04/03/2011 09:29 (GMT+7)
Số lượt xem: 3321
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ngôi chùa có tên chữ là Nghiêm Quang tự ở xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương

Từ hướng Hải Phòng qua TP Hải Dương, tới Ghẽ thì gặp con đường nhỏ bên phải đi vào… Đường đi rộng 5 mét, hai bên đồng ruộng gió xuân mơn man qua da mặt mát lạnh pha lẫn hương đất, bụi mưa xuân hờ hững trên vai áo

, cảm nhận trời đất giao hòa ngày xuân mà lòng xốn xang quen quen lạ lạ. Đi chừng 4 cây số tới chùa Giám.

Ngay trước cổng Tam quan chùa có 3 chữ Hán “Quán Tự Tại”. Qua cổng tam quan là hai bên vườn cây xanh, một hồ hình chữ nhật thả hoa sung. Cách một lối đi là hồ non bộ, vườn cảnh mô phỏng thiên nhiên sơn thủy hữu tình. Liền đó là sân tiền đường rộng lát gạch vuông màu đỏ, xung quanh là lối đi nối sang hai nhánh. Bên phải là 5 gian nhà khách thoáng mát với những cánh cửa gỗ chạm khắc hình nổi từng ô, rất kỳ công tạo thành những bức tranh ước lệ.

Du khách dừng chân trước tấm bảng giới thiệu lịch sử chùa Giám. Chỉ khoảng vài chục hàng chữ nhưng chứa đựng hàng trăm năm thời gian, ghi dấu biết bao công lao to lớn của danh y Tuệ Tĩnh và công đức của những người tạo dựng chùa từ bao đời đến nay.

Nguyên thủy của chùa Giám là Nghiêm Quang tự do sư Hải Triều trụ trì, vốn nằm trên nền đất trống phía đông huyện Cẩm Giàng. Chùa được xây dựng năm 1336 vào thời Lý, thời đó người ta dựng chùa chủ yếu bằng gỗ, chạm trổ hoa văn cầu kỳ, lợp ngói đỏ. Bởi vậy, khi ngôi chùa hình thành đã trở thành một công trình văn hóa nghệ thuật của Phật giáo thời bấy giờ và rất có giá trị về lịch sử, nghệ thuật với thời nay.

Do thời gian và ảnh hưởng của bom đạn chiến tranh nên ngôi chùa cổ đã bị xuống cấp nhiều. Tháng 4 năm 1970, chùa Giám chuyển về xã Cẩm Sơn hiện nay, cách mặt bằng cũ gần 7 cây số, được dựng lại nguyên kiến trúc cũ. Do các tượng và các vật liệu có giá trị văn hóa cần phải được bảo tồn nguyên dạng nên việc di chuyển tượng hoàn toàn bằng phương tiện thô sơ, rất công phu trong suốt ròng rã 7 tháng trời. Đến năm 1975 chùa Giám ở khu đất mới được hoàn chỉnh.

Trong chính điện có các tượng Phật Thích Ca và các vị Bồ tát, tượng Phật Đản Sinh, tượng Quan Âm Thị Kính và Thập Điện Diêm Vương. Trong nhà phẩm là tòa tháp Cửu phẩm Liên hoa bằng gỗ hình lục giác màu cánh sen có 9 tầng, mỗi tầng đều có 18 vị bồ tát bằng đồng ngự và 54 tầng cánh sen nổi, khắc những họa tiết sinh động. Có tất cả 145 pho tượng, duy nhất tượng Phật A Di Đà ngự tầng trên cùng, khách viếng chùa không thể chiêm ngưỡng gần mà chỉ bái vọng mà thôi.

Tòa Cửu phẩm liên hoa nặng 4 tấn, nếu đẩy sẽ xoay vòng tròn, là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật bằng gỗ độc đáo nhất trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Riêng bức tượng đồng A Di Đà được đúc năm 1712 do Thái Phi Trương Thị Ngọc Chứ, Liễu Hạnh công chúa  Hòa diệu đại vương Đức Bà đóng góp công đức. Năm 1717, chùa đúc tượng đồng Quan Âm thánh vị 24 tay và năm 1775 xây dựng điện Thiên Đế cũng do các cung tần và một số người khác thời ấy đóng góp công đức xây dựng....

Bên ngoài chính điện là 2 dãy hành làng có 11 gian thờ 18 vị La Hán. Hậu đường có 7 gian thờ Thiền Sư Tuệ Tĩnh và thờ sư Tổ.

Quan sát toàn cảnh kiến trúc chùa Giám, ta thấy các kiến trúc sư, các nghệ nhân đã tạo trên mặt bằng của chùa sự liên hoàn của các hạng mục tôn lên vẻ tráng lệ cổ kính, ẩn chứa nhiều tầng trí tuệ văn hóa. Ngôi nhà phẩm rộng 7,90 m2 cao trên 10m, khung nhà bằng gỗ, mái ngói vẩy cá rêu nâu đều đặn, 4 góc mái uốn cong hình đuôi rồng nổi rõ dưới nền trời vừa mềm mại vừa uy nghi. Bên trái là khu tháp Tổ màu xám trắng rêu phong, xung quanh xào xạc cây xanh bên vài cây cau cao thanh cảnh. Từ nhà Tăng đến dãy nhà khách, nhà thọ trai đều được được xây cất với một phong cách rất riêng của kiến trúc Việt Nam. Bụi lá trầu không cuốn quýt cây cau xanh ngả chùm quả như muốn níu bàn tay lá trầu. Cây hồng xiêm nặng cành, các loại hoa thơm quanh vườn toả hương bốn mùa. Bên nhà Nghè, cây đa cổ thụ xoè tán rộng.

