15/02/2011 08:10 (GMT+7)
Số lượt xem: 4258
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Cách thủ đô Bangkok 16 km về phía bắc là Trung tâm Phật giáo Dhammakaya nổi tiếng khắp thế giới về kiến trúc đồ sộ.

 Nơi đây có một Phật đài 300.000 pho tượng, một thiền đường đủ cho 100.000 người. Phật đài Dhammakaya được kiến tạo theo hình tháp tròn, truyền thống của Phật giáo Theravada. Vòm đỉnh tròn ở trên gồm có 300.000 tượng, mỗi tượng cao 18 cm, nặng khoảng 2,5 kg. Ngoài ra, còn có 700.000 tượng được tôn trí bên trong tháp.

 
 

 

 

Những pho tượng được đúc bằng loại đồng pha vàng ở nhiệt độ 1.200 độ C. Công việc này rất kỳ công, kết hợp kinh nghiệm từ thời đồ đồng của người Ban Chiang ở tỉnh Udon Thani (Thái Lan), nơi các nhà khảo cổ đã tìm thấy pho tượng đồng có niên đại hơn 5000 năm. Đối phó với khí hậu ẩm ướt với lượng mưa acid lớn của Thái Lan, người ta đã quyết định sử dụng kim loại titanium và phủ một lớp vàng bên ngoài để bảo vệ pho tượng chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt trong thời gian khoảng 1.000 năm.

 

 

Ở Dhammakaya, số lượng Phật tử tham dự những ngày lễ lớn, những khóa tu… ngày càng đông, có khi đến hàng trăm hàng nghìn người. Thiền đường cũ với sức chứa chỉ khoảng 20.000 người đã không thể đáp ứng được nhu cầu bức thiết này. Năm 1997, người ta quyết định xây dựng một thiền đường có sức chứa lớn hơn, do đó Thiền đường Dhammakaya đã được xây dựng phía trước Phật đài. Thiền đường gồm hai tầng, tầng trên dung chứa 100.000 người cùng một lúc, tầng dưới dùng làm chỗ đậu xe. Diện tích mặt bằng của thiền đường rộng 40 mẫu, được xem là tòa nhà lớn nhất trên thế giới.

 
 
 
 
 
 

 

Truyền thống Dhammakaya bắt đầu thành lập từ năm 1916 khi đại sư Phra Monkolthempmuni (1884 -1959), người khai sơn Chùa Paknam, người đắc pháp thiền định và ngài quyết định phục nguyên truyền thống thiền định của Phật Thích Ca từ hơn 2500 năm trước. Thiền định là một pháp tu rèn luyện tâm trí và đã trở thành pháp tu phổ biến ở Thái Lan nhờ sự dẫn dắt tín đồ của vị đại sư này. Một trong những vị đệ tử nổi tiếng của đại sư là Sư bà Khun Yay Ubasika Chandra Khonnokyoong, người thừa kế sự nghiệp của tổ sư. 
 

 

Sư bà Khun Yay Upasika

(1909-2000)
Tổ sư Monkolthempmuni


(1884-1959)
TT. Dhammajayo Lãnh đạo Dhammakaya hiện nay
 

Chùa Phra Dhammakaya được Sư bà Khun Yay (1909-2000) thành lập vào năm 1970 để đáp ứng số lượng đông đảo tín đồ đến tham dự các khóa tu Thiền ngày càng tăng so với ngôi tổ đình chật hẹp ở Bangkok. Sư bà Khun Yay cùng hai người đệ tử là Đại Đức Dhammajayo và Đại Đức Dattajivo đã tiến hành tìm kiếm một khu đất để tạo lập một thiền trang lớn hơn nhằm tiếp nối truyền thống Thiền Dhammakaya đồng thời nơi đó cũng trở thành một ngôi chùa với hình ảnh tôn nghiêm cho mọi chúng sinh trở về an trú trong thế giới đầy hỗn loạn, phiền lụy và khổ đau này. 

