôi
tháp và trụ đá, cho thấy sinh hoạt Phật giáo vẫn còn tồn tại ở đây vào thế kỷ
thứ III trước Tây lịch.
Khi Pháp Hiển đến chiêm bái nơi
này vào đầu thế kỷ thứ V, ngài mô tả rằng Rājagaha đã đổ nát, nhưng bên ngoài
kinh thành vẫn còn có một số tự viện và có các Tăng sĩ sống ở đó. Ngài Pháp
Hiển cũng đề cập đến nhiều địa danh và chùa tháp ở tại nơi đây, như núi Linh
Thứu, tháp do vua A-xà-thế xây để thờ xá-lợi của Đức Phật, tháp do vua Ashoka
dựng, và những ngôi chùa tháp khác. Theo ngài Pháp Hiển thì có hai thành Vương
Xá, một cũ và một mới: “Đi về phía Tây khoảng một dặm sẽ đến kinh thành mới của
Vương Xá. Thành này do vua A-xà-thế lập ra, giữa thành có hai ngôi chùa. Ra
khỏi cửa thành phía Tây sẽ đến một ngọn tháp, do vua A-xà-thế dựng lên để thờ
xá-lợi Đức Phật mà xưa kia vua được chia một phần. Ngọn tháp này đồ sộ, đẹp đẽ
và tôn nghiêm. Ra cửa thành phía Nam, đi độ bốn dặm về phía Nam, chúng tôi đến
một thung lũng, thung lũng này đưa đến năm ngọn đồi; năm ngọn này như một bức
thành bao bọc một vùng đất rộng, đó là thành Vương Xá cũ của vua A-xà-thế.
Thành này rộng từ Đông sang Tây độ 5, 6 dặm, từ Bắc đến Nam độ 7, 8 dặm. Chính tại chỗ này
ngài Xá Lợi Phất và ngài Mục Kiền Liên lần đầu tiên nhận chân được diệu pháp,
cũng là chỗ mà Ni-kiền-đà đào một hố sâu đầy lửa và dâng đồ ăn có thuốc độc cho
Đức Phật. Và cũng là chỗ mà con voi say cuồng của vua A-xà-thế chạy đến để hại
Đức Phật và đã được Đức Phật hàng phục”.
Ngài Huyền Trang đến đây thế kỷ
thứ VII đã mô tả kinh thành này rất chi tiết. Ngoài những gì Pháp Hiển đã nói,
ngài còn đề cập đến nhiều địa danh khác và những sự kiện liên quan đến mỗi địa
danh, như nơi Đức Phật thuyết kinh Diệu pháp liên hoa (Saddharma-pundarika),
phiến đá nơi Tôn giả Ananda ngồi thiền định và bị quỷ sứ dọa nạt, nơi ngài Xá
Lợi Phất cùng các vị đại A-la-hán nhập định, tảng đá nơi Đức Phật phơi áo cà
sa, các suối nước nóng và nước lạnh, nơi ngài Ca Diếp cùng 499 vị A-la-hán đã
triệu tập hội nghị kiết tập kinh điển...
Có thể nói rằng hai cuốn ký sự của
ngài Pháp Hiển và Huyền Trang là những tài liệu quý giá nhất còn lại trong việc
tìm hiểu về lịch sử Rājagaha. Hầu hết các chùa tháp như được đề cập đến trong
hai cuốn ký sự ngày nay đã không còn tìm thấy, nhưng các địa điểm như những
hang động, đồi núi, suối nước nóng… vẫn còn nhận diện được. Rājagaha bắt đầu
được khảo sát vào những năm đầu của thế kỷ XX, và tất cả chẳng còn gì ngoài
những tường thành đổ nát và một số nền chùa tháp vùi dưới lòng đất. Nhưng căn
cứ trên những bờ thành này, các nhà khảo cổ, dựa theo hai cuốn ký sự của Pháp
Hiển và Huyền Trang, đã tìm đến những địa danh khác liên quan đến Phật giáo.
