01/02/2011 20:56 (GMT+7)
Số lượt xem: 2924
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Lumbini (Lâm Tỳ Ni) thuộc Vương quốc Nepal nằm dưới chân nóc nhà thế giới Himalaya được xem là nơi sinh hạ của Đức Phật. Đến Lumbini vào ngày cuối năm, tôi như được trở lại làng quê Việt Nam những năm 1990.


Việt Nam Phật quốc tự ở đất Phật Lumbini
Việt Nam Phật quốc tự ở đất Phật Lumbini. Ảnh: K.H

Những bộ sà-ri rực rỡ màu sắc, quần áo trẻ em phơi trên mái lợp rơm lụp xụp hai bên đường ở đất Phật tạo ra sự bình yên đến lạ. Phương tiện đi lại chủ yếu ở Lumbibi là xe đạp, nhà giàu mới có xe máy.

Lumbini có hai chợ, một chợ họp hai lần mỗi tuần, chợ kia chỉ họp một lần. Ngày chợ phiên, người dân mang những thứ nhà trồng được đến chợ họp trên khu đất trống để bán. Chợ nhỏ với khoảng 40 gian hàng. Đồ rau củ quả ở đất Phật khá giống Việt Nam.

Cũng như Việt Nam những năm 90, điện nước và các tiện nghi ở đây còn thiếu thốn. Mỗi ngày điện chỉ có vài giờ, mất nước thường xuyên. Đến khoảng 19 giờ, khắp Lumbini tối như bưng do không có đèn đường.

Tôi được ở trong chùa Việt Nam xây dựng trong khu Vườn thiêng. Ở khu này Internet không có và sóng điện thoại rất yếu. Muốn gọi điện, phải đạp xe 2-3km ra ngoài. Tối tối ở đây yên tĩnh đến lạ. Âm thanh duy nhất hằng đêm chỉ là tiếng tụng kinh gõ mõ. Xa xa tiếng chó sói hú văng vẳng vọng về.

Người dân đất Phật Lumbini hiền lành. Mỗi chiếc xe đạp ở đây giá 6.000-7.000 Rupees Nepal (khoảng 2 triệu đồng). Người dân cho biết ở đây chưa từng xảy ra việc mất trộm xe. Mượn xe của chùa, mỗi lần đi ra ngoài tôi cứ thoải mái dựng xe không cần khóa. Tôi đi gọi điện thoại có lần không có tiền lẻ, anh chủ quán vô tư bảo khi nào quay lại trả cũng được dù không biết tôi là ai. Bảo vệ thấy tôi buổi tối đi một mình liền cử người đèo tôi về tận chùa mà không lấy tiền công.

Dấu chân Phật trong đền Maya Devi
Dấu chân Phật trong đền Maya Devi . Ảnh: K.H

Nơi được cho là quan trọng nhất của Lumbini là Vườn thiêng, trong đó trung tâm là đền Maya Devi, nơi thờ tượng lâm bồn miêu tả cảnh Hoàng hậu Maya Devi sinh hạ hoàng tử Sidharth, tức Đức Phật. Ngôi đền đã được chính quyền Nepal xây dựng lại, nhưng dấu tích nền móng, hồ vữa của đền cổ vẫn được giữ nguyên.

Liên hiệp quốc Phật giáo

Trải qua thời gian, Vườn thiêng dần dần bị quên lãng, trở thành một khu vực hoang vu. Năm 1895, một nhà khảo cổ người Đức tình cờ phát hiện ra khu này và gần đây chính quyền Nepal mới tập trung phát triển Vườn thiêng.

Đến nay, đã có hơn 20 nước được cấp đất xây chùa ở Lumbini. Người dân địa phương gọi đây là liên hiệp quốc Phật giáo với kiến trúc các chùa đặc trưng của từng nước.

