AJANTA
MỘT DI TÍCH PHẬT GIÁO NGOẠI HẠNG
Hoang Phong
Phật giáo là một trong những tôn giáo lâu đời nhất của nhân loại vẫn còn tồn tại và đang phát triển ngày nay. Tuy nhiên theo dòng biến động của lịch sử thì Phật giáo cũng không tránh khỏi những thăng trầm. Nếu Phật giáo đã từng gián tiếp hay trực tiếp mang lại chữ viết, văn hóa, triết học và lịch sử cho một số quốc gia trên địa cầu và đánh dấu một cấp bực tiến hóa cao độ cho kho tàng tư tưởng của nhân loại thì Phật giáo cũng đã từng bị hủy diệt ở Ấn độ và nhiều nơi khác.Chúng ta đều biết đến ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới là Borobudur ở Inđônêxia được khám phá trong vùng rừng rậm của đảo Java vào đầu thế kỷ XIX và ngày nay đã hồi sinh để trở thành một nơi chiêm bái và một thắng cảnh du lịch trong lòng một quốc gia Hồi giáo. Tuy nhiên có lẽ ít ai biết về di sản tuyệt vời khác của Phật giáo là Ajanta cũng đã được khám phá một cách thật tình cờ vào đầu thế kỷ XIX để ngày nay trở thành một nơi hành hương tại Ấn độ, nơi mà Phật giáo đã phát sinh và đã từng biến mất.
Bài viết ngắn dưới đây sẽ tường thuật lại sự khám phá ly kỳ đó và mô tả sơ lược di tích quý giá này kèm theo một mẫu chuyện để chúng ta cùng suy tư.
Một sự tình cờ lý thú
Ngày 28 tháng 4 năm 1819, có một toán quân lính người Anh thuộc đạo quân viễn chinh ở Ấn độ cưỡi ngựa đi tuần tra dọc theo dãy núi Indhyadri trong một vùng hẻo lánh phía đông bắc tỉnh Aurangabad, tiểu bang Maharashtra nơi miền Tây bắc nước Ấn. Đoàn lính tiến dần vào một hẻm núi thật sâu và hoang dã. Dưới chân họ con suối Waghora chảy xiết, ôm sát vào chân núi và luồn sâu vào hẻm vực. Đại úy John Smith thuộc đội kỵ mã thứ 28 của đoàn kỵ binh đóng ở Madras đang lơ đãng nhìn lên sườn núi dựng đứng thì chợt thấy dường như có những cửa hang trên vách đá. Khá tò mò vì các cửa hang có vẻ không phải là thiên nhiên mà do tay người đục khắc, anh chàng sĩ quan này bèn nhảy xuống ngựa và tìm cách trèo lên vách núi để xem cho biết. Lanh quanh một lúc thì anh ta tìm được cách trèo lên được vì nơi này có nhiều bậc thang khá hẹp đục vào vách đá. Sau khi lên đến nơi thì anh ta cũng chỉ quan sát qua loa cảnh tượng hiện ra trước mắt rồi phải trèo xuống vì các đồng đội còn đang đứng chờ bên dưới. Tuy nhiên anh chàng John Smith vẫn cố lấy bút chì ghi tên mình và ngày tháng vào một góc kín đáo trên một trụ đá ở một cửa hang lớn, và nét bút chì ấy cho đến ngày nay vẫn còn lờ mờ. Sau đó thì các hang động này lại chìm vào sự yên lặng mênh mông của những ngàn năm quá khứ. Tuy nhiên câu chuyện khám phá chớp nhoáng của viên đại úy sau đó thỉnh thoảng cũng vẫn được đồn đại trong đoàn quân viễn chinh.
Năm năm sau, vào tháng 2 năm 1824, có một viên trung úy tên là James Alexander thuộc đạo quân xung kích 16 trong đoàn quân viễn chinh Anh quốc quyết định xin nghỉ phép vài hôm để đi săn. Anh trung úy trẻ này rất say mê săn bắn và vẫn thường mong có dịp đi săn trong hẻm vực Waghora vì anh nghe nói nơi đây có rất nhiều thú nhất là các loài thú dữ, xứng đáng với biệt danh "thung lũng cọp" mà người ta gán cho nơi này. Trước khi lên đường bạn bè trong quân ngũ cảnh giác anh ta là ngoài thú dữ ra còn có nhiều thứ nguy hiểm khác nữa, nhất là bọn thổ dân Bhil sinh sống trong các vùng rừng núi thuộc miền trung và tây bắc nước Ấn. Thổ dân Bhil rất ghét người lạ dám cả gan xâm nhập vào lãnh địa của họ. Mặc dù đã được cảnh giác nhưng James Alexander chẳng đếm xỉa gì đến chuyện ấy vì anh ta rất mê săn heo rừng, beo, báo và cọp.
James Alexander nhờ một người thợ săn địa phương dẫn đường. Vào thời bấy giờ có nhiều thợ săn chuyên nghiệp gọi là shikari, rất thiện nghệ và chuyên phục vụ cho những người giàu có và quý phái tại địa phương hoặc từ Anh Quốc đến và nhất là các sĩ quan thích săn bắn trong đạo quân viễn chinh. Anh trung úy còn dẫn theo hai người lính trong nhóm sepoys, tức là đội lính tập tuyển mộ tại địa phương. Cả bọn trang bị khí giới đủ loại gồm súng ngắn, súng dài, kiếm, lao, mác... và đoàn đi săn cứ thế mà băng rừng tiến vào hẻm núi Waghora.
Khi vừa đến cửa thung lũng nơi có một dòng suối chảy xiết thì bỗng nhiên có tiếng huýt sáo vọng lại từ phía vách núi trước mặt. Cả đoàn dừng lại để lắng nghe động tĩnh, và đúng là có người đang rình rập vì có nhiều tiếng huýt sáo khác đáp lại từ các bụi rậm và hốc đá chung quanh. Quả đúng là đoàn đi săn đang bị thổ dân Bhil phục kích. Mặc dầu sợ hãi nhưng cả đoàn tay cầm khí giới cứ tiến lên , vừa cẩn thận quan sát chung quanh. Bỗng nhiên nhiều thổ dân Bhil cầm cung tên nhô đầu lên từ các bụi rậm, gốc cây và hốc đá. Cũng lạ là họ không tỏ vẻ gì tức giận hay đang chuẩn bị tấn công mà chỉ có vẻ tò mò đưa mắt theo dõi thế mà thôi. Đoàn săn bắn cũng bớt sợ vì họ biết rằng các mũi tên của thổ dân Bhil đều có tẩm thuốc độc. Trung úy James Alexander vẫn giữ được bình tĩnh và nhận thấy người Bhil có thân hình nhỏ thó, da đen sậm và gần như là trần truồng.
Đoàn săn bắn tiếp tục ngược theo dòng suối để tiến vào hẻm vực trong khi các thổ dân Bhil vẫn rình rập phía sau nhưng chỉ quan sát mà không tấn công. Sau cùng thì đoàn săn bắn cũng tiến được vào giữa hẻm núi, khu này có hình vòng cung giống như hình móng ngựa, chiều ngang độ vài trăm mét. Viên trung úy James Alexander vừa canh chừng các thổ dân Bhil vừa quan sát vách núi trước mặt và bất ngờ anh ta trông thấy khoảng hơn một chục miệng hang cheo leo trên vách đá...
Vì tò mò thúc đẩy, trung úy James Alexander bèn ra lệnh cho cả đoàn tìm cách trèo lên để xem. Khi lên được đến nơi thì họ mới biết là các hang đúng là do tay người đục đẽo. Cửa hang hình vòm cung có cột đá chống đỡ và tất cả các hang đều được đục thẳng từ bên ngoài vào trong vách núi. Tường và cột đá ở cửa hang được chạm nổi với các hình người, hình thú vật, hoa, lá.... Một số hang bị đá sụp lấp kín lối vào, nhưng một số hang khác vẫn còn kẻ hở có thể chui vào được. Vô cùng kinh ngạc trước quang cảnh đồ sộ của các cửa hang đang hiện ra trước mặt, James Alexander bèn quyết định chui vào bên trong xem sao. Cả đoàn tìm cành và cỏ khô bó lại làm đuốc rồi chui vào một cửa động. Ánh sáng làm cho hàng ngàn con dơi đang đeo ngược trên trần hoảng sợ bay tán loạn. Trên mặt đất có nhiều đống phân động vật cho biết là có nhiều thú như khỉ, chó rừng, cọp, gấu... đến trú ẩn. Đoàn người lại tìm thấy một cầu thang đưa họ lên các gian phòng ở tầng trên. Tại đây họ thấy có vết tro còn mới và trong một góc tối có một bộ xương người.
