"Cháu có nghe nói là những người tập thiền giỏi, họ có thể biết trước được tương lai của mình, có phải vậy không?"
Bà đáp, "Có thể, nhưng đó không phải là mục đích của thiền!"
Nó hỏi tiếp, "Thế thì bà có biết ai tập thiền và có được thần thông không?"
"Bà có nghe nói về một thiền sư ở Ấn độ có khả năng đi xuyên được qua tường!"
Em có vẻ không tin lắm, "Nhưng bà có chính mình thấy được việc ấy không?"
"Bà cũng chưa chứng kiến điều ấy, nhưng mà vị thầy của bà kể lại là ông
đã nhìn thấy, và bà chỉ dựa vào lời của ông mà thôi."
"Nhưng mà làm sao người ta có thể đi xuyên qua tường được?"
Bà Sylvia cố gắng giải thích thêm, "Bà nghĩ có lẽ cũng giống như là cơ
thể chúng ta được cấu tạo bởi những phân tử rất nhỏ hợp lại, và những
người có năng lực thiền định giỏi họ có thể tự làm tách rời những phân
tử ấy ra, đi xuyên qua tường, và rồi họ gom hợp chúng lại với nhau như
cũ!"
Bé trai im lặng,
suy nghĩ một hồi, rồi nói "Cháu thấy là nếu họ làm như vậy, mà rủi như
họ đang đi xuyên qua bức tường, và quên thiền tập, họ có bị kẹt cứng
trong bức tường ấy luôn không?"
Những bức tường trong cuộc đời
Các
em nhỏ lúc nào cũng có những suy nghĩ và thắc mắc mới lạ bạn hả! Câu
truyện ấy cũng khiến tôi liên tưởng đến những "bức tường" vô hình trong
cuộc sống chúng ta. Có biết bao lần, chúng ta đã bị kẹt cứng trong
những "bức tường" của hờn giận, lo âu, của thất vọng, sợ hãi… không thể
thoát ra được.
Trong
thiền quán thì phép lạ không phải là đi xuyên qua tường hay đi trên mây,
mà phép lạ là đi trên mặt đất. Địa hành thần thông. Tổ Lâm Tế nói,
phép lạ là ta có thể đi như một người có tự do, thong dong giữa những
bận rộn và lo toan của cuộc đời, không bị vướng mắc hay kẹt vào nơi đâu
cả. Nhưng thật ra, không phải chỉ có muộn phiền mới là những “bức
tường”, mà đôi khi ta cũng có thể bị kẹt trong những bức tường của “hạnh
phúc” nữa.
Trong quyển
Hồ Walden, ông Henry David Thoreau viết, "Tôi thấy những người trẻ thật
là bất hạnh khi họ được thừa kế những tài sản lớn lao của cha ông
mình... vì chúng là những gì mà mình thu nhận vào thì dễ mà buông bỏ ra
thì rất khó." Đâu phải chỉ có khổ đau, mà những may mắn trong cuộc đời,
những thành đạt và ý niệm về hạnh phúc, cũng có thể là những bức tường
đóng kín nhốt ta lại, phải không bạn?
Tôi có những người bạn, đời và đạo, chúng tôi thân mật với nhau cho đến
khi mình khoác lên một chiếc áo nào đó. Bạn biết không, những địa vị
tuy cần thiết cho cuộc sống, nhưng chúng cũng dễ khiến làm chúng ta trở
nên nhỏ hẹp đi, mà cũng đôi khi dễ vô tình che khuất đi chút tình người…
Con ngỗng trong bình
Bức
tường giam giữ ta thường được tạo tác lên từ những gạch đá muộn phiền
của quá khứ, hoặc những lo sợ hay mong cầu ở tương lai. Nhưng bạn nghĩ
chúng ta có thể thoát ra được bằng cách nào đây?
Trong nhà thiền có một câu đố như vầy, hãy tưởng tượng là có một con
ngỗng con còn nhỏ người ta bỏ vào trong một cái bình và nuôi trong một
thời gian, con ngỗng ấy lớn lên vừa khít với cái bình. Bây giờ vấn đề
là làm sao ta có thể đem con ngỗng ấy thoát ra ngoài, mà không đập vỡ
cái bình, và cũng không làm gì tổn thương đến con ngỗng?
Và, một giải pháp đơn giản là “Con ngỗng ấy ra rồi!” Đó là câu trả lời
của thiền sư Nam Tuyền đáp cho cư sĩ Hoàn Công. Tôi hiểu rằng, vì
chúng ta tự tưởng tượng ra vấn đề con ngỗng ở trong bình, thì bây giờ
mình chỉ cần cho nó được thoát ra ngoài thôi. Chứ con ngỗng đâu có
thật, mà cái bình giam giữ nó cũng đâu thật có. Tất cả đều do tự mình
đặt ra thôi.