 

Do đó chùa Phra Dhammakaya được khởi công xây dựng vào ngày 20/02/1970 trên một khu đất rộng 80 mẫu do nữ thí chủ Prayat Phaetayapongsa hiến cúng. Chùa cách thủ đô Bangkok khoảng 16 cây số về phía bắc của phi trường quốc tế Bangkok. 

 

Lễ đặt đá chính thức xây dựng chùa được tổ chức trọng thể với sự tham dự của Công chúa Maha Chakri Sirindhorn, đánh dấu sự kiện trọng đại cho sự phát triển của Thiền phái Dhammakaya này. Chánh điện thờ Phật được hoàn tất năm 1982. Trong thời gian xây chùa, một giới đàn đã được tổ chức với hàng trăm tăng ni và Phật tử tham dự. Con số được ghi nhận là: 881 Tỳ kheo, 300 Sa Di, 103 nam cư sĩ và 479 nữ cư sĩ. 

 

Cũng trong thời gian này đã diễn ra lễ đặt đá xây dựng Đại sảnh đường Dhammakaya với 100.000 người tham dự. Trong 20 năm qua Trung Tâm Dhammakaya là nơi thu hút Phật tử ở Thái Lan và khắp nơi trên thế giới trở về tu học. Hiện tại tổ chức Dhammakaya có 6 chi nhánh trong nước và 11 trung tâm chi nhánh ở nước ngoài. 

 

Đến năm 1985, khuôn viên của chùa được mở rộng đến 1000 mẫu để chuẩn bị cho dự án xây dựng Phật đài Dhammakaya ngỏ hầu tiếp ứng được các nhu cầu cho cộng đồng thế giới. 

 

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tân tiến để đưa giáo lý truyền thống vào xã hội hiện đại là niềm mơ ước của Thượng tọa Chủ trì Dhammajayo. Từ khi truyền thống thiền định Dhammakaya được truyền dạy, mục tiêu của Trung tâm là kiến tạo sự an lạc tự tâm của pháp thiền này đã phản ánh một niềm khát vọng lớn lao cho nền hòa bình của thế giới. 

 

Rõ ràng công việc tạo dựng Trung tâm này phức tạp hơn việc xây dựng một ngôi chùa bình thường theo truyền thống. Vì lý do này, Trung Tâm Dhammakaya đã phát triển rất nhanh với sự ủng hộ nồng nhiệt của đông đảo quần chúng và đã gặp nhiều thuận duyên trong các hoạt động bởi sự tham gia của quần chúng Phật tử và không Phật tử. 

 

Phật đài Dhammakaya: 

 

Công trình khởi công xây dựng từ năm 1995 và hoàn thành cuối năm 1999. Lễ khánh thành được tổ chức vào ngày 22/04/2000. Phật đài Dhammakaya có diện tích 1 cây số vuông và được chia thành làm 4 khu vực như sau: 

 


Một góc của Phật đài Dhammakaya

 

Phần 1: Phật Bảo rộng 108 mét, vòm tròn trên đỉnh tháp, tôn trí 300.000 tượng Phật. 
Phần 2: Pháp Bảo rộng 10.8 mét, được nối liền với phần 1, biểu trưng cho sự yên bình và hạnh phúc mà giáo pháp của Đạo Phật mang đến cho chúng sinh. 
Phần 3: Tăng Bảo rộng 75.6 mét, là pháp tòa cho khoảng 10.000 vị Tăng hành lễ hoặc thuyết pháp. 
Phần 4: Vòng tròn bao quanh Tăng bảo là chỗ ngồi của thập phương Phật tử, có khoảng 1.000.000 (một triệu) chỗ ngồi được thiết lập. 
Tổng quát về công trình Dhammakaya nặng khoảng 250.000 tấn. Sức chịu đựng kéo dài 1000 năm. 
 

