14/12/2010 16:15 (GMT+7)
Số lượt xem: 4200
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Người Phật tử Miền Bắc Việt Nam có câu ca dao: " Nhiều năm tích đức tu hành    Chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu"


Còn bây giờ thì :

   “Nơi đất Phật, tứ động tâm mầu nhiệm

     Hướng lòng thành, ta trì niệm quy y

     Trí tuệ sanh, giải thoát hiện cấp kỳ,

     Khi thực hiện “không ta” và buông xả”

Như người Phật tử thuần thành với tín tâm cao ở khắp năm châu mà chưa đi về thăm được xứ Phật để chiêm bái đó cũng là một điều thiệt thòi rất lớn. Vì trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật có huyền ký rằng: “Này Ananda, có bốn Thánh tích, người thiện tín cư sĩ cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính, với niềm suy tư: Đó là nơi Như Lai đản sanh (Lâm Tỳ Ni, Nepan) , Đó là nơi Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác (Bodgaya), đó là nơi Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng  ( Sathnath), đó là nơi Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết bàn (Kushihagar ). Này Ananda, những ai trong khi chiêm bái những Thánh tích với tâm thâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh về cõi lành, hoặc ở cảnh giới chư Thiên”.Như vậy, theo Phật dạy, những ai có đủ duyên lành hành hương chiêm bái, đảnh lễ Tứ động tâm trên, thì xem như có phước báo rất lớn. Nếu những vị ấy phát tâm cầu giải thoát, giác ngộ, thì việc chiêm bái Tứ thánh tích sẽ trợ duyên cho các hành giả rất nhiều trong lộ trình tu tập, nhất là sự tinh tấn và nhiếp phục tâm.

Với truyện và phim Tây Du đã làm mê hoặc biết bao nhiêu người, từ nam phụ lão ấu đều rất thích xem mỗi khi có trình chiếu, Còn ở xứ Phật thì có muôn ngàn sự mầu nhiệm và có một nền văn hoá lâu đời khá huyền bí. Cho nên khách thập phương khắp nơi trên thế giới đang rũ nhau du lịch hành hương về xứ Phật vì đó là một nhu cầu tâm linh rất cần thiết và nhiều lợi ích. Ai chưa có duyên thì cũng nên tranh thủ tạo duyên lành, để trong đời nầy được một lần về thăm đất Phật.

Tại các Thánh tích, nhất là tại Tứ Động Tâm đã có các chùa và đa số chư Tăng của các quốc gia Á châu ảnh hưởng Phật giáo về đấy khai lập Đạo tràng, Chùa viện, riêng Việt Nam tại các Thánh tích cũng đã có được 6 Tự viện tương đối to lớn để có thể tiếp đón khách hành hương về tu học và chiêm bái. Trong đó có Trung Tâm Tu Học Viên Giác tại Bồ Đề Đạo Tràng ( BĐĐT ) ơ ở  ( Bodhgaya, Bihar, India )

Khi đến xứ Phật sẽ được đón tiếp niềm nở, nhiệt thành tại các phi trường Newdeli hoặc Kolkata và sau đó sẽ được đua về những nơi mình chọn hoặc Trung Tâm Tu Học ( TTTH )Viên Giác để ngơi nghỉ

TTTH Viên Giác ở gần Đại Tháp, đi bộ khoảng 5 phút, rất thuận lợi cho việc tu tập, cả ngày lẫn đêm. Với những đặc điểm như vậy nên TTTH Viên Giác thật là một nơi lý tưởng để Phật tử khắp nơi về tá túc tu học, trong thời gian hành hương nơi đất Phật.

