15/10/2010 22:29 (GMT+7)
Số lượt xem: 4624
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Để có một chuyến hành hương dễ chịu tại ''Đệ nhất thánh tích Phật giáo'' Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng) ở bang Bihar (Đông Bắc Ấn Độ), thời điểm từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau là thuận lợi hơn cả.


   

 
 
Bodh Gaya hay Bodhgaya, tiếng Việt là Bồ Đề Đạo Tràng, là một thành phố ở quận Gaya, Bihar, Ấn Độ. Đây là địa điểm nổi tiếng do là nơi đức Phật đã giác ngộ  

Vào những tháng ấy, Bodh Gaya trở nên nhộn nhịp với hàng vạn sư sãi, Phật tử và du khách khắp nơi trên thế giới đổ về chiêm bái.


Thị trấn Bodh Gaya nằm cách thành phố cổ Gaya khoảng 12 cây số về phía Bắc và cách thủ phủ Patna của bang Bihar hơn 100 cây số, khá nhộn nhịp với các nhà hàng, khách sạn của nhiều nước, cùng với những cửa hàng dịch vụ Internet giá rất rẻ và văn phòng các công ty du lịch nội địa.

Thánh địa Phật giáo này ghi dấu những nơi Đức Phật đã trải qua từ khi Ngài quyết định từ bỏ phương pháp tu khổ hạnh, băng qua con sông Ni Liên Thuyền đến ngồi dưới cội bồ đề cho đến khi giác ngộ chân lý.

Một không gian linh động

Tâm điểm thu hút khách hành hương ở Bodh Gaya chính là Tháp Đại giác, mà người dân địa phương gọi là Chùa Chính (Main Temple). Tháp có hình chóp nhọn với chiều cao 52 mét được xây dựng vào thế kỷ thứ 2. Bốn mặt tháp được chạm trổ rất tinh vi tập trung vào hai chủ đề tôn giáo và thiên văn. Đây là nơi đã thu hút hàng triệu tín đồ đến chiêm bái suốt hơn cả ngàn năm, cho đến khi đạo Phật suy tàn tại Ấn Độ.

Hôm chúng tôi đến, bên trong tháp đầy chật những khách hành hương thành kính lễ bái trước tượng Phật Thích Ca bằng đá mạ vàng cao khoảng 2 mét, được tạc vào năm 380 với nét mặt thanh thản và dáng ngồi hướng về phía Đông giống y tư thế khi Ngài tựa bên cội bồ đề năm xưa.

Bên ngoài là dòng người hành hương bước đến bên cội bồ đề linh thiêng cành lá xanh tươi dưới ánh nắng ban mai, được bao bọc bởi một vòng tường bằng đá. Ngay dưới chân cây bồ đề rợp bóng mát là phiến đá phủ tấm lụa đỏ được gọi là Kim Cương Tòa, đánh dấu nơi Đức Phật ngồi thiền và giác ngộ.

Theo nhà khảo cổ nổi tiếng người Anh Alexander Cunningham - người đã vận động trùng tu lại thánh địa Bodh Gaya vào năm 1871 - cây bồ đề hiện nay được chiết ra từ cây bồ đề ở Sri Lanka vốn là một nhánh của cây nguyên thủy và được trồng đúng ngay gốc bồ đề mà Đức Phật đã tọa thiền hơn 2.500 năm trước.

Khác với vẻ tĩnh lặng trầm mặc bên trong, khu vực bên ngoài ngôi tháp ồn ào náo nhiệt với những quầy san sát bán đủ các mặt hàng, từ đồ trang sức bằng đồng lẫn bằng đá, áo quần sặc sỡ đủ màu của các dân tộc vùng cao, đến tượng thần, tượng Phật đủ mọi kích cỡ và chất liệu.

