27/01/2011 21:39 (GMT+7)
Số lượt xem: 3301
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tên khai sinh:  Phan Tấn Hải Sinh ngày 22 tháng 2 năm 1952 tại Sài Gòn, Việt Nam. Học Pháp với quý Hòa Thượng:  Thích Tịch Chiếu, Chùa Tây Tạng, Bình Dương; Thích Thiền Tâm, Đại Ninh, Lâm Đồng; Thích Tài Quang, Phú Nhuận, Sài Gòn.


Đã từng cộng tác với nhiều báo như Tâp san nghiên cứu Triết Học (Đại học Văn Khoa, Sài Gòn), Tự Thức, Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Tạp chí Thơ, Việt Báo, Tạp chí Giao Điểm, Giác Ngộ và nhiều báo khác.

Đang cư ngụ tại California, Hoa Kỳ.

Góp bài trong một số tuyển tập Văn học nhiều tác giả.

Tác giả, dịch giả một số sách về Phật Giáo:

-    Vài Chú Giải Về Thiền Đốn Ngộ - 1990

-    Thiền Tập – Biên dịch

-    Ba Thiền Sư – Tác giả:  John Stevens, Nguyên Giác dịch Việt

-    Chú Giải Về Phowa – Tác giả:  Chagdud Khadro, Nguyên Giác dịch Việt

-    Lời Dạy Tâm Yếu Về Đại Thủ Ấn

-    Teachings From Ancient Vietnamese Zen Masters

-    Cậu Bé Và Hoa Mai - Tập truyện ngắn

-    Ở Một Nơi Gọi Là Việt Nam - Tập thơ

-    Teachings and Poetry of the Vietnamese Zen Master Tue Trung Thuong Si (1230-1291)

-    Tran Nhan Tong (1258 – 1308): The King Who Founded A Zen School

 

a

 

 

TÔI ĐI TÌM EM ĐỜI NÀY, ĐỜI NÀY

 

Lời này là lời mỗi ngày tôi đọc,

mỗi ngày tôi ca, tôi hát, tôi nhẩm,

tôi ăn, tôi nuốt, tôi cười: Rằng cái

này có nên cái kia có, rằng cái

 

này không nên cái kia không... lời này

là lời mỗi giờ tôi thở, mỗi giờ

tôi hít, tôi nhìn, tôi rờ, tôi nắm,

tôi vò, tôi nếm: Rằng cái này sinh

 

nên cái kia sinh, rằng cái này diệt

nên cái kia diệt... mỗi phút, mỗi giây,

lời này, lời này... ngấm vào người tôi,

là máu thịt tôi... là tôi, là cái

 

không tôi, là của tôi, là cái không

của tôi... lời này, lời này, chỉ còn

một lời này thôi. Lời này là lời

mà tôi đã nói, với em, trong lớp

 

học, ngoài thư viện, cúi giảng đường, bên

giường bệnh: rằng cái này có nên cái

kia có, rằng cái này không nên cái

kia không, rằng cái này sinh nên cái

kia sinh, rằng cái này diệt nên cái

kia diệt... rồi em có nhớ, rồi chỉ

vì em, một hôm hai hôm nhẫn tới

ba hôm, tôi đã vào đời, vào đời

 

và để tìm em, để nói với em,

với em, lời này, lời này... Một đời

một đời trĩu nặng khôn lường, rằng em

có biết không chỉ một đời, rằng tôi

 

ngồi đếm, một đời, hai đời, ba đời,

bốn đời... tới vô lượng đời... rằng em

có nhớ, là tôi đã ngồi, đếm số

cho em bao đời, bao đời, bao đời...