 

Kế hoạch xây dựng Phật đài: 

 

-Tháng 2/1994 : Thượng tọa Dhammajayo đã trình bày khái niệm và bản phác thảo Phật đài Dhammakaya này cho các kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng, những chuyên gia này được tuyển chọn từ Thái Lan, Nhật Bản và Hoa Kỳ. 

 

- Lễ động thổ xây dựng được tổ chức ngày 8/9/1995 
- Lễ đổ bê tông Phật đài Dhammakaya ngày 26/09/1996 
- Ngày 22/04/1998, hoàn tất phần đúc bê tông Phật đài 
-Ngày 31/12/1999, hoàn tất công việc an vị 300.000 tượng Phật trên phần 1 Phật Bảo. 

 

Tổ chức Dhammakaya dưới sự lãnh đạo của Thượng tọa Dhammajayo ( sinh năm 1944) thiết lập công trình này để kiến tạo nền hòa bình thật sự cho thế giới loài người qua sự phát triển niềm an lạc của tự thân. Thật vậy, nền hòa bình của thế giới chỉ thật sự được thiết lập khi mỗi người và mọi người có sự an lạc và hạnh phúc nơi chính bản thân họ, tâm bình thế giới bình là mục tiêu tối hậu của tổ chức này. 

 

Thượng tọa Dhammajayo đã khẳng định “chính vì thế, chúng tôi cần có một trung tâm để phát triển sức mạnh của tâm linh cho mọi người để họ có cơ hội tự mình thực hành và phát triển niềm an lạc của chính họ. Bên cạnh sự phát triển sức mạnh của tâm qua pháp tu thiền định, chúng tôi cũng trau dồi đạo đức qua các hoạt động từ thiện xã hội để giúp đỡ mọi người”. 

 


Một góc của Phật đài Dhammakaya

 

Một triệu tượng Phật tại Phật đài Dhammakaya: 

 

Phật đài Dhammakaya được kiến tạo theo hình tháp tròn theo truyền thống của Phật giáo Theravada, vòm đỉnh tròn ở trên gồm có 300.000 tượng, (và 700.000 tượng còn lại sẽ được tôn trí bên trong Tháp) mỗi tượng Phật cao 18 cm, nặng khoảng 2,5 kg, được đúc bằng loại đồng pha vàng được nung nóng từ 1,200 độ bách phân. Công việc đúc tượng Phật này rất kỳ công được kết hợp từ kiến thức rút tỉa được từ thời văn minh đồ đồng Ban Chiang ở tỉnh Udon Thani, Thái Lan. 

 

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một pho tượng đồng mà người ta tin rằng đã đúc từ hơn 5000 năm trước. Với khí hậu của Thái Lan, một xứ sở ẩm ướt với lượng mưa acid khá nhiều trong năm, Ban Kỹ sư đã quyết định sử dụng kim loại titanium và phủ một lớp vàng bên ngoài để bảo vệ pho tượng chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt tại xứ sở này trên dưới 1000 năm.

 


300.000 tượng Phật được an vị, 

 

Biểu tượng của lá cờ Dhammakaya: 

 

Phật đài màu vàng Dhammakaya ở chính giữa biểu trưng cho Tam Bảo  (Triple Gems) là nơi an trú của nhân loại. 

 

 

Hình vuông màu đỏ bao quanh điện Phật màu vàng biểu trưng mặt trời vào lúc bình minh như thể chân lý tối thượng của Phật giáo sẽ mang đến hòa bình và an lạc cho loài người. 