Đoàn "thám hiểm" lại tiếp tục chui vào các hang động khác. Một số hang có kích thước nhỏ và không sâu lắm, nhưng có một số hang khác thì thật mênh mông, trần cao vút như trong một ngôi đền đồ sộ. Trong một hang lớn dưới ánh đuốc bập bùng hiện ra trước mặt họ một pho tượng Phật to lớn và oai nghiêm, trên tường trong hang có nhiều bức tranh vẽ rất tinh xảo và tuyệt đẹp, màu sắc rực rỡ. Cả đoàn như bị mê hoặc trước những khám phá ngoạn mục, quên bẵng việc săn bắn và quên cả các thổ dân Bhil còn đang rình rập dưới chân núi. Đến chiều thì họ mới trèo xuống để tìm đường về. Mặc dù không bắn được một con thú nào nhưng tay săn James Alexander không hề thất vọng vì anh ta tin chắc là mình đã khám phá ra một di tích ngoại hạng, một tu viện đồ sộ và tinh xảo đã chìm vào quên lãng, biến mất trong trong trí nhớ của con người từ lâu..., ngoại trừ một số thổ dân Bhil là còn biết đến những di tích đó trong sự thờ ơ. Thật ra thì viên trung úy James Alexander trước khi đi săn cũng không hề nghĩ đến câu chuyện đồn đại về những hang động do đại úy Smith kể lại từ năm năm trước, Tuy nhiên John Smith đơn giản là một người tò mò và chỉ cần biết rằng mình đã trông thấy những hang động trong rừng sâu thế thôi, trong khi đó thì trung úy James Alexander lại tin chắc là mình đã khám phá ra một kỳ quan chưa từng có.
Một thời gian ngắn sau khi tin đồn viên trung úy James Alexander đã khám phá các hang động trong thung lũng Waghora được lan truyền đi khắp nơi thì các nhà khảo cổ kéo đến và họ đều xác nhận đấy là một trung tâm Phật giáo lâu đời và đồ sộ chưa nơi nào sánh kịp. Các nhà khảo cổ bèn mượn tên của ngôi làng gần nhất là Ajanta để đặt tên cho di tích này. Các công cuộc thăm dò tiên khởi đều công nhận là các tranh trên tường trong các hang động rất tiêu biểu cho nghệ thuật tranh vẽ của Ấn độ, và đây là những bức tranh vừa xưa lại vừa đẹp nhất mà trước đó chưa hề được khám phá. Năm 1983, Ajanta được cơ quan UNESCO của Liên Hiệp Quốc xếp vào gia tài văn hóa của nhân loại.
Ajanta là một tu viện Phật giáo gồm 29 hang động đục sâu vào vách núi tạo thành các "ngôi chùa" và "tịnh xá". Vách núi là đá basalt, một loại đá núi lửa rất cứng. Trong số 29 hang động có ba hang còn bỏ dở dang chưa hoàn tất. Theo cách bố trí thì các hang được chia làm hai loại : loại thứ nhất là các hang "chính điện" hay "thiền đường" (chaitya) bên trong cùng là bệ thờ và nơi bệ thờ có một bảo tháp (stupa). Loại hang thứ hai là các hang "tịnh xá" (vihara) là nơi nghỉ ngơi và trú ngụ của tăng đoàn, gồm có một gian tập thể và nhiều phòng nhỏ.
Cách kiến trúc, tranh vẽ và điêu khắc trong hang cho thấy là Ajanta được thực hiện vào hai thời kỳ cách nhau khá xa. Thời kỳ thứ nhất kéo dài từ thế kỷ thứ II trước Tây lịch đến từ thế kỷ thứ I trước Tây lịch và chịu ảnh hưởng rõ rệt của Phật giáo Nguyên thủy (Therevada). Cách trang trí trong thời kỳ này khá đơn giản và kém phần hoa mỹ, đặc biệt nhất là không có một biểu tượng nào tượng trưng cho Đức Phật. Thời kỳ mở mang thứ hai thuộc vào thế kỷ thứ V và chịu ảnh hưởng của Phật giáo Bắc tông, thời kỳ xây dựng này tuy ngắn ngủi nhưng đã thực hiện được nhiều hang động thật đồ sộ, với cách thiết kế phức tạp hơn, trang trí cũng phong phú và màu mè hơn. Các hang động Ajanta có thể đã bị bỏ hoang từ thế kỷ thứ VI, tuy nhiên theo một vài tư liệu khác thì tăng đoàn vẫn còn lưu lại tại Ajanta cho đến thế kỷ thứ VIII trước khi rời bỏ nơi này.
Nơi trú ngụ của Đức Phật và tăng đoàn
Cho đến nay người ta không hoặc chưa tìm thấy được một di tích kiến trúc Phật giáo nào được xây dựng vào thời kỳ Đức Phật còn tại thế, kể cả trong các giai đoạn đầu tiên của các tăng đoàn sau khi Vị Thầy của họ đã tịch diệt. Vào thời kỳ khi Đức Phật còn tại thế thì chưa có chùa chiền như ngày nay vì Đức Phật chủ trương một lối sống hoàn toàn tự do không bị trói buộc vào các sinh hoạt và lo toan thế tục, và cũng không dừng lại một nơi cố định nào cả. Theo lời giáo huấn của Ngài thi nếu người đã tu hành mà còn lăn mình vào những mối bận tâm của thế tục, còn bám víu vào những tiện nghi vật chất và một môi trường sống cố định để nuôi dưỡng thói quen của mình thì nhất định họ sẽ không thể nào tu tập được.
Nếu một người tu hành chưa đủ nghị lực vượt lên trên những trói buộc bên ngoài thì làm thế nào có đủ khả năng để loại bỏ những xung động bên trong tâm thức của chính mình. Dựa theo các kinh sách xưa của Nam tông thì khi Đức Phật còn tại thế chỉ có hai loại "kiến trúc" có mái che hẳn hoi có thể tạm gọi là "nhà cửa" để giúp cho người tu hành che thân và tạm trú. Loại thứ nhất gọi là "avasa", tức là những túp lều do các vị tỳ kheo tự tay cất lấy để tạm trú trên đường hoằng Pháp hoặc để an cư vào mùa kiết hạ. Các "kiến trúc" này thật ra chỉ là những chiếc "am" được dựng lên bằng cành lá của cây rừng hoặc bằng các vật liệu tìm được trong các vùng nông thôn. Các nơi trú ẩn này chỉ có tính cách tạm thời vì sự sinh hoạt của tăng đoàn rất linh động không bám vào một nơi cố định nào cả. Loại "kiến trúc" thứ hai gọi là "arama" hay "vihara" tức là các "tịnh xá" do các người thế tục giàu có cúng dường và rất có thể họ cũng tiếp tục đứng ra phụ giúp tăng đoàn trong việc bảo trì bởi vì Đức Phật và tăng đoàn là những người sống bằng khất thực nên không có tiền của gì cả. Tịnh xá là các kiến trúc cố định khang trang và có tính cách lâu bền hơn các "am cỏ" được dựng lên trên đường hoằng Pháp. Các tịnh xá nổi tiếng nhất được kinh sách ghi chép là vườn Trúc lâm (Venuvana) gần thành Vương Xá (Rajagrha) và vườn Kỳ Viên (Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sravasti), và dầu sao thì đấy cũng chỉ là những nơi dừng chân của Đức Phật và tăng đoàn mà thôi. Tuy nhiên Đức Phật thường lưu lại vườn Kỳ Viên nhiều hơn các nơi khác, nhất là trong hai mươi năm trước khi Ngài nhập diệt.
Ngoài các tịnh xá mà kinh sách nói đến thì không có một chứng tích nào khác cho thấy vào thời kỳ Đức Phật còn tại thế đã có các kiến trúc đồ sộ do tăng đoàn hay do người thế tục xây dựng. Tương ưng Bộ kinh (phẩm 10) mô tả vườn Kỳ Viên có "những giảng đường to lớn, các gian phòng tiện nghi, kho chứa, đường đi lót đá...", tuy nhiên cho đến nay các nhà khảo cổ đã không tìm thấy một vết tích nào đáng kể tại vị trí của vườn Kỳ Viên. Các học giả Tây phương cho rằng cách mô tả trên đây của kinh sách có phần phóng đại.
