thì tại miền đông bắc một tờ nhật báo địa phương đã phỏng vấn một
vị Lạt-Ma trụ trì một ngôi chùa tọa lạc trong một ngôi làng thật nhỏ nằm bên
bìa một khu rừng, ngôi làng tên là Septvaux và chỉ có hơn hai trăm dân cư. Bài phỏng
vấn đăng trên tờ nhật báo L'Ardennais,
phát hành ngày 18 tháng 8 năm 2011, và dưới đây là phần chuyển ngữ.
Làng
SEPTVAUX (thuộc địa phận tỉnh Aine) - Chỉ còn vài giờ nữa là
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma sẽ rời thành phố Toulouse, và tại ngôi làng Septvaux này một
khóa tu học Phật Pháp cũng sắp được khai mạc. Chúng tôi tìm gặp vị Lạt-Ma Tenzin
Samphel trụ trì ngôi chùa Shedup Künsang Chöling tọa lạc trong ngôi làng này, và
cũng là người sẽ đảm trách khóa tu học.
Sao ngài không thừa dịp cuối tuần để xuống Toulouse tham dự
buổi thuyết giảng của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma?
Lạt-Ma
Tenzin: Tôi không đi được, trước đây tôi vẫn tìm cách tham
dự, thế nhưng lần này thì không thực hiện được.
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đến Toulouse để thuyết giảng. Thế nhưng ngôi chùa
toạ lạc trong ngôi làng Septvaux này do ngài quản lý cũng sắp khai mạc một khóa
tu học kéo dài một tuần. Vậy việc tu học sẽ hướng vào chủ đề nào? Có phải là chủ
đề mưu cầu hạnh phúc mà Đức Đạt-Lai Lạt-Ma nêu lên hay không?
Chúng tôi tổ chức các khóa học theo từng
chu kỳ nhất định. Khóa này dành cho những người đã từng tham dự các khóa học trước.
Chủ đề nêu lên sẽ là các xúc cảm tiêu cực và các phương pháp loại trừ các xúc cảm
bấn loạn ấy. Những người mới phải chờ các khóa nhập môn bắt đầu cho mỗi chu kỳ.
Các khóa mở đầu nhắm vào việc tìm hiểu triết học, gồm thêm các buổi luyện tập
du-già và thiền định (xin hiểu là dân chúng Tây phương khá linh
động, tuy ngôi chùa ở nơi hẻo lánh nhưng cũng có những người từ xa đến).
Nữ diễn viên điện ảnh Véronique Jannot có viết một quyển
sách tựa là "Tìm thấy một con đường" ("Trouver le chemin"),
thuật lại quá trình đã đưa bà đến với Phật giáo. Trong sách bà nhấn mạnh đến tầm
quan trọng cần phải có một vị thầy "giúp mình hướng vào những gì tốt đẹp
nhất ?" Vậy có đúng như thế không?
Phật giáo đòi hỏi chúng ta phải biết
suy tư về những gì thuộc vào nội tâm của mình, những thứ ấy thật
tinh tế và sâu xa. Con đường mà mỗi người phải trải qua quả thật đầy rẫy những chướng
ngại, hoang mang và lầm lẫn. Vì thế phải cần có một vị thầy đích thật, đủ khả năng
quán thấy các sai lầm của mình và cả các nguyên nhân sâu xa làm phát sinh ra chúng,
hầu giúp mình một cách hữu hiệu hơn trên đường tu tập... Mục đích của Phật giáo
nói chung là giúp cho mỗi người trở thành vị thầy của chính mình, đủ sức chủ động
được những xúc cảm của chính mình.
Về phần ngài thì mỗi khi được gặp Đức Đạt-Lai Lạt-Ma
thì ngài mong đợi những gì nơi Vị ấy?
