27/06/2012 20:08 (GMT+7)
Số lượt xem: 79053
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GiadinhNet - Ngôi thành cổ được xây dựng hoàn toàn bằng đá ong duy nhất ở nước Việt mang trong mình nhiều câu chuyện buồn.



 
Gần 200 năm, trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, thành cổ Sơn Tây phần lớn đã bị phá hủy, chỉ còn lại tường thành, cửa tiền, cửa hậu, hai khẩu thần công và một số phế tích như Vọng lâu, nền điện Kính Thiên, giếng nước. Ngôi thành cổ được xây dựng hoàn toàn bằng đá ong duy nhất ở nước Việt mang trong mình nhiều câu chuyện buồn.
 

Sau gần 200 năm, cổng Tiền còn giữ được vẹn nguyên. Ảnh: QT

 
Đến thành cổ để nghe kể về thành cổ

Đặt chân đến lãnh địa thành cổ đá ong trứ danh, đó là một không gian yên bình với một màu xanh bạt ngàn của những tán cây rợp mát đứng soi bóng bên hai bờ hào nước bao quanh. Nếu chỉ đọc qua sách báo, tài liệu nói về tòa thành cổ đá ong ở xứ Đoài kỹ bao nhiêu thì khi lần đầu đặt chân đến nơi, quả thật tôi thất vọng bấy nhiêu. Đâu rồi thành quách, điện đài? Ông Nguyễn Sơn Việt, một già làng ở đất Sơn Tây làm người dẫn đường cho tôi giải thích ngắn gọn: "Chiến tranh tàn phá phần nhiều, phần còn lại cũng do một giai đoạn người đời thờ ơ trong việc gìn giữ".

Thành Sơn Tây được xây từ năm Minh Mạng thứ 3 (năm 1822) nằm trên phần đất của hai ngôi làng cổ Thuần Nghệ và Mai Trai. Tòa thành từng được người Pháp ngợi ca là công trình kiệt tác của nền kiến trúc An Nam, được Toàn quyền Pháp xếp hạng di tích cổ năm 1924. Đến năm 1994, Nhà nước ta công nhận là Di tích lịch sử kiến trúc quốc gia. Thành Sơn Tây được xây dựng hoàn toàn bằng gạch đá ong, loại gạch được làm từ đất bản địa, bây giờ chỉ còn lại cửa tiền, cửa hậu và một số phế tích là dấu vết nguyên bản ít ỏi.

Sử sách ghi lại, thành cổ Sơn Tây được xây dựng theo kiến trúc kiểu Vauban (kiểu công trình quân sự lấy theo tên kỹ sư Vauban người Pháp). Tường thành bằng đá ong chạy theo đường gãy khúc, nhưng tổng thể có hình vuông, mỗi cạch dài khoảng 400m. Thành có 4 cổng vòm bằng gạch: Đông, Tây, Tiền, Hậu. Mỗi cổng đều có Vọng lâu cao 18 thước và có 5 khu: khu giữa thành là khu nghi lễ, hai ao sen hai bên. Xung quanh thành có hào sâu 3m, rộng 20m, chu vi khoảng 2.000m được nối ra sông Tích Giang tại góc thành phía Tây Nam. 4 góc thành có 4 khẩu súng thần công, có Điện Kính thiên (nơi làm lễ của nhà vua khi đi kinh lý), 5 gian lợp ngói lưu ly, bên trong có 2 cột tròn làm bằng gỗ lim, đường kính 0,5m, sơn màu cánh gián. Hai gian bên có cửa sổ tròn trang trí hình chữ Thọ. Ngoài ra, thành còn có dinh thự và công đường của các quan đầu tỉnh, kho lương thực, trại lính... Đáng tiếc những công trình này bây giờ đã không còn.

Chiếc cầu cong cong dẫn du khách đi vượt qua hào nước. Ngay phía bên tay trái là một cái cổng thành cũ kỹ với rễ cây bồ đề cổ thụ bám tua tủa ở chân tường vào trùm lên cả mái vòm. Ông Việt giới thiệu rằng đây là công trình xây bằng đá ong vẫn còn giữ được nét nguyên sơ cổ kính nhất của thành cổ. Cổng thành toát lên vẻ đẹp hoang sơ nhuốm màu thời gian, đầy bí ẩn như thông điệp của ngàn xưa vọng về. Đằng sau vẻ ngoài xù xì, thô ráp, màu vàng sậm và lỗ chỗ như tổ ong, những viên đá ong của xứ Đoài được kết thành tòa thành đá ong hoàn chỉnh nhất Việt Nam luôn có một vẻ đẹp gần gũi thân thuộc mà vững chắc. Loại gạch chỉ có ở xứ Đoài mới sản sinh ra. Gạch đá ong vốn là một nét đặc trưng độc đáo mà dễ dàng bắt gặp ở các công trình cổ bất cứ nơi đâu khắp vùng Sơn Tây. Cũng chính loại gạch đá ong được lấy từ đất mẹ đã làm nên những ngôi làng cổ như ở Đường Lâm, Cốc Thôn.
 

