Ngược lại Dharma tức là Đạo Pháp của
Đức Phật thì lại nhất thiết chủ trương một sự buông xả để giúp con người trở về
với chính mình, nhờ vào sức mạnh mang lại từ lòng quyết tâm tự biến cải chính mình.
Sự biến cải đó gọi là thiền định.
Một
tập san Phật giáo vừa được ra mắt ở Pháp vào tháng 9 năm 2013 và trong số đầu
tiên đã đặc biệt nêu lên chủ đề thiền định. Bài mở đầu do một học giả Pháp rất lỗi
lạc là Philippe Cornu viết (đã được chuyển ngữ), nêu lên một vài nét chính yếu
của phép luyện tập này, và tiếp theo đó là một loạt các bài viết khác xoay
quanh cùng chủ đề. Tập san mang tựa là Regard
Bouddhiste, có thể tạm dịch là Hướng
nhìn Phật Giáo.
Trong
số các hướng nhìn khác nhau về thiền định nêu lên trong tập san, chúng tôi xin
chọn ra ba bài đại diện cho Phật Giáo Tây Tạng, thiền học Zen và Phật Giáo
Theravada. Tất nhiên là nội dung trong các bài báo ngắn không thể so sánh với những
gì thật sâu sắc và chi tiết trong kinh sách và các bài khảo cứu, thế nhưng cũng
có thể mang lại cho chúng ta một ý niệm nào đó về một phép luyện tập chủ yếu và
không thể thiếu sót đối với những người tu hành chân chính. Ba bài này sẽ được
lần lượt chuyển ngữ dưới đây:
bài 1: Phỏng vấn nhà sư Ringou Tulkou Rinpoché (Lạt-ma Tây Tạng)
bài 2: Zazen hay tư thế ngồi thiền (Thiền sư Pierre Dôkan Crépon)
bài 3: Như một dòng nước yên lặng đang luân lưu (Tỳ-kheo Khất Sĩ Ajahn Chah)
Hình bìa tập
san Regard Bouddhiste
(số tháng 9
và 10 / 2013)
Bài 3
NHƯ MỘT DÒNG NƯỚC LẶNG LẼ TRÔI
Bài giảng tại chùa Wat Tum Saeng Pet
vào dịp kiết hạ năm 1981
Tỳ kheo Khất Sĩ Ajahn Chah
Bản dịch tiếng Pháp: Jeanne Schut
Chuyển ngữ: Hoang Phong
Tỳ kheo Khất Sĩ Ajahn Chah (1918-1992)
Ajahn Chah (1918-1992) là một nhà sư nổi
tiếng của Thái Lan và cũng được xem là một trong số các vị thiền sư lỗi lạc nhất
của thế kỷ XX. Cách thuyết giảng trực tiếp, minh bạch và dễ hiểu của ông đã thu
hút được đông đảo người nghe. Kiến thức uyên bác của ông cũng đã góp phần giúp
cho Phật Giáo Thái Lan tiến một bước thật dài trong thế kỷ XX, và đã tạo thêm nhiều
uy tín cho Phật Giáo Theravada nói chung trong thế giới Tây Phương.
Ngày
còn trẻ ông đã từng xuất gia suốt trong ba năm liền, thế nhưng sau đó ông đã trở
về giúp cha mẹ trong việc đồng áng. Năm hai mươi tuổi ông lại quyết định trở vào
chùa, và sau đó được thụ phong tỳ kheo vào ngày 26 tháng 4 năm 1939. An phận với
cuộc sống của một người tỳ kheo trẻ, ông chăm lo tu học và nghiên cứu kinh sách,
và nhờ đó ông cũng rất thông thạo tiếng Pa-li. Thế nhưng năm năm sau thì cha ông
ngã bệnh rồi qua đời, biến cố ấy đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc
đời của ông. Trực tiếp cảm nhận được bản chất của khổ đau là gì nên ông lại càng
muốn đến gần hơn nữa với cái bản chất ấy của sự sống hầu giúp mình tìm hiểu sâu
xa hơn những lời giáo huấn của Đức Phật. Ông rời chùa và sống cuộc đời của một
người tỳ kheo khất sĩ. Ông đi chân đất hơn bốn trăm cây số xuống miền trung nước
Thái, khất thực từ làng này sang làng khác, đêm ngủ dưới các gốc cây hay trong
nghĩa địa. Sau cùng ông xin vào tu trong một ngôi chùa tuy nhỏ nhưng thật nghiêm
khắc, bắt người xuất gia phải giữ giới luật thật nghiêm túc và khắt khe. Thế nhưng
chính trong ngôi chùa này ông lại được nghe nói đến một vị thiền sư lỗi lạc là
Ajahn Mun Bhuridatto tu tập trong một ngôi chùa ở miền đông bắc Thái. Ajhan
Chah lại ôm bình bát quay về phương bắc để xin tu tập với vị thiền sư này.