 

rằng tôi tìm em từ vô lượng đời,

để kể em nghe, rằng cái này có

nên cái kia có, rằng cái này không

nên cái kia không, rằng cái này sinh

 

nên cái kia sinh, rằng cái này diệt

nên cái kia diệt... tôi ngồi tôi đếm...

không ai, không ai, chỉ còn một nắm

thịt da đang đếm, em có nghe không,

 

chỉ còn tiếng đếm, chỉ còn một nắm

thịt da đang ngồi, đang ngó, đang nói

với em... Đời này, đời này... rằng em

không nhớ là vô lượng đời, là anh

 

đã ngồi, gõ quan tài em, ngồi ca,

ngồi ca, rằng em hãy nghe, rằng cái

này có nên cái kia có, rằng cái

này không nên cái kia không, rằng cái

 

này sinh nên cái kia sinh, rằng cái

này diệt nên cái kia diệt... rằng tôi

bao đời, nhìn nhan sắc em, bao đời,

bao đời, nhìn nụ cười em, bao đời,

bao đời, rồi nài nỉ em, rằng hãy

nghe tôi, hãy nghe lời này, rằng cái

này có nên cái kia có, rằng cái

này không nên cái kia không, rằng cái

 

này sinh nên cái kia sinh, rằng cái

này diệt nên cái kia diệt... Đời này,

đời này... rằng em hãy thấy... đời này,

đời này... rằng em hãy thấy... có cái

 

không sinh, có cái không diệt... có lời

đang đếm, vẫn là bất động, bất động,

bất động, bất sinh, bất sinh... có lời

đang đếm trải vô lượng đời, vẫn chưa

 

thành lời, vẫn chưa thành lời...

08/20/2004

 

 

CÓ HƠI THỞ NGẮN CÓ HƠI THỞ DÀI

 

Tôi ngồi hít thở hơi ra hơi vô

hơi dài hơi ngắn, xin cho đất trời

bình an, mưa thuận gió hòa, cơm ăn

đủ no áo mặc đủ ấm, tôi ngồi

hít thở hơi ngắn hơi dài hơi vô

hơi ra hít thở ngồi tôi tôi ngồi

ngồi tôi tôi ngồi thở hít hít thở

dài ngắn hơi ra ngắn dài hơi vô,

xin cho bình an đất trời, gió hòa

mưa thuận, cho mẹ cho em cho chị

cho anh đủ cơm mỗi ngày, đủ áo

cho ấm, nước mắt rưng rưng lỡ mang

nghiệp nặng tôi ngồi hít thở .... Tôi đứng

 

thở hít đứng tôi hít thở, hơi ngắn

tôi biết hơi ngắn, hơi dài tôi biết

hơi dài, nhìn đủ trong tôi mùa xuân

mùa hạ mùa thu mùa đông ẩn tàng

hơi thở, một hơi này dài hơi ấm

mùa xuân, hơi sau ngắn lại nắng hè

quá gấp, bụng phình ra thở hơi ngắn

hơi dài mang đi nỗi buồn mùa thu

đổ lá, lạnh giá hơi thở mùa đông

run rẩy nhớ nhau, thở tôi đứng hít

hơi ra hơi vào, xin cho an bình

ngày ngày thế giới, cho trẻ nhỏ vui

ngày ngày đi học... Thở hít trong tôi

 

đất trời bao la, có hơi dài ngắn

hít thở trong tôi, có mây trong phổi

có gió ngang môi có rừng xao xác

hàng mi trước mắt có biển rạt rào

trong hơi thở ngắn trong hơi thở dài

có biển cuồng nộ trong hơi thở gấp

trong hơi thở gắt tôi ngồi tôi đứng

tôi đi tôi nằm tôi chạy vẫn thở

trong tôi đất trời kinh ngạc có cây

có đồi tôi mẹ có em có rừng

Tây Tạng vi vu nghìn năm có sừng

trâu gõ Lão Tử vọng về, thở hít

trong tôi hơi ngắn hơi dài xin cho

bình an đất trời xin cho trẻ nhỏ

ngày ngày đủ ăn.... Hít thở trong tôi

 

