10/01/2011 08:53 (GMT+7)
Số lượt xem: 3488
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Việc một công chúa dùng máu viết câu đối tặng ngôi chùa mà mình từng đáo qua thuở còn nguy nan, bất trắc quả là chuyện xưa nay hiếm trên đời. Bút tích ấy càng trở nên có giá trị vì những lời trong câu đối ấy như soi rọi, minh chứng cho cái tâm của người xuất gia.


Tuyệt bút của công chúa Ngọc Anh để lại cho hậu thế.
Nằm trên đất Trấn Biên xưa (nay là thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), nhắc đến chùa Đại Giác, khách hành hương và người mộ đạo phương xa thường liên tưởng đến ngôi cổ tự u tịch hơn 300 năm tuổi còn giữ nguyên dáng kiến trúc xưa cùng bản "lý lịch" nhuốm màu thăng trầm, hư hư thực thực.

Theo bước chân của những người lòng đang hướng về đất Phật đến vãn cảnh Đại Giác tự, bên cạnh những hiểu biết sơ sài ấy, chúng tôi may mắn được nhiều bậc cao niên bật mí rằng không chỉ từng lưu dấu bước chân quân vương, Đại Giác tự còn sở hữu những bảo vật vua ban, đặc biệt là câu đối được viết bằng máu của công chúa Ngọc Anh, con gái vua Minh Mạng. Đâu là sự thật?

Cách thành phố Biên Hòa khoảng 1km và cách TP HCM khoảng 30km về hướng Đông Nam, theo các bậc cao niên, xưa kia chùa Đại Giác thuộc địa phận thôn Bình Hoàng, xã Hiệp Hòa, tổng Trấn Biên (nay thuộc ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa). Bên dòng Đồng Nai chở đầy phù sa đang ngày đêm tắm mát Cù Lao phố (tên gọi xưa nơi phát tích chùa Đại Giác), bà Hà Thị Hải, pháp danh Chơn Nguyên, Phật tử chùa Đại Giác, bật mí: "Nghe các bậc cha chú truyền kể, chùa Đại Giác lúc ban sơ có kiến trúc nhỏ hẹp với vách ván, cột gỗ lợp ngói âm dương. Sau này chùa bề thế, được nhiều người tìm đến hương khói nhờ lệnh kiến tạo, trùng tu của 2 đời vua Gia Long, Minh Mạng và công chúa Ngọc Anh". 

Theo tư liệu xưa còn lưu tại Giáo hội Phật giáo Đồng Nai, vào giữa thế kỷ XVII có 3 nhà sư đến Đồng Nai hoằng hóa Phật giáo. Men theo vùng đất ven sông Đồng Nai, nhà sư Thành Nhạc cùng một số Phật tử dựng lên chùa Long Thiền vào năm 1664 (nay là xã Bửu Hòa). Nhà sư thứ 2 có pháp danh Thành Trí theo đoàn di dân làm nghề khai thác đá trên núi Bửu Long và tạo dựng nên chùa Bửu Phong (1679). Vị sư cuối cùng là Thành Đẳng và một số người chèo ghe đến Cù Lao Phố khẩn hoang và dựng nên chùa Đại Giác vào năm 1665.

Pho tượng Phật vua ban ở chùa Đại Giác.

Bên tượng Phật bằng đá cẩm thạch dưới gốc cây bồ đề cổ thụ cao hơn 30m, cội rễ u nần ước hơn 200 năm tuổi gắn với truyền khẩu "vào những đêm trăng sáng tượng phát ra ánh hào quang huyền hoặc, những ai được thấy luồng ánh sáng ấy thì bao dã tâm, toan tính sẽ lắng đọng, một lòng hướng thiện, từ bi, những tham-sân-si từ đây chỉ là khái niệm xa lạ", cụ bà ngoài 80 tuổi pháp danh Nguyên Sa bật mí, chùa Đại Giác còn được dân gian gọi là "chùa Phật Lớn". Căn nguyên của tên gọi này bắt nguồn từ bảo vật vua ban cho chùa là một tượng Phật khổng lồ vào năm 1802.

Để minh chứng lời nói của mình có cơ sở, bà cụ gửi tặng chúng tôi quyển kỷ yếu về chùa do Ban quản lý Di tích danh thắng Đồng Nai xuất bản. Theo nội dung của quyển sách này, vào năm 1779, trên đường trốn chạy sự truy kích của quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh cùng công chúa thứ 3 là Nguyễn Thị Ngọc Anh đã đến trú ngụ tại chùa. Khi lên ngôi vua lấy niên hiệu Gia Long, nhớ ơn xưa, vào năm 1802 (Gia Long nguyên niên), Nguyễn Ánh đã ban chiếu trùng tu ngôi chùa và cho tạc pho tượng A Di Đà bằng gỗ quý cao 2,25m.

Để cận cảnh bảo vật vua ban, chúng tôi lần bước vào chánh điện và ngay lập tức bị vóc dáng thư thái, gương mặt nhân từ, siêu linh cùng ánh vàng huyền bí của pho tượng khổng lồ hơn 200 năm tuổi, hút chặt. Tượng với gương mặt nhân từ, mắt nhắm nghiền thoát tục, đầu tỏa hào quang, toàn thân toát nên vẻ thanh thoát, bình yên, với màu vàng huyền bí, được bố trí ở vị trí cao nhất, trang trọng nhất của chánh điện, phía dưới là hàng chục tượng cổ bằng các chất liệu đất nung, gỗ quý được tạc từ gỗ nguyên khối của các loài danh mộc như lim, sến, gụ, trắc… như tượng các vị Ngọc Hoàng, Thiên Bồng, Tiên Tướng, Nam Tào, Bắc Đẩu…

Kiến trúc cổ kính của chùa Đại Giác là điểm dừng chân của biết bao tao nhân mặc khách.

Theo tâm tình của các bậc cao niên, qua bao biến chuyển của thời cuộc và ánh mắt cú vọ của những kẻ săn tìm vàng mà pho tượng còn được bảo vệ nguyên vẹn đến hôm nay là cả kỳ công của bao thế hệ sư trụ trì chùa và người dân vùng đất Trấn Biên. Các cụ xưa kể lại khi thôn tính Nam Kỳ, thực dân Pháp tổ chức vơ vét nhiều của cải, đặc biệt là các cổ vật ở các đình-đền-chùa-miếu. Để bảo vệ pho tượng vua ban tránh nạn bị mang đi hoặc đập phá để xem trong thân tượng có giấu vàng, lúc bấy giờ lớp sơn vàng của pho tượng đã được tiền nhân thay bằng màu xanh, đỏ nhìn cứ như tượng được đắp bằng bê tông. Cũng từ tâm tình của bà Hải, chúng tôi được biết người đời đồn đại rằng sở dĩ tượng A Di Đà vua ban cho chùa Đại Giác luôn toát ra mùi thơm thoang thoảng dễ chịu là nhờ ẩn trong thân tượng có trầm và kỳ nam. Chẳng biết thực hư chuyện này như thế nào nhưng điều mà bất kỳ cư dân cựu trào nào ở vùng đất Trấn Biên đều rành rẽ chuyện, tượng vua ban là bảo vật đặc biệt trong nhiều bảo vật khác của chùa Đại Giác.

Còn chưa hết ngỡ ngàng trước phong thái vô ưu và những tình tiết ly kỳ của pho tượng từng một thời được người đời râm ran là "tượng Phật vàng khổng lồ", chúng tôi rất đỗi xúc động khi được một sư cô ở chùa cho biết chùa còn đang lưu giữ 2 di vật quý báu khác liên quan đến Công chúa Ngọc Anh. Báu vật đầu tiên là tấm hoành phi Đại Giác Tự dài khoảng 2m, chữ vàng nổi bật trên nền vải đỏ, được Công chúa Ngọc Anh phụng cúng vào năm 1820. Ni sư Thích Nữ Diệu Trí, trụ trì chùa, cho biết, vào năm 1820, vua Minh Mạng ban lệnh tu sửa lại chùa. Nhân dịp này, công chúa Ngọc Anh đã cúng chùa bức hoành phi treo trước chánh điện từ đó đến nay. Công chúa cũng cắn ngón tay dùng máu viết trên lụa tặng chùa câu đối. Hiện bút tích ấy của công chúa vẫn được nhiều thế hệ sư trụ trì trân trọng lưu giữ.

Bức hoành phi "Đại Giác tự" do công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh dâng cúng.