Với sự đầu tư của chính quyền Nepal, Lumbini đang thay da đổi thịt. Phật tử đến đây lễ Phật ngày càng đông. Để thăm đền, mọi người khuyên tôi nên đi từ sáng sớm để không phải chen chúc. 5h30 trời còn tối om, tại khu đền Maya Devi đã có cả trăm Phật tử chiêm bái. Người thì nghiêm trang thờ lạy gốc cây bồ đề, người thì lầm rầm đọc kinh dưới trụ đá Ashoka. Nhiều người đến đây còn mang theo lá vàng đến dán lên bức tường dưới tượng lâm bồn, phía trên dấu chân Phật.

Lumbini không chỉ đón nhận Phật tử đến chiêm bái, mà ngày càng có nhiều khách du lịch từ khắp thế giới đến tham quan và tận hưởng không gian tĩnh lặng, khung cảnh thơ mộng nguyên sơ. Một khu vực dân cư với khách sạn, nhà hàng được hình thành cạnh chùa để đáp ứng nhu cầu của người hành hương. Các cửa hàng lưu niệm bắt đầu mọc lên xung quanh các chùa để phục vụ khách du lịch.

Dấu ấn Việt

Vừa rời Ấn Độ để qua Nepal, thấy hộ chiếu mình là người Việt Nam, các nhân viên xuất nhập cảnh cười tíu tít: “Doctor Lam”, nghĩa là “Tiến sĩ Lâm” - tên gọi thân thuộc người dân Lumbini dành cho Tiến sĩ Lâm Trung Quốc, Pháp danh Huyền Diệu, trụ trì Việt Nam Phật quốc tự. Cũng ở Lumbini còn có một ngôi chùa Việt khác là chùa Linh Sơn.

Khi tôi đến Lumbini, thầy Huyền Diệu đã đi nước ngoài. Những người Việt trong chùa kể khi thầy Huyền Diệu đến, Lumbini vẫn còn là một khu vực hoang vu đổ nát. Với sự giúp đỡ của học trò và bạn bè, thầy Huyền Diệu trở thành người nước ngoài đầu tiên được vua Nepal cấp đất xây chùa ở Vườn thiêng Lumbini. Thầy cũng vận động các nước khác đến đây xây chùa.

Ngôi chùa khang trang nơi đất Phật mang đậm dấu ấn làng quê Việt từ kiến trúc đến trang trí. Chùa được xây bằng đá với mái ngói xếp tầng như các ngôi chùa ở Việt Nam. Xung quanh chùa, thầy Huyền Diệu cho trồng tre, trúc.

Trong chùa còn có anh Minh Hòa - đệ tử của thầy, giúp lo việc khi thầy đi vắng và 10 anh em thợ xây từ Huế sang giúp thầy xây chùa. Việt Nam Phật quốc tự còn có một nhà khách vài chục phòng. Chùa đang trong quá trình xây dựng nên không mở cửa cho người nước ngoài, nhưng người Việt Nam luôn được chào đón.

Hồng hạc

Có điều đặc biệt khi chùa Việt trở thành nơi thu hút nhiều nhất sếu đầu đỏ mà người dân nơi đây gọi là hồng hạc. Loài chim này khi trưởng thành nếu đứng thẳng có thể cao đến 2m.

Hồng hạc thường xuất hiện ở chùa Việt
Hồng hạc thường xuất hiện ở chùa Việt. Ảnh: K.H

Người trong chùa kể trước đây không có hồng hạc. Tuy nhiên, sau khi chùa Việt ra đời, hồng hạc bắt đầu xuất hiện ở Lumbini. Sáng sáng, từng đôi hồng hạc ung dung nô đùa trong vườn chùa.

Sáng sáng thức giấc tôi thường ngắm hồng hạc, tối lặng nghe tiếng tụng kinh, rồi đi thăm viếng thưởng ngoạn vẻ đẹp các chùa từ khắp thế giới. Không khí linh thiêng, huyền điệu.

Nguyễn Thị Khánh Huyền (Tiền Phong)

Âm lịch

Ảnh đẹp