 

Thiền đường Dhammakaya: 

 

Số lượng Phật tử tham dự các ngày lễ lớn, các khóa tu ngày càng đông đến hàng trăm hàng ngàn người, thiền đường trước đây sức chứa chỉ khoảng 20.000 người không thể đáp ứng được nhu cầu bức thiết hiện thời. Năm 1997, Trung tâm quyết định xây dựng một thiền đường có sức chứa lớn hơn, do đó Thiền đường Dhammakaya được xây dựng phía trước Phật đài Dhammakaya gồm hai tầng, tầng trên dung chứa 100.000 người cùng một lúc, tầng dưới dùng làm chỗ đậu xe. Thiền đường này được xây dựng trên khu đất rộng 40 mẫu, được xem là toà nhà lớn nhất trên thế giới. 

 


100.000 người tại Thiền Đường Dhammakaya

 


Hình ảnh sinh hoạt tại Thiền Đường Dhammakaya

 


Nghe giảng pháp tại Thiền Đường Dhammakaya

 

Các hoạt động Phật sự của Dhammakaya: 

 

Với mục tiêu giúp đỡ mọi người hướng đến đời sống tâm linh, tổ chức Dhammakaya đã thiết lập nhiều hoạt động để truyền dẫn đời sống đạo đức vào xã hội hiện đại nhằm nâng cao giá trị tâm linh của con người, hướng đến một nền hòa bình, hòa hợp cho thế giới mà tất cả mọi người đang tìm cầu. Trong một phần tư thế kỷ qua, hoạt động của Dhammakaya đã thu hút người mộ đạo từ Thái lan đến khắp nơi trên thế giới. 

 

Rèn luyện đạo đức và khuyến tu thiền định là những hoạt động ưu tiên hàng đầu của tổ chức Dhammakaya. Trung tâm luôn duy trì những hoạt động này, vì chính nó đã có thể giúp đỡ con người tăng trưởng nhân tâm và phát triển xã hội. Cho đến nay các khóa tu của Trung tâm đã thu hút số người tham dự từ vài trăm đến hơn một trăm ngàn người tham dự. 

 

Pháp tu Thiền định Dhammakaya: 

 

Thiền định là pháp tu bắt buộc áp dụng mỗi ngày của thành viên hoặc đệ tử quy y theo Trung Tâm Dhammakaya. Những duyên trần quanh ta đã tước mất đi tính trầm tĩnh và thanh tịnh vốn có của ta. Tâm trí ta dong ruỗi theo ngoại cảnh trong khi thân thể ta phải chịu đựng nhiều loại hình khổ đau. Bằng cách thực tập và đi sâu vào pháp tu Thiền định này cho đến khi nào tâm ta yên ổn thì lúc đó chúng ta mới có thể mở cửa được các tiềm năng vốn có trong ta. Từ đó, ta có thể duy trì được sự cân bằng tâm trí và niềm phúc lạc này cho chính mình và mang nó đến cho người. 

 


Chư Tăng ngồi thiền trước điện thờ Phật của Dhammakaya

 

Tìm hiểu về pháp tu Thiền định này: 

 

1. Tư thế ngồi:  Ngồi sao cho thoải mái, ngồi bán già hay kiết già tùy theo thói quen.  Ngồi thẳng lưng, chân phải đặt tréo qua trên chân trái. Bạn có thể ngồi trên một tấm đệm hay một cái gối giữ cho tư thế ngồi của mình được dễ chịu, không có gì làm ngăn trở hơi thở của bạn. Lòng bàn tay được xếp lên nhau và đặt trên hai chân. Bạn cảm thấy bạn và mặt đất là một và cảm thấy an lạc khi ngồi được bao lâu mình có thể. 

 

2. Mắt nhắm lại nhẹ nhàng, cơ thể phải cảm thấy thư thái; cơ trên mặt và các cơ bắp khác phải được thư giãn. Cổ, vai, cánh tay, ngực, thân mình và chân phải được thư giãn, bạn phải chắc chắn là không có dấu hiệu nào căng thẳng trên vầng trán hoặc trên toàn thân. 

 

3. Mắt vẫn nhắm và cắt đứt mọi suy nghĩ về chuyện bên ngoài. Cảm thấy như thể bạn đang ngồi một mình, xung quanh bạn không có gì cả hoặc không có ai cả. Tạo ra một cảm giác an lạc và yên tĩnh nơi tâm bạn. Trước khi bắt đầu, điều cần thiết là làm quen với những Luân xa đang bị bế tắc trong cơ thể của bạn. 

 

Luân xa là các trung tâm điểm của thần kinh hệ, là điểm dừng nghỉ của tâm. Luân xa thứ nhất là vành của lỗ mũi, người nam ở bên phải, người nữ ở phía bên trái. Luân xa thứ hai là sống mũi, bên phải là người nam, bên trái của người nữ. Luân xa thứ ba nằm giữa đỉnh đầu. Luân xa thứ tư ở trong nóc miệng. Luân xa thứ năm nằm ở cổ, (phía trên “trái táo”). Luân xa thứ sáu ở giữa thân mình, phía trên lỗ rốn một chút. Luân xa thứ bảy cách phía trên Luân xa thứ sáu bằng bề ngang của hai ngón, đây là luân xa quan trọng nhất của toàn thân, đó là trung tâm điểm của thân và chính là điểm hội tụ của tâm. 

Đồ hình chỉ vị trí 7 Luân xa theo Thiền phái Dhammakaya

 

4. Cảm thấy rằng cơ thể bạn ở dạng trống rỗng. Quán tưởng một cách nhẹ nhàng từ luân xa thứ nhất đến luân xa thứ bảy. Bất cứ tâm niệm nào dấy khởi trong tâm, bạn chỉ quan sát chứ không can thiệp. Bằng cách thực tập này tâm bạn sẽ dần dần đạt đến trạng thái thanh tịnh hơn và nội tâm sẽ được bừng sáng . 

 

5. Nếu bạn cảm thấy rằng mình không thể chặn đứng luồng tư tưởng vọng động, tâm của bạn cần có một đối tượng để dễ dàng tập trung. Ta hãy tưởng tượng có một điểm sáng trắng tròn (crystal ball) như quả cầu, cỡ bằng đầu ngón tay, đang nằm ở trung tâm của cơ thể bạn. Có thể bạn sẽ tưởng tượng là không có gì cả, tuy nhiên sau đó bạn sẽ có thể thấy một tinh thể tròn sáng lớn dần lên. 

 

Nó khiến cho tâm bạn tiến vào luân xa mà bạn đang tập trung. Bạn nỗ lực tập trung tư tưởng quán niệm nhiều hơn thì tinh thể sáng sẽ lớn hơn và rõ ràng hơn, tuy nhiên bạn không nên cố gắng quá sức, vì lẽ bạn sẽ cảm thấy căng thẳng và nhức đầu. 

 


Phật tử tại gia ngồi thiền trong khóa tu mùa xuân năm 1995

 

6. Nếu tâm bạn tiếp tục dao động từ những điểm sáng, bạn có thể kéo tâm bạn trở về bằng cách trì chú thầm lặng” “Samma-araham” , như thể âm thanh của bài chú này đang đến từ tâm điểm của tinh thể sáng. Bạn tiếp tục trì bài chú mà không cần để tâm đến số lượng. 

 

7. Không nên tận hưởng những gì xuất hiện nơi tâm bạn. Không phân tích những gì diễn biến trong lúc thiền định. Hãy để cho tâm bạn dừng nghỉ, lắng yên – đó là tất cả những gì bạn cần. Nếu bạn cảm thấy không chắc chắn vị trí trung tâm của thân, bạn hãy tiếp tục trì bài chú ” Samma-araham” và quán tưởng ngay vào luân xa thứ 7 của mình. Hãy kiên trì để thực hành cho thành tựu. 