Có những
khổ đau trong cuộc sống cũng tương tự như vậy, ta tự đặt ra những khuôn
mẫu cứng nhắc, rồi đóng khung và nhốt kín lại hạnh phúc của mình. Và ta
loay hoay trong khổ đau để mong tìm một giải pháp. Mà nếu như tự mình
nhốt mình lại, thì cũng chỉ tự mình mới có thể cho phép mình thoát ra
được thôi, phải không bạn?
Tháo gở bằng cái thấy trong sáng
Muốn
thoát ra sự giam cầm ấy, ta phải biết nhận diện và thấy ra được những
gì đang trói buộc mình. Nhiều khi chúng không phải do hoàn cảnh bên
ngoài, mà do phản ứng và sự dính mắc của ta với những gì xảy ra. Nhưng
cũng nhờ có những sự va chạm ấy, mà ta có thể thấy ra được khổ đau ngay
nơi gốc rễ của nó.
Thiền
sư Lâm Tế viết, "Chúng ta không thể nào giải quyết được những vấn đề
của quá khứ, trừ khi qua sự liên hệ với hoàn cảnh hiện tại. Lúc cần
thay đồ thì ta mặc áo vào, đến khi cần lên đường thì ta bước ra đi. Có
vậy thôi!" Ta chỉ có thể giải quyết được những vấn đề của quá khứ, hoặc
chăm sóc cho các dự án ở tương lai, qua sự ứng xử của mình ngay trong
giờ phút này. Và theo như ngài Lâm Tế, thật ra ta cũng không cần làm
một việc gì phi thường, chỉ cần chú tâm và quan sát những gì đang có mặt
trong thân tâm ta khi tiếp xúc với chung quanh.
Chú tâm, quan sát không phải để ta tìm kiếm một tuệ giác hay một giải
pháp nào đó, mà là biết nhận diện để tự khám phá ra những gì đang có mặt
ngay ở nơi mình.
Những
khi ta có vấn đề với người thân, khi cảm thấy bất an, đối diện với một
khó khăn, hay trong lúc lo sợ và bối rối… ta hãy quay nhìn lại những gì
đang xảy ra một cách trung thực, với một tâm không mong cầu. Được bấy
nhiêu thôi vấn đề cũng sẽ tự nó được chuyển hóa nhiều rồi, nhờ ta biết
thôi không còn dựng lên và tự nhốt mình vào những bức tường nữa.
Thật ra vấn đề không phải là ta nên giải quyết như thế nào, mà quan
trọng là ta có thấy rõ lại chính mình trong thực tại này không. Thấy
đúng rồi thì mình mới có thể làm đúng được. Đôi khi chúng chỉ đơn giản
như là mặc một chiếc áo, uống một tách cà phê, ngồi chờ một chuyến xe,
bước đi trên con đường nhỏ… nhưng ta làm với một thái độ thật trọn vẹn.
Đâu phải của mình trăng thôi
Khi
muốn đến một đỉnh núi xa, chúng ta không thể nào đi đến nơi ấy bằng một
con đường thẳng cố định, hay bước theo một khuôn mẫu duy nhất nào
được. Sẽ có những lúc mình đi trệch sang trái hoặc bước lạc sang phải.
Nhưng nếu như ta cứ tiếp tục biết nhìn lại và có mặt trong giờ phút
hiện tại, giữ cho được trong sáng và tự nhiên, thì nó sẽ tự biết sửa
chữa và điều chỉnh lại, mà không cần đến sự can dự của ta. Nếu như ta
biết cẩn trọng, mỗi bước chân sẽ làm mới lại con đường mình đi.
Có lẽ vì chưa thấy được sự trong sáng tự nhiên ấy, nên ta thường tìm
kiếm hạnh phúc nơi một khuôn mẫu nào đó bên ngoài. Biết rằng những
khuôn mẫu đôi khi cũng cần thiết, nhưng ta cũng nhớ quay trở về lại với
chính mình bạn nhé. Tôi nhớ bài thơ của thiền sư Myoe, thế kỷ 13,
Tâm tôi rạng ngời
Ánh sáng tinh khôi
Mà trăng cứ ngỡ
Đấy là ánh sáng
Của mình trăng thôi
Thiền sư Myoe (Nhật Chiêu dịch)
nguyễn duy nhiên