 Hệ thống tường hành lang được xây mới bằng... bê tông.Ảnh: QT


Để mây trắng mãi bay

Thời gian qua, thành cổ Sơn Tây bỗng thu hút sự quan tâm của dư luận một cách lạ thường. Ông Việt ví von đầy hình ảnh: "Người ta đang xây đấy, nhưng phá đấy!".

Tôi hết sức bất ngờ khi đặt chân đến thành cổ mới được người ta kể trong quá khứ từng có một nhà tù ở ngay chính tòa thành này. Đó là nơi bỏ tù những chiến sỹ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhưng thật buồn khi có mặt tại nơi đây thì nhà tù kia đã là câu chuyện của quá khứ. Những nhân chứng của những cuộc bắt bớ, tra tấn, tù đày của những năm 30- 40 thế kỷ trước, giờ đây đa số đã về với ông bà tổ tiên, người còn cũng "gần đất xa trời". "Các chiến sỹ cách mạng chống Pháp còn lại ít ỏi, rồi cũng đến lúc họ ra đi. Đến lượt chúng tôi, những người biết về thành cổ cũng sẽ về với đất. Những câu chuyện về tội ác của thực dân, về sự kiên cường đấu tranh của nhân dân ta, còn lại cái gì để minh chứng cho hậu thế đây", ông Việt nói đầy lo âu.

Không riêng gì ông Việt mà rất nhiều người dân Sơn Tây tỏ vẻ tiếc nuối khi trước đây rất nhiều cây cối ở trong nội thành đã bị chặt bỏ khá nhiều. Bù vào đó là tường được kè thêm hoặc xây mới. Bản thân thành cổ Sơn Tây từng bị đe dọa "làm mới" nhiều lần bởi nhiều dự án mà chỉ nhắc đến thôi nhiều người đã thấy chua xót và lo lắng.

Ngay cả chiếc cổng Tiền cũ kỹ kia bây giờ cũng không được coi là cổng nữa rồi. Đường vào thành cổ Sơn Tây, sau khi vượt qua chiếc cầu uốn cong cong là đi thẳng vào thành, chẳng phải qua một cánh cổng nào khác. Chiếc cổng còn lại bây giờ chỉ còn là một di tích để tham quan, một di tích còn sót lại vẹn nguyên hiếm hoi sau gần 200 năm.

Những cột cờ, điện Kính Thiên đã được làm mới hoàn toàn. Những công trình đó ngoài gạch đá ong được chọn làm vật liệu xây dựng ra còn có bê tông cốt thép. Điều đó đã giết chết cái làm nên sự độc đáo: thành cổ làm bằng gạch đá ong!

Thành cổ cũng như văn hóa xứ Đoài vậy, độc đáo, đậm đà bản sắc rất riêng. Đã trải qua bao biến động của thời cuộc trong quá khứ, cả tương lai nữa, tòa thành đá ong trứ danh này chắc hẳn vẫn sẽ còn đó. Nhưng điều quan trọng nhất là có còn cái hồn vía ngày xưa, có còn là chính nó hay là Sơn Tây sẽ có một tòa thành mới. Để bảo tồn nguyên vẹn như những gì ban đầu, bảo tồn những thành quả của ông cha, lớp lớp con cháu sau này không chỉ có ra sức làm mà quan trọng hơn còn phải hiểu biết nữa. Và công cuộc này không chỉ của riêng ai.
 

 ... và lối đi cũng chẳng thấy xuất hiện đá ong nữa. Quả thật, tòa thành duy nhất được xây dựng bằng đá ong chỉ còn trong quá khứ!

 
Thật đáng tiếc, bây giờ đặt chân đến thành cổ, tìm vốn cổ. Ít quá! Hầu như chỉ còn trong tài liệu, sách vở, tranh ảnh... Thực tế, tòa thành đá ong còn đó cột cờ sừng sững, hồ sen và điện Kính Thiên nhưng đó là những công trình được xây mới lại hoàn toàn. Dù đã cố gắng làm theo kiến trúc cũ, nhưng so sánh những gì có trong tài liệu lưu trữ thì xét về quy mô và kiến trúc việc phục dựng lại vẹn nguyên là điều không thể. Ông Việt nói rằng trong quá khứ, ông từng chứng kiến nhiều lần thành cổ quê ông được trùng tu tôn tạo, nhưng cứ sau một lần khoác áo mới thì đường nét cổ, kiến trúc cũ cứ thế biến mất dần.
 
Nguyễn Quang Thành

Nguon: http://www.baomoi.com/Home/KhongGianSong/giadinh.net.vn/Xu-Doai-thuong-nho-Nghe-Thanh-co-ke-chuyen/8769073.epi


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp