08/06/2011 15:53 (GMT+7)
Số lượt xem: 1327
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

CUỘC ĐỜI & SỰ NGHIỆP CỦA PHÁP SƯ HUYỀN TRANG (596-664

download HUYENTRANG.pdf(961,64KB)

Phật giáo Trung Quốc phát triển cực thịnh vào đời nhà Đường và đây được xem là thời kỳ hoàng kim của Phật giáo Trung Quốc. Ở giai đoạn này, Trung Quốc không chỉ có Lục Tổ Huệ Năng, Đạo Tuyên Luật sư… mà họ còn có niềm hạnh phúc lớn là sản sinh ra một người con ưu tú làm rạng danh và giúp Phật giáo nước nhà phát triển. Ngài không chỉ là một nhà chiêm bái Phật địa, một học giả uyên thâm Phật lý, một người con Phật sưu tầm Phật điển mà còn là một nhà dịch thuật uyên bác, lỗi lạc cổ kim khó ai sánh được. Tam tạng Thánh điển mà hiện tại Phật giáo Trung Quốc thọ trì có sự đóng góp vô cùng to lớn của Ngài. Đó chính là pháp sư Đường Tam tạng Trần Huyền Trang.

1.      THÂN THẾ

Huyền Trang tên thật là Trần Vỹ, sinh năm 596 tại Lạc Châu, huyện Câu Thị tỉnh Hà Nam. Ngài sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm quan. Cha là Trần Huệ - một vị quan đầu tỉnh dưới thời vua Tùy Dạng Đế - Dương Quảng (605 - 617). Khi nhà Tùy mất, thân phụ Ngài cáo quan về quê ở ẩn và sống một cuộc sống thanh bần đạm bạc.

Thuở nhỏ, Ngài thông minh đỉnh tuyệt, tướng mạo tuấn tú phi phàm. Ngài thường đến thăm người anh thứ 2 là Trần Tiệp - một người xuất gia tại chùa Tịnh Độ và nghe các vị Pháp sư giảng giải kinh điển. Dần dần, Ngài chuyên tâm nghiên cứu Phật giáo. Năm 13 tuổi, Ngài xuất gia.  26 tuổi, thọ Cụ túc giới tại Thành Đô, Ngài học tập và nghiên cứu giáo lý Đại thừa với nhiều vị Pháp sư khác nhau. Sau một thời gian, Ngài nhận thấy có quá nhiều mâu thuẫn trong nội dung những bài giảng đó nên trong lòng sanh mối nghi về sự chính xác của kinh điển được truyền tại Trung Hoa. Đây là lý do thôi thúc Ngài lên đường đi Ấn Độ. Mục đích chính của Ngài sang Ấn Độ là: chiêm bái Phật tích, nghiên cứu Phật lý, và sưu tầm Phật điển.

2.      ĐƯỜNG ĐI ẤN

Năm 629, lúc đã 33 tuổi, mặc dầu bị vua nhà Đường cấm đi Ấn Độ nhưng Ngài vẫn quyết tâm sang đất Phật tầm sư học đạo. Sau một vài lần bị quân lính truy bắt trở lại, nhưng với chí nguyện kiên cường và đạo tâm dõng mãnh, cuối cùng Ngài cũng vượt qua được biên giới Trung Hoa thẳng tiến Thiên Trúc với hy vọng sẽ tìm và nghiên cứu kinh điển mà Trung Quốc chưa biết tới. Đây quả là chuyến đi đầy bất trắc với muôn vàn nguy hiểm. Từ khó khăn về địa lý hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, thú dữ ăn thịt, giặc cướp chặn đường, quân lính của cả đại Đường cũng như các nước khác đuổi bắt. Một lần, Ngài chịu đói khát đến 7 - 8 ngày giữa 1 trảng sa mạc mênh mông không một bóng cây, không một dáng người. Đói khát quá, định bụng sẽ quay lại hướng đông để xin nước uống đem theo rồi sẽ đi tiếp, nhưng với ý chí sắt đá, quyết tâm cao độ, Ngài nghĩ rằng: “Trước kia ta đã thề, nếu chưa qua đến Thiên Trúc, quyết không trở về đông một bước. Nay thà đi về hướng tây mà chết chớ lẽ nào đi về đông mà sống hèn?”. Gần 1400 năm trước mà có một người dám vượt suối trèo non, băng sa mạc, càn rừng sâu đến Ấn Độ huyền bí xa xăm, Ngài quả là một nhà du thám vĩ đại. Kỳ công đó, tinh thần nghị lực đó, người đời sau như chúng ta không thể không nghiêng mình kính phục.

