Lòng tri
ân sâu thẳm đó vẫn âm ỉ trong tâm thức của những người từng có cơ duyên được
học hỏi “triết lý giác ngộ”- một thứ triết lý nguyên thủy hàm chứa những
kinh nghiệm chứng ngộ rất người của Đức Thế Tôn.
Hòa thượng Thích Minh Châu - Nhà phiên dịch Kinh tạng Pali đã đi vào huyền thoại
Công
trình của sự nhẫn nại…
…Đọc kinh Nikaya rất khó, dĩ nhiên, dịch kinh Nikaya lại càng
khó hơn vạn lần. Cái khó ở đây không nằm ở khía cạnh văn học mà, theo lời Sư Ông kể, nó nằm ở sự nhẫn nại suy tư! Có lẽ, ngoại trừ những nhà phiên
dịch cũng như những người chuyên tâm cầu đạo, không mấy ai có đủ kiên nhẫn để
đọc cho hết một bản kinh từ đầu đến cuối mà không lướt qua những đoạn kinh khô
khan, lặp đi, lặp lại. Nhưng đôi khi chính những đoạn ấy cưu mang những câu,
chữ rất tinh tế.
Phiên dịch Kinh tạng Pali ở thời kỳ đầu tiên khi mà thuật ngữ
Phật học bằng tiếng Việt còn rất khiêm tốn quả là một thách thức cho người
dịch. Hầu hết các từ, ngữ của bản dịch phải vận dụng khá nhiều thuật ngữ Hán-Việt-Việt
hóa, một hình thức ngôn ngữ vốn đã thấm sâu vào đời sống tâm linh của Phật
tử Việt Nam.
Trong quá trình phiên dịch, Sư ông phải bỏ rất nhiều công sức
để đối chiếu, so sánh các bản kinh trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, đặc biệt là
Hán tạng, nhằm tìm ra những thuật ngữ Phật học mới mẻ, trong sáng. Phải nói
rằng sự uyên thâm Nho học (chữ Hán) và Tây học (tiếng Anh và tiếng Pháp) cùng với
sự sáng tạo cá nhân là những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên một phong
cách ngôn ngữ đặc thù của tạng kinh Nikaya bằng tiếng Việt.
Dấu ấn đọng lại trong tạng kinh Nikaya bằng tiếng Việt này là
những triết lý giản dị, trong sáng bên cạnh một hệ thống từ ngữ Phật học
hiện đại (của những thập niên 70). Đấy là những từ ngữ chuyên môn có những
tương ưng về ý nghĩa cũng như những liên hệ về tư tưởng trong lịch sử Phật
giáo, từ Nguyên thủy đến Phát triển.
Gần năm mươi
năm rồi, các từ ngữ Phật học được dùng trong các bản kinh dịch này vẫn đóng vai
trò nền tảng cho việc cắt nghĩa, giải thích, và phân tích tư tưởng Phật học.
Khoảnh
khắc “viên thành”…
Mười năm trước bảy lăm (1975) là thời kỳ vàng
son của Đại học Vạn Hạnh. Đấy là khoảng thời gian hình thành, phát triển
và
rồi… chuyển sang một trang sử mới. Đấy cũng là thời gian bận rộn vô cùng
của Sư Ông viện trưởng. Nhưng cũng chính trong thời gian này, Sư Ông đã
hoàn thành các
bản dịch kinh tạng Pali.
Sư Ông kể rằng, Người đã bắt tay vào phiên
dịch trong thời điểm “tất bật” với nhiều công việc ngổn ngang của Đại học Vạn
Hạnh. Và vì vậy, sau mỗi thời hành thiền, từ bốn giờ sáng đến sáu giờ sáng là
thời điểm Sư Ông ngồi vào bàn phiên dịch. Sư Ông đã dành trọn cả lòng thành,
hoài bão, và niềm mong ước... cho từng câu, từng chữ của các bản kinh dịch hoàn
toàn mới lạ với độc giả người Việt.
Từ bốn giờ
sáng đến sáu giờ sáng cứ mỗi ngày như thế, mỗi tháng như thế, mỗi năm và nhiều
năm như thế… đã tạo nên khoảnh khắc viên thành của nhà phiên dịch Kinh tạng
Pali. Hẳn Người
phải có một ý chí và nguyện ước phi thường mới có thể triền miên cả hàng chục
năm trời để hoàn thành các bản dịch vĩ đại.
Bóng dáng
thế hệ…
Hai mươi năm sau, khi các bản kinh đã được
xuất bản và in ấn nhiều lần nhưng Sư Ông vẫn cặm cụi đọc tới, đọc lui, sửa chữa
và ghi chú ngay trên từng bản kinh mới in với tất cả sự cần mẫn. Sư Ông làm như
thể là Người mới đọc bản kinh lần đầu. Phong thái của một học giả đức hạnh
dường như lúc nào cũng có mặt cùng với Sư Ông. Phong thái ấy quả thực đã truyền
một loại cảm hứng - khát khao đạo lý và tri thức - cho bất kỳ ai có duyên hội
ngộ.
Hình ảnh một Sư cụ với gương mặt hồng hào
tràn đầy vẻ từ ái, cùng với đôi chân mày trắng đẹp như tiên ông, cầm trên tay
chiếc kính lúp và chậm rãi soi rọi từng con chữ… và nhất là với một thân
hành rất an tịnh của Người đã thật sự để lại một bóng dáng nghìn thu, thế
hệ. Bóng dáng ấy đang đi vào huyền thoại.
Chúng con thành kính tưởng niệm và tri ân Sư Ông đã cho thế hệ của chúng con cơ hội được tiếp xúc với “triết lý giác ngộ”
qua những lời dạy rất chân chất, rất nguyên sơ của Đức Thế Tôn.
Sinh tử nhàn nhi dĩ! Nguyện xin Sư Ông sớm
trở lại cõi đời để hoằng hóa độ sinh.
Cúi đầu,