Những địa điểm chiêm bái
Trong số các địa danh được xác định
có thể kể đến Veluvana (Trúc Lâm tịnh xá), ngôi nhà đá Pippala, hang động
Sattapanni, ngục tù Bimbisara, vườn xoài Jivaka, núi Gijjhakuta (Linh Thứu),
Maddakucchi…
Tịnh xá Trúc Lâm (Veluvana)
Trúc Lâm là một trong số những
ngôi tịnh xá nổi tiếng vào thời Đức Phật. Tịnh xá này do vua Bimbisara cúng
dường Đức Phật nhân lần đầu Ngài viếng thăm Vương Xá sau khi giác ngộ. Tại nơi
đây, Đức Phật đã thuyết giảng nhiều bài kinh và cũng thâu nhận nhiều đệ tử xuất
gia cũng như tại gia. Trúc Lâm được mô tả là một nơi lý tưởng cho việc tu tập,
nhưng cũng thuận tiện cho các hàng đệ tử đến nghe pháp. Thời Đức Phật, trước
cổng tịnh xá có hai ngôi tháp thờ Tôn giả Mục Kiền Liên và Kiều Trần Như. Vị
trí ngôi tịnh xá này được xác định là nằm giữa thành Vương Xá mới và những ngọn
đồi bao quanh thung lũng. Ngày nay nó cách các suối nước nóng vào khoảng 150m
về hướng Bắc, gần những ngôi đền của Hindu và Hồi giáo. Trong tịnh xá có một hồ
nước có tên là Kalandanivāpa (hay Karaṇḍa kanivāpa) từng được nhắc đến trong kinh điển Phật giáo,
là nơi Đức Phật thường tắm rửa. Ngài Huyền Trang có nhắc đến hồ nước này trong
ký sự của mình. Cách hồ nước này không xa về hướng Nam có một gò đất lớn, xung quanh
có một số ngôi mộ của người Hồi giáo, được cho là khu tịnh xá Trúc Lâm cũ. Toàn
cảnh khu vườn này không có gì đặc biệt ngoài cây xanh và trúc, nhưng nhìn chung
nó được chăm sóc và bảo quản tốt, có người quét tước cũng như canh giữ.
Hang động Sattapanni
Hang động Sattapanni là nơi diễn
ra kỳ kiết tập kinh điển lần thứ nhất, bốn tháng sau khi Đức Phật nhập
Niết-bàn. Hang động này nằm trên một ngọn đồi. Chúng tôi chiêm bái nơi này vào
một sáng sớm đầy gió và se lạnh. Ở dưới chân đồi, dù còn sớm nhưng đã thấy rất
đông người, nhưng hầu hết họ đến đây để tắm và lấy nước ở những con suối nước
nóng ở chân đồi chứ chẳng có ai trèo lên núi để chiêm bái hang động này. Đường
lên động, sẽ đi qua một nền đá hình chữ nhật cao khoảng 7 đến 8m với chiều dài
29m và chiều rộng 25m, được cho là nhà Pippala, nơi Tôn giả Ca Diếp đã từng cư
trú như được đề cập trong kinh điển Pāli. Theo Đại phẩm, Tương ưng bộ kinh V,
tại nơi đây nhân một lần Tôn giả Ca Diếp bị bệnh nặng, vào một buổi chiều Đức
Thế Tôn sau khi xả thiền đã đến thăm tôn giả và thuyết giảng về Thất giác chi,
và sau khi nghe giáo lý này Tôn giả Ca Diếp đã thoát khỏi bệnh.
