21/06/2012 09:27 (GMT+7)
Số lượt xem: 156644
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Myanmar là một trong những quốc gia thuộc vùng Đông Nam Á; biên giới phía Bắc giáp với Trung Quốc, phía Đông giáp Lào và Thái Lan, phía Tây giáp với Bangladesh và Ấn Độ. Diện tích toàn lãnh thổ là 677.000 km2, dân số khoảng trên 60 triệu với 135 chủng tộc khác nhau, chủng tộc Myanmar chiếm 2/3 dân số cả nước. Khu vực hành chính được chia thành 14 tiểu bang hay thành phố: Yangon, Sagaing, Mandalay, Magway, Shan, Kayin, Rakhine, v.v.


 Trước đây, Yangon là thành phố thủ đô của Myanmar nhưng hiện tại là cố đô, thủ đô mới hiện nay toạ lạc tại Nay Pyi Taw, quận Phinmana, Mandalay, cách Yangon khoảng 320 km về phía Bắc. 

Myanamar là một trong những nước thuần tuý theo truyền thống Phật giáo Nam Tông (Theravāda) và được xem như là chiếc nôi của Phật giáo Nam Tông, là xứ sở của chùa tháp. Cả nước có trên 89% dân số theo đạo Phật, phần còn lại là Thiên Chúa giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, và một số ít theo thuyết vật linh. Hoà mình cùng những ngôi cổ tự, ttrường Đại học Quốc tế Truyền giáo Phật giáo Nam Tông.

(International Theravāda Buddhist Misionary University - ITBMU) ra đời. Trường được thành lập vào ngày 9/12/1998, bên cạnh ngôi chùa thờ Xá Lợi răng của Đức Phật, tại đồi Dhammapala, quận Mayangone, thành phố Yangon, Myanmar. Mục đích của trường là bảo tồn và truyền bá Phật giáo nói chung và Phật giáo Nam Tông nói riêng đến các quốc gia trên thế giới. Tất cả những ai có tâm nguyện muốn nghiên cứu Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Nam Tông, muốn học hỏi ngôn ngữ Pāli - ngôn ngữ mà ngày xưa Đức Thế Tôn đã dùng để giảng dạy cho chư vị Thánh Tăng đệ tử, muốn thực hành thiền quán theo truyền thống Kinh Tứ Niệm Xứ, thì trường Đại học Phật giáo tại Yangon, Myanmar thật sự là một nơi thích hợp, là nơi mà mọi người có thể tiếp nhận giáo lý của Đức Phật trên cả hai phương diện lý thuyết và thực hành.

 Chương trình giảng dạy tại trường được chia thành bốn phân khoa: Pháp học, Pháp hành, Tôn giáo học và Ngôn ngữ học. Mỗi phân khoa gồm có các môn học như sau:

1. Pháp học gồm: Kinh, Luật, Vi Diệu Pháp (Luận), văn hoá và lịch sử Phật giáo.

2. Pháp hành gồm: lý thuyết và thực hành cả hai phương pháp thiền: Thiền định (Samatha) và Thiền quán (Vipassanā).

3. Tôn giáo học gồm: nghiên cứu các tôn giáo trên thế giới; phương pháp duy trì, truyền bá Phật giáo. Phương pháp viết bài nghiên cứu cho các sinh viên hậu đại học cũng bao gồm trong phân khoa này.

4. Ngôn ngữ học gồm: Pāli, Saṅskrit, Myanmar, Pháp, Đức, Nhật, Trung Quốc, v.v. (Pāli, Saṅskrit và Myanmar là những môn học bắt buộc, các ngoại ngữ khác sinh viên được quyền chọn một).

Trình độ học được chia thành bốn cấp như sau:

1. Diploma (Dip.)     -   1 năm

2. Cử nhân (B.A.)    -   2 năm

3. Thạc sĩ (M.A.)     -   3 năm

4. Tiến sĩ (Ph.D.)     -   4 năm

Vì muốn lấy tiêu chuẩn chung và muốn các sinh viên có kiến thức căn bản theo truyền thống Phật giáo Nam Tông, nên tất cả các sinh viên sau khi trúng tuyển trong kỳ thi tuyển sinh đều phải bắt đầu học từ lớp Diploma. Mỗi năm có hai học kỳ, mỗi học kỳ học bốn tháng rưỡi, học kỳ I bắt đầu từ ngày 1/6 đến giữa tháng 10, học kỳ II bắt đầu từ ngày 1/12 đến giữa tháng 4. Mỗi năm sinh viên Diploma và Cử nhân phải trãi qua hai kỳ thi. Sau khi thi xong sinh viên được nghỉ hè khoảng một tháng rưỡi (một năm có hai kỳ nghỉ hè: nghỉ hè học kỳ I khoảng giữa tháng 4 đến cuối tháng 5; nghỉ hè học kỳ II khoảng giữa tháng 10 đến cuối tháng 11). Trong thời gian này sinh viên có thể đến các trung tâm thiền để hành thiền (thức ăn và chỗ ở được miễn phí hoàn toàn), hoặc đi chiêm bái các ngôi cổ tự, các danh lam, thắng cảnh tại Mandalay, Sagaing, Bagan, v.v, hoặc có thể về lại cố hương thăm Thầy Tổ và người thân.  

Nghiên cứu sinh Thạc sĩ năm thứ nhất, học kỳ I viết bài từ 25 đến 30 trang, học kỳ II thi các môn đã học; năm hai viết bài khoảng 50 trang và vẫn phải thi trong học kỳ II; năm ba chỉ viết luận án từ 80 trang trở lên. Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ, nếu muốn học tiếp chương trình Tiến sĩ (PhD.), sinh viên phải tham dự kỳ thi tuyển sinh Tiến sĩ được tổ chức tại trường. Nếu thi đậu trong kỳ thi tuyển sinh, sinh viên phải trình bày đề tài và phương pháp nghiên cứu luận án (PhD. Proposal) đến hội đồng học vụ trường đại học, khi được chấp thuận các nghiên cứu sinh bắt đầu tìm tài liệu và viết đề tài đã chọn. Mỗi năm, các nghiên cứu sinh phải hội thảo chuyên đề (Seminar) một lần để trình bày những gì mình đã viết và cũng để nhận sự góp ý từ các giáo sư chuyên môn.

Mục đích của trường là muốn cho mọi người có cơ hội học và thực hành theo lời dạy của Đức Thế Tôn. Thế nên tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, tôn giáo, giai cấp, tu sĩ hay cư sĩ, đều có thể tham dự vào kỳ thi tuyển sinh được tổ chức hàng năm tại trường hoặc tại Đại xứ quán Myanmar ở các nước. Kỳ thi tuyển sinh thường được tổ chức vào tuần lễ thứ hai của tháng 1 hàng năm và khoảng giữa tháng 4 thì có kết quả.

Nội dung thi gồm có 3 phần:

- Thứ nhất là văn phạm tiếng Anh (có 5 câu hỏi, trả lời trong 2 tiếng)

- Thứ hai là kiến thức căn bản về Phật pháp (có 5 câu hỏi, trả lời trong 2 tiếng)

- Thứ ba là thi vấn đáp (thí sinh phải trả lời 4 hoặc 5 câu liên hệ đến cuộc sống và kinh nghiệm trong sự tu học)

Nếu trúng tuyển, thí sinh sẽ được trường gởi giấy báo về tận nơi theo địa chỉ thí sinh đã đăng ký trong đơn xin dự thi. Bộ tôn giáo Myanmar chịu trách nhiệm cấp và gia hạn Visa (miễn phí) cho tất cả các sinh viên đã trúng tuyển. Học phí, thức ăn (có cả chay và mặn) và chỗ ở được nhà trường cung cấp miễn phí tất cả. Tuy nhiên phí tổn đi lại nằm ngoài phạm vi trách nhiệm của nhà trường.

Phật Pháp thật thậm thâm vi diệu, dù đứng ở bất cứ góc độ nào chúng ta cũng có thể cảm nhận được giá trị cao thâm của giáo pháp. Thế nên, nếu có duyên đến một đất nước Phật Giáo tu học chắc chắn chúng ta sẽ gặt hái được những kết quả tốt đẹp có lợi ích cho tự thân và mọi người, đồng thời góp phần tô điểm cho vườn hoa Phật Pháp tại quê hương thêm tươi thắm với muôn màu, muôn sắc.

http://huongtubi.org/index.php?/hanh-huong-du-lich/doi-net-ve-truong-dai-hoc-phat-giao-tai-yangon-myanmar.html


Âm lịch

Ảnh đẹp