15/12/2018 13:25 (GMT+7)
Số lượt xem: 1574
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

CHÙA BÁO ÂN – TRUNG TÂM HOẰNG PHÁP THẾ KỶ XIV
Chùa Báo Ân được dựng từ bao giờ Có ý kiến cho rằng chùa Báo Ân (Sùng Phúc tự) xưa thuộc hương Siêu Loại, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, Hà Nội được dựng từ thời Lý Công Uẩn hoặc thời Lý Thánh Tông. Thống kê các chùa được dựng thời Lý (1009-1225) trong sách Đại Việt sử lược1Đại Việt sử ký toàn thư2, chúng tôi không thấy có tên chùa này, nhưng có hai chi tiết đáng lưu ý sau:



1. Đinh Sửu, năm thứ 6 (1097) Tống Thiện Thánh, năm thứ 4, mùa Thu, tháng 8, sao mọc ban ngày. Bấy giờ trong nước phong đăng (giàu đủ) Thái hậu làm nhiều chùa Phật (Linh Nhân Thái hậu tức Ỷ Lan hoàng thái phi).

2. Ất Mùi, năm thứ 6 (1115), mùa xuân, tháng Giêng, bấy giờ vua không có con trai nên lập nhiều hoàng hậu và cung nhân. (3 hoàng hậu và 36 cung nhân) làm đàn chay để cầu tự. Thái hậu (Linh Nhân) dựng chùa thờ Phật, trước sau hơn 100 sở. (Tục truyền rằng Thái hậu hối lại việc Thượng Dương thái hậu và các thị nữ không tội mà bị chết khi vua Lý Thánh Tông viên tịch, mới làm nhiều chùa Phật ở khu vực hương Siêu Loại) để sám hối và rửa oan.

Với chi tiết thứ 2, có thể, chùa Báo Ân được dựng vào năm 1115 chăng?

Nhưng bằng chứng đáng tin cậy nhất là qua các đợt khai quật rải rác trước đây đến năm 2004, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy các dấu tích kiến trúc với 3 lớp: Trần, Hậu Lê và Nguyễn mà đáng lưu ý hơn cả là dấu vết kiến trúc nhà Trần với nền nhà 6 hàng chân cột, rộng 13 mét. Như vậy có thể xác định, chùa Báo Ân được xây dựng từ thời Trần trải qua nhiều lần xây mới, trùng tu cho tới ngày nay.

Sách Tam Tổ thực lục Thanh Mai Viên Thông tháp bi cho biết:

1. Trước đây, khi Trần Nhân Tông xuất gia (năm 1299, tháng 8 Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường, Nam Định lại xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh)3 sư trụ trì chùa Báo Ân là Trí Thông tự đốt cánh tay mình, từ bàn tay đến tận khuỷu tay, vẫn ung dung không biến sắc. Nhân Tông vào xem, Trí Thông đặt chỗ cho Ngài ngồi, lạy và nói: “Thần Tăng đốt đèn đó”. Đốt đèn xong về viện ngủ kỹ, ngủ dậy, chỗ bỏng lửa đều khỏi hết.

2. Mồng một tết năm Mậu Thân (1308) ông được chính thức làm trụ trì chùa Báo Ân và được giao cho chức vụ Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm..

Liên kết hai sự việc trên và phỏng đoán sư Trí Thông đến thời điểm đó đã trụ trì chùa được khoảng từ 10-15 năm, suy ra chùa Báo Ân muộn nhất được dựng từ những năm 1280, tức là chùa được xây dựng vào thế kỷ XIII.

Có thể nói chùa Báo Ân hết sức gắn bó với cuộc đời của Trần Nhân Tông, một vị vua nổi tiếng với những võ công (2 lần chống quân Nguyên vào năm 1285 và 1287) văn trị lẫy lừng (đất nước thái bình thịnh trị, biên cương mở rộng về phía Nam v.v…)

Sau ngày Trần Nhân Tông trở thành Đệ nhất Tổ thiền phái Trúc Lâm (gọi tắt là Trúc Lâm), số người xuất gia và theo đạo Phật ngày càng đông, trong đó có nhiều vị trong hoàng tộc và quan lại triều đình. Muốn thụ Tam quy hoặc nghe Trúc Lâm giảng kinh thuyết pháp họ phải vào Yên Tử hoặc lên chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) là trung tâm hoằng pháp của Giáo hội, như vậy vừa xa lại mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công việc của triều đình. Để khắc phục tình trạng trên, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã chọn chùa Báo Ân, nơi chỉ cách kinh thành Thăng Long 20 cây số, giáo thông thuận lợi: có đường thuỷ ngược về phía Bắc lên Yên Tử, sang Đông đến Côn Sơn, Kiếp Bạc, về Nam đến Thiên Trường, làm trung tâm hoằng pháp mới.  