Các nơi trú ngụ xưa nhất của những tỳ kheo Phật giáo mà các nhà khảo cổ khám phá được cho đến nay là các hang động và những hang xưa nhất thì cũng chỉ được thiết kế bắt đầu từ thế kỷ thứ II trước Tây lịch như trường hợp của các hang Ajanta trên đây. Cũng có nhiều di tích Phật giáo xưa hơn, thuộc thế kỷ thứ III trước Tây lịch tức là dưới triều đại của hoàng đế A-dục, đó là các mặt đá và trụ đá ghi khắc chỉ dụ của hoàng triều và nhất là các bảo tháp do chính hoàng đế A-dục ra lệnh xây dựng khắp nơi trên đất Ấn. Tuy nhiên đấy chỉ là những di tích và những kiến trúc thiêng liêng chứ không phải là tu viện hay chỗ ở của tăng đoàn. Các học giả Tây phương nghĩ rằng các tịnh xá (arama) nói chung chỉ là những gian nhà rộng nhưng rất đơn sơ, sườn bằng tre, lợp lá và vách đất, giống như nhà cửa ở nông thôn Ấn độ ngày nay. Các giảng đường hay các tịnh xá lớn chẳng hạn như vườn Kỳ Viên hay Trúc Lâm thì làm bằng cây và gỗ và các kiến trúc bằng "vật liệu nhẹ" và như thế thì không thể nào tồn tại được với thời gian.
Sự hình thành của "Chùa chiền"
Mặc dầu Ajanta được thành lập sau khi Đức Phật đã tịch diệt hơn ba thế kỷ nhưng cũng giúp cho chúng ta một vài ý niệm nào đó để hình dung ra sự sinh hoạt của tăng đoàn vào những thời kỳ xa xưa nhất của Phật giáo. Ajanta là các hang động đục thẳng vào núi đá và sau đó thì bị bỏ quên trong rừng sâu nên vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn sau hơn hai ngàn hai trăm năm, quả thật là một di tích vô cùng quý giá. Thật vậy trong suốt thế kỷ XIX các nhà khảo cổ đã khám phá ra rất nhiều di tích Phật giáo rải rác khắp nơi ở Ấn độ, nhưng cho đến nay thì vẫn chưa có một di tích nào cùng loại lại đồ sộ, tinh xảo và lâu đời hơn Ajanta. Trong số này có thể kể ra các hang Bedsa gần thành phố Pune, các hang Bhaja và Kharla gần thành phố Lonavala thuộc tiểu bang Maharashtra nằm trên bờ biển phía tây của nước Ấn, (xem hình phụ lục 1).
Nói chung thì các loại hang động đục thẳng vào vách núi như trên đây cũng gián tiếp giúp hình dung ra "chùa chiền" và các nơi trú ngụ xưa nhất của Đức Phật và các đệ tử của Ngài. Các chuyên gia khảo cổ đã căn cứ vào các chứng tích trong các hang động để hình dung lại "chùa chiền" và "tịnh xá" xây dựng bằng gỗ vào những thời kỳ đầu tiên sau khi Đức Phật tịch diệt, vì theo họ thì hang động được đục dựa vào khuôn mẫu của các kiến trúc ngoài trời, và các kiến trúc này thì tất nhiên phải được xây dựng và thiết kế theo truyền thống đã có từ lâu đời. Thật vậy các hang động Ajanta tuy được đục thẳng vào núi đá nhưng đã kiến tạo lại từng chi tiết một và rập khuôn theo cách kiến trúc bằng gỗ. Người ta nhận thấy trên trần của các gian phòng trong hang có những kèo cột tượng trưng cho xà nhà, hai đầu của các kèo cột lại còn đục thêm dấu vết của các đầu đinh. Vách hai bên cửa hang và bên trong hang được trang trí bằng các cửa sổ giả, gác giả và bậc thềm giả đục tượng trưng trên mặt đá. Dựa vào các chi tiết này người ta có thể hình dung ra kiến trúc của "chùa chiền" vào thời bấy giờ. Tuy nhiên cho đến nay chưa thấy ai có sáng kiến sử dụng cây và gỗ để xây dựng lại ngoài trời các "ngôi chùa cổ xưa" của Phật giáo dựa vào các chi tiết tìm thấy trong hang động.
Cửa hang các tịnh xá có mái hiên hình vòm và cột chống đỡ. Bước vào bên trong là một gian tập thể hình vuông hay chữ nhật dùng làm nơi sinh hoạt chung. Ba mặt vách của gian tập thể thì được đục thêm các "phòng" hay đúng hơn là các "hốc" nhỏ kích thước bằng nhau, dùng làm nơi nghỉ ngơi cho các tỳ kheo. Trong mỗi hốc có hai bệ đá làm giường. Cách thiết kế tổng quát của các tịnh xá cũng không có gì thay đổi nhiều giữa hai thời kỳ phát triển, tuy nhiên các tịnh xá Bắc tông rộng lớn hơn, một số có nhiều tầng và cầu thang thông nhau, đôi khi trong tịnh xá lại còn có thêm một gian dành riêng làm thiền đường và nơi thờ phụng.
Các chính điện (chaitya) tại Ajanta cũng được thiết kế theo cùng một khuôn mẫu như nhau. Chính điện lớn nhất được các nhà khảo cổ đặt tên là hang số 10, thuộc thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy, tuy được đục sâu vào vách núi nhưng các hang này lại rập khuôn theo cách kiến trúc bằng gỗ ở ngoài trời. Phần trong cùng của chính điện là bệ thờ có hình bán nguyệt, trần là một vòm cao với các "kèo" hình vòng cung được tạc vào đá nhưng trông giống như làm bằng gỗ, hai đầu kèo chống lên các trụ đá dựng đứng. Vào thời Đức Phật còn tại thế thì chưa có các "chính điện" xây dựng bên cạnh các tịnh xá như trường hợp trên đây vì các tịnh xá thời bấy giờ nhất thiết chỉ là những nơi tạm trú cho tăng đoàn mà thôi. Tuy nhiên theo các học giả Tây phương thì chính điện xuất hiện rất sớm sau khi Đức Phật tịch diệt và được dựng lên bên cạnh các tịnh xá để làm nơi thiền định và đón tiếp người thế tục. Do đó vai trò của tịnh xá cũng biến đổi đi, không còn là nơi tạm trú vào dịp kiết hạ trong mùa mưa bão nữa, sự sinh hoạt của tăng đoàn do đó cũng trở nên cố định hơn.
Trong mỗi chính điện nơi vị trí của bệ thờ đều có một bảo tháp xá lợi. Các bảo tháp này có lẽ đã xuất hiện vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch khi hoàng đế A-dục quyết định phân tán và đưa xá lợi đến gần hơn với mọi người trên khắp vùng đế quốc của ông. Kinh sách cho biết là hoàng đế A-dục xây dựng được tất cả 84 000 bảo tháp và bên cạnh mỗi bảo tháp lại còn xây thêm một tu viện và mỗi tu viện phải phụ trách nghiên cứu một chủ đề riêng biệt trong kinh sách. Theo các học giả Tây phương thì con số 84 000 là một con số tượng trưng với ít nhiều phóng đại, nhưng dù cho con số này chỉ có tính cách tượng trưng đi nữa thì cũng phải công nhận là bảo tháp và tu viện hay "chùa chiền" dưới triều đại hoàng đế A-dục cũng thật là nhiều. Bảo tháp được xây dựng khắp nơi có mục đích thay thế cho sự hiện diện của Đấng Thế Tôn. Các vị tỳ kheo dựng lên các chính điện với bảo tháp xá lợi bên trong vừa để thờ phụng vừa để cảm thấy Vị Thầy của mình lúc nào cũng ở bên cạnh mình, đồng thời chính điện cũng được dùng làm nơi để người thế tục đến chiêm bái. Chùa chiền như ngày nay có lẽ cũng đã bắt nguồn từ đấy.
Sự sinh hoạt của tăng đoàn
Sự sinh hoạt của các tăng đoàn ngày xưa tại Ajanta nhất định phải phù hợp với những lời dạy bảo của Đức Phật, có nghĩa là không quá khổ hạnh mà cũng không được quá tiện nghi, và tất nhiên người tu hành phải tuân thủ các giới luật do chính Đức Phật quy định và các giới luật đó về sau này được ghi chép lại trong Luật tạng. Tuy nhiên cũng cần hiểu rằng giới luật trong Phật giáo tuy rất phong phú nhưng không hề cứng nhắc và bất di dịch. Trong các lần kết tập Đạo Pháp đã từng có một số giới luật lỗi thời bị loại bỏ và đồng thời có nhiều giới luật được đặt ra để thích nghi với hoàn cảnh mới.
