26/04/2011 17:41 (GMT+7)
Số lượt xem: 2540
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

(TG&DT) - Tuy một quốc gia lấy đạo Phật làm quốc giáo, 95% là đạo Phật, (3% Islam, 2% Kito giáo) thế nhưng, ngoài giờ khất thực, ít khi thấy hình bóng các sư xuất hiện ngoài phố. Một vị sư dù là bản địa hay ngoại quốc, chỉ được ở nhà dân không quá 3 hôm, phải trú ngụ tại chùa

Đất nước Campuchea sau khi triệt hạ Polpot, 30 năm qua được quốc tế yểm trợ nhiều mặt, cuộc sống vẫn chưa thể hiện hết  tiềm năng vượt trội với dân số 17 triệu trên một diện tích bao la: 181.035 km2.


Kambodia cao hơn mặt biển 100m. giáp biên Việt Nam từ Đông xuống Nam 443km. Bắc và Tây giáp Thái. Cực Bắc giáp Lào. So với sự phát triển của Việt Nam, Cambodia vẫn còn nhiều khiêm tốn, chậm chạp. Đoạn đường cửa khẩu cấp ba từ Hà Tiên về Kampot hơn 50km, có đến 20 cây số đường đất đỏ mịt mù gió bụi. Đầu giờ chiều trở đi, chỉ còn xe thồ đi lại. Hai bên đường ruộng đồng cháy nắng. Miền Tây Nam bộ chằn chịt kênh rạch thì lãnh địa Campuchea phơi mình dưới cái nắng thiêu đốt. đất trơ trọi thiếu bóng cây xanh. Bò dê liếm từng khóm cỏ nằm sát mặt đất. Xa xa mới có khóm cây thốt nốt. Đất rộng người thưa, nên nhà dân sống rời rạc trên khu đất bao la trong vùng ngoại ô, không như Ấn Độ xúm xít tựa lưng vào nhau những căn nhà u ám ẩm thấp, từng khu  ổ chuột. Nhà người Khmerngoại ô phần lớn cất sàn, bên dưới chứa củi, bò, gà và vật dụng nông nghiệp.Vài người có xe du lịch, phía dưới nhà sàn là garage nhỏ.


Chợ Cam bốt trước 1975 sầm uất. Campuchea ảnh hưởng cuộc chiến Việt Nam, vì thế, sau khi Việt Nam thống nhất hai miền, Khmer cũng trải qua nhiều tang thương lịch sử. Khi Pháp đô hộ Đông Dương, Campuchea cũng bị chi phối bởi  Pháp vào thập niên 1860 -1953, Norodom đã ký hiệp ước với Pháp để thành lập chính quyền bảo hộ khi Pháp giúp Campuchea lấy lại Siemreap, Battambang, Meanchey, Odda do Thái cưỡng chiếm. Lúc Nhật chiếm quyền Pháp thì người Khmer cũng bị tác động  qua các thể chế chính trị vào năm 1941-1945. Giờ đây, cuộc sống Campot vẫn không dấu được nét mệt mỏi của thời chiến. Người dân lam lũ. Có những gia đình cả ngày lẫn đêm đều ở ngoài đồng, ngoài chợ, nhà cửa phó mặc cho con cái.

 

Hoàng triều Norodom đến năm 1904, Pháp tiến lập Sisowath, anh của Norodom, lên làm vua.Sau khi Sisowath mất, Pháp lại đưa Monivong, con của Sisowath kế nghiệp.Rồi đến triều đại Monireth, cuối cùng là Norodom Sihanouk. Một thời gian trị vì vương quốc Cambodia trung lập, được quần chúng kính ngưỡng và thế giới ủng hộ, cuộc sống xã hội ổn định và thanh bình; do cuộc chiến Việt Nam đang trên đà cao điểm, Norodom Sihanouk bị Lon nol-sirik Matak thân miền Nam Việt Nam lật đổ hòng kiểm soát vùng biên giới Miên-Việt, Norodom Sihanouk lưu vong sang Trung quốc, sau khi Khmer giải phóng, về lại Campuchea, một lần nữa bị Polpot cầm giữ, rồi lại sống lưu vong, nhà Vua trị vì hiện nay là Norodom Sihamoni,  Hunsen làm thủ tướng .


Khi nước nhà được sự hỗ trợ của Việt Nam, loại trừ  Polpot, Kambodia được quốc tế giúp đỡ khá nhiều về giao thông, ngân hàng, y tế, giáo dục…nhưng hạ tầng cơ sở cũng như đường sá vẫn còn đang thời kỳ tái thiết. Từ Kampot về Phnom Penh chưa tới 150 km, xe chạy phải mất gần 6 tiếng, trong khi đó, từ Sài Gòn lên Đà Lạt 300km cũng chỉ mất 6 giờ. Đường lên núi dài, khu du lịch mỗi ngày hàng trăm lượt khách, thế mà hơn chục km đất đỏ chưa tráng nhựa.