Một
hôm ông hỏi thiền sư Ajahn Mun rằng kinh sách thật hết sức phong phú, chính xác
và vô cùng tinh tế, thế nhưng ông không biết phải làm thế nào để ứng dụng vào
việc tu tập của mình. Nhà sư Ajahn Mun trả lời rằng giáo huấn thật hết sức
phong phú và chi tiết, thế nhưng cốt lõi thì lại hết sức đơn giản, phát huy
được sự chú tâm thì sẽ nhận thấy ngay rằng tất cả cũng chỉ là do nơi tâm (coeur-esprit /
heart-spirit / chữ tâm có hai nghĩa: vừa tâm lại vừa tim) của mình, đấy
chính là con đường tu tập đích thật. Một câu giảng thật hết sức ngắn gọn thế nhưng
đã mở ra cho Ajahn Chah cả một Con Đường.
Sau
đó ông lại trở về với lối sống của một người tỳ kheo khất sĩ trong khu rừng Pah
Pong, đầy cọp, rắn và muỗi sốt rét. Thế nhưng rất nhiều người vào rừng tìm ông
để xin làm đệ tử. Một ngôi chùa mang tên là Wat Pah Pong được dựng lên trong
khu rừng, và dần dần sau đó nhiều ngôi chùa khác được dựng lên chung quanh.
Năm
1967, một tỳ kheo người Mỹ vừa mới được thụ phong là Ajahn Sumedho lên vùng bắc
Thái để nhập cư kiết hạ và tình cờ được nghe nói đến Ajahn Chah. Nhà sư trẻ người
Mỹ này tìm gặp ông và xin thụ giáo. Ajahn Chah thường bắt các đệ tử của ông sống
thật khắc khổ, sai bảo những việc đôi khi vượt hơn cả sức chịu đựng của họ với mục
đích thử thách quyết tâm của họ và đồng thời cũng giúp họ ý thức được là không
nên chỉ biết bám víu vào sự an lạc mang lại từ phép thiền định. Nhà sư trẻ Ajahn
Sumedho sau năm năm chịu đựng đã vượt được các thử thách ấy và Ajahn Chah bắt đầu
giảng Pháp cho ông. Ajahn Sumedho ngày nay đã trở thành một tỳ kheo khất sĩ người
Tây Phương rất nổi tiếng, và hiện trụ trì một ngôi chùa ở Anh Quốc.
Năm
1981, Ajahn Chah ngã bệnh vì bị tiểu đường. Người ta đưa ông về Bangkok để chữa
trị, thế nhưng bệnh tình ngày càng trầm trọng. Một thời gian sau thì ông không
còn cử động được và cũng không còn nói năng gì được nữa. Bài giảng dưới đây là
một trong những bài giảng cuối cùng của ông trước khi lâm bệnh. Người dịch cũng
xin mạn phép trích ra đây một câu giảng của ông, vì thiết nghĩ câu này cũng đáng
cho mỗi người trong chúng ta suy ngẫm và cũng là một dịp để nhìn lại hành động,
cuộc sống và mọi thứ mưu tính trong tâm thức mình.
"Đạo đức là căn bản thật cần thiết giúp mang lại một
thế giới hài hòa, trong thế giới đó mọi người đều được sống xứng đáng như những
con người, không như loài thú vật. Phát huy đạo đức là tâm điểm của việc tu tập.
Hãy giữ gìn giới luật, phát động lòng từ bi và kính trọng mọi hình thức của sự
sống. Phải thận trọng trong từng lời nói và hành động. Hãy xem đạo đức như một
phương tiện nhằm giúp mình đơn giản hóa và tinh khiết hóa cuộc sống của mình.
Khi nào đạo đức trở thành nền móng hiện ra trong từng hành động của mình, thì
tâm thức cũng theo đó mà trở nên nhân từ, trong sáng và an bình hơn. Trong bối
cảnh ấy, thiền định mới có thể nẩy nở một cách dễ dàng được" - Ajahn
Chah.
Bài Giảng của
Ajahn Chah
Bắt
đầu từ giây phút này, tôi xin quý vị hãy cố gắng chú tâm, đừng để tâm trí mình phiêu
du hết nơi này đến nơi khác. Quý vị hãy tưởng tượng rằng mình đang ngồi một mình
trên đỉnh núi cao hay trong một khu rừng hoang vắng. Quý vị là gì và tại sao lại
đang ngồi ở đấy? Phải chăng quý vị đang mang một thân xác và một tâm thức hay
không - thật thế, không có gì khác hơn ngoài hai thứ ấy. Những gì cất chứa bên
trong nhân dạng một con người đang ngồi nơi ấy chỉ đơn giản gồm một thứ gọi là
"thân xác", và một thứ gọi là "tâm thức". Đối với tâm thức thì
nó là một thứ gì đó biết ý thức và trong lúc này thì nó cũng đang suy nghĩ (không cần giảng về
vô ngã là gì thế nhưng nếu nhìn vào nhân dạng con người của mình đang ngồi lẻ loi
trên đỉnh núi hay hun hút trong chốn rừng sâu thì mình cũng cảm thấy tính cách
vô thực thể và vô ngã của chính mình. Xin chắp tay bái phục !).
Nếu
muốn tìm hiểu xem một cái gì đó đang ngồi tại nơi này và trong giây phút này,
thì đấy cũng chỉ là một thân xác và một tâm thức. Chúng ta thường lẫn lộn giữa
hai thứ ấy, thế nhưng nếu muốn tìm thấy sự an bình thì phải hiểu bản chất đích thật
của hai thứ ấy là gì. Trong lúc này thì tâm thức chưa được luyện tập, nên nó còn
nhơ bẩn và u tối - có nghĩa là nó chưa phải là một một tâm thức tinh khiết. Vì
thế chúng ta phải sử dụng phép thiền định để luyện tập nó.