Dầu sao đi nữa thì lối sống của các tăng đoàn đầu tiên tại Ajanta tất nhiên vẫn còn chịu ít nhiều ảnh hưởng của lối tu khổ hạnh và vì thế rất nghiêm túc. Mỗi ngày các vị tỳ kheo thức dậy thật sớm để ngồi thiền và tụng niệm. Sau đó khi ánh bình minh vừa ló dạng trên đỉnh núi thì họ kéo nhau xuống suối để tắm rửa và giặt giũ. Theo giới luật thì các vật tùy thân của mỗi vị tỳ kheo chỉ gồm có hai manh áo cà sa, một áo ấm để khoác bên ngoài, một cái kim để vá áo, một con dao nhỏ để cạo tóc và có thể còn có một cái que bằng gỗ cây neem (tiếng Phạn) dùng để chà răng khi súc miệng và rửa mặt. Neem tên khoa học là Melia Azedarach (hay là một giống cây tương tợ gọi là Azadirachia indica) là một loại cây có vị thuốc làm cho sạch miệng. Sau đó thì tất cả chia nhau thành từng toán băng rừng tìm đến các làng mạc quanh vùng để khất thực.
Vào thế kỷ XIX, khi các hang động trong hẻm vực Ajanta được khám phá thì nơi dân cư gần nhất là ngôi làng Ajanta cách đó năm cây số. Ngược về hơn hai ngàn năm trước thì không biết có dân cư đông đảo sống gần nơi hẻm núi Waghora hay không ? Để tránh thú dữ các vị tỳ kheo nối đuôi nhau đi thành từng đoàn và cẩn thận từng bước một để tránh "dẫm lên các mầm non của cây cỏ và côn trùng dưới chân" (kinh Mahatanhasankhaya). Họ đi vào các làng mạc trong vùng, bước từng bước thật chậm và khoan thai, vừa bước vừa nhẫm đi nhẫm lại những lời Phật dạy. Người thế tục thì đi chân đất để tỏ lòng tôn kính, họ đứng chờ ở cửa để chia sẻ với người tu hành miếng ăn mà họ có. Khi có ai đưa tay đặt một chút thức ăn vào bình bát thì người tu hành nhìn thẳng ra trước mặt hoặc nhìn xuống đất để tránh mọi sự thèm muốn, chê bai hay đánh giá vật cúng dường. Khi trở về tịnh xá thì mỗi vị tỳ kheo đặt bình bát của mình vào giữa gian phòng tập thể rồi quây quần chung quanh, phân chia thực phẩm cúng dường với nhau và ngồi ăn trong yên lặng, họ không được phép nói chuyện và cũng không được phép chọn lựa miếng ngon hay lừa bỏ những thức ăn mà mình không thích. Họ phải ăn trước giờ ngọ, sau đó thì không ăn gì nữa cho đến trưa hôm sau.
Họ được phép nghỉ trưa một lúc vì còn vô số các việc khác đang chờ đợi họ, nào là quét dọn chính điện, nào là vệ sinh tịnh xá, các vị lớn tuổi thì hầu tiếp người thế tục đến chiêm bái, ngoài ra còn thêm một buổi thiền định vào buổi chiều. Đến đêm họ còn phải ôn tập và truyền khẩu cho nhau những lời giáo huấn của Đức Phật vì khi Ajanta bắt đầu được thành lập thì lúc đó chưa có kinh sách bằng chữ viết, kinh sách trên lá bối chỉ xuất hiện một thế kỷ sau mà thôi. Các vị tỳ kheo ngồi quay quần trong các gian tập thể chung quanh một ngọn đèn dầu để ôn tập những lời giảng của Đấng Thế Tôn. Người có trí nhớ tốt giúp cho người chậm trí hơn, mỗi người thay nhau đọc lên một đoạn kinh, nếu quên thì có người khác nhắc. Người lớn tuổi bình giảng thêm cho người trẻ tuổi và cứ như thế mà họ thảo luận và giúp đỡ nhau. Dầu sao thì việc truyền khẩu và cách học thuộc lòng những lời Phật dạy cũng mang tính cách sinh động và linh thiêng hơn những dòng chữ khô khan trên những tờ lá bối. Có thể việc ôn tập đó cũng là nguồn gốc làm phát sinh ra việc tụng niệm sau này.
Vào những ngày lễ lạc, chẳng hạn như những ngày rằm, mùng một thì họ còn phải nhịn đói để tự nhắc nhở và biểu lộ lòng quyết tâm tu tập của mình. Họ sám hối trước tập thể tăng đoàn, vị tỳ kheo lớn tuổi nhất xướng lên từng giới luật một, các vị khác lắng nghe nếu thấy mình phạm vào một giới luật nào đó thì phải thú nhận, "ai phạm vào một lỗi lầm chưa có dịp nói lên và nếu muốn tẩy uế lỗi lầm đó thì phải thú nhận. Thú nhận lỗi lầm sẽ mang lại sự nhẹ nhõm cho chính mình" (Kinh Mahavaga, 2).
Tuy nhiên đời sống ở Ajanta cũng có những phút giây thanh thản. Vào lúc tinh sương khi những người tu hành xuống suối để tắm giặt thì chim muông cũng thức dậy hót vang trên các mõm đá và trong các cành lá của cây rừng. Có những đêm trăng sáng giữa cảnh rừng núi mênh mông và yên lặng họ ngồi chung quanh những đống lửa ở cửa động để hàn huyên hay chỉ để trầm tư một mình. Tiếng suối róc rách từ thung lũng vang lên giữa cảnh tịch mịch của đêm thâu. Tiếng suối thì lúc nào cũng vọng lên cửa động nhưng trong ngày thì sự bận rộn nào có cho phép họ dừng tay để lắng nghe. Đốt lửa lên để xua đuổi thú dữ và để sưởi ấm, nhưng ánh sáng cũng thu hút côn trùng của rừng sâu kéo đến, người tu hành quấn chiếc áo tơi lên người nhìn sự sống đang biến động chung quanh để yêu thương từng chúng sinh đang bị mê hoặc và lôi cuốn bởi lửa đỏ của ta bà.
Những sinh hoạt trên đây tuy được "hình dung" và "tưởng tượng" ra dựa vào kinh sách nhưng cũng có thể tượng trưng phần nào cho sự sinh hoạt của các vị tỳ kheo thuộc các tăng đoàn đầu tiên nơi hang động Ajanta. Sau này khi Ajanta chuyển sang giai đoạn phát triển của Bắc tông thì sự sinh hoạt của tăng đoàn cũng trở nên phức tạp hơn, đa dạng hơn và màu mè hơn, nhất là trong mối tương quan với người thế tục. Đời sống của các tăng đoàn cũng trở nên cố định hơn. Ngoài ra theo một số học giả Tây phương thì Ajanta trong thời kỳ Bắc tông đã trở thành một trung tâm đại học lớn, và sự sinh hoạt cũng theo đó mà trở nên nhộn nhịp hơn so với thời kỳ Nam tông.
Vị trí của Ajanta
Khi Đức Phật còn tại thế thì Ngài cũng đã dặn dò các đệ tử về những tiêu chuẩn cần phải có khi thiết lập tịnh xá : phải chọn nơi nào có nước nhưng vị trí phải cao để tránh ngập lụt, tránh nơi chen chúc và ồn ào để hành thiền và tu tập, tuy nhiên tịnh xá phải gần nơi dân cư để có thể khất thực và thuận tiện cho người thế tục lui tới. Trên phương diện rộng lớn hơn thì người ta cũng có thể tự hỏi tại sao vị trí của Ajanta lại được chọn ở phía tây của bán lục địa Ấn độ, cách xa thung lũng sông Hằng gần một ngàn cây số ? Ngoài Ajanta ra còn có nhiều hang động khác chẳng hạn như các hang Bedsa, Bhaja, Kharla..., tất cả đều thuộc vào vùng phía tây nước Ấn.
Vào thời kỳ cổ đại hơn hai ngàn năm trước, Ajanta và các hang động vửa kể đều nằm trên trục giao thương nối liền từ đông sang tây của bán lục địa Ấn độ, tức là từ thung lũng sông Hằng cho đến đến bờ biển phía tây. Các đường giao thông và thương mại quan trọng thường tạo ra các điều kiện thuận lợi giúp cho việc hoằng Pháp dễ dàng hơn, chẳng hạn như con đường tơ lụa đã mang Phật giáo đến các vùng cận đông, trung đông và Trung quốc. Dầu sao đi nữa thì ngoài những phương tiện giao thông thuận lợi ra còn có một yếu tố quan trọng khác là ý chí và lòng quyết tâm của con người, và chính đấy mới thật là động cơ thiết yếu trong việc quảng bá Đạo Pháp. Một trăm năm trước khi Ajanta được thành lập thì chính hoàng đế A-dục đã quyết tâm quảng bá Phật giáo ra xa hơn thung lũng sông Hằng và mang xá lợi đến gần với từng người dân trên khắp miền lãnh thổ của ông.