Trước đây qua một thời gian dài tôi đã
từng sống chung với tăng đoàn để học hỏi và tu tập. Hôm nay tôi đến đây để mong
chia sẻ với mọi người những điều mà tôi đã học hỏi được, cũng như niềm hạnh phúc
mà tôi đã tìm thấy, và cả ý nghĩa của sự sống này. Tôi học được ở Đức Đạt-Lai Lạt-Ma
cách phải làm thế nào để truyền lại cho người khác tất cả những thứ ấy.
Buổi thuyết giảng của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma mang chủ đề
"Nghệ thuật mưu cầu hạnh phúc" đã thu hút đông đảo người tham dự. Vậy
tại nơi này ngài có nhận thấy nhiều người cũng hằng mong ước tìm thấy hạnh phúc
hay không?
Hạnh phúc của riêng mình nhất thiết
tùy thuộc vào hạnh phúc của người chung quanh. Con tim của mỗi người đều mang bản
chất tích cực. Thế nhưng chỉ vì cuộc sống chung quanh đã tạo ra quá nhiều trở
ngại khiến cho con người không phát huy được tình thương và lòng từ bi của mình
mà thôi. Người tu tập Phật giáo nhờ vào các phép thiền định triết học để hòa mình
với người khác và hội nhập với thiên nhiên Sự hòa đồng đó được xây dựng trên sự
tin cậy lẫn nhau, không phải vì sợ hãi nhau. Người tu tập Phật giáo bao giờ cũng
mong tìm thấy một sự an bình đích thực trong nội tâm mình. (Cách trả
lời rất khéo, không xác nhận là tại nơi này có nhiều hay ít người hằng mong cầu
tìm được hạnh phúc, mà chỉ nói rằng người tu tập Phật giáo luôn tìm cách hoà đồng
với người khác, thích ứng với thiên nhiên và luôn mong muốn tìm thấy sự an bình
trong nội tâm).
Diễn viên màn ảnh Véronique Jannot cũng từng nói rằng
"từ lúc mà ta có cái may mắn được nghe những lời giảng huấn cho đến khi hiểu
được những lời giảng huấn ấy là gì, và từ lúc biết đem những lời giảng huấn ấy ra
để ứng dụng vào cuộc sống cho đến khi những ứng dụng ấy trở thành những chuyện
thật tự nhiên, thì đều phải cần đến những thời gian thật dài, có thể suốt cuộc
đời mình nữa". Vậy phải làm thế nào để có thể chủ động được cái thời gian dài
đằng đẵng ấy?
Có những lúc cần phải dành thì giờ để
lắng nghe những lời giảng huấn, để suy tư và thiền định, thế nhưng cũng có những
lúc phải biết mang những kiến thức quý báu ấy ra để ứng dụng vào cuộc sống hằng
ngày. Phải luôn cảnh giác. Phải canh chừng từng tư duy ngay từ lúc chúng mới vừa
hé lộ. Ngày này sang ngày khác ta sẽ quen dần đi, và rồi trong từng ngày một việc
cảnh giác ấy cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn... Khi gặp hoàn cảnh khó khăn thì phải
canh chừng ngay những xúc cảm hiển hiện từ bên trong tâm thức của mình. Phải luôn
nhớ lại những lời giảng huấn đã học hỏi được để ứng dụng vào sự sinh hoạt thường
nhật, hầu mang lại lợi ích cho cuộc sống của mình. Tâm thức con người quả thật
phức tạp và bướng bỉnh, thế nhưng Phật giáo luôn có cách giúp chúng ta phát huy
được các khả năng cần thiết để mang lại sự an bình.
Thống kê cho biết có 800 000 Phật tử trên đất Pháp,
trong số này 60% là phụ nữ. Ngài có nhận thấy sức thu hút thật mạnh đó của Phật
giáo đối với phụ nữ hay không?
Có chứ, rất nhiều phụ nữ đã đến đây.
Họ thật dịu dàng, khả ái, hào phóng và tâm hồn rộng mở... Có thể là vì
con tim
của họ nhân ái hơn, và biết đâu tình yêu thương cũng thấm sâu hơn trong
lòng họ,
khiến cho họ yêu đời hơn.