Nhiều
người nghĩ rằng thiền định là phải ngồi xuống, hai chân bắt tréo vào nhau, thế
nhưng thật ra thì cũng có thể thiền định với bất cứ một tư thế nào. Chúng ta có
thể thiền định khi đang đứng, đang ngồi, đang đi hay đang nằm, tóm lại là có thể
thiền định vào bất cứ lúc nào (trong nếp sống thường nhật). Nghĩa từ chương của
chữ Samâdhi là "tâm thức được
thiết lập một cách vững chắc". Nếu
muốn phát huy samâdhi thì không được
bóp ngạt tâm thức! Luyện tập samâdhi là
nhằm phát huy trí tuệ và sự hiểu biết. Samâdhi
là một tâm thức vững chắc, tập trung vào một điểm duy nhất. Vậy thì nó tập
trung vào điểm nào? Đấy là điểm thăng bằng. Nó tập trung đúng vào điểm ấy. Tuy
nhiên nhiều người lại nghĩ rằng luyện tập thiền định là phải tìm cách làm cho tâm
thức phải im lặng. Họ thú nhận rằng: "Tôi cố gắng ngồi xuống để thiền định
thế nhưng không sao giữ cho tâm thức dừng lại được một phút nào cả. Nó chạy hết
đầu này đến đầu kia. Vậy làm thế nào để bắt nó phải dừng lại?" Thiền định
nào có phải là bắt tâm thức dừng lại đâu. Phải luôn cần có một sự chuyển động
thì sự hiểu biết mới có thể bùng lên được.
Người ta thường than phiền: "Tâm
thức phóng đi, tôi lôi nó trở lại; nó lại phóng đi, tôi lại phải lôi nó về".
Ngồi đấy để đuổi bắt tâm thức quả là mất hết thì giờ. Họ cứ tưởng rằng tâm thức
chạy tán loạn ra khắp hướng, thế nhưng thật ra thì đấy chỉ là một cảm giác mà
thôi (tâm thức vẫn
ở một chỗ, tức là bên trong não bộ của mình, nó chẳng chạy cũng chẳng phóng đi đâu
cả, nó chỉ dậm chân tại chỗ để mà hành hạ mình thế thôi). Chẳng hạn một
số người khi nhìn vào gian phòng này sẽ thốt lên: "Ồ, gian phòng to quá!"
Thế nhưng thật ra thì gian phòng cũng chẳng to lớn gì. Nếu quý vị cho rằng nó to
lớn thì đấy cũng chỉ là một sự cảm nhận của quý vị mà thôi (chỉ là một sự diễn đạt của tâm thức).
Trên thực tế, gian phòng chỉ mang kích thước của nó, kích thước đó (tự nó) không
lớn cũng không nhỏ (to lớn hay chật hẹp là do sự diễn đạt chủ quan và quy ước của
tâm thức khi nó cảm nhận được kích thước của gian phòng. Đối với gian phòng thì
nó vẫn là như thế, nó có kích thước như thế, không rộng cũng không hẹp. Thí dụ
ngoài sân có ba gốc xoài, con số ba và các cây gọi là cây xoài chỉ có trong tâm
thức của người nhìn ra sân, ngoài sân chỉ có "cây cối" mà thôi).
Thế nhưng mọi chuyện lại cứ xảy ra như thế! Người ta bỏ hết thì giờ vào việc đuổi
theo các cảm giác (impression, feeling / cảm tưởng hay sự tưởng tượng, sự đánh giá hay diễn
đạt) của mình. Thiền định là nhằm vào mục đích mang lại sự an bình, (không phải là cách
đuổi bắt các sự cảm nhận)... Vì thế trước hết phải hiểu an bình là gì,
nếu không thì chẳng bao giờ chúng ta có thể tìm được nó.
Thông thường người ta nghĩ rằng
"an bình" là một sự lắng dịu của tâm thức, thế nhưng thật ra an bình
là sự lắng dịu của những thứ ô nhiễm tâm thần (những xúc cảm bấn loạn, những sự quán nhận
sai lầm về hiện thực, nói theo kinh sách thì đấy là các tác động của vô minh).
Đối với sự an bình theo cách mà người ta thường hiểu thì các thứ ô nhiễm tâm thần
cũng chỉ tạm thời được đặt sang một bên, tương tự như lấy một tảng đá đè lên một
đám cỏ. Bởi vì khi lấy tảng đá đi thì vài hôm sau cỏ lại mọc lên trở lại. Cỏ chỉ
tạm thời bị lấp đi nhưng không bao giờ biến mất. Samâdhi (sự tập trung tâm thần, sự tĩnh lặng, sự định tâm hay
"nhập định") cũng hoàn toàn tương tự như thế: tâm thức tạm
thời lắng dịu thế nhưng các thứ ô nhiễm tâm thần thì vẫn còn nguyên! Thể dạng samâdhi mang lại một hình thức an bình nào
đó, tương tự như tảng đá che khuất cỏ, sự an bình ấy chỉ có tính cách tạm thời (trong khi thiền định
chúng ta có thể phát huy được thể dạng samâdhi, thế nhưng sau khi nhập cuộc trở
lại với các sinh hoạt trong cuộc sống thường nhật thì đâu cũng lại hoàn đấy).