Vào các thời kỳ thịnh trị, suốt trên trục giao thông từ thung lũng sông Hằng đến các cửa biển phía tây, ngược xuôi các đoàn xe bò, xe ngựa đầy ắp hàng hóa, thỉnh thoảng lại còn thấy một vài vị tỳ kheo tháp tùng với những người buôn bán. Lịch sử cho thấy dân buôn bán tha phương và các doanh nhân giàu có đã góp phần không nhỏ vào việc hoằng Pháp. Họ đã mang tín ngưỡng của mình đến những nơi xa xôi và đồng thời lại cũng là những người cúng dường tích cực nhất.
Một vài di tích khác
Ngày nay các nhà khảo cổ thăm dò những vùng dọc theo các con đường thương mại cổ xưa đã phát hiện được nhiều di tích Phật giáo. Trong số này có di tích bảo tháp Bharhut tại miền trung nước Ấn (tiểu bang Madhya Pradesh) được một đại úy kỹ sư trong quân đội viễn chinh và cũng là một nhà khảo cổ tên là Alexander Cunningham khám phá ra vào năm 1873. Bảo tháp Bharhut do chính hoàng đế A-dục xây dựng vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch, và sau đó thì có nhiều công trình kiến trúc mới được tiếp tục thực hiện thêm cho đến thế kỷ thứ II trước Tây lịch mới chấm dứt. Các pho tượng và các mặt đá chạm nổi tìm thấy tại nơi này cho thấy một nghệ thuật điêu khắc vô cùng tinh xảo và đặc sắc. Tiếc thay Bharhut chỉ còn lưu lại một số di tích khảo cổ được cất giữ trong bảo tàng viện mà thôi.
Một di tích nổi tiếng khác là các bảo tháp trên ngọn đồi Sanchi (Kiến-chí) do đại tướng Taylor trong quân đội Anh quốc khám phá vào năm 1818. Tại nơi này hoàng đế A-dục cho xây cất tám bảo tháp lớn và một số tu viện, và các thế hệ sau tiếp tục xây dựng thêm cho đến khi Phật giáo bị các đạo quân Hồi giáo xóa mất trên bán lục địa Ấn độ vào thế kỷ thứ XII. Khi tin đồn về việc khám phá di tích Sanchi lan đi khắp nơi thì một số nhà khảo cổ bất chính và bọn tìm vàng đổ xô đến đây để đào xới và đã gián tiếp tàn phá di tích này. Mãi cho đến năm 1881 thì chính phủ thuộc địa Anh mới bắt đầu gìn giữ di tích Sanchi cẩn thận hơn. Sau đó vào đầu thế kỷ XX thì Sanchi mới được trùng tu và ngày nay đã trở thành một nơi hành hương quan trọng của Phật giáo trên đất Ấn.
Quá trình thành lập Ajanta
Trên bình diện tổng quát thì các hang 9, 10, 19, 26, 29 là các hang chính điện (chaitya), và tất cả các hang còn lại đều là các tịnh xá (vihara). Như đã trình bày sơ lược trên đây, Ajanta được xây dựng vào hai thời kỳ khác nhau : thời kỳ thứ nhất kéo dài từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ I trước Tây lịch; thời kỳ thứ hai khá ngắn ngủi thuộc thế kỷ thứ V sau Tây lịch. Trong đợt phát triển thứ nhất thì Ajanta có thể chỉ là các tịnh xá dùng làm nơi trú ngụ tạm thời cho các vị tỳ kheo Nam tông trong mùa kiết hạ, sau đó thì các tăng đoàn mới lưu lại lâu dài hơn và sinh hoạt thường xuyên hơn. Giai đoạn thứ hai được phát triển vào thời kỳ bành trướng lớn của Bắc tông và Ajanta đã trở thành một đại học Phật giáo. Sau cùng thì Ajanta trở nên hoang phế và chìm vào quên lãng từ thế kỷ thứ VI (hay thứ VIII tùy theo tư liệu) cho đến ngày đại úy John Smith đi tuần tra ngang đó vào tháng tư năm 1817, tổng cộng lại thì Ajanta đã ngủ yên trong rừng sâu hơn một ngàn hai trăm năm.
Thời kỳ phát triển thứ nhất gồm có các hang 10, 12, 8, 9, 13, xếp theo thứ tự thời gian. Nghệ thuật điêu khắc trong các hang này khá đơn sơ và không có một biểu tượng nào tượng trưng cho Đức Phật hoặc trình bày giáo lý của Ngài. Kèo cột đục trong đá thì bắt chước theo các vật liệu bằng gỗ, cửa sổ và thềm cửa được đục giả vào đá. Trên tường của các hang số 9 và 10 người ta còn nhận ra được một vài vết tích tranh vẽ các mẫu hoa lá và các đường nét hình học, dầu sao thì đấy cũng là những di tích xưa nhất của nghệ thuật tranh vẽ Ấn độ còn lưu lại đến nay.
Trong một thời gian dài bốn trăm năm sau khi đợt xây dựng đầu tiên chấm dứt vào thế kỷ thứ I trước Tây lịch thì bỗng nhiên vào thế kỷ thứ V dưới triều đại Vakataka đồng thời với một triều đại khác cực thịnh ở miền bắc là triều đại Gupta, thì công cuộc phát triển Ajanta lại được tiếp tục. Đợt phát triển này chịu ảnh hưởng rõ rệt của Bắc tông. Thời gian khởi công và chấm dứt của thời kỳ xây dựng thứ hai không được xác định chính xác lắm và vẫn còn là một vấn đề tranh cãi giữa các học giả, có thể đợt xây dựng thứ hai khởi công vào khoảng năm 450 dưới thời vua Harisena và chấm dứt vào khoảng năm 550 tức là vào thế kỷ thứ VI. Một giả thuyết khác cho rằng đợt xây dựng này thuộc hẳn vào triều đại của vua Harisena và đã khởi công vào năm 462 và chấm dứt vài năm sau khi vị vua này qua đời vào năm 486. Nếu dựa theo giả thuyết này thì vua Harisena có thể là người chủ xướng mở mang Ajantra và sau khi ông mất thì Ajanta cũng bị bỏ hoang. Tuy nhiên cũng có giả thuyết cho rằng sự sinh hoạt của Ajanta kéo dài cho đến thế kỷ thứ VIII.
Cách định tuổi các biến cố ở Ajanta
Cách định tuổi các biến cố xảy ra ở Ajanta trước hết được dựa vào các kinh sách có đề cập đến các hang động này và sau đó là dựa vào các mẫu mã trong tranh vẽ và các hình tượng điêu khắc vì những chi tiết đặc thù đó tượng trưng cho từng giai đoạn phát triển của nền văn hóa và nghệ thuật Ấn độ. Ngoài ra cách so sánh với các hang động tương tợ được thực hiện ở các nơi khác vào cùng một thời kỳ với Ajanta cũng mang lại nhiều hiểu biết hữu ích. Đặc biệt nhất là trong hang số 16 người ta tìm thấy chữ ký của một vị quan thuộc triều đình của vua Harisena, vì thế các học giả thường xoay quanh mốc thời gian này để định tuổi cho đợt xây dựng thứ hai và các biến cố liên hệ.
Trong đợt phát triển thứ hai thì các hang được được khởi công gần như liên tiếp nhau và không có sự gián đoạn nào đáng kể. Hang 11 và tầng bên dưới là hang số 6 được khởi công trước nhất, và ngay sau khi được hoàn tất thì đến lượt các hang 7, 8, 16 được khởi công cùng một lúc, tuy nhiên chỉ có hai hang 7 và 8 là được hoàn tất trọn vẹn, hang 16 bị bỏ dở, và sau đó đến lượt hang 17 được khởi công và cũng bị bỏ dở, trong khi đó hang 19 được khởi công gần như cùng lúc với hang 17 thì lại được tiếp tục cho đến khi hoàn tất. Hang số 1 và số 2 là hai hang quan trọng và tiêu biểu nhất được thực hiện vào giữa thời kỳ phát triển thứ hai.
Sự khác biệt về kiến trúc và trang trí
giữa hai thời kỳ phát triển
Cách kiến trúc, điêu khắc và tranh vẽ trong các hang rất khác biệt nhau giữa hai giai đoạn phát triển. Phần trình bày dưới đây sẽ phân tích sự khác biệt đó trong ba lãnh vực như kiến trúc, điêu khắc và các tranh vẽ trên tường.
