Chùa Diệu Tâm ở Kyoto (Nhật Bản) - Ảnh: Flickr
Chùa Diệu Tâm vốn là cung điện của
vua Hanazono. Năm 1318, vua Hanazono từ bỏ ngôi vua đến năm 1335 vua xuất gia
làm Tăng sĩ và sau đó được ngài Đại Đăng quốc sư ấn chứng là có sở ngộ. Đến năm
1337, vua Hanazono phát tâm cúng dường cung điện của mình để cải tạo thành một
ngôi chùa.
Năm 1342, ngài Kanzan Egen (1277-1360), vị tổ thứ ba của dòng truyền
thừa Ứng Đăng, đến trú tại chùa Diệu Tâm và kiến tạo thành ngôi chùa chính của
thiền phái Lâm Tế ở Nhật Bản. Vào năm 1348, vua Hanazono viên tịch ở tuổi 52.
Hầu như tất cả các tòa nhà, các
công trình kiến trúc của chùa Diệu Tâm đều đã bị phá hủy trong cuộc chiến tranh
Onin năm 1467. Tuy nhiên, nhiều công trình đã được xây dựng lại trong thời kỳ
đầu dưới sự lãnh đạo của Thiền sư Sekko-Soshin (1408-1486), vị Tổ thứ sáu. Các
tòa nhà hiện nay chủ yếu được xây dựng trong khoảng 150 năm sau đó (cuối thế kỷ
thứ 15 đến đầu thế kỷ thứ 17).
Những khu vườn tại chùa Diệu Tâm hiện tại được
đề cử vào danh sách những danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử quốc gia.
Quần thể kiến trúc chùa Diệu Tâm
có sắc màu rực rỡ, và được xây dựng dọc theo các lối đi quanh co với những bức
tường cao bao bọc, vì vậy rất dễ khiến cho người lạ bị mất phương hướng. Chùa
có hai cổng chính, một nằm phía Bắc và một ở phía Nam, với một trục đường chính nối
hai cổng.
Các tòa nhà chính nằm song song trên trục đường chính ấy. Bên cạnh đó
còn có một trục đường từ cửa Bắc chạy dài về phía Đông chùa và một số trục
đường phụ khác dẫn đến các tòa nhà, các điện thờ.
Vào năm 1872, chùa Diệu Tâm đã
thành lập Trường Đại học Hanazono và Trường Trung học Hanazono.
Quần thể chùa Diệu Tâm có rất
nhiều công trình kiến trúc độc đáo, trong đó một số công trình, tác phẩm được
xếp hạng bảo vật quốc gia, đặc biệt là bức bích họa hình rồng trên trần điện
Hatto và quả đại hồng chung nổi tiếng bởi âm thanh tuyệt diệu.
Minh Phú (Theo Myoshinji.or.jp)