Ngày 13/2 âm lịch hàng năm, chùa Giám tổ chức lễ hội rước tượng Tuệ Tĩnh. Ban lễ nghi lần lượt thực hiện từng phần trong lễ rước: Rước hoa và múa lân rồng, biểu diễn thể thao, rước hồng kỳ, đi sau là đội trống, đội siêu đao – chấp kích – bát bửu, rước kiệu thuốc nam, đoàn tế nam, nối bước là đoàn tế nữ, tiếp theo là đoàn cung nghinh kiệu Tuệ Tĩnh, tượng của Ngài được đặt trên đòn bát cống, có lọng che hai bên rất long trọng, cuối cùng là đoàn chư tăng, chư ni với Pháp phục và các Phật tử cùng các bô lão và những người con quê hương Hải Dương dù làm ăn ở đâu, học sinh, sinh viên, học ở các tỉnh thành khác, kiều bào các nơi đều nhớ ngày lễ hội về tham dự.

 

“Về sau có ai bên nước sang, nhớ cho hài cốt tôi về quê với”


Thiền sư, Đại danh y Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, ra đời trong một gia đình bần nông tại huyện Dạ Cẩm, Hồng Châu (là huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương ngày nay), dưới triều Trần Dụ Tông cuối thế kỷ XIV. Mới 6 tuổi, cậu bé Nguyễn Bá Tĩnh đã mồ côi cha mẹ, được sư thầy Hải Triều đón về chùa nuôi gọi là Tiểu Huệ, nhưng thường ngày sư thầy và các Phật tử quen thân gọi là Huệ Tĩnh, pháp danh là Tuệ Tĩnh.

Sư thầy thấy Tuệ Tĩnh có một đức tính căn bản là thông minh, học giỏi, tướng mạo đĩnh đạc, võ nghệ tinh thông, cặp mắt từ bi như Phật nên đã dạy dỗ, cho học văn, học làm thuốc tại chùa để chữa bệnh cho người nghèo. Năm Tân Mão 1351, ông đỗ Hoàng giáp lúc đó 22 tuổi, được triều đình trọng dụng phong chức Bình Tây tướng quân, đi chinh chiến ở Chiêm Thành. Nhưng sau đó ông từ quan trở lại nghề ban đầu là làm thuốc và tiếp tục sự nghiệp cho đến hết đời.

Quá trình nghiên cứu, Tuệ Tĩnh phát hiện nhiều cây thuốc quý đưa vào nền y học dân tộc cổ truyền. Ông cũng phát tâm đóng góp sửa chữa và xây dựng 24 ngôi chùa khác, gây dựng các cơ sở khám chữa bệnh tại những ngôi chùa này.

Trên 3 thập kỷ nghiên cứu và chữa bệnh bằng thuốc nam, Tuệ Tĩnh đã biên soạn hai bộ sách chuyên về nam dược có tên “Nam dược thần hiệu” và “Hồng Nghĩa y thư”. Những bài thuốc của Tuệ Tĩnh chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo.

Là một thầy thuốc giỏi nên năm Giáp Tý (1384), ông được vua Trần cử sang sứ nhà Minh ở Trung Quốc. Tại đây, Tuệ Tĩnh chữa khỏi bệnh cho vợ nhà vua đã được tôn vinh là Đại y Thiền sư và giữ lại không cho về.

Sống trên xứ người, ông nhớ quê hương da diết, vẫn giữ tâm đạo y, thực hiện hạnh Bồ Đề của nhà Phật chữa nhiều bệnh nan y cho dân Trung Quốc, và không quên nghĩa vụ đóng góp với nền y học nước nhà, vừa hành nghề chữa bệnh cho dân bản địa ông vừa miệt mài viết sách. Những đề tài nghiên cứu của Tuệ Tĩnh vẫn lưu truyền ở Trung Quốc, cho đến nay vẫn chưa khai thác hết. Và, ngày 15/2 (âm lịch) năm 1400 Đại y Thiền sư Tuệ Tĩnh đã viên tịch tại Giang Nam – Trung Quốc.

Năm 1690 (tức 300 năm sau) trong một lần Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho sang nhà Thanh tìm viếng mộ Tuệ Tĩnh thì phát hiện phía sau tấm bia mộ có khắc hàng chữ: “Về sau có ai bên nước sang, nhớ cho hài cốt tôi về quê với”. Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho vô cùng xúc động nên cho dập mẫu bia mang về nước, thuê thợ làm lại và chở về Hải Dương là nơi chôn rau cắt rốn của Đại y Thiền sư Tuệ Tĩnh. Nhân dân vô cùng thương quý và cảm động đã cùng nhau lập miếu thờ, người người, nhà nhà đến lễ lạy và phát triển thành đền thờ. Dân địa phương thường gọi là Đền Bia.

Tại tỉnh Hải Dương hiện có ba nơi thờ danh y Tuệ Tĩnh, đó là đền Xưa, đền Bia và chùa Giám, đều là những di tích lịch sử.

 

Vài hình ảnh về chùa Giám:

Các vị La Hán

Tượng thờ Tuệ Tĩnh

Tòa Cửu phẩm Liên hoa

Khu tháp Tổ

Nguyễn Thị Ngọc Trâm

Theo: VOV News

http://www.phattuvietnam.net/8/37/13421.html


Âm lịch

Ảnh đẹp