Cách kiến trúc và bố trí các hang thiết kế dưới các triều đại Gupta-Vakataka vào thế kỷ thứ V khác hẳn với các hang thành lập từ trước thuộc các thế kỷ thứ II và thứ I trước Tây lịch. Cách bố trí các hang tịnh xá (vihara) thuộc đợt xây dựng thứ hai phức tạp hơn, gồm nhiều tầng và nhiều phòng ốc hơn, trần có thêm cột chống đỡ, và nhất là gian tập thể khang trang hơn và thường thì có thêm một gian làm nơi thờ phụng ngay bên trong trong tịnh xá. Nói chung đối với các hang trong đợt phát triển này thì cách trang trí dựa theo các vật liệu bằng cây không còn được chú trọng nữa, các kèo cột giả gỗ khó nhận ra hơn và chỉ được tượng trưng một cách kín đáo. Mặt tiền các tịnh xá và chính điện có thêm mái che rất cao và rộng lớn hình vòm và nhiều cột chống đỡ, tất cả đều được trang trí bằng các điêu khắc đủ loại.
Trong các chính điện thuộc giai đoạn thiết kế thứ nhất không thấy có một biểu tượng nào tượng trưng cho Đức Phật mà chỉ có một bảo tháp xá lợi duy nhất nơi bệ thờ. Trong giai đoạn thiết kế thứ hai thì các hình tượng của Đức Phật xuất hiện khắp nơi gồm các pho tượng thật lớn và các loại điêu khắc chạm nổi trên tường, trên trần và trên các kèo cột. Tượng Đức Phật được diễn đạt bằng hai cách : hoặc ngồi buông chân trong một chiếc ngai như một đế vương, hoặc trong tư thế thiền định. Trong các chính điện số 19 và 26, nơi bệ thờ và phía trước bảo tháp còn đặt thêm một pho tượng Phật thật lớn. Sự ghép đặt tượng Phật và bảo tháp chung với nhau nơi bệ thờ có thể xem như cách tượng trưng cho sự phối hợp giữa Nam và Bắc tông chung trong một chính điện. Ngoài ra trong các hang thuộc đợt xây cất thứ hai người ta còn nhận thấy lần đầu tiên xuất hiện các bức tượng "Phật nằm", tượng trưng cho giây phút Đức Phật nhập vào Đại bát Niết bàn.
Đối với các tranh vẽ thì trước hết các mặt đá được tô thêm một lớp hồ làm bằng đất sét trộn với phân bò và gạo, bên trên lớp hồ được tô thêm một lớp vôi và sau cùng thì lớp vôi được mài cho thật phẳng trước khi vẽ tranh. Ngoài các bức tranh tượng trưng "một ngàn vị Phật" dựa theo sự tích xảy ra tại thành Xá Vệ (Sravasti) tìm thấy trong hang số 2 thì hầu hết các tranh ảnh khác đều mượn các chủ đề về tiền thân Đức Phật trong kinh Jataka. Cách trình bày sự tích về tiền thân Đức Phật được diễn tả thật khéo léo bằng nhiều bức tranh liên tục nối tiếp nhau, không thấy một sư gián đoạn nào cả. Cử chỉ và ánh mắt của các nhân vật phụ trong tranh được diễn tả thật ý nhị và tài tình, hướng dẫn sự chú ý của người xem vào nhân vật chính hoặc chuyển sang một sự tích khác. Màu sắc trong tranh thật phong phú, gồm các màu nâu, đỏ gạch, vàng, xanh, lục... Các nhân vật nữ giới được diễn tả thật hiện thực và tinh tế, vừa khêu gợi lại vừa e thẹn. Hầu hết các học giả đều công nhận là các tranh trên tường trong các hang động Ajanta rất tiêu biểu và có thể đại diện cho các loại tranh truyền thống đặc thù nhất của Ấn độ. Tiếc thay số du khách ngày càng đông đảo của ngành du lịch "kỹ nghệ" ngày nay đã làm hư hại phần lớn gia tài văn hóa đó của nước Ấn và của nhân loại nói chung, vì không làm sao ngăn cản được hàng ngàn du khách sờ mó lên tường. Hơn nữa sự hiện diện đông đảo của du khách trong các hang động cũng làm cho không khí bị ô nhiễm thêm, nấm và vi khuẩn đủ loại phát sinh và xóa dần những bức tranh vô giá của những di tích ngàn năm.
Sự suy tàn của Ajanta
Tư liệu và khảo cứu về Ajanta thật hết sức phong phú, tuy nhiên rất khó tìm thấy một học giả Tây phương hay Ấn độ nào đề cập đến nguyên nhân suy tàn của các hang động này. Một học giả Tây phương là bà Sophie Royer nêu lên trong quyển sách "Đức Phật" (Bouddha, nhà xuất bản Gallimard, 2009, Paris) một giả thuyết giải thích về sự suy tàn của Ajanta (trang 286-287) như sau :
" ...Bên cạnh chân dung của các vị Bồ-tát và các cảnh tượng mô tả lại sự tích các tiền thân Đức Phật, người ta cũng có thể chiêm ngưỡng trên các vách đá trong tịnh xá những hình ảnh phụ nữ khêu gợi và thật tinh xảo, môi thoa đỏ đang lắc mông nhảy múa, và cả những cảnh tượng tiếp nối nhau nêu lên từng chi tiết nhỏ các cảnh xa hoa của cuộc sống vương giả... Khi thực hiện các tác phẩm vô giá của nghệ thuật Ấn độ trên đây, các vị tỳ kheo nơi hang động Ajanta có thể đã không nghĩ rằng là chính mình đang chuẩn bị khí giới để đưa cho kẻ khác hại mình : vì một ngày nào đó những người Bà-la-môn sẽ không còn do dự gì nữa khi đưa tay trỏ thẳng vào sự xa hoa và biết đâu cả sự dâm ô bắt đầu lan rộng trong các tu viện lớn ở Ấn độ. Những chỉ trích đó của người Bà-la-môn cũng đã góp phần vào sự suy tàn của Phật giáo ngay trên phần đất nguyên thủy của chính mình"
Thiết nghĩ các lý do nêu lên trên đây thật là hời hợt và hoàn toàn sai lầm. Các cảnh tượng rất hiện thực trong các bức họa trên tường có mục đích trình bày diễn tiến các câu chuyện về tiền thân của Đức Phật trích dẫn từ kinh Jataka, các cảnh tượng đó giúp cho người tu hành chiêm nghiệm và suy tư. Tác giả Sophie Royer chỉ nhìn thấy những phụ nữ khêu gợi và những cảnh xa hoa nhưng không nhìn thấy sự đối nghịch của chúng tức là hình ảnh các vị Bồ-tát đứng bên cạnh những thứ ấy với gương mặt trong sáng, trong đôi mắt của họ hiện lên lòng từ bi và sự giác ngộ. Sự suy tàn của Phật giáo trên đất Ấn có những nguyên nhân bao quát hơn, thực tế hơn và sâu xa hơn nhiều.
Vì thế thiết nghĩ nếu muốn tìm hiểu sự suy tàn của Ajanta và Phật giáo nói chung ở Ấn độ thì có lẽ cần phải nhìn vào bối cảnh chung của lịch sử quốc gia này vào thời bấy giờ. Vào thế kỷ thứ V, các đạo quân Hung nô xâm lăng Ấn độ đã tàn phá hầu hết các trung tâm Phật giáo lớn trong vùng tây bắc của nước này. Rất nhiều tư liệu cho biết là các đạo quân xâm lược Hung nô rất thù ghét Phật giáo, giết tăng ni và tàn phá chùa chiền, nhưng lại không giải thích vì lý do gì. Tuy nhiên người ta có thể nghĩ rằng người Hung nô rất thù ghét người Hán và đã gián tiếp không thích tôn giáo của họ tức là Phật giáo. Sự xâm lăng của các đạo quân Hung nô vào miền bắc Ấn độ làm cho đế quốc Gupta phải tan rã. Khi toàn thể miền bắc Ấn bị chia cắt thành nhiều vương quốc và giặc giã nổi lên khắp nơi thì người dân phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình để chạy loạn và đã đổ dồn về các vùng miền đông và trung Ấn. Sư sãi cũng chạy theo và có lẽ sự phát triển và xây dựng Ajanta cũng vì thế mà phải ngưng lại vào thời kỳ này tức là vào cuối thế kỷ thứ V hay đầu thế kỷ thứ VI. Sự sinh hoạt của tăng đoàn nơi các hang động Ajanta cũng bị bị thu hẹp và hai thế kỷ sau thì hoàn toàn trở thành hoang phế. Ajanta chìm vào quên lãng hơn một ngàn năm cho đến tháng 2 năm 1824 khi trung úy James Alexander trong một cuộc săn bắn đã khám phá ra một cách thật tình cờ.