Hang động Sattapanni như được mô
tả trong sách sử là chứa đến năm trăm vị A-la-hán, nhưng diện tích hiện nay
trông hết sức khiêm tốn. Tôi không rõ chiều sâu của hang động bao nhiêu, vì quá
tối mà không có dụng cụ chiếu sáng nên không thể vào được, nhưng nghe nói là sâu
khoảng 36m. Một số nhà khảo cổ vẫn còn nghi ngờ về địa điểm này, và không biết
có phải vì lý do này hay không mà ở đây người ta không cắm bảng như ở những nơi
khác, và cũng chẳng thấy có sự đầu tư nào cho địa danh này. Nó chỉ là một hang
động nhỏ nép mình hiu hắt bên vách núi đá quay mặt xuống thung lũng. Nhưng dù
chưa được xác quyết một cách chắc chắn và không được bảo quản thì động núi này
vẫn thu hút các Phật tử chiêm bái khi họ đến Vương Xá. Ở đó có bệ thờ để cho
khách hành hương dâng hương hoa, và cũng có cả người bán hoa ở đó. Và cũng có
cả người dẫn đường nếu người nào chưa biết đường lên hang động này.
Linh Thứu (Gijjhakuta)
Linh Thứu được xem là một địa điểm
quan trọng tại Vương Xá. Địa điểm này là nơi Đức Phật nhiều lần đến thuyết
giảng.Đường lên núi tuy khá cao nhưng tương đối dễ đi vì đã được lát đá. Con
đường này từng được gọi là đường Bimbisara, bởi vì vào thời Đức Phật, nhà vua
đã cho xây nó để ông được thuận tiện mỗi khi thăm viếng Đức Phật lúc Ngài trú
trên Linh Thứu. Con đường ngày nay hẳn nhiên là mới xây lại sau này. Đến gần
đỉnh núi, có hai hang động nhỏ, được cho là nơi hai Tôn giả Xá Lợi Phất và
A-nan đã từng trú ngụ. Trên đỉnh núi có một nền gạch, được xác nhận là hương
thất của Đức Phật. Và có lẽ điểm quan trọng nhất đối với khách chiêm bái Linh
Thứu là nơi này. Ở nơi đây, người hành hương có thể tụng kinh hay kinh hành
quanh hương thất.
Theo văn học Đại thừa thì Linh Thứu chính là nơi Đức
Phật đã thuyết kinh Pháp hoa (Saddharmapundarika Sutra), kinh Thủ
lăng nghiêm tam muội (Surangama Samadhi Sutra), Kinh Bát-nhã
(Prajna-paramita Sutras). Và vì vậy địa điểm này rất đặc biệt đối với những
Phật tử theo truyền thống Đại thừa, trong đó phải nói đến Nhật Bản, nơi mà Liên
hoa tông rất thịnh hành. Một bên đỉnh núi này, có ngôi tháp Vishwa Shanti rất
lớn và một ngôi chùa của Nhật Bản. Để lên tháp, khách hành hương có thể trèo
núi nhưng cũng có thể đi bằng cáp treo, một công trình do chính người Nhật đầu
tư. Trong các nước theo Phật giáo Bắc truyền, có thể nói Nhật Bản là quốc gia
có đóng góp rất lớn trong việc khảo cổ cũng như kiến tạo lại các thánh tích ở
Ấn Độ.
Vườn xoài Jivaka
Jivaka (Kỳ-bà) là một vị y sĩ danh
tiếng vào thời Đức Phật. Ông là con trai của Sālavatī, một kỹ nữ nổi tiếng tại
Vương Xá. Bà Sālavatī sau khi sanh nở, đã đem con mình bỏ tại một đống rác. Và
cậu bé này được Thái tử Abhayarājakumāra nhìn thấy và mang về nuôi. Khi lớn
lên, ông rời hoàng gia và ra đi học nghề thuốc. Sau bảy năm học tập, ông trở
thành một thầy thuốc tài giỏi, đi khắp nước trị bệnh cho mọi người, và ông rất được
vua Bimbisara và Ajatasatru trọng dụng. Ông cũng là một đệ tử thân tín của Đức
Phật. Sự kiện ông trở thành đệ tử của Đức Phật được mô tả trong bài kinh số 55,
Trung bộ kinh II. Bài kinh này thuật rằng, khi nghe Đức Phật thuyết
giảng một số vấn đề liên quan đến việc thực hành hạnh ly tham, sân, si, thực
tập từ bi và thọ nhận thực phẩm, Jivaka đã phát tâm quy y theo Ngài. Sau đó,
ông đã cúng dường vườn xoài của mình lên Đức Phật để Ngài làm nơi cư trú cho
Tăng chúng. Ông cũng là người đã điều trị vết thương nơi chân Đức Phật khi bị
Đề-bà-đạt-đa lăn đá ở núi Linh Thứu.