Vài anh chàng bán hàng rong bập bẹ đôi câu tiếng Việt chào mời chúng tôi: "Thài cô ơi, mua giúp, rè lắm, rè lắm". Rõ ràng, khoảng mấy năm gần đây nhiều đoàn hành hương người Việt đến viếng Bodh Gaya đã trở thành khách hàng quen thuộc của các quầy bán quà lưu niệm này.

Liên Hiệp Quốc Phật tự

Bodh Gaya ngày nay thường được ví von là một ''Liên Hiệp Quốc Phật tự” vì tập trung rất nhiều ngôi chùa của các quốc gia và lãnh thổ như Bhutan, Đài Loan, Myanmar, Nepal, Nhật Bản, Sri Lanka, Tây Tạng, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam...

Người Nhật xây dựng tại đây một tượng Phật bằng đá trắng cao hơn 20 mét có tên là Đại Phật (The Great Buddha Statue) với kinh phí lên đến cả triệu USD, hai bên là hai dãy tượng mười vị đại đệ tử của Đức Phật có kích thước cao bằng người thật.

Phật giáo Tây Tạng có nhiều trường phái khác nhau và ngôi chùa tại Bodh Gaya thuộc phái Kagyupa, mà theo lời kể của nhiều người thì đây là công trình cúng đường của một ông vua dầu hỏa Trung Đông bỏ ra gần 2 triệu USD xây dựng để tạ ơn vị sư Tây Tạng đã chữa căng bệnh nan y cho mình.

Hoàng gia Thái Lan thì xây dựng ngôi chùa đồ sộ vào năm 1957 với mái cong vút được mạ vàng óng ánh rất công phu đến từng chi tiết. Chùa Trung Quốc thì có ba tượng Phật ngồi kích cỡ lớn cùng với hình ảnh Vạn Phật khắc trên khắp bốn bức tường.

Các chùa khác như của Bhutan, Đài Loan, Myanmar, Sri Lanka... mỗi ngôi đều mang một vẻ độc đáo riêng với lối kiến trúc đặc thù theo truyền thống Phật giáo của từng nước. Riêng chùa Việt Nam tại đây có tên ''Việt Nam Phật Quốc Tự” do thầy Huyền Diệu - được khá nhiều Phật tử trong nước biết đến với biệt danh khiêm xưng Người làm vườn kiêm quét chùa - xây dựng và trụ trì.

Xứ sở của sự tương phản

Một hình ảnh khá lạ mắt đối với những du khách lần đau tới xứ Ấn Độ, là những phụ nữ với giỏ xách đựng cơm và bánh vụn tẩn mẩn đem bỏ vào các gốc cây để bố thí cho chim chóc và cả con sâu cái kiến. Tuy nhiên, nếu đối với thú vật họ gần gũi thì đối với con người - nhất là người nước ngoài - họ lại tỏ ra khá xa cách và e dè.

Một điểm đặc biệt ở đây là đội ngũ ăn xin đông đảo đủ hạng người già trẻ lớn bé, mà những du khách chưa có kinh nghiệm lỡ hào phóng mở lòng từ tâm sẽ phải khốn khổ với một đoàn quân cái bang ngay lập tức nhì nhằng đeo bám.

Chuyến du lịch sẽ đáng nhớ hơn nếu du khách tiếp tục đến viếng thăm một thánh tích nổi tiếng khác là Na Lan Đà cách Patna 70 cây số về hướng Đông Nam, được mệnh danh là “Viện Đại học Phật giáo đầu tiên trên thế giới” được xây dựng từ thế kỷ 12, nay tuy đã trở thành phế tích vì chỉ còn trơ lại các nền đá nhưng vẫn được chăm sóc chu đáo.

Vào thời kỳ cực thịnh có đến 10.000 tì kheo đến tu học tại Na Lan Đà, trong đó có ngài Huyền Trang - một vị cao tăng đời Đường vào năm 637 đã lưu lại đây 15 tháng để học đạo với vị minh sư Giới Hiền đã 106 tuổi mà vẫn còn minh mẫn.

Văn Lâm (Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)

Âm lịch

Ảnh đẹp