3.      TẠI ẤN ĐỘ  

Sau khi đã chiêm bái các Thánh tích và tham học nhiều nơi, năm 631 Ngài đến Nalanda cầu pháp với Pháp sư Giới Hiền, lúc này đã 106 tuổi. Ngài ở lại đây 6 năm nghiên cứu và học Du Già Sư Địa Luận, Lục Túc Luận, Bà Sa Luận, Câu Xá Luận… với ngài Giới Hiền.

Trải qua 6 năm ơ Nalanda, ngài giã biệt Pháp sư Giới Hiền xuống phía nam Thiên Trúc tham học với nhiều vị cao Tăng cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa. Trong thời gian này, Ngài sưu tầm rất nhiều bộ kinh và trước tác của các danh sư bằng tiếng Phạn trên khắp đất Ấn. Một thời gian, Ngài trở lại Nalanda và được ngài Giới Hiền giao trọng trách giảng dạy bộ Nhiếp Đại Thừa Luận, Duy Thức Quyết Trạch.

Lúc bấy giờ, có người tên Sư Tử Quang, là học trò của ngài Giới Hiền, thấy Ngài được trọng đãi bèn sinh lòng đố kỵ, đã dùng Trung Luận và Bách Luận để đả phá nghĩa lý Du Già. Nhưng Huyền Trang vốn thông cả tam luận nên làm 3000 bài tụng có tên là Hội Tông Luận, diễn rõ đại nghĩa trình lên ngài Giới Hiền và đại chúng, mọi người xem xong ai nấy đều thán phục. Về sau, Ngài có làm 1.600 bài tụng để phản bác bộ “Phá Đại Thừa Luận” của luận sư nước Ô Đồ. Từ đó danh tiếng của Ngài vang dội khắp nơi. Vua Cưu Ma La nước Ô Đồ sai sứ đến thỉnh Ngài về nước mình để giảng đạo. Năm 641, Vua Giới Nhật và vua Cưu Ma La mở đại hội ở thành Khưu Nữ để Ngài tuyên dương giáo nghĩa đại thừa. Tại đây, Ngài đã lập “Chân duy thức luận” làm nội dung chính cho cuộc tranh luận, từ đó tiếng tăm của Ngài càng thêm vang dội.

4.      HỒI QUY CỐ QUỐC

Năm 643, Ngài lên đường trở về nước. Hơn một năm sau, năm 645, Ngài về đến Trường An, kết thúc16 năm nghiên cứu tham học tại đất Phật. Ngài đã vượt qua 128 quốc gia lớn nhỏ và chặng đường dài 50 vạn dặm.

Ngài mang về

-       150 viên Xá lợi

-       1 tượng Phật bằng vàng

-       6 tượng Phật bằng gỗ trầm hương và thêm 1 vài pho tượng khác.

Về kinh điển

-        224 bộ kinh Đại thừa

-        192 bộ luận Đại thừa

-        15 bản của phái Thượng Toạ Bộ

-        15 bản của phái Đại Chúng Bộ

-        15 bản của phái Chánh Tượng

-        22 bản của phái Di Sa Tắc

-        17 bản của phái Ca Diếp Tỷ La

-        42 bản của phái Pháp Mật

-        67 bản của phái Nhất Thiết Hữu Bộ

-        36 bản Nhân Minh Luận

-        13 bản Thanh Minh Luận

Tổng cộng là 675 cuốn tất cả.

