Tưởng niệm Trưởng lão HT.Thích Thiện Siêu nhân kỷ niệm 12 năm ngày viên tịch (17-8-Tân Tỵ 2001 – 17-8-Quý Tỵ 2013)

Sức mạnh từ sự niệm tưởng Phật, Pháp, Tăng và Giới

22/09/2013 10:00 (GMT+7)
Số lượt xem: 1406
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


GN - Ở thời gian này, hệ thống các trường trung cấp Phật học, Học viện Phật giáo Việt Nam tại các tỉnh, thành lần lượt tổ chức khai giảng năm học mới 2013-2014. Trong niềm hoan hỷ về sự khởi sắc của ngành giáo dục Phật giáo hôm nay, 

chúng ta không thể không thành kính tưởng nhớ về một bậc giáo phẩm tôn túc lãnh đạo, người đã gắn bó với ngành giáo dục Phật giáo từ những ngày đầu Giáo hội mới thành lập (1981): cố Trưởng lão HT.Thích Thiện Siêu (1921-2001).

HT Thien Sieu.jpg
Trưởng lão HT.Thích Thiện Siêu (1921-2001)

Nhắc đến cố Trưởng lão HT.Thích Thiện Siêu, ở đời thường Tăng Ni Phật tử gọi bằng danh xưng thân thiết và đạo tình là “Ôn Từ Đàm”, chúng ta nghĩ ngay đến phẩm hạnh một bậc chân tu, luôn có sự gắn kết hài hòa trong thân, khẩu và ý. Ý nghĩ về đạo, miệng nói lời đạo, thân làm việc đạo. Cung cách giản dị, từ hòa và khiêm cung nhưng luôn kiên định lập trường “người tu”, như lời “Ôn” từng tâm sự: “Trước làm thầy tu, nay làm thầy tu, và sau cũng làm thầy tu”. Cho nên, dù ở cương vị nào do Giáo hội cung cử, với vai trò nào trong các tổ chức chính trị và xã hội của đất nước, Hòa thượng vẫn luôn thường trực tâm niệm của một vị Tỳ-kheo - Như Lai sứ giả.

Kinh Thiên đạo (số 948 - Tạp A-hàm), Đức Phật đã dạy về bốn nội dung mà một Tỳ-kheo phải quán niệm thường trực, đó là: 1. Niệm tưởng Như Lai sự (Như Lai là Đấng Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Đối với Như Lai sự này, mà sanh tâm tùy hỷ); 2. Niệm tưởng Pháp sự (Chánh pháp luật được Như Lai tuyên thuyết, ngay đời hiện tại xa lìa mọi thứ thiêu đốt, không đợi thời tiết, thông đạt Niết-bàn, tự thân quán sát, duyên nơi tự mình mà giác tri. Do biết pháp sự như vậy rồi, thì tâm sanh tùy hỷ);3. Chánh niệm Tăng sự (Tăng đệ tử của Thế Tôn, chánh trực thú hướng đáng được cung kính tôn trọng cúng dường, là ruộng phước vô thượng. Chân chánh suy niệm Tăng sự như vậy, liền sanh tâm tùy hỷ); và 4. Tự nghĩ về những giới sự đã có (Suy niệm nhớ nghĩ rằng: ‘Giới này của ta là giới không khuyết, giới không ô uế, giới không tạp; giới được bậc minh trí khen; giới được kẻ trí không chán’. Đối với những giới sự như vậy, sau khi đã thật sự nhớ nghĩ đến rồi, thì tâm sẽ sanh ra tùy hỷ).Nhờ tâm tùy hỷ như thế nên có tâm khinh an, tự tại giữa mọi ràng buộc thế gian, có sức mạnh vô úy, an lạc, tự chủ các cảm xúc, không nổi sân giận trước các sự việc bất như ý, thong dong vượt qua các nghịch duyên của cuộc đời.

Đọc lại lời kinh, nghiệm lại những lời tâm sự của cố Trưởng lão Hòa thượng lúc sinh tiền qua các hoạt động Phật sự của Giáo hội, của ngành Giáo dục Tăng Ni được Giáo hội giao phó mà chúng tôi có duyên thân cận, mới thấy được tấm gương sống đạo, hành đạo nơi vị giáo phẩm tôn túc, bậc Thầy của nhiều thế hệ Tăng Ni và Phật tử Việt Nam.

Cùng với chư vị giáo phẩm tôn túc, tấm gương tu tập, nghiên cứu và hành đạo của cố Trưởng lão HT.Thích Thiện Siêu xứng đáng để ngành Giáo dục Tăng Ni chúng ta soi vào học tập, hướng đến trong việc hoàn thiện nhân cách của một người tu sĩ Phật giáo, cùng với đào tạo các phương tiện hoằng pháp hiện đại khác, xây dựng mẫu giáo dục phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của đất nước, phát huy truyền thống Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới hôm nay.

Thích Giác Toàn

http://giacngo.vn/thuvien/giaohoiphatgiaovietnam/2013/09/22/1A464B/


Âm lịch

Ảnh đẹp