Sách Đại Việt sử lược
cho biết vua Lý Thần Tông chính là hiện thân kiếp sau của thiền sư Từ
Đạo Hạnh. Từ Đạo Hạnh tên thật là Từ Lộ, ông bị Lý Nhân Tông bắt tội khi
yểm bùa trong lễ cầu thác sinh có con của vua. Lúc đó Sùng Hiền Hầu đi
qua, Từ Lộ đề nghị cứu giúp, “ngày sau xin ngụ thai trong cung để báo
đáp công đức này”.
Nghe
lời xin tha của Sùng Hiền Hầu, vua miễn tội cho, rồi Từ Lộ về tu ở chùa
Thiên Phúc (chùa Thầy, Hà Nội ngày nay). Khi vợ có thai, Sùng Hiền Hầu
liền báo tin cho Từ Lộ, ông liền tắm rửa, thay quần áo và bảo học trò
rằng: Mối túc nhân của ta chưa hết, phải làm thác sinh lần nữa ở đời,
tạm làm đế vương…, dặn xong rồi đọc một bài kệ, sau đó hoá. Đồng thời
khi ấy phu nhân Sùng Hiền Hầu sinh con trai, đặt tên là Lý Dương Hoán,
đó chính là Lý Thần Tông sau này.
Dương Bình Vương có tới…3.000 người anh em
Dương
Bình Vương tên thật là Dương Tam Kha, quê ở làng Ràng, xã Dương Xá, đất
Ái Châu (nay thuộc xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hoá, Thanh Hoá), là con
trai của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, thủ lĩnh cuộc kháng chiến chống Nam
Hán, giành độc lập cho đất nước năm Tân Mão (931).
Dương
Tam Kha lên làm vua đầu năm Ất Tị (945) sau khi cướp ngôi của cháu là
Ngô Xương Ngập, ở ngai báu được hơn 5 năm thì bị lật đổ, sau về ở ẩn. Ít
ai biết rằng ngoài anh chị em ruột, vị vua này có tới 3000 người anh em
khác, đó là vì cha của ông là Dương Đình Nghệ “nuôi con nuôi 3000
người, mưu khôi phục cơ đồ” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Có
thể thấy việc nhận con nuôi của Dương Đình Nghệ, trong đó có nhiều
người là nghĩa sĩ, thủ lĩnh, thổ hào ở các địa phương chính là phương
cách nhằm gắn kết tình cảm, tăng cường sự đoàn kết chống giặc. Cũng vậy
mà con của ông là Dương Tam Kha, nếu tính cả anh chị em ruột gồm Dương
Nhất Kha, Dương Nhị Kha, Dương Thị Ngọc Thư (vợ Ngô Quyền) và Dương Thị
Ngọc Vân thì có đến 3.004 anh chị em.
Lý Huệ Tông 3 lần mới đón được vợ
Nếu
như thời Hậu Hán, Lưu Bị phải ba lần hạ mình đến lều tranh để cầu hiền,
mời Khổng Minh ra giúp mình thì ở Đại Việt vào cuối triều Lý, vua Lý
Huệ Tông cũng mất 3 lần cử người vất vả ra đi nhưng không phải cầu hiền
mà là đón vợ về cung.
Thông
thường ngay sau khi lên ngôi các vị vua ban chiếu đại xá thiên hạ, giảm
hoặc miễn thuế, bổ dụng những đại thần có năng lực để phụ tá…Riêng Lý
Huệ Tông thì việc làm đầu tiên là lo cho… mối tình đầu của mình. Ông sai
quan phụng ngự đi đón vợ là Trần Thị Dung, người mà ông lấy khi chạy
loạn đến đất Lưu Gia (nay thuộc huyện Hưng Nhân, Thái Bình). Tuy nhiên
đoàn rước bị nhà gái từ chối. Đó là vào tháng 10 năm Canh Ngọ (1210) vua
sai người đi đón vợ về nhưng anh trai của bà là Trần Tự Khánh “không
chịu cho đón” (Đại Việt sử lược).
Tháng giêng năm Tân Mùi (1211) vua lại sai người đi đón vợ nhưng Trần
Tự Khánh cũng không chịu cho em gái về kinh; đến lần thứ ba, vào tháng 2
năm đó quan phụng ngự Phạm Bố mới đưa được bà Trần Thị Dung về Thăng
Long.
Vua tự mình đánh trống trận đốc chiến
Vị
vua đó là Giản Định Đế (1407-1409). Ông tên thật là Trần Ngỗi, là con
cháu nhà Trần, được lực lượng kháng chiến chống quân Minh tôn lên làm
vua tháng 10 năm Đinh Hợi (1407), hào kiệt khắp nơi nổi dậy hưởng ứng,
uy thế ngày một lớn.
