Buồn vui trước lối vào cửa thiền
Chúng tôi đến chùa Thầy vào ngày đầu tháng Ba âm lịch, một tuần trước lễ hội đã thấy nườm nượp du khách đến lễ Phật, vãn cảnh. Khoảng cách của đất trời thì vẫn vậy, không ai có thể "bê" Sài Sơn đem đặt vào chỗ khác, nhưng chùa Thầy bây giờ đã gần lắm với nội đô Hà Nội. Ngày trước, đường tới chùa Thầy xa xôi nhiều khúc quanh, ngã rẽ phải qua biết bao cánh đồng, nương dâu, đồng mía. Giờ đây, từ trung tâm thủ đô theo đại lộ Thăng Long chỉ mươi phút là tới nơi. Đại lộ rộng thênh thang với bốn con đường hiện đại chạy song song thẳng tắp. Chỉ rời khỏi Trung tâm Hội nghị quốc gia một đoạn, đã thấy núi Sài Sơn hiển hiện, nếu mắt tinh đã thấy cả bóng chùa thấp thoáng. Ngay sát chùa Thầy bây giờ mọc lên một khu đô thị sinh thái, sự văn minh hiện đại đã lan tỏa đến chốn thâm sơn tịch mịch. Đứng nơi này đã nhìn thấy cả những tòa nhà cao tầng ở khu Trung Hòa - Nhân Chính.
Nhưng điều ngỡ ngàng là, đến đầu xã Sài Sơn còn cách chùa Thầy gần 1km đã gặp ngay một nhóm người đeo băng đỏ cản lại. Họ xưng là người được UBND xã giao nhiệm vụ bảo vệ tại khu di tích. Được biết chỉ dân trong xã mới được tự do đi qua, còn khách nơi khác đến muốn đi vào trong làng thì hoặc là phải gửi xe máy tại đây rồi đi bộ vào hoặc là phải nộp mười nghìn đồng, nếu là ô tô thì mất 50 nghìn đồng. Dĩ nhiên, không mấy du khách chấp nhận đi bộ đoạn đường cả cây số vào chùa, nên đành nộp tiền mà không biết đó là khoản tiền gì? Tiền phí tham quan thì không phải, vì khi vào trong chùa ai cũng phải mua vé tham quan di tích. Một điều thắc mắc nữa, chẳng lẽ UBND xã Sài Sơn lại đưa ra quy định bắt du khách phải gửi xe ở tận đầu xã như vậy, trong khi đường vào chùa còn rất dài mà việc khách đi xe vào làng cũng không tạo nguy cơ gây tắc đường hoặc ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Vả lại nếu cấm phương tiện lưu thông vào làng, thì sao lại còn cho phép rất nhiều địa điểm trông coi xe máy, ô tô hoạt động sát lối vào chùa?
Lối vào khu thắng tích chùa Thầy đối diện với UBND xã Sài Sơn, hàng quán mọc lên san sát với hàng trăm quán bán đồ lễ và đồ chơi trẻ em. Tiếng mời mua hương, mua nước luôn bám theo từng bước đi của du khách. Một bà già vấn khăn mỏ quạ, răng đen kéo tôi lại sát quầy hàng của bà, rồi nói nhỏ như sợ ai nghe thấy: "Các ông bà mua đồ lễ ở đây này, chứ không tí nữa vào trong kia là bị chém đấy". Đi qua cổng đền Trình nằm bên đường vào chùa, có mấy người trực sẵn, đon đả: Mời đoàn vào đây nghe giới thiệu về sơ đồ của chùa - đây là công việc của chùa phải làm. Rồi không đợi khách kịp phản ứng, họ níu tay kéo áo khách lôi xềnh xệch vào trong đền Trình, đến trước dãy nhà sắp lễ, nơi đó có dựng tấm phông vẽ sơ đồ khu di tích. Người đàn ông tại đây nói qua loa vài câu, rồi sau đó thoăn thoắt sắp lễ lên khay, ấn vào tay du khách. Nhưng chúng tôi đẩy trả lại ngay vì cạnh đó cũng đang có một khách đi lễ chùa đang đỏ mặt tía tai "cãi nhau" với người của nhà đền. Biết chúng tôi là phóng viên, người khách này cho biết: "Họ kéo tôi vào đây, rồi cứ tự nhiên sắp lễ, rồi tự nhiên bê đặt lên ban. Họ chẳng cần biết là chúng tôi có cần hay không và cũng không để tôi kịp phản ứng lại hành động đó. Lúc đó tôi nghĩ, người ta đã trót sắp đặt lên như vậy rồi cũng được vì đằng nào mình cũng phải mua. Vả lại, những đồ lễ ấy cũng là những thứ thông thường, chắc chỉ mất khoảng dăm chục nghìn là cùng, nên cũng không hỏi giá làm gì nữa. Khi tôi lễ xong ở đây, thì họ bảo cầm thêm 3 lễ nữa, cứ đem sang bên lễ ở chùa chính đi, lát nữa quay lại đây hạ lễ rồi trả tiền cũng được. Nhưng tôi muốn thanh toán tiền luôn. Trời ơi, chỉ có 3 lễ gồm 3 hộp bánh chè lam, 3 chai nước tinh khiết và một ít vàng hương thế mà họ đòi 600 nghìn đồng".