Tháng giêng niên hiệu Trinh Quán thứ 19 (645), Tể tướng Phòng Huyền Linh cùng các quan chức ở Trường An đi đón Ngài. Hàng trăm hương án sắp hàng để cung nghinh kinh tượng mà Ngài mang về. Dân chúng nô nức đến đảnh lễ Ngài, những con đường không còn lối đi, cảnh tượng thật kỳ diệu và linh thiêng.

Mặc dầu ra ngài Huyền Trang ra đi không được sự chấp thuận của chính quyền phong kiến, nhưng cả vua Thái Tông (626 - 649) lẫn Cao Tông (650 - 683) đều rất sùng kính Ngài và tổ chức Đại lễ ban Pháp hiệu là Tam tạng Pháp sư. Ngài cũng đã nhiều lần khéo léo từ chối đề nghị hoàn tục để nhận chức Tướng quốc của vua Thái Tông. Trong thâm tâm, Ngài vẫn mong muốn suốt cuộc đời xuất gia hành đạo để báo đáp Phật ân và quốc ân. Vua vui vẻ thuận theo và giúp đỡ rất nhiều trong công việc phiên dịch sau này.

5.      SỰ NGHIỆP PHIÊN DỊCH (645 - 664)

Sau khi về nước Ngài từng trụ trì các chùa: Hoằng Phúc, Đại Từ Ân, cung Ngọc Hoa, trong đó chùa Hoằng Phúc là nơi mà Ngài phiên dịch và trước tác nhiều nhất.

Trong 19 năm ròng rã Ngài và các cộng sự đã dịch được 75 bộ trong đó gần 1355 quyển Kinh - Luật - Luận.

 Việc dịch kinh của ngài Huyền Trang là một công việc mới mẻ, bản dịch cần trau chuốt thật hoàn hảo cả về từ ngữ lẫn nghĩa lý. Để quá trình phiên dịch được thuận lợi, vua chỉ định các vị quan giúp đỡ ngài như: Tả Bộc Yên Quốc Công Vu Chí Ninh, Thượng thư Bộ lễ và Thượng thư Bộ lại, Trung thư Thị lang... và nếu cần thêm học giả, vẫn được phái thêm nữa.

Pháp sư nhận lãnh chiếu chỉ với những giọt nước mắt cảm động và từ đó công việc dịch thuật tiến triển nhanh chóng với sự giúp đỡ tận tình của triều đình.

Sự nghiệp phiên dịch của Ngài có thể chia làm 3 giai đoạn:

-       Giai đoạn 645 - 650: Pháp sư bắt đầu dịch bộ Bồ Tát Tạng Kinh 20 quyển, Phật Địa Kinh 1 quyển, và Lục Môn Đà La Ni Kinh 1 quyển. Năm 646 dịch bộ Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập Luận 12 quyển. Năm 648 Ngài hoàn thành bộ luận Du Già Sư Địa 100 quyển, và thêm một số bộ luận khác.

-       Giai đoạn 651- 660: thời gian này Ngài phải thường xuyên vào chầu khi có lệnh triệu của vua và Võ hậu. Tuy nhiên Ngài cung kịp hoàn thành bộ luận Câu Xá và những bản liên quan.

-       Giai đoạn 661 - 664: trong 3 năm này Ngài lấy việc dịch bộ kinh Đại Bát Nhã làm trung tâm, bộ kinh này gồm khoảng 200 ngàn bài kệ chừng 6 triệu 400 ngàn chữ Phạn được chia làm 600 quyển, cùng với một số tác phẩm nữa.

Ngày 1 tháng Giêng năm 661, Ngài khởi dịch bộ kinh Đại thừa Đại Bát Nhã Ba La Mật, một bộ kinh rất lớn cả về nghĩa lý lẫn từ ngữ. Thế nên mặc dù các cộng sự khuyên Ngài nên rút ngắn lại nhưng Pháp sư vẫn giữ nguyên lập trường của mình. Sau khi nghiên cứu và so sánh với các bản dịch khác một cách kỹ càng Ngài mới dịch ra Hán ngữ. trong thời gian dịch bộ kinh Bát Nhã vĩ đại này, Ngài cứ sợ mình sẽ chết trước khi hoàn thành công việc. Ngài nói với các vị trong dịch đàn rằng: “Nay Huyền Trang tôi đã 65 tuổi rồi và sẽ chết trong cung Ngọc Hoa này. Vì bộ kinh Bát Nhã rất vĩ đại, tôi chỉ sợ không kịp dịch xong, vậy tất cả chúng ta phải cố gắng làm việc và đừng để luống mất phút nào”.