Nếu muốn tìm thấy một sự an bình đích thật thì phải phát huy trí tuệ. Sự an bình
do trí tuệ mang lại sẽ tương tự như tảng đá để nguyên một chỗ. Nếu quý vị không
lấy tảng đá đi thì cỏ cũng sẽ không bao giờ có thể mọc lại được. Đấy là sự an bình
đích thật, và cũng là sự chấm dứt của các thứ ô nhiễm tâm thần.
Chúng ta vừa nói đến trí tuệ (pannâ) (pannâ là tiếng Pa-li, tiếng Phạn là prajnâ)
và sự tĩnh lặng (samâdhi) có vẻ như là
hai thứ khác nhau, thế nhưng phải hiểu rằng từ căn bản, hai thứ ấy cũng chỉ là
một. Trí tuệ là thể dạng năng động của samâdhi,
và samâdhi là thể dạng thụ động của
trí tuệ. Cả hai có cùng một nguồn gốc như nhau, nhưng lại hướng vào hai chiều
khác nhau và đảm trách các chức năng khác nhau [...].
Khi nào cần phải ngồi xuống để thiền
định thì quý vị cứ ngồi xuống, thế nhưng không được quên rằng cứ phải ngồi xuống
thì mới có thể thiền định được. Phải để cho tâm thức được tự do sống một cách
trọn vẹn với mọi sự vật, hãy để cho mọi sự vật chuyển động hầu giúp chúng cảm
nhận được bản chất đích thật của chúng (câu này khá bao quát và trừu tượng: có nghĩa là hãy để cho
mọi sự vật - các hiện tượng thuộc bối cảnh bên ngoài và các tư duy trong tâm thức
mình - chuyển động một cách tự nhiên. Hãy cảm nhận chúng là như thế và không
tìm cách diễn đạt hay lèo lái chúng, hãy để chúng diễn tiến đúng với bản chất
và các quy luật thiên nhiên chi phối chúng. Thí dụ đối với tư duy hiển hiện
trong tâm thức thì cứ theo dõi chúng, không tham gia cũng không chống lại, mà
chỉ nên xem chúng là vô thường và không đúng thật, không mang một giá trị đích
thật nào cả). Vậy phải nhìn vào chúng như thế nào? Phải xem chúng mang
tính cách vô thường, không hoàn hảo và vô cá thể (impersonal / vô ngã, không hàm chứa một thực
thể hay một sự hiện hữu đích thật). Tất cả đều bất định. Nếu quý vị cho
rằng: "Vật này đẹp tuyệt vời! Nhất định tôi phải chiếm hữu nó mới được",
thì quý vị cũng nên nghĩ ngay rằng: "Chuyện đó chưa chắc đã là đúng" (chưa chắc vật ấy đẹp
tuyệt vời một cách thật sự). Hoặc nếu quý vị cho rằng: "Tôi không
thích thứ ấy một chút nào cả!", thì cũng phải nghĩ ngay: "Chưa chắc là
đúng". Có phải thế hay không? Quả đúng là như thế đấy quý vị ạ! Chắc chắn
không sai đâu (diễn
đạt một sự cảm nhận nào đó cũng chỉ là một sự đánh giá chủ quan, sự diễn đạt ấy
chỉ mang tính cách nhất thời - tức là vô thường - và không hề hàm chứa một giá
trị tuyệt đối nào cả).
Có những món ăn trông có vẻ thật tuyệt
vời, thế nhưng ngay cả đối với những chuyện (nhỏ nhặt) như thế quý vị cũng phải tự nhắc nhở mình:
chưa chắc đã đúng. Tuy có vẻ đúng thật là như thế, đĩa thức ăn thật ngon, thế nhưng
quý vị cũng cứ phải nghĩ rằng: "Chưa chắc!" Nếu muốn kiểm chứng điều ấy
thì cũng không phải là chuyện quá khó: quý vị cứ thử ăn món ăn mà mình ưa thích
mỗi ngày xem sao - tôi xin nhắc lại là quý vị ăn mỗi ngày cùng một món ấy, thì
sớm muộn quý vị cũng chán ngấy và sẽ phải thú nhận rằng: "Món ăn không còn
ngon như trước nữa". Sau đó quý vị cũng có thể nghĩ rằng: "Thật ra
tôi thích các món ăn khác hơn" Thế nhưng cũng lại chưa chắc là đúng như thế
(tóm lại là phải
luôn nghi ngờ mọi cảm nhận của mình. Bởi vì đấy cũng chỉ là những phản ứng của
tâm thức chi phối bởi tác động phát sinh từ xung năng của nghiệp. Nếu chú ý thì
chúng ta sẽ nhận thấy là trong suốt bài giảng nhà sư Ajahn Chah luôn tìm cách đơn
giản hóa căn bản và các khái niệm thật thâm sâu trong giáo lý nhằm giúp người
nghe dễ hiểu và dễ theo dõi hơn. Ông không hề sử dụng các thuật ngữ chuyên biệt
trong kinh sách, cũng không giải thích dông dài về lý thuyết)!