Theo kinh Samannaphala, Trường bộ
kinh, thì Jivaka cũng là người đã thuyết phục vua Ajatasatru đến viếng thăm Đức
Phật; và sau khi nghe Đức Phật thuyết giảng, nhà vua đã chứng đắc được quả Dự
lưu. Jivaka cũng cho xây dựng một tịnh xá nơi đây. Trong các kinh điển hệ Pāli,
khu vườn này được mô tả nằm giữa cổng thành hướng Đông và núi Linh Thứu. Khi
Huyền Trang viếng thăm nơi này thì ngài thấy ở đây có một bảo tháp; và nền tịnh
xá cũng như nhà của Jivaka vẫn còn. Việc xác định khu vườn xoài của Jivaka ngày
nay chủ yếu vẫn dựa theo cuốn ký sự này.
Ngục giam Bimbisara
Ngục giam Bimbisara, chỉ còn là một
nền đá rộng vài chục mét vuông. Chính tại đây vua Bimbisara đã bị người con của
mình là Ajatasatru giam giữ. Theo kinh sách, từ nơi ngục giam này vua Bimbisara
có thể nhìn thấy Đức Phật khi Ngài ở Linh Thứu.Và nhà vua đã qua đời ở tại
chính ngục giam này. Về sau, Ajatasatru khi nghe Đức Phật thuyết giảng, nhận ra
được tình thương và công lao của cha mẹ đối với con cái, ông đã quy y theo
Phật, sám hối lỗi lầm xưa bằng những việc làm thiện của mình.
Maddhakucchi
Maddhakucchi nằm dưới chân Linh
Thứu. Chính nơi đây, Hoàng hậu Vedehi khi được tiên đoán rằng thai nhi mà bà
đang mang trong mình sau này sẽ là một kẻ giết cha, nên đã cố phá bỏ bào thai
đó. Nhưng khi vua Bimbisara biết được sự việc, ông đã can ngăn bà. Theo kinh
điển Pāli thì thời Đức Phật, nơi đây có một khu vườn nuôi nai và một tu viện.
Và cũng chính tại đây, Đức Phật đã bị Đề-bà-đạt-đa lăn đá và bị thương nơi
chân.
Cách đến Rājagaha
Sân bay gần nhất là Patna Airport, nằmở thủ phủ của bang Bihar, cách
Rājagaha (Rajgir) khoảng 115km. Mặc dù cũng có ga tàu ở Rājagaha, nhưng có lẽ
tiện lợi hơn là nên đến ga Gaya và sau đó đi xe đến địa danh này. Rājagaha cách
ga Gaya vào khoảng 78km. Về đường bộ, Rājagaha
có những tuyến đường nối kết với các thành phố lớn của tiểu bang Bihar như
Patana và Gaya.
Nhưng thông thường đối với những người chiêm bái là Phật tử, việc đi đến
Rājagaha thường được thực hiện sau khi đã đến Bodhgaya, do đó hầu như các
chuyến đi đến địa danh này được khởi từ Bodhgaya bằng xe. Về thời điểm chiêm
bái, cũng như việc chiêm bái các Phật tích khác ở Ấn, thích hợp nhất là từ đầu
tháng mười đến tháng Ba.