hơi dài hơi ngắn thở hít tôi trong

hơi ngắn hơi dài có hơi thở đỏ

có hơi thở xanh có hơi thở vàng

có hơi thở đen xin cho đau khổ

trần gian xin cho hung hiểm đất trời

vào theo hơi thở, tôi ngồi tôi chịu,

tôi đứng tôi chịu khổ đau trần gian

cho em cho mẹ cho chị cho anh

an bình bình an, hơi đen tôi thở

cho trẻ hết bệnh, hơi vàng thở tôi

cho mẹ hết đau, hơi xanh tôi thở

cho chị khỏi đói, hơi đỏ thở tôi

cho người rũ hết bao nhiêu căm thù

hơi dài hơi ngắn buông sạch ngàn đời

oan nghiệt.... Tôi ngồi tôi thở tôi đứng

thở tôi tôi về Sài Gòn về tôi

Nha Trang tôi về Ban mê về tôi

Hà Nội tôi thở thở tôi có biển

trong mắt có gió trên tóc có lời

yêu thương ngàn ngày trăm ngày tôi thở

thở tôi tôi đi tôi đứng tôi ngồi

tôi nằm hơi thở trong tôi có thở

trong tôi có đôi mắt em dõi nhìn

trong tôi có tôi quỳ lạy đất trời

tạ ơn có tôi lạy quỳ mưa thuận

gió hòa cho mẹ cho em đủ no

đủ ấm có tôi thở hít có tôi

lạy quỳ xin cho người người giải thoát

xin cho người người đời đời thoát khổ...

 

Hơi thở thở hơi hơi ra hơi vô

hơi dài hơi ngắn có gió rì rào

có biển ca hát có rừng nghiêng chào

có Nha Trang buồn có Sài Gòn vui

có thở có hơi có ngắn có dài

nhưng không có tôi nhưng không có chị

nhưng không có em nhưng không có mẹ

nhưng không có khổ nhưng không có đau

ngàn năm qua rồi tỉ năm qua rồi

có hơi thở ngắn có hơi thở dài

có bầu trời cao mây tan từ thuở

đất trời bình an, có bờ cát trắng

dấu chân sắp mờ.... Có hơi thở ngắn

 

có hơi thở dài có hơi thở dài

có hơi thở ngắn có đủ bốn mùa

gói trong hơi thở có đủ trời sao

trăng mây gió lộng trong một thở hơi

trong một hơi thở, không mẹ không em

không chị không tôi không người không hề

một người không ta không ai không thấy

một ai không ai một thấy không hề

một ai không ai một hề, chỉ có

hơi thở chỉ có thở hơi....

 

oOo

 

NIỆM PHẬT TOÀN THÂN

 

Niệm Phật, đó là một trong những cội nguồn hạnh phúc nhất mà người tu có thể cảm nhận được, tuy là không dễ dàng như nhiều người vẫn tưởng. Nhiều người vẫn cho rằng cần truy tìm các pháp môn phức tạp, khó khăn như Thiền Tông hay Mật Tông, và cho là việc Niệm Phật quá dễ làm, sợ là không đủ thách đố cho quyết tâm của mình. Nhưng câu chuyện không đơn giản như vậy. Mặc dù chúng ta từng đọc các lời Chư Tổ bênh vực cho Pháp Môn Niệm Phật, nhưng vẫn khởi tâm cho rằng việc quá dễ như vậy thì không đúng với khát vọng tu tập của mình. Nói cho cùng, Niệm Phật vẫn không thật là dễ.

Trước tiên là phải tín tâm. Không có lòng tin thì hành động không chuyên nhất. Hãy tin sâu vào nhân quả, tất cả mọi biến chuyển trong đời đều do nghiệp lực hóa hiện ra. Đừng nghĩ rằng mình có tài ba mỗi khi thành công, và đừng nghĩ là xui xẻo khi thất bại. Tài năng hay vụng về cũng là do tự mình chuyên học, do cơ duyên và do nghiệp. Thành hay bại cũng là tiếng nói của nghiệp lực thôi. Hãy lắng nghe tiếng nói này. Thứ nhì là tin sâu vào Phật Pháp. Tin rằng đây là con đường giải thoát, và hãy chuyên cần đọc Kinh Phật để thấy gương Chư Phật, Chư Tổ tu học thiết tha, để mang ơn sâu Chư Phật, Chư Bồ Tát đã không thôi từ bi dùng nhiều phương tiện cứu độ, để thấy trách nhiệm của mình cần cứu độ cha mẹ, người thân và chúng sinh các loài. Thứ ba là tin sâu vào Niệm Phật. Phải thấy đây là nguyện lực của Đức Phật A Di Đà muốn đưa chúng sinh cõi này về Phương Tây Cực Lạc. Nếu nghĩ rằng Cực Lạc chỉ là Cõi Huyễn Hóa do Phật phương tiện, thì tại sao không thấy ngay trước mắt rằng các cảnh, các vật cũng chỉ là huyễn hóa, là hoa đốm? Nhưng nếu nghĩ rằng Cực Lạc là Cõi Thật, còn Ta Bà là Cõi Không Thật thì cũng là sai, bởi vì trong Tâm Phật thì ngay tới Thật với Không Thật cũng không có chỗ bám.

Tu học cũng cần khởi nghi tâm và từ từ tìm phương tiện giải nghi. Nhiều người nghi rằng Thiền Tông mới là tối thắng, vì là đơn đao nhập cuộc, thấy tánh thành Phật ngay trong một đời. Còn Niệm Phật chỉ là phương tiện. Nếu bạn có lòng nghi này thì cứ nghi cho tận cùng đi, và phải thật tâm tu Thiền. Rồi sẽ tới một lúc bạn thấy rằng, khi bạn khởi tâm Niệm Phật, cảnh giới cũng không khác gì của Thiền. Nếu bạn nghi rằng Mật Tông mới là tối diệu, cứ chọn một pháp môn và trì chú đi, thật tinh chuyên. Khi vào được cảnh giới tâm nào cũng là Tâm Phật, thì bạn sẽ không còn ngờ vực gì chuyện Niệm Phật có rời tâm này hay không. Còn nếu lấy nghi tâm để suy luận vặn vẹo thì là hoàn toàn sai. Khi nghi thì phải thật nghi, và giải nghi không thể bằng lý luận được. Khi nghi thì phải toàn tâm và toàn thân đều là một khối nghi, khi cả lý luận với suy lường đều không khởi lên được mới là thật nghi. Lấy cái nghi tâm này Niệm Phật cũng là một phương tiện.

Vấn đề chỉ là, tại sao chúng ta đang trong cơn mộng, mà lại còn thấy có gì là tối thắng với chẳng tối thắng? Khi vào được cái nhìn, thấy rằng trước mắt mọi đền đài, xe cộ, người vật... đều từ mộng mà ra thì tất cả các pháp môn đều không lìa nhau. Đâu phải là chúng ta chỉ mộng trong khi ngủ. Để gợi một phần cảm giác này, bạn hãy nhớ lại những chuyện khi còn nhỏ đi học trường làng, khi đá bóng trong xóm, khi đạp xe giữa phố chợ Sài Gòn... và thấy nó qua đi hệt như giấc mộng. Còn bây giờ, ngồi trước máy điện toán, hay khi xem TV, hay khi đi bộ kinh hành, bạn tin cảnh này là thật sao? Nó cũng chỉ là như ráng nắng ban chiều, như hoa đốm hư không thôi. Các pháp vốn thật bình đẳng, mộng với thực không lìa nhau. Nói cho cùng, cái gọi là thực hay mộng cũng không hề có chỗ bám trong Tâm Phật.

Niệm Phật trước tiên là miệng Niệm Phật. Bạn đừng nói điều dữ, điều hại chúng; bởi vì không thể dùng miệng lúc Niệm Phật, lúc Niệm Ma được. Bạn phải ăn chay trường, nếu có thể thu xếp được. Bởi vì ăn thịt chúng sinh mà đòi tự giải thoát cho mình và đòi cứu độ các loài thì là chuyện không thể có. Thêm nữa, đã ăn thịt chúng sinh thì sao còn mở miệng Niệm Phật được. Và bạn hãy niệm tinh chuyên tới chỗ lời nào cũng là lời Niệm Phật, dù khi ứng phó mọi chuyện trong đời, khi nói chuyện điện thoại, khi mở lời đùa giỡn với trẻ em, khi thuyết phục người đừng làm điều dữ, khi năn nỉ người khởi lòng từ bi phóng sinh, khi đau đớn rên la trên giường bệnh... Bất kỳ lời nào thốt ra cũng là lời Niệm Phật, thì đó mới là Niệm Phật.

Niệm Phật là tay Niệm Phật. Phải giữ giới, không sát sinh, không trộm cắp, không đánh người, không hạ thủ những điều bất xứng. Nếu miệng Niệm Phật mà tay làm điều không lành, làm hại chúng sinh, thì cũng là hỏng; nghĩa là miệng Phật tay Ma, có nghìn Phật A Di Đà tới trước mặt cũng không cứu nổi.

Niệm Phật là chân Niệm Phật. Làm ơn, đừng đưa chân đá người hay giẫm đạp chúng sinh. Làm ơn, hãy đưa chân đi con đường ngay ngắn. Mỗi một bước đi là một chân Niệm Phật. Không cần quán tưởng hay tưởng tượng gì hết. Bạn cứ Niệm Phật tinh chuyên, thì tức nhiên từng bước đi là một dấu ấn của Phật A Di Đà.

Niệm Phật là mắt Niệm Phật. Bạn đừng đưa mắt vào các nơi dễ làm loạn tâm, cũng đừng dùng mắt dọa dẫm ai, cũng đừng chơi màn liếc mắt đưa tình. Hãy quên đi những thói quen của thời chưa Niệm Phật. Bạn hãy Niệm Phật cho tinh chuyên, và rồi mắt bạn nhìn tới đâu cũng thấy đó là lời Niệm Phật đang ghi khắp cùng pháp giới. Khi vào phố chợ, cũng đừng khởi tâm cho là mình đang nhìn các giai nhân hay ác phụ; tất cả chỉ là hình bóng trong mơ thôi, và mắt nhìn tới đâu thì tất cả đều biến thành các hóa thân của Phật A Di Đà trong cùng khắp pháp giới. Nhưng đừng quán tưởng hay tưởng tượng khi nhìn bất cứ những gì, bởi vì khi đã trong mộng, thì đừng tạo thêm mộng khác nữa. Cứ tự nhiên Niệm Phật là đủ, thế giới trước mắt sẽ là Phật Cảnh.

Niệm Phật là tai Niệm Phật. Đừng bịt tai luyện luân xa, cầu ảo giác; đó chỉ là trò của ma thôi. Cứ để tai tự nhiên nghe lời Niệm Phật, ra tiếng hoặc thầm trong lòng. Đừng để tai rơi vào các thói quen chưa tu, khi lòng phân biệt điều ưa nghe, điều ghét nghe. Mặc kệ mọi chuyện. Dù bạn có cố ý nghe hay vô tâm nghe, thì Tánh Nghe vẫn hiển hiện. Dù là hai bàn tay vỗ, hay một bàn tay vỗ, thì Tánh Nghe vẫn hiển hiện. Nên cứ để mặc cho nó hiển lộng. Cũng đừng lựa chọn điều này để nghe, điều kia để bỏ. Cứ tự nhiên nhi nhiên. Hãy niệm cho tinh chuyên, sẽ tới một lúc âm thanh nào cũng là lời Niệm Phật, dù là bạn có đi giữa phố chợ, nghe mắng mỏ, vân vân. Đừng nghĩ đó là ảo tưởng hay ảo giác hay thực tướng... Tất cả chỉ là trong mộng mà tu thôi. Nhưng lìa mộng này thì không có cảnh giới Phật. Sóng chỉ là nước, và nước chính là sóng. Tánh không lìa Tướng, và Tướng không lìa Tánh.