 

Cambodia là một đồng bằng có núi. Biển hồ chạy dài  qua 4 tỉnh, dài 150km, rộng 50km.Người Việt sống tại Biển Hồ vùng Siemreap khá nhiều, họ sống thành xóm, xử dụng tiếng Việt nên ít người tại đây biết tiếng Khmer. Người dân Khmer ngoài tiếng mẹ đẻ, một số  biết nói tiếng Pháp, Anh, Tàu và Việt Gồm có các thành phố lớn như: Phnom Penh 290km2, Kandal 3,568km2, Takeo 3,563 km2, Kampongcham 9,799km2, Kampongthom 13,814km2, Siemreap 10,299km2, Preah Vihear 13,788km2, Oddar Meancheay 6,158km2, Kampot 4,873km2…


Người Việt định cư trước 1975 cũng như sau 1980, không thong thả so với dân bản địa là bao, ngoại trừ một vài doanh nhân thành đạt tại Phnom Penh, họ nói chuyện thông thạo tiếng bản địa. Có những người sống trên đất Campuchea trên 30 năm, vẫn còn ở nhà thuê. Vật giá đắc đỏ hơn Việt Nam; Xăng một lít trên 20 ngàn đồng VN. Những vùng du lịch, người dân thu nhập khá hơn thương mãi và nông nghiệp; nhìn chung, cuộc sống cư dân vẫn còn cơ cực lại thêm khí hậu oi bức, tham nhũng công khai, tạo thành một đất nước nhếch nhác trì trệ.Người Việt sống từng cụm với nhau như ở vùng gần cầu Sài gòn, cây số 11, biển Hồ, Siemreap, Kampot… Các sư Việt Nam cũng chưa có ngôi chùa nào tại Cambodia tương xứng với chùa của Theravada Khmer. Một ngôi chùa, tạm gọi là thế, vì có sư và nơi thờ phượng, trên tole, chung quanh tole, không quá 20m2, nằm trơ trọi  nơi núi đất không một bóng cây. Dưới cái nắng thiêu đốt, nhìn từ xa, ngôi am tự đó như chiếc hộp thiêc để giữa lò lửa. Thỉnh thoảng có những đoàn từ thiện từ Việt Nam sang tiếp tế cho cộng đồng người Việt

 

Tuy một quốc gia lấy đạo Phật làm quốc giáo, 95% là đạo Phật, (3% Islam, 2% Kito giáo) thế nhưng, ngoài giờ khất thực, ít khi thấy hình bóng các sư xuất hiện ngoài phố. Một vị sư dù là bản địa hay ngoại quốc, chỉ được ở nhà dân không quá 3 hôm, phải trú ngụ tại chùa. Những ai qua thời gian tu tại chùa, họ đều được giáo dục kỷ về giới luật cũng như ngoại ngữ; Một người chạy xe Honda ôm nói lưu loát Anh văn cũng nhờ hai năm làm nghĩa vụ xuất gia nơi Thiền môn. Thervada Khmer chưa có một viện chuyên tu đào tạo thiền giả nổi tiếng như Myanmar và Tibet ở Dharamsala ở Northern India. Vua sãi Miên nắm vững danh sách,nếp sinh hoạt của các tu sĩ và đền chùa trên đất Cambodia. Thiền môn Khmer duy trì kinh luật theo truyền thống, văn tự kinh điển thuần Pali.

 

Khởi từ đế quốc Khmer 877-1432 cho đến Cộng Hòa Nhân dân Kampuchea 1979-1993. Cambodia trải qua nhiều cuộc thăng trầm chinh chiến với lân bang, thế mà, đường phố Phnom Penh cũng như các tỉnh thành ít thấy xuất hiện các anh hùng dân tộc, thế vào đó là tên con đường bằng số. Những đường chính lại là tên các danh nhân  ngoại quốc, trong đó  có tên Mao trạch Đông…Nếu không có Angkor Thom, Angkor Wat thì Cambodia chỉ là vùng đất hoang vu ít ai biết đến.( hai ngôi đền xuống cấp trầm trọng,  Polpot chặt đầu các thánh tượng, đập vỡ các di tích tiền nhân mà thế giới đang trân quý) Thật vậy, so với Việt Nam, dân tộc Khmer thiếu nhanh nhạy; Những người ăn nên làm ra tại xứ Angkor phần lớn là người Tàu, người Việt, Thái và các quốc gia Tây phương. Thế mà sự xuất hiện của hai khu đền tháp Angkor đã làm cho thế giới kinh ngạc thán phục. Đây là một công trình hành tinh. Trái lại, Việt Nam có trên 4 ngàn năm văn hiến, ngoài vịnh Hạ Long và một số địa danh, thắng cảnh nổi tiếng do từ thiên nhiên, sức ngưới chưa  tạo được một công trình tương xứng như thế. Bái Đính, Đại Nam chỉ là công trình phô bày sự tốn kém cầu kỳ để phục vụ du lịch được gọi là công trình thế kỷ. Nhưng Việt Nam có quá nhiều anh hùng dân tộc, các con đường trong cả nước, không đủ điền tên hết những danh sách dày đặc, một sự tương phản ngộ nghĩnh giữa hai quốc gia cận biên!