Một số người hành thiền ngồi im
"trong tư thế thiền định" cho đến khi tâm thần ngầy ngật, nhìn vào cứ
tưởng như họ sắp chết đến nơi, họ không còn ý thức được là mình đang ở đâu nữa.
Quý vị không nên để mình rơi vào tình trạng bế tắc như thế! Nếu cảm thấy buồn
ngủ thì nên đứng lên đi đi lại lại! Hoặc sửa lại tư thế ngồi! Phải biết suy nghĩ.
Nếu thật sự mệt mỏi thì cứ nằm ngủ, thức dậy sẽ thiền định trở lại. Luyện tập là
phải như thế: phải ý thức, sáng suốt và nhận định đúng đắn. Tu tập trước nhất là
phải quán nhìn vào thân xác và tâm thức mình. Phải nhìn thấy bản chất vô thường
của chúng (những
gì thuộc thân xác như vóc dáng, sắc đẹp, sức khoẻ, duyên dáng, mỹ miều... và cả
những thứ hỗn độn trong tâm thức như yêu thương, hờn giận, tiếc nuối, hy vọng,
lo buồn, sợ hãi, ghét bỏ, thông minh, đần độn..., tất cả đều là vô thường),
sau đó mọi thứ khác cũng sẽ chuyển động theo (người thân, bạn hữu, của cải, danh vọng, thông
thái, dốt nát... cũng đều là vô thường, cũng chẳng khác gì như thân xác và các
tư duy hỗn độn trong tâm thức mình). Hãy nghĩ đến những chuyện ấy
trong khi thưởng thức một món ăn ngon (không nên để cho các giác cảm thích thú - cũng như đớn đau
- mang tính cách nhất thời có thể che khuất hiện thực và đánh lạc hướng sự quán
nhận của mình về bản chất của mọi hiện tượng). Hãy nghĩ rằng:
"Chẳng có gì chắc chắn cả" (đang ăn ngon thế nhưng món ăn chưa chắc thật sự là ngon như
mình tưởng, hãy liên tưởng đến thí dụ vừa được nêu lên trên đây). Mỗi
khi các phản ứng (có
nghĩa là những sự cảm nhận và diễn đạt của tâm thức) nổi lên thì phải
hạ chúng đo ván ngay, không nên để chúng cho mình do ván. Mỗi khi cảm thấy không
thích một thứ gì đó (tình trạng bất toại nguyện) thì quý vị đành nhận
chịu khổ đau: đấy là cách để cho hoàn cảnh hạ mình đo ván! Thái độ (thụ động)
đó không thể giúp quý vị vật ngã các hoàn cảnh khó khăn và cho chúng đo ván được.
Hãy chuyên cần luyện tập trong bất cứ
tư thế nào: dù là đang ngồi, đang đi, đang đứng hay đang nằm. Bởi vì dù là mình
đang ngồi, đang đứng, đang đi hay đang nằm, thì nóng giận vẫn cứ có thể bùng lên
với mình được, hoặc một sự thèm muốn nào đó cũng có thể hiện lên dù là mình đang
trong tư thế nào. Vì thế không nên mâu thuẫn với chính mình (tự lừa dối mình)
mà phải luyện tập trong bất cứ tư thế nào (không nên vin vào một lý do thiếu chánh đáng nào cả để
tránh né việc luyện tập). Nhất là không nên luyện tập cho có, mà phải
cố gắng một cách nghiêm chỉnh! Trong lúc đang ngồi hành thiền biết đâu cũng có
thể hiện ra trong tâm thức mình một khó khăn nào đó (chẳng hạn như bỗng dưng cảm thấy buồn bực, sợ
hãi, giận dữ, ganh tị, thèm muốn...), thế nhưng chưa kịp dẹp xong khó
khăn ấy thì một khó khăn khác lại hiện ra. Vậy quý vị hãy tự nhủ: "Chưa chắc
đúng, chưa chắc đúng là như thế!" Đấy là cách giúp mình nghi ngờ (tính cách đích thật
của) các tư duy ấy (tức là các khó khăn hiện ra với mình) và phải hạ chúng đo ván
ngay tức khắc, trước khi chúng có thể cho mình đo ván! (xin nhắc lại là tất cả các tư duy và xúc cảm hiện
ra trong đầu mình chỉ là những sự diễn đạt chủ quan của tâm thức ảnh hưởng bởi
tác động của nghiệp, chúng không hàm chứa một thực thể nào cả, tức có nghĩa là
"Chưa chắc đúng là như thế!", nói cách khác là các tư duy và xúc cảm ấy
không mang một tính cách khách quan và vững chắc nào, tức không hàm chứa một sự
hiện hữu nội tại và tuyệt đối nào cả. Do đó nhà sư Ajahn Chah khuyên chúng ta
phải xem những thứ ấy "không đúng thật là như thế" và phải cho chúng đo
ván ngay. Bởi vì nếu cho chúng là đúng để nắm bắt chúng, bám víu vào chúng thì
đấy chính là cách gây ra mọi thứ khó khăn cho mình. Cách giảng của nhà sư Ajahn
Chah rất thực tế và phi lý thuyết: ông chỉ khuyên chúng ta trong khi hành thiền
nếu có những khó khăn - chẳng hạn như thèm muốn, thích thú, vui sướng, giận giữ,
bám víu..., tức là mọi sự diễn đạt và cảm nhận của tâm thức - hiện ra thì phải
nhắc nhở mình ngay là "Chưa chắc là đúng như thế" và hãy vật cho
chúng đo ván ngay lập tức. Phương pháp "hạ ngay các thứ khó khăn khiến cho
chúng phải đo ván" là cách mà nhà sư Ajahn Chah đưa ra để khuyên những người
chất phác, thật thà có thể "hành thiền" mà không cần phải vận dụng đến
lý thuyết hay trí tuệ lôi thôi gì cả! Xin chắp tay bái phục thêm một lần nữa những
lời giảng thật thiết thực và đơn giản của nhà sư Ajahn Chah về những gì hết sức
thâm sâu trong Đạo Pháp).