 

Nơi đây đã được hai ĐĐ Thích Hạnh Nguyện và Thích Hạnh Tấn đệ tử của Hoà Thượng Thích Như Điển ở Đức Quốc, đã chấp nhận dấn thân đi đến đất Phật rồi phát nguyện lạy tam bộ nhất bái từ Sathnath (vườn Lộc Uyển, Ba La Nại nơi Đức Phật chuyển Pháp luân) về đến  Bodhgaya (Bồ Bề Đạo Tràng nơi Đức Phật thành đạo) là khoảng 250 Km, phải mất gần 1 tháng, trung bình mỗi ngày phải lạy khoảng trên 2000 ngàn lạy. Nơi BĐĐT nầy quý Thầy đã phát nguyện đốt ngón tay để cúng dường Chư Phật.Cảm ứng được lòng thành và chí nguyện cao cả đó mà TTTH Viên Giác được hoàn thành rất sớm, xây dựng chỉ trong vòng một năm là khánh thành. Khi thực hiện với mong ước là để thể hiện tính cách văn hoá giáo dục của Phật giáo Việt Nam trên đất Phật, vừa là nơi ngơi nghỉ cho chư Tăng, Ni và Phật tử khắp nơi về đây chiêm bái và tu tập.

Khi hoàn tất và làm lễ khánh thành xong thì hai Đại Đức cũng từ giã công trình để mỗi người mỗi nơi mà tiếp tục tu học và phụng sự chúng sanh, không màn hưởng thụ, chẳng thiết lợi danh, thật là những con người rất đáng cho ta ngưỡng mộ và học hỏi. Tại sao hai ĐĐ khi cực khổ khó khăn để xây dựng thì có mặt, mà lúc hoàn thành lại ra đi không thiết tha chấp thủ ? Có phải chăng quý Thầy như những con nhạn bay qua bầu trời không để lại dấu vết gì, hoặc quý Thầy có những con đường giải thoát cao đẹp hơn nữa cần tiến bước, hay là sợ kiêu mạn, lợi danh sẽ chôn vùi chí nguyện ?

Khi đến tu học tại TTTH Viên Giác ở Ấn Độ, hay có khi nào nghe biết đến điều nầy thì cũng xin mỗi chúng ta nên thầm thán phục và tự hỏi lại lòng mình là có được như vậy hay chưa ? Và nhất là những vị đang đảm trách nhiệm vụ quản lý trung tâm nầy, phải làm sao cho trung tâm mỗi ngày thêm phát triển theo đúng danh xưng và tầm cỡ của nó, để vừa đáp ứng lại hoài bão của chư Tôn đức, vừa giúp cho Tăng, Ni, Phật tử muốn về đây tu tập có được sự tự tin và thoả mái mà an tâm tu học. Muốn được như vậy chắc là phải nỗ lực rất nhiều, luyện tập tu trong công việc, lấy chánh niệm làm đầu và luôn luôn niềm nở, lịch thiệp lấy sự hy sinh làm phương châm phục vụ:

" Tất cả niềm vui có được trên đời

  Đều do đem an lạc đến cho kẽ khác

  Tất cả khổ đau có ra trên đời

  Đều do lo hạnh phúc cho riêng mình"

Trong những ngày ở tại Bồ Đề Đạo Tràng, nếu ngụ tại TTTH Viên Giác, các phái đoàn sẽ được hướng dẫn đi tìm hiểu các dấu tích trong khuôn viên tháp Đại Giác rồi tu tập lễ bái, vừa được hướng dẫn đi thăm các Phật tích quanh vùng như: Khổ Hạnh Lâm nơi Đức phật tu khổ hạnh 6 năm với 5 anh em Kiều Trần Như, nơi nàng Sujata dâng sữa cho Đức Phật và nền nhà của Nàng, nơi ông già dâng bó cỏ cho Đức Phật làm bồ đoàn ngồi thiền định cho đến ngày chứng đạo, rồi xa hơn nữa là núi Linh Thứu nơi Đức Phật gỉang kinh Pháp Hoa, Trúc Lâm tinh xá, Đại học Nalanda, núi Kê Túc nơi Ngài Ca Diếp ẩn tu. Về Tỳ Xá Ly nơi có vườn xoài của nàng kỵ nữ cúng dường cho Phật là nơi lưu giữ Xá lợi nhiều nhất. Nơi đây với khu tinh xá có nền nhà Cấp Cô Độc, có ao nước nơi con khỉ dâng bát mật cho Đức Phật và đặc biệt là có trụ đá của Vua A Dục dựng, đến nay với đầu Sư tử trên đỉnh trụ đá vẫn còn nguyên vẹn.