Phần lớn người dân Khmer vẫn còn mang bản chất thực thà thụ động và chịu đựng.vì thế Cambodia là một quốc gia của người nước ngoài trổ tài thao lược hơn là để cho cư dân bản địa phát triển đất nước. Nếu không có những khu phố sầm uất thương mãi, các công ty xí nghiệp của người nước ngoài hoạt động và các cơ quan ngoại quốc, thì Campuchea trở thành một cộng đồng sắc tộc vùng cao ở Việt Nam.


Trước thời kỳ đen tối từ thế kỷ thứ 15 đến thế kỷ 19, Kambodia có một thời thanh bình và phát triển, dưới triều đại Jayavarman VII 1181-1201, rất cực thịnh, vương quốc chạy dài tới Bình Định của Champa.thì Khmer ngày nay vẫn còn nhiều điều suy nghĩ.

 

Phnom Penh ngày nay sầm uất hơn, đặc biệt cung điện vua, và một building cao nhất nước gồm 8 tầng ngầm và 32 tầng nổi được gọi là Ocic tower, biểu tượng nền kinh tế Cambodia.Với những khu phố thương mãi. Cầu vượt băng ngang cầu Sài gòn đang thi công và nhiều công trình đang tiến độ.Có những Casino tại các cửa khẩu.một phi cảng quốc tế ở Siemreap lớn nhất, còn có ba phi cảng khác ở Phnompenh đứng hàng thứ nhì sau Phnom Penh Internationnal airport (Pochenton), Sihanouk ville và Battambang. Những sinh hoạt nhộn nhịp đó bảo đảm cho một đất nước hiền hoà có một tương lai phồn thịnh hơn. Tuy họ kém văn minh hơn Việt Nam nhưng có những cung cách hơn hẳn sự tinh khôn của người Việt. Ví dụ các khu di tích, họ chỉ thu tiền vé  một lần cho du khách tham quan bất cứ nơi nào, tại Việt Nam, mua vé vào cửa, phải chịu thêm tiền vé thăm các khu vui chơi bên trong khu du lịch. Họ chỉ thu vé người nước ngoài, vì  di sản của cha ông để lại hà cớ con cháu phải bỏ tiền ra đi thăm viếng di sản của tiền nhân? Những nơi buôn bán quà lưu niệm và quán ăn đều nằm cách xa di cổ trên 500m, họ không phô bày những loại thức ăn thu hút thực khách mang vẻ kém văn hóa như các sạp thịt rừng, thịt gia súc còn đang tươm máu như ở chùa Hương. Bấy nhiêu cũng đủ thể hiện tính nhân bản và văn hóa của một dân tộc mà công ty du lịch và ngành văn hóa có trách nhiệm. Người nước ngoài đến Hàn Quốc kinh tởm kỷ nghệ thịt cầy như thế nào thì họ nhìn những cảnh tượng động vật bị phanh thây tàn nhẫn treo lủng lẳng bụi bám, ruồi bâu nơi cửa chùa tôn nghiêm cũng như thế! 


Nhà nước Campuchea đang lúng túng trước ngành nông nghiệp của mình. Đất đai bao la mà không có kế hoạch dẫn thủy nhập điền như cuộc cách mạng xanh của Ấn Độ, tương lai sẽ bị sa mạc hóa. Nhà nước Kambodia  rất sáng suốt khi bảo vệ trên 5 ngàn km2 rừng nguyên sinh bao bọc  hai ngôi đền Đế thiên Đế Thích. Những đường nhựa nằm bên dưới táng cây rừng đã át đi cái nóng trên 40 độ mà du khách thích nhất. Về film ảnh kịch nghệ vẫn chưa có nét nổi trội. Các điệu múa cổ truyền chỉ để trang trí cho nền văn hóa một thời của Khmer. Tuổi trẻ thích với các vũ điệu thời trang của phương Tây. Cách trang phục cũng vắng dần sà rông và quốc phục của họ.

 

Tóm lại, tuy Campuchea có những cái chưa bắt kịp với các quốc gia trong khu vực, nhưng người Khmer biết duy trì sự chơn chất bản thân và không tàn phá môi sinh của đất nước. Biết bảo vệ và giới thiệu di cổ tiền nhân mà không nặng phần kinh doanh trên di cổ, ngược lại giới chức sẳn sàng đòi và nhận hối lộ công khai. Nếu hiểu văn minh là sự bảo tồn và thận trọng, không đua đòi nhố nhăn thì người Khmer đã có một ý thức về nền văn minh của chính mình ngang tầm như một Đế Thiên Đế thích cổ đại.

 

                                                                                   

MINH MẪN 11/4/2010
http://tongiaovadantoc.com


Âm lịch

Ảnh đẹp