Ngày 23 -10 năm 663 Pháp sư hoàn tất bản dịch bao gồm 600 quyển (chiếm trọn 3 tập trong Đại Chánh Tạng) sau nhiều năm làm việc quên ăn bỏ ngủ. Khi dịch đến trang cuối cùng, pháp sư vô cùng hoan hỷ nói với đạo tràng rằng: “Bộ kinh này có nhân duyên rất lớn với đất nước chúng ta. Chính nhờ thần lực của pháp bảo mà tôi đến cung Ngọc Hoa này. Nếu tôi ở lại kinh đô rối ren phiền toái thì đã không có thời giờ dịch xong được. Nhờ ơn Phật và chư vị long thần hộ pháp, nay đã hoàn thành viên mãn. Bộ kinh là viên ngọc quý giá của xứ sở ta, quý vị nên hoan hỷ thọ trì”. Tương truyền, khi bản dịch hoàn thành thì trời đổ mưa hoa, thiên nhạc ngân vang, thiên hương ngào ngạt.

Ngày 1 tháng 1 năm 664, Ngài được thỉnh dịch bản Đại Bảo Tích và cố gắng thể theo lời thỉnh, nhưng chỉ dịch được vài dòng Ngài liền xếp bản Phạn văn lại mà bảo rằng vì tuổi già sức yếu, Ngài không thể nào đủ sức dịch bộ kinh này, cũng đồ sộ không kém bộ Đại Bát Nhã. Từ đó Ngài nghỉ tất cả công việc phiên dịch và tinh chuyên vào thiền định.

6.      ĐẠO TRÀNG DỊCH KINH

So với đạo tràng dịch kinh của Ngài Chân Đế, dịch đàn của ngài Huyền Trang còn quy mô hơn rất nhiều. Dưới tay Ngài có 12 vị Tăng đảm nhiệm việc chứng nghĩa, 9 vị đảm nhiệm việc biên chép, hiệu đính, 1 vị thạc học lo kiểm tra độ chân xác của từng chữ Hán được chép ra. Khi dịch, trước tiên Pháp sư đọc lời dịch từ tiếng Phạn sang Hán. Một vị bút thơ sẽ chép lại khẩu dịch này, trong khi một vị khác sẽ kiểm tra bản gốc và chứng thực sự chân xác của các chữ Phạn do Pháp sư tuyên đọc. Một vị chứng nghĩa sẽ thẩm định ý nghĩa từng câu từng chữ trong bản dịch. Một vị khác sẽ kiểm tra từng chữ trong bản Hán để đảm bảo không chữ Hán nào bị dùng sai hay chép sai hoặc thiếu nét. Một vị sẽ nhuận sắc, hiệu đính bản dịch sao cho lời văn được thanh nhã lưu loát dễ hiểu. Cuối cùng vị tổng giám tự sẽ thẩm định toàn bộ quá trình dịch thuật bản kinh ấy. Vì lẽ đó, những bản dịch của Ngài cực kì tinh xác.

Qua đó chúng ta có thể thấy được phương pháp làm việc của ngài Huyền Trang là rất kỹ càng và vô cùng khoa học. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử dịch thuật có một dịch đàn quy mô như thế.

7.      LÝ LUẬN DỊCH KINH

Trong gần 20 năm sinh hoạt dịch thuật, lý luận dịch kinh của ngài có thể đúc kết thành 3 điểm chính như sau:

a.      Tìm cầu những bản kinh nguyên vẹn.

b.      Tuyệt đối trung thành với nguyên bản.

c.      Có 5 trường hợp không thể phiên dịch.