Sau khi đi thăm các Phật tích chung quanh vùng BĐĐT xong, chúng ta sẽ được hướng dẫn đi chiêm bái các Phật tích và 3 trong 4 động tâm còn lại:(1Vườn Lộc Uyển, nơi chuyển pháp luân, 2/ KUSHINAGAR nơi Phật Nhập Niết Bàn. 3/ vườn Lâm Tỳ Ni ở Nepal nơi đản sanh của Đức Phật.) Viếng Xá vệ Quốc với Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, mà người Phật tử Việt Nam nào cũng đã được nghe đọc tụng hằng ngày trong kinh Di Đà. Đoàn cũng được hướng dẫn đi thăm Taj-Mahal 1 trong 7 kỳ quan thế giới, Thành đỏ, đền thờ Đạo Bahai, và Thủ đô Delhi với những con đường rợp bóng cây xanh.

Khi đi chiêm bái và tham quan xong, nếu có nhu cầu tu học thì quay về lại BĐĐT để Lễ lạy vì trong tứ động tâm thì ở đây là nơi có không khí tu tập cao nhất. Theo Đức Đalai Lat Ma có dạy rằng:" nơi Đức Phật thành đạo có từ trường rất mạnh, nếu ai khởi tâm niệm chánh và làm các điều thiện thì phước đức sẽ nhân lên gấp 7 lần, còn nếu ai khởi lên niệm tà hay làm những việc bất thiện thì tội lỗi sẽ nhân lên gấp 7 ". Nên những người có đạo tâm cao ở khắp nơi trên thế giới mà nhiều nhất là người Tây Tạng và người Tích Lan đều đổ về đây trong mùa lạnh để tu tập rất là tấp nập, từ 4 giờ khuya đến khi Đại tháp đóng cửa( 10 giờ tối ). Trong khuôn viên Đại tháp lúc nào cũng có khoảng vài ngàn người đến để chiêm bái, lễ lạy, kinh hành, tham quan, mỗi người mỗi nhóm... đều có pháp tu riêng, thật đúng như Đức Phật đã tuỳ căn cơ mà lập ra vô lượng pháp môn tu, mà nhiều nhất vẫn là các Sư và Phật tử Tây Tạng với cách lạy riêng của họ, một kiểu lạy bày tỏ hết lòng cung kính với ngũ thể đều nằm sát đất.

Thật đúng vậy, ở BĐĐT nơi Chư Phật quá khứ cũng đã thành đạo tại đây, nên từ lực rất mạnh, bản thân Hạnh Trung khi còn ở quê nhà VN, ngoài những lúc phát nguyện lạy sám hối bộ như: Ngũ bách danh, Tam Thiên Phật, Vạn Phật...mỗi ngày lạy tối đa là 300 lạy, còn hằng tháng lạy Hồng danh hai kỳ, mỗi kỳ khoảng 100 lạy là đã mệt nhừ ra rồi. Nhưng tại BĐĐT Hạnh Trung đã phát nguyện lạy bộ kinh Pháp Hoa mỗi chữ mỗi lạy, dù mỗi ngày lạy hơn 2 ngàn lạy, vẫn không thấy mệt, nên chỉ trong vòng một tháng năm ngày là đã lạy xong hơn 60 ngàn lạy. Về phần mầu nhiệm theo Hạnh Trung biết đã có những vị sau khi chiêm bái Phật tích về, những bịnh nan y như: ung thư máu, viêm gan siêu vi B...đã được hết bệnh. Và cũng tuỳ tâm mà cảm ứng, tuỳ theo sự nguyện cầu và nỗ lực tu tập của bản thân cũng giải được nghiệp mà tai qua nạn khỏi, gặp nhiều may mắn và tinh tấn tu hành hơn. Với từ trường mạnh và sự nỗ lực tu hành của chư Tăng, Ni và Phật tử như vậy nên tại BĐĐT vào mùa đông, mùa xuân nhất là khi nào có đại hội Charachatra thì nơi đây đã biến thành tịnh độ giữa trần gian.