Sau một thời kỳ giặc giã triền miên suốt hơn hai trăm năm và mãi cho đến thế kỷ thứ VII thì nhà vua Harsavardhana (606-647) dưới triều đại Pusyabhuti mới thống nhất được miền bắc Ấn. Mặc dầu triều đại này khá ngắn ngủi nhưng việc giao hảo với các quốc gia khác lại rất tích cực, nhất là đối với Trung quốc. Chính vào thời kỳ này Trung quốc đã đưa nhiều nhà sư sang tu học tại Ấn và trong số đó có ngài Huyền Trang. Trong tập Đại Đường Tây vực ký, ngài Huyền Trang có cho biết là một đại luận sư Phật giáo là ngài Trần Na (Dignaga, 440-520) đã từng đến Ajanta. Trong giai đoạn lịch sử này miền nam nước Ấn bị chia làm ba quốc gia khác nhau là Calukya thuộc tây nam, Pallava thuộc đông nam và Pandya thuộc cực nam. Các quốc gia này đều thấm nhuần nền văn hóa Dravidien của người Tamoul (ngôn ngữ và văn hóa rất khác với miền bắc). Mặc dù các quốc gia miền nam không thù nghịch với Phật giáo nhưng không hề ủng hộ Phật giáo như các quốc gia miền bắc. Khi các đạo quân Hồi giáo tràn vào bắc Ấn thì một số nhà sư Phật giáo thường lánh nạn lên Tây tạng hoặc vượt biển sang Indonêxia và đã mang Phật giáo đến các nơi này.
Vào thế kỷ thứ VIII một đế quốc mới là Pala được thành lập tại các vùng miền bắc gồm có Ma-kiệt-đà (Maggadha) và Orissa (miền cực đông thuộc cửa sông Hằng) và triều đại này đã đánh dấu thời kỳ hưng thịnh cuối cùng của Phật giáo tại bán lục địa Ấn độ. Dưới triều đại Pala có một số đại học Phật giáo lớn được thành lập như Somapura và Odantapuri dưới sự quản lý của một tông phái Phật giáo mới là Tan-tra thừa còn gọi là Kim cương thừa. Tông phái này được truyền vào Tây tạng kể từ thế kỷ thứ VIII.
Triều đại Pala chưa kịp củng cố lãnh thổ thì các đạo quân Hồi giáo từ Afghanistan lại tràn vào bắc Ấn đốt phá chùa chiền, giết hại sư sãi. Đại học Na-lan-đà bị san bằng vào năm 1199, sư sãi bị giết, thư viện bị đốt sạch và biến cố này đã đánh dấu trang cuối cùng của lịch sử Phật giáo kéo dài mười bảy thế kỷ trên phần đất này của địa cầu.
Lời kết
Mười bảy thế kỷ hiện diện của Phật giáo trên đất Ấn đã đi vào lịch sử, nhưng rất nhiều di tích vẫn còn đó. Ajanta hiện ra với chúng ta hôm nay như một kỳ quan ngoại hạng của một thời Phật giáo vàng son. Trên quần đảo Inđônêxia, Phật giáo cũng đã từng hiện diện hơn một ngàn năm và cũng đã đi vào lịch sử, chứng tích lưu lại là ngôi đền Phật giáo Borobudur lớn nhất thế giới vẫn sừng sững trên hòn đảo Java như muốn tiếp tục thách đố với với thời gian. Quy luật vô thường tác động lên tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ này, không có một ngoại lệ nào cả. Tất cả mọi hiện tượng đều liên kết với nhau mà chuyển động, Ajanta cũng là một hiện tượng vì thế cũng không tránh khỏi cơn lốc của vô thường. Tóm lại thiết nghĩ cũng không có gì khác hơn để góp ý thêm cho phần kết luận này, chỉ xin phép được kể ra đây một câu chuyện khám phá hoàn toàn khác hẳn để cùng với người đọc suy tư.
Nếu trung úy James Alexander của quân đội viễn chinh Anh quốc trong một cuộc săn bắn ở Ấn độ đã tình cờ khám phá ra một kỳ quan được xếp vào gia tài văn hóa của nhân loại, thì tại một nơi khác cũng có một trung úy khác là Henri de Ponchalon trong quân đội viễn chinh Pháp tại An Nam trong một cuộc săn bắn cũng đã tình cờ khám phá ra một thứ gì đó mà biết đâu cũng có thể làm cho chúng ta xao xuyến tận đáy lòng ?
Quân đội viễn chinh Pháp do đề đốc hải quân Rigault de Genouilly chỉ huy đổ bộ lên bán đảo Tiên Trà (ngày nay gọi là Sơn Trà) ngày 1 tháng 9 năm 1858 để đánh chiếm Đà Nẵng. Trong đoàn quân này có một viên trung úy tên là Henri de Ponchalon rất say mê săn bắn và đồng thời cũng là người duy nhất trong đạo quân viễn chinh ghi chép vào nhật ký của mình từng chi tiết một những biến cố của cuộc đánh chiếm thuộc địa và cả những cảm nghĩ cũng như những biến cố đã xảy ra với mình. Cách hành văn của ông thật giản dị và chân thật, từ cách suy nghĩ cho đến những xúc cảm trong ông. Sau đó nhiều năm thì các trang nhật ký của ông được xuất bản thành sách với tựa đề "Đông Dương, những kỷ niệm của một chuyến du hành và một cuộc chiến,1858-1860" (INDO-CHINE, Souvenirs de voyage et de campagne, 1858-1860, nhà xuất bản Alfred Mamé et Fils, Editeurs, 1896). Sau đây là phần trích dịch (trang 162 đến 167) kể lại một vài chuyên săn bắn của tác giả Henri de Ponchalon :
Ngày 20 tháng 3 : Một lô-cốt được xây dựng trên đỉnh cao nhất của bán đảo Tiên Trà dùng làm địa điểm quan sát và cũng để bảo vệ toàn vùng phía sau lưng doanh trại ; tôi được giao phó trọng trách mang trung đội dưới quyền của tôi đến đóng giữ nơi này trong tám ngày.
Sau một cuộc hành trình cực nhọc chúng tôi cũng đã đến được nơi đóng quân. Thật là một quang cảnh tuyệt vời ! Dưới chân tôi mây thật thấp che phủ cả doanh trại Tiên Trà ; chỉ cần đảo mắt là tôi có thể nhìn thấy hết các tiền đồn của quân đội viễn chinh, ngoài xa là biển cả và những ngọn núi đá hoa (Ngũ Hành Sơn), tôi nhìn thấy cả con sông nhỏ và các vị trí của kẻ thù. Khu rừng nguyên sinh chung quanh lô-cốt đầy sinh vật và các loại thú để săn : nào là cọp, beo, mèo rừng, chồn đèn, tê tê, heo rừng, hươu, hoẵng, khỉ đột, gà rừng, loại sóc đào hang (rat palmiste), v.v... Cha tôi là một người liều lĩnh và say mê săn bắn, nếu ông ta mà được ở đây thì sẽ thích lắm ! Tiếc thay ! thằng con trai của ông ta thì chỉ được phép lẩn quẩn chung quanh lô-cốt mà thôi ; hắn còn phải canh chừng cho sự an toàn của doanh trại.
Sóc đào hang (rat palmiste)
Ngày 21 tháng 3 : Tôi vừa giết được một con khỉ lọ nồi (douc). Tại một khúc quanh trên một con đường mòn rất khó đi tôi vụt trông thấy một con khỉ khổng lồ hai chân màu đỏ đang bám trên cây. Con khỉ hoàn toàn bất động và cứ nhìn tôi chăm chăm; tôi đưa súng lên vai, nó phóng sang cành khác : tôi bóp cò, nó rơi xuống đất và bị thương nặng. Phải thú nhận rằng tôi hết sức xúc động khi chạy đến bên cạnh nó và nhìn thấy con vật đáng thương hai mắt nửa khép nửa mở hình như đang cầu khẩn tôi tha mạng cho nó. Quyết định của tôi thì lại không phù hợp tí nào với sự xúc động của tôi ; nó bảo tôi phải tóm lấy con khỉ và tôi liền đấm vào gáy con khỉ một quả thật mạnh rồi lôi xác nó một cách thật oai hùng đem về giao cho tên đầu bếp. Đến bữa cơm tối, tôi mời thêm hai tên trung sĩ dưới quyền của tôi.
Khỉ lọ nồi (Douc, tên khoa học Pygathrix nemaeus)
Ngày 22 tháng 3 : Thịt khỉ lọ nồi vẫn được xem là tuyệt hảo nhất, nhưng theo tôi thì thịt loài sóc đào hang mà tôi vừa bắn được một con sáng nay thì phải nói là thơm tho hơn hết.