 

Tâm vọng động hôm nay là tâm thanh tịnh ngày mai, vô minh hôm nay là giác ngộ ngày mai, sự bền chí hôm nay là sự thành tựu ngày mai. Không nên thất vọng nếu tâm bạn vẫn chưa tập trung. Đó chỉ là sự tự nhiên của người mới bắt đầu. Hãy tiếp tục nỗ lực, giữ tâm an tịnh và tỉnh giác và cuối cùng bạn sẽ đạt được kết quả. 

 


Hằng trăm ngàn Phật tử ngồi thiền xung quanh Phật đài Dhammakaya trong khóa tu nhân đại lễ khánh thành của trung tâm này ngày 20-4-2000

 

8. Bạn hãy tiếp tục trì niệm thần chú và cuối cùng âm thanh của lời trì niệm sẽ tan mất. Trong điểm sáng mới, một tinh thể tròn sáng sẽ xuất hiện nơi tâm, tinh thể sáng này lóe lên những tia sáng như kim cương. Trạng thái này được gọi là pathama magga (cái vốn có của riêng mình) . Trong giai đoạn này tinh thể tròn sáng gắn chặt với tâm và chiếm vị trí trung ương của thân. 

 

Rèn luyện đạo đức và thiền định: 

 

Từ một trung tâm đơn lẻ ban đầu, Trung Tâm đã được chính phủ Thái trao quyền đào tạo và rèn luyện đạo đức cũng như giảng dạy thiền định cho quần chúng. Các khóa đào tạo đều nhấn mạnh đến đời sống tâm linh, trách nhiệm và chủ nghĩa vị tha. Từ 1991 đến nay, Trung tâm đã tổ chức 

 

10 khóa đào tạo cho mọi giới, trong đó Sở Kiểm Lâm Thái Lan đã gởi nhiều đợt người đến học. 

 

Huấn luyện đạo đức cho cảnh sát Thái: Đã có 9 khóa đào tạo được thực hiện, mỗi khóa có hơn 200 người tham dự. Thêm vào đó, Phân khoa giáo dục Cảnh sát quốc gia Thái đã kết hợp cùng với Trung tâm Dhammakaya để thành lập Chương trình Phát huy đạo đức ( Ethics Development Programme) cho hàng ngũ cảnh sát Thái . 

 

Đào tạo nhân viên tòa án: Trung tâm Dhammakaya đã thực hiện khóa huấn luyện 7 ngày tại Chiangmai để huấn luyện phẩm hạnh đạo đức trong nghề nghiệp của những người làm công tác chuyên môn này. Hơn nữa nhiều bộ ngành khác của chính phủ cũng gởi nhân viên của họ đến Trung tâm để được huấn luyện như Bộ Giao Thông, Hải quan, Sư phạm, Y tế, Huấn nghệ, Hàng Không…. 

 


Hình ảnh giáo dục đạo đức và thiền của Dhammakaya

 

Về mặt giáo dục:

 

Trung Tâm Dhammakaya đã thiết lập chương trình đào tạo Tăng ni (Pali và giáo lý), và cấp học bổng hai triệu Baht (khoảng 50.000 đô la Mỹ) mỗi năm cho các Tăng sĩ theo học ngành Pali. Từ năm 1995 đến 1999, Trung Tâm Dhammakaya đã tổ chức khóa khảo hạch riêng về môn Pali cao cấp. 

 

Trường cao đẳng của tổ chức đã đào tạo hàng ngàn Tăng sĩ Thái và cư sĩ Phật tử về cổ ngữ này. Hằng năm, Trung tâm phải chi ra ba triệu Babt (US$ 75.000) để chu toàn trọng trách này. 

 

Cấp học bổng cho nghiên cứu sinh Phật học: 

 

Tổ chức Dhammakaya đã cấp dưỡng cho những thành viên xuất sắc trong quá trình tu học để họ tiếp tục học và lấy bằng Cao học và Tiến sĩ về Pali, Sanskrit, Phật học, Ngôn ngữ học…. ở ngay tại Thái Lan hoặc du học ở nước ngoài để về sau có khả năng làm việc cho các Học viện Dhammakaya Quốc Tế. Tính đến nay Dhammakaya đã cấp học bổng cho hơn 3000 học giả Phật giáo về nhiều ngành học khác nhau. 