Vài lời ghi chú của người dịch:
Bài
phỏng vấn trên đây sở dĩ được chuyển ngữ là vì người dịch có ý nhằm vào hai chủ
đích mà chúng ta có thể suy ngẫm thêm : trước nhất là tình trạng hâm mộ Phật giáo
của một số người dân trong một quốc gia Tây phương ngày nay, và sau đó là con số
800 000 Phật tử trên đất Pháp đã nhắc đến trong bài.
Dân
số nước Pháp là 63 000 000 người. Phật giáo đứng vào hàng thứ tư, sau Thiên chúa
giáo, Hồi giáo và Do thái giáo. Con số 800 000 Phật tử là do tờ báo đưa ra, trong
khi Bộ Nội Vụ Pháp chính thức công nhận con số này là 1 000 000 người. Tổng hội
Phật giáo Pháp thì lại ước tính là số Phật tử trên đất Pháp ít nhất cũng phải lên
đến 2 triệu. Tóm lại thật hết sức khó để có được thống kê chính xác số người Phật
giáo, bởi vì không có nghi thức hay luật lệ nào bắt buộc họ phải khai báo tín
ngưỡng của họ. Hơn nữa trong các nước dân chủ, tín ngưỡng là một vấn đề cá nhân,
không ai có quyền hỏi hay chính thức kiểm kê, vì thế các con số không được chính
xác lắm.
Trên
một bình diện khác, một con số thống kê đơn thuần không thể biểu trưng đầy đủ ý
nghĩa của một sự kiện. Điều đáng ghi nhận hơn là theo các cuộc thăm dò cho biết
thì những người Phật tử Tây phương nói chung hầu hết thuộc thành phần trí thức
có trình độ học vấn cao, phần lớn sinh sống trong những vùng đô thị. Sinh hoạt
nghề nghiệp của họ thuộc các lãnh vực như: giáo dục, y tế, nghệ thuật, khoa học,
văn hóa...
Tờ
báo L'Ardennais còn cho biết thêm là
trong số này 60% là phụ nữ và nêu lên trường hợp một người phụ nữ đã tìm thấy ý
nghĩa cho cuộc sống của mình nhờ vào Phật giáo. Khi đọc bài báo trên đây có lẽ chúng
ta cũng không khỏi liên tưởng rằng đây cũng là một lời nhắn nhủ nào đó đến những
người phụ nữ khác trên những vùng quê hương khác. Thật vậy Phật giáo lúc nào cũng
có thể mang lại cho họ một giải pháp và mở ra cho họ một con đường dù trong bất
cứ một cảnh huống nào xảy ra với họ.
Bures-Sur-Yvette, 05.09.11
Hoang Phong chuyển
ngữ
(tài liệu chính:
http://www.lunion.presse.fr/article/aisne/rencontre-avec-un-lama)
Ngôi chùa Shedup Künsang Chöling thật khiêm tốn trong
ngôi làng Septvaux
thuộc tỉnh Aine trong vùng đông bắc nước Pháp
Vị Lạt-Ma Tenzin
Samphel ăn mặc theo người thế tục để hòa
mình với những người chung quanh (?), thế nhưng bên trong ông hình như tiềm ẩn những
gì thật thâm sâu.
Ca sĩ, diễn viên sân khấu
và ngôi sao điện ảnh Véronique Jannot
Quyển sách của bà Véronique Jannot:
"Tìm thấy
một con đường" (Trouver le
chemin), nxb: Editions de Noyelles, 2006
"Đây
là quyển sách thuật lại cuộc hành trình của cá nhân tôi đưa tôi đến với triết học
Phật giáo bắt đầu từ những năm cuối cùng của thập niên 1980".
Câu trích dẫn trên đây cũng là câu đầu tiên trong sách và có thể biểu trưng phần
nào cho nội dung của toàn bộ quyển sách.