Một toán nam nữ khác, còn rất trẻ cũng "tố khổ": Bọn em vào đây, gặp một người đeo thẻ hẳn hoi đến giới thiệu là người của nhà chùa, rồi nhét vào tay mỗi người trong bọn em một chiếc khánh và chiếc lá bài mà họ nói là thẻ hộ mệnh. Chúng em từ chối, bảo không lấy mấy thứ đó đâu. Nhưng cô ấy bảo rằng, mấy thứ này các em bắt buộc phải cầm khi lễ vì đây là tục lệ quy định của nhà chùa. Nghe vậy, bọn em tưởng là chỉ cần cầm khi làm lễ, rồi lễ xong sẽ trả lại họ. Khi chúng em đang chắp tay khấn, thì có một ông khoảng hơn 40 tuổi đi đến đánh chuông, rồi hỏi bọn em: nước đâu? Bọn em chưa kịp trả lời, thì cô vừa đưa chuông lúc nãy liền ngay lập tức đưa cho ông ta 4 chai nước. Nhưng khi lễ xong quay ra để trả tiền, thì họ tính mỗi chiếc khánh và thẻ hộ mệnh giá 200 nghìn đồng, mỗi chai nước 20 nghìn đồng, cả thảy hết 880 nghìn đồng.
Nhìn thấy trong đền Trình có một số người đang làm nhiệm vụ thu và ghi tiền công đức của du khách, chúng tôi đến hỏi: những người chuyên làm công việc sắp lễ ở dãy nhà ngang kia là họ tự tiện hay do Ban quản lý di tích cắt cử? Được trả lời: Đó là người được nhà chùa cử ra đây, chúng tôi là người của nhà đền nên không biết! Thế nhưng, khi chúng tôi vào trong chùa hỏi sư thầy trụ trì thì được thầy cho biết, nhà chùa chỉ hoạt động ở trong chùa, còn đền Trình nằm ở ngoài phạm vi bán vé của di tích nên nhà chùa không được phép tham gia quản lý, và nhà chùa cũng không cử ai ra đó. Theo quan sát của chúng tôi, hiện tượng bắt ép, chặt chém du khách chỉ diễn ra ở đền Trình, và các điểm di tích ở trên núi Sài Sơn, riêng ở trong chùa Thầy (tức Thiên Phúc tự) thì hoàn toàn không có hiện tượng này, hoạt động lễ Phật của Phật tử và du khách rất trật tự và trang nghiêm.
Nhất vui là hội chùa Thầy
Lễ hội chùa Thầy là lễ hội lớn trong vùng, diễn ra vào tháng Ba âm lịch hàng năm, luôn được Phật tử thập phương mong chờ. Dân gian truyền những câu ca: "Nhất vui là hội chùa Thầy"; "Hội chùa Thầy có hang Cắc Cớ/ Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy/Gái chưa chồng nhớ ngày mà đến" và "Nhớ ngày mồng Bảy tháng Ba/ Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy". Nhất vui là bởi tại đây diễn ra rất nhiều nghi lễ độc đáo, cùng nhiều trò chơi dân gian đặc sắc. Trước ngày lễ hội, chùa Thầy bao giờ cũng làm nghi thức tắm tượng. Trong hương khói nghi ngút, nước tinh khiết được đem tới trước bàn thờ. Nhà sư trụ trì cùng những người giúp việc lấy khăn vải đỏ sạch nhúng vào nước và lau cẩn thận, mọi hành động diễn ra hết sức trang nghiêm. Trong lúc tắm tượng, Tăng Ni, Phật tử cùng nhân dân xung quanh đều chắp tay hướng về phía tượng cùng tụng kinh niệm Phật. Kết thúc nghi lễ, nước tắm tượng được vẩy ra khắp nơi như mưa của Đức Phật để người khang vật thịnh. Chiếc khăn dùng tắm Phật được chia nhau về làm bùa cho trẻ nhỏ tránh khỏi những ma tà ám khí.
Chính hội vào ngày mồng bảy tháng Ba âm lịch, với nghi lễ quan trọng và gây ấn tượng nhất ở hội chùa Thầy, đó là lễ cúng Phật và chạy đàn. Nghi lễ này là một diễn xướng có tính chất tôn giáo với sự phối hợp của các nhạc cụ. Các lễ vật chính được dâng lên ban thờ cùng hàng trăm lễ vật khác nhau của khách thập phương dự hội với đủ màu sắc của các loại hoa quả, oản, bánh, xôi… lung linh trong khói nhang và đèn nến. Sau đó các nhà sư với bộ áo cà sa trang trọng, tay cầm gậy hoa biểu diễn những bước múa lượn vòng tròn, bước nhanh, bước chậm thể hiện một chuyến đi không ngừng của kiếp người để vươn tới điều cao đẹp. Trong khung cảnh mờ ảo xa vời, các nhà sư vừa đi vừa múa hát theo dàn nhạc đệm và tiếng mõ tụng kinh. Hội chùa Thầy không chỉ có những nghi thức tôn giáo, mà còn có nhiều trò vui sinh động, nổi bật là múa rối nước với những cảnh múa lân, múa rồng, cảnh xay thóc, giã gạo, chọi trâu… được các nghệ nhân đưa vào thật gần gũi, sinh động và hấp dẫn mang đậm sắc thái dân gian.
Chu Minh Khôi