Năm 1306, Trần Nhân Tông đã lập Pháp Loa làm chủ giảng chùa Báo Ân và cho Huyền Quang làm thị giả.4

Mồng một tết năm Mậu Thân (1308), Điều Ngự Giác Hoàng bổ nhiệm sư Pháp Loa trụ trì chùa Báo Ân và giao chức vụ tổ thứ hai của phái Trúc Lâm cho Sư.5

Ngày 15/10 năm Mậu Thân, nghe tin chị ruột là công chúa Thiên Thuỵ bị bệnh nặng, Trúc Lâm chống gậy xuống núi Yên tử và chỉ có một thị giả theo hầu. Đi từ mồng 5 tới mồng 10 mới đến kinh đô. Thăm chị xong, ngày rằm lên đường về núi. Trên đường ghé nghỉ đêm tại chùa Báo Ân6.

Sau khi Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn ở Yên Tử, vua Anh Tông đã cho đúc hai pho tượng Phật hoàng bằng vàng, một pho để ở chùa Báo Ân, một pho để ở chùa Hoa Yên núi Yên Tử. Trần Anh Tông còn lập ba cơ sở giới đàn ở 3 nơi, đó là chùa Chân Giáo trong hoàng thành, chùa Báo Ân ở Siêu Loại và chùa Phổ Minh ở Thiên Trường, Nam Định.7

Sự phát triển của chùa Báo Ân

Xây dựng chùa cảnh

Việc Phật hoàng Trần Nhân Tông chọn chùa Báo Ân làm trung tâm hoằng dương Phật pháp đã được cả triều đình cũng như giáo hội nhất trí và hết lòng ủng hộ. Nhất là từ sau ngày Thiền sư Pháp Loa kế đăng Trúc Lâm đệ nhất tổ, vua Trần Anh Tông đã trích 100 mẫu gia điền ở làng Động Gia cúng vào chùa Báo Ân và cấp người cày để lấy hoa lợi cho chùa. Việc làm này trở thành phong trào cúng dường tài sản cho Giáo hội.

Năm 1312, Trần Anh Tông cúng dường chùa Báo Ân 5 vạn quan tiền để Pháp Loa bố thí cho dân nghèo. Vua cũng dâng cúng thuyền bè và kiệu phu cho chùa dùng, nhưng Sư từ chối không nhận. Vua lại sai lấy 500 mẫu ruộng từ trang Niệm Như cúng vào chùa làm bất động sản.

Năm Hưng Long thứ 21 (1313), vâng theo di chiếu của Trúc Lâm, Đệ nhị tổ Pháp Loa đã cho xây dựng lại chùa Báo Ân, mọi phí tổn do vua Trần Anh Tông cung cấp. Nhà vua tự thân đến chùa 3-4 lần và sai các cấm binh khiêng gỗ đổ đất. Ngài còn lấy những bảo vật thờ tự Tam bảo của mẹ mà cúng dường vào Phật sự này. Cùng năm đó, Hoàng thái hậu Bảo Từ cúng vào chùa 300 mẫu gia điền.

Cuộc trùng tu này tới năm 1314 mới hoàn thành với 33 kiến trúc nào Phật điện, Gác kinh, nhà Tăng, Kho tàng. Cùng năm này nhân dịp lên Thái thượng hoàng, Trần Anh Tông ban cho chùa Báo Ân 500 hòm kinh Đại tạng, đúc 3 pho tượng Phật, mỗi tượng cao 17 xích (hơn 5 m). Pháp Loa đặt tên cho các kiến trúc, chùa thì gọi là Nhuỵ (Nhị) Hưng Điện, Anh Tông tự tay viết chữ ban cho.

Năm 1315, Thái thượng hoàng Trần Anh Tông lấy 30 mẫu ruộng của người cung nữ họ Phạm đã quá cố cúng vào chùa Báo Ân.

Với vị trụ trì là Thiền sư Pháp Loa đức cao đạo trọng, cảnh chùa ngày một trang nghiêm hoành tráng, chùa Báo Ân đã hấp dẫn rất nhiều người đến quy y, trong đó có nhiều vị trong hoàng tộc, như: Hoàng thái hậu Bảo từ, Tư đồ Văn Huệ Vương, Uy Huệ Vương (thụ Bồ-đề giới và làm phép Quán đỉnh) v.v… cũng như đến chùa nghe Thiền sư giảng kinh, luật, luận.

Cùng với viện Quỳnh Lâm, Đông Triều, Quảng Ninh (hoàn thành cuối năm 1314) và chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang, chùa Báo Ân trở thành một trong ba trung tâm Phật giáo lớn nhất của giáo hội Trúc Lâm.

            Về hoằng dương Phật pháp

Tại chùa Báo Ân, ngoài việc giảng dạy các kinh phổ thông như kinh Kim cương, Lăng nghiêm, Viên giác, và các bộ lục như Truyền đăng lục (1311), Pháp Loa còn phải giảng các kinh Niết-bàn, Lăng-già, Pháp hoa và nhất là kinh Hoa nghiêm.

Năm 1322 ông giảng toàn bộ kinh Hoa nghiêm; khoá giảng có tới trên 1.000 người đi nghe.

Năm 1323 ông giảng hội thứ ba và thứ tư kinh Hoa nghiêm.

Tại sao việc học kinh Hoa nghiêm đã trở thành một phong trào trong Thiền giới lúc bấy giờ?

Kinh Hoa nghiêm phát xuất từ Ấn Độ. Nội dung cơ bản là “Pháp giới duyên khởi”, “Viên tín” “Viên giải”, “Viên hành”, “Viên chứng”. Đó là kinh Phật bàn về thế giới quan tinh vi và tập trung nhất, coi thế giới là sự hiển hiện của Tỳ-lô-xá-na Phật (Vairocana). “Nhất vi trần ánh thế giới” (trong hạt bụi có cả thế giới).

Vì kinh quá cao siêu nên hiếm người tiếp thu được, và tất nhiên việc phát triển càng khó hơn nữa. Nhưng khi truyền sang Trung Quốc (và sau đó sang Nhật Bản), do tư tưởng kinh thích hợp với người Trung Quốc nên phát triển mạnh trở thành một tông phái. Nguyên nhân của sự việc này là, trước khi kinh này được truyền sang, tư tưởng Lão Trang thịnh hành ở Trung Quốc, có cái nhìn về vũ trụ gần giống với tinh thần Hoa nghiêm, nên giới trí thức đương thời dễ tiếp thu được tư tưởng Hoa nghiêm.

Tuy nhiên cần khẳng định rằng kinh Hoa nghiêm phát triển được là nhờ các vị cao đức thông suốt được áo nghĩa Hoa nghiêm và biết kết hợp tinh thần Lão Trang để triển khai thành tư tưởng chỉ đạo của tông này.

Tư tưởng Lão Trang quan niệm mọi sinh hoạt của vũ trụ vận hành theo lý “Tự nhiên”, tự nhiên là “Vô”. Và tính chất của “Vô” là bản thể của vũ trụ. Người trí thức chịu ảnh hưởng Lão Trang có thể thấy vấn đề nói trên của họ sáng hơn khi tiếp thu tư tưởng Hoa nghiêm do các vị cao tăng lý giải; theo đó, mọi sự, mọi vật đều bình đẳng, trong tốt có xấu, trong xấu có tốt. Tất cả sinh hoạt tương quan tương duyên chằng chịt trong pháp giới.

Người chứng đạo thấy rõ sự tác động của mối tương quan sâu xa ấy, mà thuật ngữ gọi là lý sự vô ngại pháp giới, thì sẽ hóa giải được tất cả. Còn chướng ngại, vướng mắc, không dung thông thì trở thành đối địch, đối đầu, từ đó phiền não trùng trùng duyên khởi.8

Tình hình giới quý tộc (trí thức) nhà Trần lúc bấy giờ cũng giống giới trí thức thời nhà Đường thế kỷ VII – VIII. Vì vậy, ngay cả các vị trong hoàng tộc như công chúa Bảo Vân, Bảo Từ hoàng hậu, Văn Huệ Vương và bá quan triều đình nhà Trần là những gương mặt trí thức lúc đó đều đến chùa nghe Pháp Loa giảng kinh Hoa nghiêm9.