Vài lời ghi chú của người dịch
Qua ba bài chuyển ngữ trên đây (bài
1 của vị Lạt-ma Ringou Tulkou Rinpoché, bài 2 của Thiền sư Pierre Dôkan Crépon
và bài 3 trên đây của vị Tỳ kheo Theravada Ajahn Chah) vấn đề thiền định được
nhìn dưới ba góc cạnh khác nhau. Vậy chúng ta có thể rút tỉa được những gì từ
ba góc nhìn ấy?
Ba góc nhìn nhưng chỉ có một con đường
Tuy rằng Đạo Pháp chỉ có một, phương
tiện chỉ có một tức là phép thiền định, và cứu cánh cũng chỉ có một tức là sự
giải thoát con người khỏi mọi khổ đau, thế nhưng thoạt nhìn thì mỗi tông phái đều
nhìn vào các phương tiện một cách khá khác biệt nhau. Đấy là nguyên nhân chính
yếu nhất đã khiến cho Đạo Pháp nguyên thủy của Đức Phật trở thành đa dạng và phức
tạp. Điều đó không tránh khỏi làm cho một số người tu tập phải hoang mang. May
mắn thay Đạo Pháp luôn chỉ là một, cứu cánh cũng chỉ là một, nhờ đó tuy việc tu
tập được dựa vào nhiều phương pháp và nguyên tắc khác nhau, thế nhưng những người
tu tập theo các tông phái khác nhau ấy đều cảm thấy rằng giữa họ với nhau thì tất
cả cũng chỉ là những người đồng hành cùng đi trên một con đường.
Bài thứ nhất nêu lên quan điểm về
thiền định của Kim Cương Thừa. Nguyên tắc chung của tông phái này là chuyển hoá
tất cả những gì tiêu cực nhằm hướng chúng vào việc tu tập, nói cách khác là biến
sức mạnh tàn phá của chúng trở thành sức mạnh tích cực mang lại sự giải thoát
cho mình và cho kẻ khác. Chẳng hạn như chúng ta vẫn thường nghe các vị thầy Kim
Cương Thừa giảng rằng: phải yêu thương kẻ thù của mình như là một vị thầy quý
giá nhất vì chính họ sẽ tập cho mình sự nhẫn nhục, tha thứ và yêu thương, v.v.
Đối với vấn đề thiền định thì vị Lạt-ma
Ringou Tulkou phân chia sự vận hành của tâm thức ra thành hai thể dạng: tâm thức
yên tĩnh hay thư giãn (nepa) và tâm
thức năng động (gyurwa) tức có nghĩa
là đang làm việc. Trong thể dạng năng động, tư duy và xúc cảm sẽ dấy lên, tâm
thức thì tìm tòi hết chuyện này đến chuyện khác... Đối với một người hành thiền
theo Kim Cương Thừa thì không nên tìm cách ngăn chận không cho tâm thức làm việc
mà chỉ ý thức và kiểm soát các công việc mà nó đang làm, nhằm giúp mình theo dõi
và canh chừng những công việc của nó (không cho nó làm những chuyện xằng bậy).
Đối với thiền học Zen thì "trong
tâm thức luôn dấy lên đủ mọi thứ tư duy, chúng có xu hướng nối kết và níu kéo
nhau không bao giờ ngưng nghỉ". Vây hãy "đứng ra ngoài" và cứ để
cho chúng tự tháo gỡ và tan biến đi, và nhất là không nên tham gia vào sự xúi dục
của chúng để tránh không tạo ra cho mình mọi thứ xúc cảm, và nhờ đó các tư duy đơn
giản hơn, không níu kéo nhau, cũng không chuyển tải những xung năng đủ loại, có
thể hiện ra và trôi đi một cách tự nhiên và nhẹ nhàng hơn.
Đối với Phật Giáo Theravada thì thiền
định là phải canh chừng tất cả mọi sự cảm nhận hiện ra trong tâm thức, không để
cho chúng biến thành những sự diễn đạt dưới bất cứ hình thức nào - dù đấy là sự
thích thú hay ghét bỏ - nhằm tránh không cho chúng lôi kéo mình trực tiếp tham
gia vào những sự diễn đạt ấy của tâm thức. Nếu nói theo Ajahn Chah thì phải hạ
chúng đo ván ngay lập tức, trước khi chúng xúi dục mình phạm vào những tác ý,
ngôn từ và hành động sai lầm, bởi vì chúng ta không thể nào tin vào sự chính đáng
và đích thật của chúng. Nếu nói theo chủ thuyết Trung Quán Luận của Long Thụ thì
đấy là những sự lừa phỉnh, và nếu nói theo Duy Thức Học của Vô Trước thì đấy là
những tạo dựng đơn thuần của tâm thức, không mang một thực thể nào cả.
