Thật
hữu duyên, lần đầu tiên vào một buổi chiều thứ Năm cuối tháng 4-2010,
tôi đường đột đến nhấn chuông xin vào gặp giáo sư với giấy thông hành
được xuất trình gồm tấm card Hội quán Các Bà Mẹ và tập cẩm nang thai
giáo nhỏ xíu. Ông nhận lời tiếp tôi ngay và say sưa nói về thai giáo,
lúc đó tôi mới phát hiện ra có một người Việt Nam
được gia đình thai giáo rất bài bản từ những năm 20 của thế kỷ trước.
Tôi chẳng phải phóng viên nên không có “đồ nghề”: máy ghi âm. Thế là,
tôi mạo muội đề nghị ông dành một buổi để nói cho nhiều người nghe về
“Giáo thai và tác dụng của hát ru đối với thai nhi”. Và sau ngày giỗ Vua
Hùng, ông nhận lời vì sức khỏe của ông đã khá lên rất nhiều để tổ chức
một buổi sinh hoạt ngoại kỳ. Tiếp đến là cuốn sách được ra đời do Giáo
sư làm cố vấn trong vòng 6 tháng. Đến nay, chúng tôi được ông gọi bằng
một cái tên rất mộc mạc, thân thương…: người của hội thai giáo.
Gặp gỡ Giáo sư Khê trong ngày đầu năm Tân Mão - Ảnh: T.Thúy
Đến thăm ông vào ngày đầu năm mới Tân Mão 2011, tôi hết sức ngạc
nhiên vì gặp ông với tâm trạng vui hơn Tết. Sau khi được nghe ông đọc
bài thơ khai bút đầu xuân rằng năm mới ông vẫn nhả tơ cho đến lúc thác.
Rồi ông khoe với tôi, mớ “băng từ ngổn ngang bừa bãi” (theo bác sĩ Đỗ
Hồng Ngọc) đã được ông tự tay sắp xếp rất bài bản, khoa học và ngày mai
kho sách báo ngổn ngang lại tiếp tục được nhóm nhân viên, tình nguyện
viên của Thư viện Tổng hợp tiếp tục giúp lưu trữ cẩn trọng và như ý ông.
Và ông sẽ tiếp tục đọc lại hồ sơ công trình “Đờn ca tài tử” trình UNESCO mà ông đang làm cố vấn.
Tôi thật sự thú vị bởi mỗi câu chuyện nhỏ của ông đều là những bài
học lớn cho tôi và cho nhiều người. Từ chuyện bữa tiệc đãi khách sáng
nay tại nhà ông đến những thói quen khác: chạy xe vòng vòng ngắm phố
phường… Tôi bất ngờ khi nghe ông kể “chỉ dám chạy… trong sân nhà vì lúc
rày người ta chạy xe khiếp quá và cư xử với nhau thật thiếu văn hóa”.
Nói rồi, ông lại tiếp tục chỉ dạy cho tôi nhiều bài học về kinh nghiệm
sống và giá trị sống ở đời. Tôi chợt nghĩ, mình sẽ tiếp tục tổ chức thêm
một buổi hội thảo hay giao lưu để giới trẻ Việt Nam lại được dịp nghe ông nói về văn hóa ứng xử. Nói đến tổ chức, tôi lại nhớ đến lời ông: có hội là phải có thảo nghen!
Giáo sư Trần Văn Khê vẫn là người nhạy cảm và dễ xúc động, thấy tôi
trao phong bao mừng tuổi cho ông, “ông già Nam Bộ” cười hiền: “Thầy
giống trẻ con”. Tôi càng kính mến và yêu quý ông hơn khi tôi có nhã ý
tặng ông một chiếc áo mới mừng ông bước sang tuổi 91. Chưa bao giờ, tôi
có một buổi chiều thú vị như hôm nay, chào tạm biệt ông để về nhà đến
ba lần nhưng bước ra khỏi cửa lại được ông gọi vào dặn dò, ra đến cổng
ông lại gọi vào và ra lệnh rằng con hãy đến thăm thầy bất cứ lúc nào nên
không bận bịu nha.
Tôi hẹn sẽ ghé thăm thầy vào dịp đem chiếc áo mới màu đen, thêu chữ
màu vàng như ý thầy nhưng đợi đến lúc ấy hơi lâu; chắc tôi sẽ đến sớm
hơn mặc dù nghe ông nói thầy trông nhưng nếu người ta không đến thì thầy
không trách, chỉ hơi buồn.
Tiếp tục nhả tơ…
Tân Mão, tuổi vừa quá chín mươi
Tuy thường đau yếu vẫn tươi cười
Truyền hình luôn được mời nhiều buổi
Thuyết giảng hãy còn đi khắp nơi
Thi phú luật Đường thường thích hoạ
Đờn ca tài tử rất thèm chơi!
Sống an nhiên, chẳng màng danh lợi
Tiếp tục vương tơ dệt mộng đời.
Trần Văn Khê
Tân Mão, Nguyên đán, giờ Thìn, 3-2-2011
Thanh Thúy