Hoảng
sợ trước lực lượng của Giản Định Đế, nhà Minh vội sai tướng Mộc Thạch
đem 5 vạn quân sang tăng viện nhằm tiêu diệt nghĩa quân. Ngày 14 tháng
12 năm Mậu Tý (1408) tại bến Bô Cô (nay thuộc xã Hiếu Cổ, huyện Ý Yên,
Nam Định), một trận ác chiến long trời lở đất đã diễn ra. Hơn hẳn về lực
lượng, quân Minh ngày càng chiếm ưu thế, trước tình hình đó Giản Định
Đế đã tự mình cầm dùi đánh trống đốc chiến. Quân ta được tăng thêm sĩ
khí, ra sức chiến đấu, chém chết nhiều tướng giặc. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư
thì trong trận đánh này 10 vạn quân Minh (gồm cả số quân cũ và quân mới
tăng viện) bị giết gần hết, tên tướng giặc Mộc Thạch một mình một ngựa
thoát chết chạy về thành Cổ Lộng.
Lê Thái Tổ có một người em kết nghĩa dưới gốc thị
Lê
Thái Tổ tên thật là Lê Lợi, người sáng lập lên vương triều Hậu Lê sau
khi lật đổ ách đô hộ của giặc Minh. Sự nghiệp của ông thành công có đóng
góp không nhỏ của biết bao anh hùng hào kiệt, mưu sĩ quân sư; có người
đã để lại danh tiếng vang dội như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lê Lai,
Nguyễn Xí, Đinh Lễ… Nhưng trong những người danh tiếng vang dội trên
không có ai vinh dự trở thành anh em nghĩa của Lê Lợi. Vinh dự đó lại
thuộc về một người ít được sử sách nhắc tới: ông là Nguyễn Tuấn Thiện
(sau được mang Quốc tính gọi là Lê Thiện).
Nguyễn
Tuấn Thiện quê ở Phúc Dương (nay thuộc huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), thủ
lĩnh đội quân "Cốc Sơn" chống giặc Minh tại quê hương, về sau đem lực
lượng ra nhập nghĩa quân Lam Sơn. Thấy ông là người tài giỏi, thông
minh, trung thực, có uy tín với dân chúng trong vùng, Lê Lợi rất yêu mến
nên đề nghị kết nghĩa anh em. Hai người đã giết ngựa trắng uống máu,
cắt tóc ăn thề dưới một gốc cây thị cạnh nhà Nguyễn Tuấn Thiện. Đến nay
người dân địa phương vẫn lưu truyền câu thơ: “Cắt tóc, giết ngựa trắng/Dưới gốc thị thề nguyền/Nguyện đồng tâm đồng chí/Phá giặc xây cơ đồ”.
Vua Tự Đức thuở nhỏ đã từng mơ đỗ Trạng nguyên
Vua
Tự Đức tên thật là Nguyễn Phúc Thì, còn gọi là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm.
Từ nhỏ vị vua này đã nổi tiếng là người thông minh, hiếu học, ông rất
giỏi Nho học, sử học, triết học, văn học nghệ thuật và đặc biệt là rất
sính thơ. Vua đã để lại 600 bài văn, 4.000 bài thơ chữ Hán và khoảng 100
bài thơ chữ Nôm.
Chính
vì giỏi văn chương thơ phú mà vua đâm ra tự phụ, có lần đã nói với quần
thần rằng: “Trẫm không đi thi, nhưng nếu đi thi, tất sẽ đỗ Trạng
nguyên”. Thực ra mong muốn đỗ Trạng nguyên của vua có từ hồi rất nhỏ
nhưng ông đã quên mất điều đó và chỉ nhớ ra khi mẹ vua là bà hoàng Từ Dũ
nhắc lại. Trong bài văn “Khiêm cung ký” do Tự Đức viết để cho khắc trên
bia đá đặt ở lăng mộ của chính mình, ông cũng nhắc tới chuyện này: “Lúc
biết nói, biết đi, ta từng cầm than viết lên tường. Có kẻ lấy làm lạ
hỏi, ta đáp đó là chữ Trạng, vì đỗ đầu Tấn sĩ, tục gọi là Trạng nguyên.
Đó là việc ngày nay mẹ ta thuật lại”.
Vua Khải Định gửi ngọc khánh tặng Giáo hoàng La Mã
Trong
chuyến xuất dương sang thăm nước Pháp năm Nhâm Tuất (1922), vua Khải
Định đã gửi tặng Giáo hoàng ở Vatican một món quà do một đại thần chuyển
đến. Theo sách Khải Định chính yếu sơ tập món
quà là một chiếc ngọc khánh kèm theo một bức thư có nội dung như sau:
“Giáo hoàng là chủ của một tôn giáo, dân bản quốc có rất nhiều người tín
mộ. Nay quả nhân giá ngự sang triều đình Đại Pháp để bày tỏ tình hữu
hảo ngày trước. Quan đại thần đi theo hộ giá là Đông các Đại học sĩ,
Phúc Môn bá Nguyễn Hữu Bài có xin phép được sang quý thành để chiêm bái
Thánh tích, nhân đó đặc biệt ủy mệnh mang sang tặng cho Giáo hoàng một
chiếc Ngọc khánh hạng cực đại cùng với dây đeo làm kỷ niệm để bày tỏ tấm
tình”.
Xét
danh sách các Giáo hoàng La Mã thì vị Giáo hoàng được vua Khải Định
tặng quà là Giáo hoàng Pius XI (tên thật là Achille Ratti).
Theo Lê Thái Dũng/bee.net.vn