Niệm Phật là Toàn Thân Niệm Phật. Bất kỳ phân vuông da thịt nào trên cơ thể của bạn cũng đều đang Niệm Phật. Đừng quán tưởng hay tưởng tượng hình dung gì. Cảnh giới đó sẽ tự nhiên hiện ra. Móng tay, móng chân, cùi chỏ, đầu gối, ngực, lưng, đầu, bụng... của bạn nơi nào cũng đang Niệm Phật. Gắn bó với Niệm Phật thì toàn thân sẽ thành một Khối không lìa. Bất kỳ một cử chỉ, một động đậy nào trong cơ thể bạn cũng sẽ là lời Niệm Phật chuyển động. Và khi bạn đi, thì đó là đi Niệm Phật. Khi bạn ngồi, thì đó là ngồi Niệm Phật. Bạn sẽ thấy hài lòng, khinh khoái, nhưng đừng gắn bó hay ham thích các cảm giác đó. Đã ở trong mộng, mà còn ưa thích gì hay ghét bỏ gì thì đó là tâm chúng sinh, không phải là Tâm Phật mà bạn đang Niệm.

Niệm Phật là Niệm Phật Tâm, hay Tâm Niệm Phật. Khi tay chân, thân thể, tai mắt, da thịt đều là một khối với Niệm Phật, thì Tâm bạn cũng đừng khởi phân biệt là Có Niệm Phật hay Không Niệm Phật. Tánh Phật A Di Đà sẽ không rời chúng ta. Mà nói cho cùng, Tánh Phật này có bao giờ rời chúng sinh bao giờ đâu. Mà khi nói rằng có một tâm chúng sinh tìm cầu tới một Tâm Phật thì cũng là hỏng, đó chưa thật là Niệm Phật. Trong Niệm Phật chân thật, chỉ có một Tánh Vắng Lặng, Trong Trẻo, không thể nào biện biệt ra cho được một cái gì gọi là tâm chúng sinh với Tâm Phật. Ngay cả khi bạn không đọc lên câu lục tự Di Đà, hay không cả nghĩ tưởng gì tới câu này, toàn khối Niệm Phật cũng không xa lìa bạn chút nào, thì đó mới là Niệm Phật.

Niệm Phật là cực kỳ đơn sơ Niệm Phật, y hệt những bà cụ mù chữ trong làng quê. Hãy cầm xâu chuỗi bồ đề, lần chuỗi tay không lìa, nếu điều kiện sống của bạn cho phép. Lần một hạt chuỗi là một câu Niệm Phật. Hoặc hai câu cũng được. Hoặc không câu nào cũng được. Nhưng với lòng đơn sơ, của người sơ tâm, niệm tới khi thấy toàn thân Niệm Phật, thế là được.

Khi nào niệm tới chỗ thấy toàn pháp giới Niệm Phật, thế là được. Và đừng bao giờ lìa câu Niệm Phật này. Kể cả khi nhắm mắt ngủ. Mở mắt hay nhắm mắt, cũng chỉ là mộng. Đi bộ hay nằm ngủ, cũng chỉ là mộng. Niệm Phật hay Không Niệm Phật, cũng chỉ là mộng. Nhưng lìa mộng cũng chẳng có cái Thực.

Hạnh phúc chính là, đi trong cuộc đời mà vẫn thấy Toàn Thân Niệm Phật chỉ vì lòng từ bi với chúng sinh. Còn chuyện giải thoát? Khi vào chỗ toàn pháp giới Niệm Phật thì có gì mà cắt lìa giữa cảnh giới giải thoát với cảnh giới chưa giải thoát? Nhưng lìa câu Niệm Phật, sợ là khó thể thấy được những cảnh giới này vậy.

 

 

 

Nguon: http://www.vinhhao.info/TrangPhatGiao/Van%20Hoc%20Phat%20Giao/VanHocPGVNHaiNgoai/Tac%20gia%20N%20V/Nguyen%20Giac%20Phan%20Tan%20Hai.htm


Âm lịch

Ảnh đẹp