Những gì trên đây cho chúng ta thấy
rằng cả ba tông phái tuy nhìn vấn đề thiền định từ ba góc cạnh khác nhau, thế
nhưng trên căn bản thì các phương pháp tiếp cận của cả ba tông phái thật hết sức
gần nhau và chủ đích cũng chỉ là một: giải thoát cho tâm thức khỏi mọi sự vướng
mắc, ô nhiễm và bấn loạn, giúp tâm thức tìm về với bản thể vắng lặng và nguyên
sinh của nó. Tuy những điểm khác biệt chỉ
mang tính cách thứ yếu, thế nhưng chúng lại là nguyên nhân làm phát sinh ra sự đa
dạng của cả Phật Giáo nói chung.
Sự giác ngộ mang tính cách bất thần
hay tuần tự
Điểm đáng ghi nhận thứ hai là con đường
thiền định đưa đến giác ngộ gồm có một chặng đường chuẩn bị, chặng đường này được
xác định bởi hai giai đoạn: samâtha (sự
tĩnh lặng) và samâdhi (sự định tâm).
Kim Cương Thừa và Phật Giáo Theravada chủ trương người tu tập phải được chuẩn bị
qua hai giai đoạn này trước khi có thể phát huy trí tuệ nhằm mang lại cho mình
sự giác ngộ. Chỉ riêng Thiền Tông là chủ trương sự phát lộ bất thần của sự giác
ngộ và không quan tâm đến giai đoạn chuẩn bị. Trong bài số 2, Thiền sự Pierre
Dôkan Crépon có nói như sau: "Người hành thiền không hướng vào một mục đích
nào, cũng không chờ đợi một sự thăng tiến tuần tự nào. Người hành thiền luyện tập
một điều gì đó mà chính họ cũng không nói ra được."
Chính điều này đã đưa đến nhiều khó
khăn và hoang mang cho người tu tập. Dầu sao cũng cần phải lưu ý là Thiền Tông
khi đưa ra quan điểm về một sự giác ngộ bất thần không phải là không có lý, bởi
vì giác ngộ là một sự bừng tỉnh, một hình thức phát lộ hay bộc phát bất thần của
sự hiểu biết. Tuy nhiên người ta cũng có thể nghĩ rằng sự hiểu biết hay giác ngộ
có thể bộc phát theo từng cấp bậc một, trước khi quán thấy được Sự Giác Ngộ cuối
cùng và tối thượng. Dầu sao thì quan điểm này cũng không liên quan đến chủ đề đang
được bàn thảo, chúng ta chỉ cần hiểu rằng Thiền Tông giao khoán mọi sự chuẩn bị
cho các vị Thầy đứng ra hướng dẫn các thiền sinh và những người tu tập. Nhận xét
này cũng đã được Philippe Cornu nêu lên trong bài viết của ông về thiền định ("Nói chuyện thiền định, thế nhưng quý
vị có hiểu thiền định là gì không", đã được chuyển ngữ). Chính sự giao
khoán đó đã khiến thiền định trở nên phức tạp và khó nắm bắt cho một số người
tu tập. Ngoài các ảnh hưởng do tánh khí của các vị thầy, Thiền Tông lại còn chịu
ảnh hưởng quá nặng nề của các nền văn hoá địa phương và đã trở thành thật đa dạng,
Thiền Trung Quốc (Chan) và thiền Nhật Bản (Zen) tuy chỉ là một, thế nhưng các hình
thức màu mè mang tính cách bên ngoài thật hết sức đa dạng và khác biệt nhau. Dầu
sao thì thiền Trung Quốc ngày nay cũng đã suy tàn và mai một, chỉ còn lại một chút
vang bóng mà thôi.
Trong khi đó thì Kim Cương Thừa lại sử
dụng mọi phương tiện phụ trợ như mạn-đà-la, các câu thần chú man-tra, các vị thần
linh hỗ trợ, các nghi lễ cầu kỳ..., tất cả đều được quy định thật rõ rệt. Các
phương pháp của Phật Giáo Theravada tương đối giản dị hơn, chỉ sử dụng phép quán
nhìn vào thân xác và tâm thức, tức là theo dõi từng giác cảm hay sự cảm nhận xảy
ra trên thân xác cũng như trong tâm thức để ý thức và chủ động chúng. Mỗi khi có
một giác cảm hiện ra thì phải theo dõi, ý thức được nó và chận đứng không cho nó
chuyển thành tác ý. Do đó cũng có thể nói là Phật Giáo Theravada chủ trương phải
loại bỏ mọi xúc cảm bấn loạn từ "trong trứng" tức là từ khi chúng còn
trong thể dạng nguyên nhân. Chuyện kể có một vị Thầy đang thuyết giảng cho các
đệ tử, bỗng dưng gập cánh tay vào rồi lại duỗi thẳng ra, sau đó lại gập cánh
tay vào. Các đệ tử ngồi nghe lấy làm lạ, một người vọt miệng hỏi rằng thầy đang
giảng tại sao lại ngưng để gập tay vào, duỗi tay ra và lại gập tay vào như thế?