Không chỉ chúng tôi mà nhiều người khi biết được bí mật về bức huyết thư của công chúa Ngọc Anh, cảm giác bồi hồi, xao xuyến pha lẫn niềm xúc động cứ thế trào tuôn. Bức huyết thư được lồng trong khung kính, được tiền nhân phiên ngữ và tạm dịch với nội dung như sau:

"Ưng-Ngọc Anh công chúa mệnh đề-Biên Hòa, Đại Giác cổ tự.

Đại than nguyên chính đạo, quán danh lợi vị phong trần bào ảnh đáo đầu, vô đắc vô minh, chư bàn thị huyễn.

Giác ngộ hóa huyền cơ, chiếu tham sân si sắc tướng chân như, cứu cánh bất sinh bất diệt, ngũ uẩn giai không.

Thiên vận Giáp Dần. Mạnh hạ cát nhật".

Tạm dịch: "Kính ghi-Công chúa Ngọc Anh - Đại Giác cổ tự, đất Biên Hòa. Làm người trong chính đạo, phải xem danh lợi như gió bụi, như bóng nước xoáy vần, chẳng thấu vô minh, tất cả chỉ là huyễn.

Tỏ ngộ được huyền cơ, soi rọi được tham sân si, sắc tướng của chân như rốt cuộc chẳng sanh diệt, năm uẩn đều là không.

Vận trời năm Giáp Dần. Ngày tốt tháng đầu mùa hạ".

Việc một công chúa dùng máu viết câu đối tặng ngôi chùa mà mình từng đáo qua thuở còn nguy nan, bất trắc quả là chuyện xưa nay hiếm trên đời. Bút tích ấy càng trở nên có giá trị vì những lời trong câu đối ấy như soi rọi, minh chứng cho cái tâm của người xuất gia. Không chỉ các thế hệ nhà sư tu hành tại chùa Đại Giác, những tăng ni, Phật tử qua bao đời đều xem ý nghĩa của những dòng tuyệt bút ấy của công chúa Ngọc Anh là kim chỉ nam dẫn dắt mình đến bến bờ của cõi Phật.

Chiều tà, trong ánh nến mờ mờ ảo ảo, đứng trước bức huyết thư được treo trang trọng trên thân cây cột bằng gỗ lim lên nước bóng loáng, như nhiều người khác, chúng tôi thấy lòng dạ mênh mang, như thấy thời gian quay ngược trở lại với bóng dáng đài các của cô công chúa tuy sống trong gấm vóc lụa là nhưng vẫn xem danh lợi như gió bụi, mọi của cải, quyền lực chỉ là huyễn mà thôi!

Chùa Đại giác có diện tích 3000m2. Khởi nguyên chùa được bố trí xây dựng hình chữ Nhị, qua nhiều lần trùng tu chùa có kiến trúc hình chữ Đinh. Năm 1952 (Nhâm Thìn), do lũ lụt chùa bị mối ăn nhiều nên các bô lão người địa phương vận động bá tánh đóng góp công của trùng tu. Đến năm 1960, trụ trì chùa lúc bấy giờ là Hòa thượng Huệ Minh cho trùng tu lại tòa bộ hệ thống cột, tường bao bằng vật liệu tạo nên quy mô kiến trúc như hiện tại. Sự kết hợp cảnh trí thiên nhiên hài hòa cùng các công trình kiến trúc nghệ thuật đã tạo nên vẻ đẹp hài hòa, uy nghiêm cho ngôi chùa. Chùa Đại Giác đã được Bộ văn hóa thông tin - Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào ngày 28/9/1990 theo quyết định số 933/QĐ. 

Theo sử liệu, vào năm 1679, do không chịu khuất phục nhà Thanh nên Tổng binh Trần Thượng Xuyên (triều Minh) đã cùng gia quyến, 3.000 lính thân tín đi trên 40 chiến thuyền xin chúa Nguyễn cho phép khai khẩn, mở mang vùng đất Đông Phố (Cù Lao Phố ngày nay). Sau hơn 6 thập niên phát triển cực thịnh, trở thành trung tâm thương mại của cả vùng Gia Định, năm 1747 trở về sau, Cù Lao Phố dần suy yếu do các cuộc bạo loạn, binh biến.

Bích Kiều (Theo CAND)


Âm lịch

Ảnh đẹp