 

Giáo dục thanh thiếu niên :

 

Tổ chức Dhammakaya đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực giáo dục thanh thiếu niên. Dhammakaya đã phát động phong trào giảng dạy đạo đức và giáo lý cho giới trẻ. Từ năm 1998 đến nay, hằng năm Trung tâm Dhammakaya cùng với Câu lạc bộ Phật giáo quốc tế (International Buddhist Club ) tổ chức cuộc thi giáo lý để trắc nghiệm trình độ hiểu biết đời sống tâm linh của thanh thiếu niên. 

 

Cuộc thi năm 1998 có hơn 1.650.000 thí sinh ( tuổi từ 18 trở lên) từ 5000 tổ chức giáo dục trên toàn quốc gia Thái tham gia cuộc thi. Ngoài việc giáo dục, Dhammakaya còn tổ chức nhiều hoạt động từ thiện để khuyến khích giới trẻ tham gia, đặc biệt nhất là Dhammakaya tổ chức các khóa tu ngắn hạn dành riêng cho trẻ em từ 9 đến 15 tuổi và nhóm khác từ 16 đến 19 tuổi, ngỏ hầu trang bị cho các em có một nền tảng đạo đức tâm linh thật vững chắc trước khi bước vào ngưỡng cửa cuộc đời. Các hoạt động về giáo dục cho thanh thiếu niên này đã được Hoàng gia Thái Lan bảo trợ mọi phí tổn.

 


Thanh thiếu niên tham gia khóa tu

 

Vấn đề vận chuyển đến Trung tâm Dhammakaya:

 

Xe buýt: từ thủ đô Bangkok đến thẳng Trung Tâm khoảng 90 phút.

 

Xe buýt miễn phí: Mỗi ngày chủ nhật và các ngày lễ lớn, Trung Tâm có tổ chức những chuyến xe buýt miễn phí để đưa đón Phật tử tại các trạm Sanam Luang (gần Đại học Thammasart); Đại học Ramkhamhang và tại đài Kỷ niệm Chai-Samoraphume. Xe rời các trạm này từ 7 đến 8 giờ sáng và trở lại nơi này vào lúc 16 giờ cùng ngày. 

 

Giao thông công cộng: 

 

Các chuyến xe buýt sau đây đi từ Bangkok đến Rangsit : 

 

Xe có hệ thống máy lạnh, các trạm số : 3, 4, 10, 13, 21, 29, 39, 95 
Xe không có máy lạnh, các trạm số: 29, 34, 39, 59, 95 

 

Mục đích của Trung Tâm Dhammakaya: 

 

Truyền bá kỹ thuật pháp tu thiền định Dhammakaya cho quảng đại quần chúng không phân biệt chủng tộc, quốc gia và tôn giáo để đem đến hoà bình cho thế giới. 
Đẩy mạnh và ủng hộ triệt để phong trào nghiên cứu và học tập kinh điển.  ;
Đẩy mạnh và ủng hộ chương trình giáo dục Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử và các giới. 
Đài thọ mọi chi phí ăn ở trong thời gian Tăng Ni và Phật tử lưu trú tu học tại trung tâm. 
Xây dựng và bảo trì Trung Tâm PG Thế giới Dhammakaya. 
Xây dựng và bảo trì ngôi chùa Phra Dhammakaya. 
Xây dựng và bảo trì một viện Phật học để đáp ứng mọi trình độ Phật học của Tăng Ni và Phật tử. 