Qua một vòng đi chiêm bái các Phật tích và tu tập lễ bái tại BĐĐT, Hạnh Trung cảm niệm rằng:" Đức Phật và lời dạy của Ngài thật là một chân lý siêu việt, khi còn tại thế suốt 49 năm ròng rã, Ngài và các đệ tử đã lội bộ, đi khắp Ấn Độ để hoằng dương chánh pháp, hoá độ chúng sanh, phá tan biết bao tà kiến và san bằng giai cấp để mọi người Ấn, đều cùng được nếm hương vị giải thoát, an lạc và qua việc đi bộ nầy cũng là bài dạy sống động cho pháp tu, thiền hành và tập luyện cho thân thể mạnh khõe mà ngày nay khoa học đã nghiên cứu và thực hành theo. Ngài đản sanh,-thành đạo- giảng pháp- nhập Niết bàn tất cả đều ở dưới gốc cây, tức là Ngài muốn truyền một thông điệp lại cho muôn đời về sau, là hãy sống và bảo vệ thiên nhiên để hành tinh nầy vẫn mãi xanh tươi và muôn loài được bình yên trong cuộc sống.

Khi còn tại thế thì mang phúc lợi đến cho muôn loài, nhưng khi Ngài nhập diệt rồi thì, những ai thực hành theo lời dạy của Ngài đã được giải thoát, giác ngộ rồi, hay đã được sinh về những cõi cao đẹp hơn, hoặc cũng hưởng được cuộc sống an lành. Còn hiện tại thì đại đa số người dân tại Ấn Độ đã chối từ Đức Phật để thực hành theo các pháp tu ngoại đạo nên sự bất bình đẳng trong bốn giai cấp, lại trở về như xưa, nên giai cấp Thủ Đà La, đa số phải luôn bị khốn khổ, thật là nghiệp báo quả ư mạnh mẽ, nếu ta không biết nương tu theo pháp Phật để chuyển hoá nghiệp lực của từng người thì muôn kiếp cứ phải trầm luân trong đau khổ.

Vớí một chân lý sáng ngời và với một lòng từ vô hạn, nên mặc dầu Ngài đã nhập diệt hơn hai ngàn năm rồi mà những Phật tích và những lời dạy của Ngài vẫn còn mang mãi lợi ích cho chúng sanh. Cho dầu người dân Ấn không còn tu theo Phật nhiều nữa, nhưng những ảnh hưởng bởi giáo lý và cuộc đời của Ngài mà họ có một nhân sinh quan:" sống đây là cõi tạm..." nên việc ăn, mặc, ở của họ thật là đơn giản và tự tại trước cái chết... nên những làng quê luôn rất thanh bình và không có nghĩa trang.

Do đâu mà Đức Phật có được những siêu việt, suốt mấy ngàn năm nay như vậy? Phải chăng Ngài đã dám buông bỏ hết cung vàng, điện ngọc, vợ đẹp con xinh, để dấn thân tìm đạo cứu nhân sinh và rồi chỉ rõ cho mỗi chúng ta biết là:" Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh" và sẽ được thành Phật như Ngài, nếu biết buông bỏ ngoại cảnh, để quay về sống với bản Tâm thanh tịnh, sẵn có nơi mỗi chúng ta, còn nếu cứ mãi chạy theo sắc trần sinh diệt, thì muôn kiếp phải chịu trầm luân đau khổ.