            Ngoài Pháp Loa, Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang năm 1315 từng đến chùa Báo Ân giảng kinh Lăng nghiêm.

            Nhằm đưa giáo lý Phật Đà thích nghi với thực tiễn, năm 1322, Pháp Loa cho khắc bản cuốn Tứ phần luật để in và phổ biến cho giới Tăng sĩ học tập. Ông thỉnh cầu hai vị sư huynh là Tông Cảnh (trụ trì ở Tiên Du) và Bảo Phác (trụ trì chùa núi Vũ Ninh) về chùa Báo Ân mở những lớp dạy về Tứ phần luật cho Tăng sĩ và in 5.000 bản Tứ phần luật phát cho các Tăng sinh.

Phật sự này không những góp phần nâng cao đạo hạnh giới Tăng sĩ mà còn làm trong sạch Tăng đoàn, giúp cho việc quản lý Giáo hội ngày một tốt hơn.

Những sự kiện nói trên cho thấy những hoạt động sôi nổi của chùa Báo Ân – một trong những trung tâm Thiền của Giáo hội Trúc Lâm ở thế kỷ XIII và nửa đầu thế kỷ XIV.

 

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo Sử Luận, tập 1, NXB. Văn học, 1994.

2. Thích Phước Sơn (dịch và chú), Tam Tổ thực lục,  Viện Nghiên cứu Phật học, 1995.

3. Thích Trí Quảng: Lược giải kinh Hoa nghiêm, NXB. Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2000.

4. Từ điển Nho, Phật, Đạo, NXB. Văn học, 2001.

5. Đại Việt sử lược, NXB. Văn hoá Thông tin, 2003.

6. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính và chú giải, NXB. Văn hóa Thông tin, 2004.

 


 

1 Đại Việt sử lược, NXB. Văn hoá Thông tin, 2003.

2 Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), tập 1, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính và chú giải, NXB. Văn Hóa Thông tin, 2004.

3 Theo ĐVSKTT, tập 1: Năm 1294, Thượng hoàng đã xuất gia tại hành cung Vũ Lâm, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.

4 Theo Tam Tổ thực lục, Thích Phước Sơn (dịch và chú), Viện Nghiên cứu Phật học, 1995.

5 Sách đã dẫn.

6 Sách đã dẫn.

7 Sách đã dẫn.

8 Thích Trí Quảng:  Lược giải kinh Hoa nghiêm, NXB. Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2000.

9 Kinh Hoa nghiêm là tên gọi tắt của kinh Đại phương quảng Phật hoa nghiêm, xuất phát từ Ấn Độ. Khi truyền sang Trung Quốc kinh Hoa nghiêm được cất giữ tại kinh đô Trường An. Đến đời nhà Tấn thì ngài Phật Đà Bạt Đà La (Giác Hiền) là người đầu tiên dịch kinh sang Hán văn chia thành 60 quyển gọi là bộ Lục thập Hoa nghiêm, thường gọi là bộ Cựu dịch. 200 năm sau, đến đời Đường, ngài Thật Xoa Nan Đà dịch, chia thành 80 quyển, gọi là Bát thập Hoa nghiêm hay bộ Tân dịch. Và cũng vào đời Đường, ngài Bát Nhã dịch riêng phẩm Nhập pháp giới gọi là Tứ thập Hoa nghiêm gồm 40 quyển. Tại Trung Quốc, kinh Hoa nghiêm phát triển mạnh mẽ vì tư tưởng kinh thích hợp với người Trung Quốc, tiến đến thành lập tông Hoa Nghiêm. Tiếp theo, kinh Hoa nghiêm được một nhà sư Trung Quốc mang sang Nhật Bản, nhưng không thuyết giảng. Đến đời Thánh Vũ Thiên hoàng (năm 740), khi ngài Thẩm Tường là nhà sư Triều Tiên sang Nhật Bản, kinh này mới được Ngài giảng giải và truyền pháp cho nhà sư Nhật là Lương Biện, lấy chùa Đông Đại Nại Lương làm đạo tràng căn bản, khai sáng tông Hoa Nghiêm Nhật Bản..

Thiết lập pháp hội Hoa Nghiêm với hội chúng, hội trường có khác nhau: theo kinh Hoa nghiêm lục thấp quyển thì có 8 hội, còn theo kinh Hoa Nghiêm bát thập quyển thì ghi nhận có 9 hội.

http://hoangphap.info/DefaultNew.aspx


Âm lịch

Ảnh đẹp