Năm 1640 hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc xuất gia làm đệ tử thiền sư Chuyết Chuyết, với sự hưng công của hoàng gia, Chúa Trịnh ban lệnh chỉ cho xây chùa Bút Tháp. Thiền sư Chuyết Chuyết sang trụ trì và chỉ đạo xây chùa này, để đệ tử Minh Hành trụ trì chùa Phật Tích.
Chùa Bút Tháp (Thuận Thành, Bắc Ninh) được xây dựng từ giữa thế kỉ 17 dưới sự hưng công của hoàng gia đến nay vẫn còn hoàn chỉnh tổng thể nguyên trạng. Ngay từ khi hoàn thành ngôi chùa đã là đại danh lam hàng đầu, là quốc bảo của đất nước. Người trực tiếp chỉ đạo thi công dựng chùa Bút Tháp thời đó là thiền sư Minh Hành, tổ sư đời thứ 35 dòng thiền Lâm Tế. Ghi công ngài, hiện trong chùa có tháp đá Tôn Đức cao 5 tầng, trên tháp có pho kinh đồng và đặc biệt, hội chùa Bút Tháp ngày 24-3 âm lịch hằng năm chính là ngày giỗ của ngài.
Cái duyên dòng thiền Lâm Tế đến với Đại Việt là ở sự trùng hợp về tư tưởng trị quốc của chúa Trịnh với tư tưởng thiền dòng Lâm Tế. Vào khoảng năm 1630 tổ sư đời thứ 34 dòng Lâm Tế là thiền sư Chuyết Chuyết dẫn đệ tử đi thuyết giáo ở một số nước phía nam, rồi đến Thăng Long năm 1633, ở chùa Khán Sơn. Chúa Trịnh Tráng, vua Lê Huyền Tông đều tôn kính ngài. Sau đó thiền sư đưa các đệ tử về ở chùa Phật Tích. Theo nguyện vọng của Chúa Trịnh, thiền sư đã cử đệ tử Minh Hành về nước thỉnh kinh và tổ chức khắc in tại chùa Phật Tích. Đáng chú ý là bộ kinh “Thuỷ lục chư khoa”. Năm 1640 hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc xuất gia làm đệ tử thiền sư Chuyết Chuyết, với sự hưng công của hoàng gia, Chúa Trịnh ban lệnh chỉ cho xây chùa Bút Tháp. Thiền sư Chuyết Chuyết sang trụ trì và chỉ đạo xây chùa này, để đệ tử Minh Hành trụ trì chùa Phật Tích. Chùa đang xây thì thiền sư Chuyết Chuyết viên tịch năm 1644, thiền sư Minh Hành trở thành sư tổ đời thứ 35 dòng Lâm Tế và sang trụ trì chùa Bút Tháp thay thầy tiếp tục chỉ đạo xây chùa.
Thiền sư Minh Hành có biệt hiệu Hu Giang, tên gọi khác của sông Nhữ Thuỷ tỉnh Giang Tây, pháp hiệu là Thích Tại Tại, đệ tử xuất sắc nhất của thiền sư Chuyết Chuyết. Ngài sinh năm 1595, người Vân Thuỷ tỉnh Giang Tây. Sau khi tiếp quản công việc chỉ đạo xây chùa Bút Tháp (tên cũ là Ninh Phúc tự), chùa cơ bản hoàn thành vào năm 1647 với quy mô như ngày nay, gồm các hạng mục chính: tam quan và gác chuông, thượng điện, tích thiện am, nhà chung, phủ thờ, hậu đường, nhà tổ, giải vũ, tháp Báo Nghiêm. Tích thiện am có kiến trúc cửu phẩm liên hoa đặc sắc. Tháp Báo Nghiêm là kiến trúc đá 5 tầng cũng đặc sắc, chính là tháp sư tổ Chuyết Chuyết do thiền sư Minh Hành xây kỉ niệm thầy. Tháp Báo Nghiêm được coi là biểu tượng văn hoá của xứ Bắc. Ngoài các công trình kiến trúc, chùa còn có nhiều pho tượng đặc sắc, tiêu biểu là tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay, tượng Tuyết Sơn, tượng Thị Giả, tượng 18 vị La Hán...
Thiền sư Minh Hành có khá nhiều đệ tử người Việt nổi tiếng. Không kể các đệ tử hoàng gia có tượng thờ ở chùa gồm hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, hoàng tử Lê Đình Tứ, công chúa Lê Thị Ngọc Duyên, thiền sư còn có các đệ tử sa di Chân Kiến, sa di Minh Trực ta được biết qua các thư tịch bia đá còn lại đến nay.
Thiền sư Minh Hành cũng còn một số bút tích soạn văn bia tại chùa Bút Tháp và một số nơi khác thể hiện sự am hiểu sâu sắc phật pháp và các kiến thức xã hội. Bài kí trên bia “Sắc kí Ninh Phúc thiền tự bi kí” năm 1647 đánh giá ngôi chùa: “Ninh Phúc biệt danh cổ sái Thiếu Lâm vốn là nền cũ dấu xưa của bậc thánh hiền, thực đúng hình thắng nổi danh trong vùng Siêu Loại, nối dãy Tam Đảo mà vượt Trường Giang, kế am Ngoạ Vân liền bên Yên Tử, chùa Tĩnh Lư, dải Tiên Du phải ôm trái ấp”. Bài kí “Tân tạo Diên Phúc tự trú hồng chung” dựng năm 1648 ở Khúc Toại (Yên Phong) có đoạn: “Chuông là khí của ngũ hành, là tiếng của ngũ âm, Minh Vương nghe được sẽ chích lòng từ bi, Phật Vương nghe được thì giáng phúc. Nước Việt ta từ thời Lý Trần đến nay nêu cao phật pháp thường được ứng nghiệm nên mới có việc xây tháp Báo Thiên, tạc phật chùa Quỳnh Vân, tạo đỉnh lớn chùa Phổ Minh, đúc chuông lớn chùa Phả Lại, gọi là “tứ khí”, nay vẫn linh thiêng. Trong hội đúc chuông đấng quan liêu mừng được làm công hầu tể tướng, kẻ thứ dân ơn được thọ khảo phú cường”.
Ngày 24-3-1659 (âm lịch) thiền sư Minh Hành viên tịch tại chùa Bút Tháp. Đệ tử dựng tháp đá Tôn Đức 5 tầng đặt xá lị thầy, trên đỉnh tháp là bộ kinh khắc đồng do ngài có công thỉnh kinh ngày trước. Trên tháp khắc nhiều chữ kinh phật. Trong nhà tổ có khám tượng ngài. Ngoài ra chùa có bia riêng kỉ niệm ngài. Ngày giỗ ngài nay là ngày hội chùa.
Thiền sư Minh Hành còn có một số chùa thờ. Ở chùa Trạch Lâm (Thanh Hoá) cũng có tháp mộ và tượng thiền sư Minh Hành bằng đồng.
Chùa Bút Tháp ngày nay là điểm du lịch văn hoá hấp dẫn thu hút nhiều khách trong và ngoài nước. Vai trò quốc bảo của ngôi chùa ngày càng sáng hơn trong thời hiện đại. Và do đó công tích của thiền sư Chuyết Chuyết và thiền sư Minh Hành càng đáng trân trọng hơn.
Nguồn: Báo Bắc Ninh