Tên thuộc hạ của tôi - phải công nhận hắn thật tháo vác – vừa dựng lên cho tôi một căn lều thật xinh xắn, tôi dùng nó làm nhà ăn và chỗ nghỉ trưa. Duỗi chân trên chiếc võng đong đưa, tôi mơ màng nghĩ đến chuyến du hành đẹp đẽ này rồi cũng sẽ chấm dứt, đến một trận chiến đang diễn ra thật thú vị, đến sự khen thưởng mà tôi hằng mong đợi, đến khu rừng nguyên sinh mà tôi đang ước mơ sẽ tạo được tại nơi này những thành tích săn bắn rạng ngời và rồi tôi ngủ thiếp đi.
Khi ngày đã hết, dưới ánh trăng sáng tôi cố tìm một nơi để mai phục. Đêm hôm qua có tiếng hươu kêu ngay bên cạnh lô-cốt. Sau một giờ chờ đợi thì có tiếng gầm của thú dữ vọng lại báo cho tôi biết đã đến lúc phải chuẩn bị ; tôi liền chạy đến nơi ẩn nấp. Cạnh lô-cốt bỗng có một con vật chân rất ngắn chạy băng ngang đường, tôi bèn nhả đạn và giết được một con tê-tê, tê tê là một con vật thuộc loài có vú thuộc họ động vật thiếu răng, chuyên ăn kiến ; toàn thân có một lớp giáp màu đen ; thịt của của nó không ăn được.
Con tê tê
Ngày 23 tháng 3 : .................
Ngày 24 tháng 3 : Tôi giết được một con gà rừng lông đen ; săn loại thú này rất khó. thức từ lúc ba giờ sáng tôi ngồi rình thật im hơn một giờ đồng hồ dưới một lùm cây. Con gà chạy xẹt ngang mặt tôi như một tia chớp ; tôi nhả một phát đạn vào cái hạnh phúc nhỏ bé ấy. Quả thật, vào bữa cơm tối hôm đó thì tôi mới biết là công lao ngồi chờ của tôi ban sáng đã được đền bù thật hậu hĩnh ; thịt gà rừng thật vô cùng tuyệt hảo.
Ngày 25 tháng 3 : Nếu đừng bị chuyển đi nơi khác và cứ được ở đây thì thích thú biết chừng nào ! Được ở lại giữa cảnh rừng đầy ắp muôn thú như thế này thì tôi chẳng phải là người sung sướng nhất thế gian hay sao ? Ngày nhỏ tôi vẫn thường ước mơ được sống như Lỗ Bình Sơn (Robinson Crusoé). Lỗ Bình Sơn sống một mình trên một hòn đảo hoang thì chắc gì đã sung sướng hơn tôi trong khu rừng nguyên sinh này ? Tên hầu cận Thứ Sáu (Vendredi) của ông ta làm gì sánh kịp với tên thuộc hạ Dulout vô cùng hào hùng của tôi ? Dưới bóng mát của những gốc cổ thụ trăm năm, tôi chỉ muốn ngâm lên những câu thơ của thi hào Chateaubriand mà cha tôi đã một lần ngâm nga khi đi săn trong khu rừng Écouves thật đẹp gần tỉnh lỵ Alençon, bỗng nhiên tiếng ngâm của cha tôi bất thần dừng lại vì có một con hoẵng chạy ngang, cha tôi hạ được nó tại một khúc quanh trên một con đường mòn :
Giữa khu rừng yên lặng, trong cảnh cô quạnh đáng yêu,
Tôi chỉ muốn ôm lấy những bóng râm chưa hề ai biết đến !
Trong những khúc quanh âm u, cứ ngỡ rằng mình đang lạc lối,
Trong lòng thanh thản không một chút lo âu.
...................................................................
Chao ôi ! sao hạnh phúc thế này, ước gì tôi được sống trọn kiếp nơi đây,
Xa loài người, giữa tiếng suối reo róc rách.
Mong rằng mọi người hãy cứ quên tôi đi, nơi chốn quạnh hiu này,
Dưới bóng mát của loài cây du, tôi thiếp đi trên tấm thảm đầy hoa.
Ngày 26 tháng 3 : Hôm qua khi thám hiểm chung quanh đồn canh, tôi khám phá được một chỗ mà khỉ lọ nồi thường kéo đến đùa giỡn. Cứ thấy tôi là chúng bỏ chạy. Sáng hôm nay, khe khẽ tôi luồn vào các bụi cây để nấp và tôi bắn được một con khỉ đang nhảy nhót trên cành. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi trông thấy một con khỉ khác từ trên cây tụt ngay xuống đất ôm lấy xác con vật bị bắn chết rồi chạy vào rừng vừa kên lên những tiếng kêu thương thống thiết ! Quả thật là một bản năng tuyệt vời !
Vài lời góp ý :
Trung úy James Alexander khám phá ra một hang động bỏ quên hơn một ngàn năm và ngày nay đã được Liên Hiệp Quốc xếp vào gia tài văn hóa của nhận loại, trung úy Henri de Ponchalon thì nhìn thấy một con khỉ từ trên cây tụt xuống đất để ôm xác đồng loại chạy vào rừng và phát lên những tiếng kêu thương thống thiết. Hình ảnh con khỉ ôm xác đồng loại chạy vào rừng đã được trung úy Henri de Ponchalon ghi lại bằng một dòng chữ trong một quyển sách nhỏ đã ngủ yên hơn một trăm năm trong thư viện quốc gia Pháp.
Người đọc cũng có thể tự hỏi tại sao lại đem so sánh hai câu chuyện không có gì liên hệ với nhau như thế ? Thật vậy, hai sự kiện thuộc vào hai lãnh vực khác nhau. Hang động Ajanta thuộc vào lãnh vực vật-chất thu hút được hàng nghìn du khách đến viếng mỗi ngày, người đến xem có thể chụp ảnh và sờ mó được, trong khi đó thì tình thương yêu đồng loại của một con thú lại thuộc vào lãnh vực phi-vật-chất nên khó nắm bắt và không lôi kéo được sự quan tâm của con người. Cũng thế, rất dễ cho chúng ta so sánh giữa của cải của một người giàu có và sự thiếu thốn của một kẻ cơ hàn, nhưng lại rất khó cho chúng ta so sánh giữa của bố thí của một người dư thừa và những xúc cảm từ tâm hiện ra trong lòng của một người nghèo khó. Cũng thế, rất dễ cho cơ quan Văn hóa Liên Hiệp Quốc biểu quyết xếp các hang động Ajanta vào gia tài văn hóa của nhân loại, nhưng nếu có một thành viên nào đó nêu lên ý kiến cần phải bảo vệ lòng yêu thương đồng loại trong lòng một con thú thì có lẽ các thành viên khác cũng chỉ biết cười trừ mà thôi.
Khi thấy con khỉ liều chết từ trên cây tụt xuốt đất ôm lấy xác của đồng loại chạy vào rừng thì trung úy Henri de Pochalon kêu lên : "Quả thật là một bản năng tuyệt vời !", trong khi đó thì chính ông lại không nhìn thấy cái bản năng thú tính và hung bạo trong lòng mình, đang khích động mình tìm kiếm một miếng ăn "ngon", sự thỏa mãn khi nhả một viên đạn vào một sinh vật khác. Thật vậy, ngày nay nếu muốn chiêm ngưỡng di tích Ajanta thì cũng không đến nỗi khó lắm, nhưng lại vô cùng khó khăn cho chúng ta nếu chúng ta muốn khám phá ra một hang động thật sâu kín và sinh động với bệ thờ và xá lợi đang bị che lấp trong một nơi thầm kín của đáy lòng mình.
Bures-Sur-Yvette, 06.07.10
Hoang Phong
Một con khỉ từ trên cây tụt xuống để nhặt xác của con khỉ bị bắn chết
(ảnh trích trong sách của Henri de Ponchalon, trang 167)
Phụ lục 1: Hình ảnh các hang Ajanta, Bedsa, Bhaja và Kharla
Karla caves
Bhaja caves
Bedsa Caves 1000 years old.
Ajanta
Ajanta Caves
Water Falls, Ajanta Caves
Bên trong Ajanta Caves:
Reclining Buddha carved in the Ajanta Caves in Northern India,
dating to the 2nd century B.C
Tranh vẽ trong Ajanta Caves
Temptation of Mara, painting of mural in Cave 1, Ajanta,
1875-1876, Museum no. IS.13-1885
Ajanta Bodhisattva