 

Nội quy của Trung Tâm: 

 

Để cho thiền môn được nghiêm tịnh và đại chúng tu học trong môi trường hòa ái và an lạc, Trung tâm đòi hỏi Phật tử tại gia tham dự khóa tu phải tuân theo các nội quy của Trung Tâm như sau : 

 

- Không hút thuốc và sử dụng các chất ma túy.  ;
- Không mua bán, quảng cáo, tuyên truyền, vận động (bầu cử…). 
- Không đọc báo, tạp chí và văn chương thế tục ( worldly literature). 
- Không nghe radio, nhạc lãng mạn, không khiêu vũ, diễn kịch, đánh bài hoặc xem bói. 
- Không được tán tỉnh và kết bạn nam nữ trong thời gian tham dự khóa tu. 
- Không được tự ý phóng sanh loài vật trong khuôn viên của Trung Tâm. 
- Không được nói dối và có những cử chỉ phóng đại. 
- Không được mặc áo quần có tính khêu gợi, hở hang. Phải kín đáo, đơn giản và nếu được màu trắng thì rất tốt, (màu trắng là biểu tượng cho sự thanh tịnh). 

 

Phương tiện dễ dàng: 

 

Phật tử có thể viếng thăm Trung Tâm mỗi ngày từ 8:30 sáng đến 5:30 chiều, nhưng Chủ Nhật là tốt nhất. Nếu là phái đoàn đến từ xa hãy liên lạc trước vài ngày. Trung tâm có nơi ăn ở cho khách thập phương, đặc biệt là những ai muốn học giáo lý và tu thiền trong một thời gian. Do số lượng phòng ốc còn hạn chế, nên khách nước ngoài phải đặt chỗ ít nhất một tháng trước khóa tu. 

 

Trung Tâm luôn đón nhận và tận tình giúp đỡ cho tất cả những ai ham tu hiếu học. Khóa tu được tổ chức hằng năm vào các ngày cuối tuần hoặc các lễ hội lớn như Phật Đản, ngày dâng y Kathina… mọi chi tiết xin liên lạc về : Đạo hữu Nattaya Chaisawat , Wat Phra Dhammakaya, Foreign Affairs Department 23/2 Moo 7 Khlong Sam ,Khlong Laung Pathumthani 12120 . Thailand. Telephone :  (662) 901-1787  (662) 901-1787 , Fax : (662) 901-0903, mail : mcf@dhammakaya.or.th.  ;

 


Biển người trong ngày lễ an vị 300.000 tôn tượng tại Phật đài Dhammakaya

 

Lời kết: 

 

Có thể nói rằng sự hoành tráng và tính trang nghiêm của Phật đài Dhammakaya ở Thái Lan là một minh chứng hùng hồn cho sự phát triển của Phật giáo thế giới trong thời hiện đại. Với 250.000 người trên khắp thế giới ngồi thiền yên lặng trước Phật đài này là một hình ảnh khó tìm thấy giữa xã hội náo nhiệt và căng thẳng như hiện nay. 

 

Nền hòa bình thật sự được thiết lập trên trần gian này là ước mơ của tất cả mọi người, nhưng ước mơ là một lẽ mà biến ước mơ đó thành hiện thực lại là một vấn đề khác. Ai cũng biết rằng hòa bình trên thế giới chỉ thật sự được thiết lập khi nào mọi người trên hành tinh này có được sự yên ổn bên trong tâm hồn.  ;

 

Trung Tâm Dhammakaya đã và đang đảm nhận trách nhiệm nặng nề đó giúp cho mọi người biến mơ ước kia thành sự thật. Là người con Phật xứ Việt, chúng ta xin chia xẻ niềm vui thành tựu Phật sự vĩ đại này đến với Phật giáo thế giới và xin chắp tay nguyện cầu cho Trung tâm Dhamakaya tiếp tục thành công trong sứ mệnh mang ánh sáng hòa bình và an lạc cho nhân sinh trong kỷ nguyên mới này.

HMLS Tổng Hợp (phatgiaovnn)


Âm lịch

Ảnh đẹp