Trong khi dịch kinh, Ngài thể hiện ý chí sắt đá của mình và đưa ra 5 vấn đề nên giữ lại nguyên âm Phạn mà không được phiên dịch, gọi là Ngũ bất phiên. Đây là lý luận dịch kinh cụ thể nhất của ngài Huyền trang và nó được ghi chép lại trong “Nam Tông Pháp Vân Phiên Dịch Danh Nghĩa Tập”, quyển 1 như sau:

1.      Vì bí mật nên không phiên dịch.

2.      Vì hàm súc nhiều nghĩa.

3.      Vì ở Trung Quốc không có.

4.      Vì theo người xưa.

5.      Vì để phát sinh điều lành nên không phiên dịch.

Theo nội dung của Ngũ bất phiên thì hoàn toàn thuộc về phần dịch âm các danh tướng của Phật giáo. Pháp sư Huyền Trang tổng kết ý kiến của những người đi trước đúc kết thành 5 nguyên tắc cơ bản của việc dịch âm xưa nay, thuật ngữ Phật giáo mang ý nghĩa hàm súc nên khi dịch âm phải chọn lựa chữ Hán đủ sức biểu âm mà cũng không thay đổi nghĩa. Việc này tương đối khó vì từ đồng âm của Trung Quốc là quá nhiều vì thế dễ xảy ra tình trạng sai lầm do xem văn và liên tưởng đến ý nghĩa. Đây chính là lý luận dịch kinh chính của ngài Huyền Trang.

Ngài cũng kịch liệt phản đối phương pháp dịch ý của ngài La Thập, mà chủ trương trung thành với nguyên bản và dịch từng chữ. Phương pháp này đã trở thành chuẩn mực cho công việc phiên dịch đời sau. Các kinh được dịch trước ngài Huyền Trang gọi là cựu dịch, và từ Ngài về sau gọi là tân dịch.

8.      NHỮNG DỊCH PHẨM

Suốt 19 năm phiên dịch Tam tạng, tuy chỉ để lại cho đời khoảng 75 tác phẩm nhưng mỗi dịch phẩm của Ngài đều rất đồ sộ, bằng cả mấy mươi lần tâm huyết cả đời của các vị dịch sư khác. Thể loại Kinh Luận được Ngài chọn dịch rất đa dạng, từ hệ thống Bát Nhã, Tịnh Độ, Kim Cang Thừa, Luật cho đến Duy Thức, Nhân Minh. Tiêu biểu là các dịch phẩm: kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật, luận Du Già Sư Địa, luận A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập, Thành Duy Thức, Câu Xá  luận, Nhân Minh Chánh Lý Môn luận, Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh, Chư Phật Tâm Đà La Ni Kinh, Giải Thâm Mật Kinh.v.v.

9.      VIÊN TỊCH

Trưa ngày 5 - 2 - 664. Ngài gác bút nghìn thu tại cung Ngọc Hoa, thọ 68 tuổi. Hay tin Ngài thị tịch, vua Cao Tông nói với triều thần rằng: “Nay trẫm đã mất đi một quốc bảo”. Vua ban thuỵ hiệu là Đại Biến Giác. Ngày 14 - 2 thi hài của Ngài được an táng tại Bạch Lộc Nguyên. Ngày cử hành tang lễ, có đến 1 triệu người ở Trường An và các vùng phụ cận quy tựu tiễn đưa Ngài về miền Cực lạc. Mọi người đề không cầm được nước mắt, muôn thú cũng khóc thương. Con thuyền từ đã khuất bóng trong khi bể khổ dục vọng vẫn còn ngập tràn. Ánh sáng trí tuệ đã tắt trong khi màn đêm vô tận vẫn còn chìm sâu trong bóng tối. Đám tang xong, có đến 30 ngàn người cất lều cư tang gần mộ phần.

Rõ ràng là từ xưa đến nay, chưa bao giờ có 1 vị Đế vương nào được ngưỡng mộ sùng bái bằng vị Thánh Tăng có 1 không 2 này.

1306677746_xuanzang-statue.jpg



Âm lịch

Ảnh đẹp