Thật vậy, thân xác nầy sống tối đa cũng chỉ được khoảng một trăm năm, khi chết rồi cũng bỏ tất cả và trả về cho cát bụi, rồi mọi cảnh vật ở bên ngoài cũng sinh, trụ, dị, diệt vô thường, có cái gì còn mãi mãi vớí đời đâu, mà sao ta vẫn cứ mãi lo tom góp, dưỡng nuôi, tranh giành, chiếm đoạt...để phải tạo ra biết bao nhiêu nghiệp bất thiện, rồi gây đau khổ cho nhau, luân hồi quả báo! Chỉ cần "Chiếu kiến ngũ uẩn giai không..." mà bài kinh Bát Nhả hằng ngày chúng ta thường tụng, thì sẽ "Độ nhất thiết khổ ách"( qua hết tất cả những khổ đau ách nạn), hai con đường diệt khổ và tạo khổ Đức Phật đã chỉ rõ ràng, vậy mỗi chúng ta hãy tự lựa chọn và quyết định cho tương lai của mình chứ không ai định đoạt cho ai được cả.

Với Trung Tâm Tu Học Viên Giác ( thuộc Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ) và Bồ Đề Đạo Tràng là nơi sẽ giúp cho mỗi chúng ta có cơ hội để tìm về cội nguồn Giải thoát, Giác ngộ! Ở đây có một không khí tu tập rất mạnh từ cụ già, đến em bé hay mẹ địu con, ông dẫn cháu cùng những người Âu, Mỹ, Úc cũng đều một lòng hướng về nơi mà Đức Phật đã chứng đạo để lễ lạy, tu hành, xưng tán, thiền định...Là người con Phật, xin hãy một lần về chiêm bái xứ Phật để được hưởng nhiều điều mầu nhiệm. Ai đã đi rồi cũng đều muốn trở lại, nhất là nơi Bồ Đề Đạo Tràng để hoà chung với niềm an lạc, cõi Tịnh Độ ngay giữa trần gian này.

 

Với người con xứ Quảng Nam và cũng là dòng dõi môn phái Lâm Tế Chúc Thánh, ngoài TTTH Viên Giác tại BĐĐT của đệ tử HT Thích Như Điển, còn có Ni Sư (Thị Minh) Thích Nữ Khiết Minh, đã có phát nguyện lớn, về tại Tỳ Xá Ly đã xây dựng và khánh thành một ngôi chùa Kiều Đàm Di và cổng Tam quan, mang đậm nét Văn hoá Việt Nam, hiện nay đang xây dựng một ngôi Đại tháp ba tầng để thờ chư vị Tổ Ni, làm thư viện nghiên cứu, dịch thuật, khắc đá thờ các bộ kinh Đại thừa, và hơn mười ngàn tượng Phật Bổn Sư được tôn trí sát bốn vách để cho các Phật Tử phát tâm đóng góp được gieo duyên với Phật Tổ.

Xin giới thiệu một Tu Viện Ni nhiều hứa hẹn cho việc Tu tập và là một trong những điểm dừng chân của Phật tử VIỆT NAM , khi hành hương đất Phật.

( CHÙA KIỀU ĐÀM DI VIỆT NAM )

VIETNAM MAHAPRAJAPATI NUNERY

VISHWASHANTI PAGODA ROAD VAISHALI - PIN.844128, BIHAR - INDIA , 

Thế là Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh không những phát triển vững mạnh tại miền Trung và miền Nam Việt Nam, chư Tôn Đức trong môn phái còn góp phần lãnh đạo các Giáo Hội trong và ngoài nước, đặc biệt là các ngôi chùa và tự viện đã có mặt khắp năm châu, bây giờ lại có thêm hai ngôi Tu Viện nguy nga, đồ sộ có mặt tại Xứ  Phật. Hy vọng đây là biểu hiện đầy triễn vọng, cho việc phát triển PGVN nói chung và Thiền Phái LTCT nói riêng.

Viết về chuyến hành hương Đất Phật và ở tại TTTH Viên Giác Bodhgaya Ấn Độ

Hạnh Trung

 

Nguon: http://www.daophatngaynay.com/vn/phat-tich/5759-Doi-dieu-xuc-cam-sau-chuyen-hanh-huong-ve-dat-Phat.html

Âm lịch

Ảnh đẹp