Vị thầy trả lời rằng: "Ta gập tay vào, thế nhưng ta bị xao lãng và không ý
thức được động tác của mình là đang gập tay vào, vì thế ta phải duỗi tay ra và
lại gập tay vào để theo dõi và ý thức được các động tác trên thân xác của ta đấy
thôi". Trái lại Kim Cương Thừa thì lợi dụng sức mạnh của các xúc cảm khi
chúng đã phát sinh ra và Thiền Tông thì cố gắng "đứng ra ngoài và không
tham gia" vào sự chuyển động của những thứ xúc cảm bấn loạn đang vận hành
trong tâm thức và cứ để cho chúng trôi đi một cách tự nhiên.
Dầu sao thì cả ba tông phái đều chủ
trương phải "buộc chặt tâm thức vào hiện tại" không cho nó phóng chạy
tán loạn. Kim Cương Thừa gọi sự kiện đó là sống trong thực tại, Thiền Tông thì
gọi là phát huy tâm linh tỉnh thức hay là sự tỉnh giác, Phật Giáo Theravada thì
sử dụng phép theo dõi từng động tác trên thân thể, từng ngôn từ và từng tư duy
trong tâm thức, như vừa được mô tả trên đây.
Chú tâm vào một điểm
Những gì vừa trình bày trên đây có
thể gộp chung trong một phép luyện tập gọi là sự chú tâm vào một điểm. Điểm đó
có thể là một chữ cái, một hòn đá cuội, một ảnh tượng của Đức Phật... Trong bài
giảng trên đây Ajahn Chah gọi đấy là điểm "thăng bằng" của tâm thức.
Tuy nhiên chúng ta cũng có thể hiểu rộng hơn hay mở rộng ra thêm điểm duy nhất
hay thăng bằng ấy.
Thật vậy có mấy người trong chúng ta
có thể tự nhận mình hiểu được rằng mình sống để làm gì hay không? Sự sống của mình
có ý nghĩa như thế nào? Sở dĩ chúng ta không thể hiểu được tại sao chúng ta lại
đang sống như thế này và đang hành xử như thế này, ấy chẳng qua là vì tâm thức
mình luôn ở trong tình bị tán loạn, chi phối bởi bản năng sinh tồn và truyền giống,
thúc đẩy bởi mọi thứ xung năng của nghiệp. Tâm thức do đó luôn lọt ra khỏi sự
chủ động và quản lý của mình. Tóm lại là mình cũng không biết mình là ai, tại
sao mình lại hành xử như thế, và thật sự là mình muốn gì và chờ đợi gì trong thế
giới này. Chúng ta hoàn toàn lạc hướng trong sự sống vô cùng phức tạp, chi phối
bởi đủ mọi thứ quy ước giả tạo và thừa hưởng những tác động của nghiệp luôn sôi
sục trong tâm thức, do đó chúng ta không sao tìm được sự an bình thật sự và sâu
xa trong tâm thức mình.
Thiền định là trở về với chính mình
nhờ một tâm thức biết hướng vào một điểm thăng bằng duy nhất, tức là không cho tâm
thức phóng chạy tán loạn. Vậy chúng ta thử mở rộng thêm điểm duy nhất ấy để biến
nó thành một lý tưởng nào đó trong cuộc sống của mình xem sao. Nếu biết mang lại
một lý tưởng cho cuộc sống của mình và chú tâm vào lý tưởng ấy thì biết đâu cũng
là cách mang lại cho mình một tâm thức an bình, trong sáng, và tinh khiết. Nếu
mỗi đêm mình gối đầu lên lý tưởng đó để ngủ, khi thức dậy thì khoác nó lên người,
sử dụng nó như một cơ sở chuyển tải từng hành động, ngôn từ và tư duy của mình
thì đấy cũng là một cách chú tâm vào một điểm giúp mình hiểu được là mình sống
để làm gì, và nhất là giúp mình trở về với bản thể nguyên sinh của chính mình.
Đức Phật, chỉ có hai chiếc áo cà-sa
và một chiếc áo ấm, hai tay ôm bình bát và đi chân đất trong suốt bốn mươi lăm
năm trên khắp nẻo đường hoằng Pháp. Chiếc bình bát để khất thực, múc nước uống
và tắm gội ở các bờ sông hay trong các con suối hai bên đường. Chiếc áo cà-sa
ngoài việc che thân còn được gấp lại để ngồi thuyết giảng và để gối đầu trong
giấc ngủ, và lần gối đầu cuối cùng là ở giữa hai gốc cây sa-la. Đấy là sự chú tâm
vào một lý tưởng duy nhất: tình thương người, thương từng mỗi người trong chúng
ta hôm nay. Đấy cũng là sự chú tâm vào một điểm duy nhất của một bậc Vĩ Nhân của nhân loại.
|
Bures-sur-Yvette,
06.11.13
Hoang
Phong chuyển ngữ