Trong
ta có hai cực, một cực hướng thượng và một cực hướng hạ. Cực tiếng Anh
là Pole. Khi chúng ta quay về nương tựa Tam Bảo thì chúng ta đang đi về
phía hướng thượng. Khi chúng ta sống trong quên lảng, chúng ta chìm đắm
trong sân hận, u mê, ganh ghét, thù hằn thì lúc đó chúng ta đang không
thực tập Quy Y Tam Bảo, chúng ta đang đi về cực âm, nghĩa là phía hướng
hạ.
Có
một điều rất mầu nhiệm là hai cực đó, cùng một lúc chúng có mặt trong
ta, và cực này giúp làm thành cực kia. Nếu không có cực hướng hạ thì sẽ
không có cực hướng thượng, và không có cực hướng thượng thì sẽ không có
cực hướng hạ. Điều quan trọng là phải biết rằng nếu chúng ta đang không
hướng thượng thì chúng ta đang hướng hạ. Tu tập chánh niệm là làm thế
nào để suốt trong đời sống hàng ngày, chúng ta biết mình đang đi về cực
nào. Đang đi về cực hướng thượng thì chất liệu của an lạc, của thảnh
thơi, của giải thoát có trong ta như những năng lượng. Đó gọi là Quy Y
Tam Bảo.
Khi
quy Y Tam Bảo đúng cách là có hiệu lực liền lập tức. Giờ phút mà chúng
ta thực tập Quy Y Tam Bảo là giờ phút chúng ta có hạnh phúc, có vững
chãi, có thảnh thơi. Cho nên dù quý vị đã tu ba mươi năm hay năm mươi
năm, thì quý vị cũng vẫn phải thực tập Quy Y Tam Bảo như thường.
Chúng
ta hãy nhớ lại ví dụ hoa và rác. Hoa là một cực, rác là một cực khác.
Nếu chúng ta đang không đi về hướng của hoa, thì chúng ta đang hướng
theo rác. Tuy vậy, rác không phải là kẻ thù của hoa, và hoa không phải
là kẻ thù của rác. Khi nhìn sâu thì chúng ta phát kiến ra rằng rác được
làm bằng hoa, và hoa được làm bằng rác. Một đóa hoa không được săn sóc,
sẽ biến thành rác. Nếu biết cách, với một cọng rác chúng ta có thể biến
nó thành hoa. Hoa cần rác, đó là cái nhìn bất nhị, non duality.
Vì
vậy, dù biết trong ta có hai cực, ta vẫn không bày ra một thế trận
tranh chấp trong con người của ta. Nhìn hoa trong ta, chúng ta mỉm cười,
nhìn rác trong ta, ta cũng mỉm cười, không sợ hãi, tại vì chúng ta biết
rằng hai cực đó nương vào nhau mà tồn tại. Đó là thuyết tương đối trong
đạo Bụt, gọi là tuệ giác bất nhị. Thuyết này khác với thuyết tương đối
của nhà bác học Einstein. Khi nhìn và nhận diện được hai cực đó ở trong
ta, ta ôm lấy cả hai. Tuệ giác của chúng chỉ cho chúng ta thế nào để đi
lên. Đi lên mà vẫn không ruồng bõ, đập phá, vẫn không chạy trốn cực
hướng hạ. Tại vì nếu biết cách thì chúng ta có thể sử dụng nó làm năng
lượng để đi về phía hướng thượng. Cũng như người trồng rau mà biết cách
sử dụng phân bón, phân xanh thì biết rằng những rác rưới trong vườn,
những võ cà chua, võ cà rốt, những tờ lá mục, đều có thể được sử dụng để
làm ra những trái cà chua mới, những trái dưa chuột mới, và những hoa
hướng dương mới.
Do
đó chúng ta không nên có thái độ trốn chạy, mà nên có thái độ chấp
nhận. Nhờ có thái độ chấp nhận mà tự nhiên ta có sự bình an, ta có thể
an trú được với rác, nghĩa là dù biết rằng trong mình có rác, mình vẫn
hạnh phúc như thường. Dù biết trong mình có khổ đau, có giận hờn, có si
mê, nhưng mình vẫn mỉm cười. Tại vì mình biết rằng trong mình vẫn có khả
năng thương yêu, khả năng hiểu biết, khả năng chấp nhận, và nếu mình
học được phương pháp của Bụt thì mình có thể sử dụng phần rác trong mình
để làm lớn lên phần hoa trong mình.
Vậy
thì quay về nương tựa Bụt là khả năng và sự thực tập nhận diện cực
hướng thượng trong mình luôn luôn có đó. Mình có một đức tin, rằng trong
con người mình có một cực hướng thượng, mình có khả năng chánh niệm,
khả năng hiểu biết, khả năng tha thứ, khả năng thương yêu, khả năng có
hạnh phúc. Điều này không phải là một sự mê tín, một đức tin mù quáng.
Điều này cũng không phải là một ý niệm. Nó là một sự thật mà chúng ta có
thể kiểm chứng được bằng sự sống hàng ngày của chúng ta.
Có
thể cái khả năng tỉnh thức, hiểu biết và thương yêu trong ta đang còn
yếu kém, nhưng nó có đó. Vì vậy sự thực tập hàng ngày là để chạm tới, để
xúc tiếp với những khả năng đó, và làm cho những khả năng đó càng ngày
càng lớn lên. Cũng như bây giờ chúng ta có một số hạt giống của hoa, của
trái. Chúng đang nhỏ bé, đang còn yếu ớt, nhưng chúng đích thực là
những hạt giống. Nếu gửi gắm những hạt giống đó vào trong lòng đất, và
mỗi ngày chúng ta làm công việc tưới tẩm, vun bón thì những hạt giống đó
sẽ nẩy sinh thành cây, thành lá, thành hoa, thành trái, và chúng ta sẽ
được thừa hưởng hoa trái của sự vun bồi và tưới tẩm của chúng ta.