Lời giới thiệu của nhà xuất bản
Vui vẻ, yêu đời và tràn đầy sức sống
là những gì luôn hiện lên nơi con người của bà, thế nhưng... Đây là lần đầu tiên,
người con yêu quý của truyền hình Pháp đã thổ lộ những đớn đau của mình: một cơn
bệnh ngặt nghèo xảy đến lúc mới hai mươi hai tuổi đời đã cướp đi cái diễm phúc
được làm mẹ vào một ngày nào đó của một người con gái. Và cũng là lần đầu tiên trong
quyển sách này bà nhắc đến tai nạn thảm thương xảy ra cho người yêu của bà là
tay đua xe hơi F1 Didier Pironi. Quyển sách thuật lại thật nhiều giai thoại khiến
chúng ta không khỏi cảm thấy mình cùng chia sẻ với bà con đường mà bà đã tìm thấy:
đấy là con đường Phật giáo đã giúp cho bà khỏi bệnh, mang lại cho bà một tầm nhìn
khác hơn về sự hiện hữu này, và giúp bà xả thân trong việc giúp đỡ xứ Tây Tạng.
Dựa vào một hướng nhìn thật trong sáng
căn cứ vào triết học Phật giáo, bà đã nêu lên cho chúng ta thấy một lối sống thường
nhật có thể phù hợp với khả năng của tất cả mọi người. Bà cũng không quên nhắc
đến trong sách những người phụ nữ ngoại hạng mà bà đã từng gặp trong số những
người dân Tây Tạng lưu vong. Bà cũng nhắc đến người thầy tâm linh của mình là
Sogyal Rimpoché. Thật nhiều giai thoại đưa chúng ta lên những đỉnh non chót vót
và hình như nơi những đỉnh non ấy có cất giấu những chiếc chìa khóa giúp mang lại
cho chúng ta một niềm hạnh phúc đích thực.
Ghi chú thêm
của người dịch:
Danh vọng, tiền bạc, sắc
đẹp... thường che giấu phía sau chúng những khổ đau mênh mông. Dù chúng ta có dồn
hết nổ lực để làm gia tăng thêm tiếng tăm, của cải... hầu che lấp hay bù đắp
cho khổ đau, thế nhưng cuối cùng thì mọi cố gắng theo chiều hướng đó đều cũng
chỉ là những cách làm cho khổ đau trở nên ngày càng gay gắt hơn. Thiết nghĩ có
lẽ tốt hơn hết là nên quay lưng lại để nhìn thẳng vào khổ đau của mình hầu khám
phá ra một tầm nhìn khác hơn về sự hiện hữu của chính mình trong thế gian này.
Bà Véronique Jannot sinh
ngày 7 tháng 5, năm 1957, là ca sĩ, diễn viên sân khấu và tài tử điện ảnh, đã diễn
xuất trong nhiều chục bộ phim. Người bạn đường của bà là Didier Pironi đã chết
trong một tai nạn xảy ra khi đua tàu ca-nô cao tốc vào năm 1987. Sau biến cố đó
bà thay đổi lối sống, xả thân chăm lo cho trẻ em Phi Châu và Tây Tạng.
Vị thầy tâm linh của bà
là Sogyal Rimpoché, là một vị Lạt-Ma thuộc học phái Đại Cứu Kính (Dzongchen),
tác giả quyển "Tử thư Tây Tạng" (Bardo Thödol). Quyển sách này đã
được dịch ra 31 thứ tiếng, phát hành trong 61 quốc gia và đã bán được nhiều chục
triệu cuốn.
Hiện nay bà Véronique
Jannot đang hợp tác với em gái của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma là bà Jetsun Pema trong
nhiều chương trình từ thiện.
Nhà sư Sogyal Rimpoché, thầy của bà Véronique
Jannot
và cũng là người biên soạn tập sách "Tử thư Tây
Tạng"
Véronique Jannot và Jetsun Pema, em gái của Đức
Đạt-Lai Lạt-Ma