13/07/2017 14:01 (GMT+7)
Số lượt xem: 1279
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GN - Đức Phật giảng muôn pháp, cũng là mong chúng sanh thực hành buông mọi hư vọng. Khó tìm thấy pháp nào nằm ngoài đời sống, và mọi tướng trạng của pháp đều hư vọng, thế nên sống là một quá trình buông.


Buông là một nghệ thuật như các loại hình nghệ thuật khác. Nghệ thuật buông cũng đưa chúng ta đến sự thọ hưởng, nhưng đó là sự thọ hưởng vượt ngoài hạn định không-thời gian vô vàn những quy luật, khái niệm mà con người tự tạo và khuôn mình trong đó.

buongbo.jpg
Buông là một nghệ thuật như các loại hình nghệ thuật khác

Nghệ thuật buông dĩ nhiên cũng dựa trên thế tục, hòa vào thế tục để thấy vạn pháp sẵn tánh giác luôn phơi lộ chân-thiện-mỹ-tuệ. Để thấy hoàn cảnh bên ngoài đời sống cũng tương tự trong tâm thức; để thấy duyên cảnh bên ngoài thực ra cũng là sự phóng chiếu của thân tâm nghiệp báo ta chiêu cảm thành. Bởi chấp trước nên mỗi người tự tạo riêng cho mình một tấm gương soi, song hết thảy gương đều nằm trong tấm gương nghiệp báo chung trong chín pháp giới. Sao tôi phải gặp phải sống với một người ta luôn thấy chán, trong lúc hàng xóm lại rất quý họ. Hẳn do tôi không chấp nhận người ấy như một thực thể trong đời sống “của ta” nên khởi ý loại trừ.

Cũng là từ vọng niệm vốn đã hoàn hảo, bạn và tôi lại đòi chỉnh sửa (thay vì mở rộng lượng tâm đón nhận). Cũng như ngón tay mất đi một lóng, lẽ ra chấp nhận nó như là sự hoàn hảo (nhờ duyên nghiệp nặn ra), cái ta lại thấy khó chịu nên bôi nhọ sự toàn thiện của tánh giác vốn không phân biệt chấp trước. Mọi chúng sanh với ta đều đồng nghiệp. Chúng ta đều là những đứa con luân lạc từ một Bổn tánh Mẹ tự nhiên. Thân nghiệp báo là vay mượn đất nước gió lửa từ hư không. Vay mượn từ hạt bụi đầu tiên trên thành tử cung Mẹ rồi ngỡ đó là mình, tôi lớn lên và đắm chấp vào nó, không chịu trả lại hư không. Tôi và bạn chưa tin nổi lời Phật rằng nó không phải mình. Chúng ta chấp giữ và tự tạo nên một bức tường ngũ ấm dày đặc chống lại chân lý vô thường.

Ngũ ấm tự kiến tạo, nên ra khỏi nó là việc của chính ta khi nương vào ánh sáng Phật pháp chiếu rọi. Hàng rào ngũ ấm do tôi dùng chất liệu vọng tưởng dựng lên để thủ đắc dục lạc thế gian. Hàng rào song hiểu ngược lại cũng là ta mở cửa tâm chiêu dụ ma; chiêu dụ bọn trộm. Học Phật, nhận ra hàng rào này ngăn che sự tiến hóa, nhưng ta rụt rè không dám phá bỏ. Ta sợ nước lũ sẽ ập vào ngôi nhà chứa dục lạc, chứa tài danh sắc thực thùy. Ta sợ trộm cướp ùa vào. Cho đến lúc nhận ra sự hư giả của hàng rào ngũ ấm, ta quyết phá bỏ, và đây là giai đoạn cần nhất Phật lực gia trì, cần nhất sự nỗ lực cá nhân quyết tháo gỡ ảo ảnh.

Hành giả thực hành dỡ bỏ phần nào hàng rào vọng tưởng, bọn trộm cướp ập vào thấy một ngôi nhà trống; nhưng chúng không rời đi liền. Chúng còn nghi hoặc ta chôn giấu của cải đâu đó dưới nền hay trong tường, hoặc chúng ở đó “ăn vạ”. Điều này khiến hành giả hết sức băn khoăn khó xử. Phải chăng mình sai, phải chăng mình quá liều. Người ta khởi ý nghĩ, ồ cái này quá bình thường, tâm vẫn tựa phàm tình, rồi có ý ra khỏi sự thật hiện tiền đang tiếp diễn đầy sinh động. Trong lúc bọn trộm cướp còn đứng đó với đầy đủ ma lực để khiến hành giả chao động thiết lập lại hàng rào hư ảnh. Sự quyết liệt buông là điều rất cần. Bạn tu của tôi nói rằng sự quyết liệt buông ảo ảnh sẽ cảm ứng đạo giao với Phật lực.

Những vọng tưởng luôn ở trong ta, chúng hãnh diện bởi sự hiện diện đầy quyền lực trong ta. Chúng đùa giỡn não hại ta một cách thầm lặng như sự ăn mòn, như loài mối chuyên nghiền rỗng kèo cột mà vẫn giữ nguyên bề ngoài bóng loáng; lúc ta phát hiện thì phước mạng đã cạn, đó là quy luật đau đớn của luân hồi. Cho đến một ngày, ta chợt thấy sự xuất hiện của chúng quả có cái gì đáng ngờ, xâu chuỗi lại ta thấy chúng thật sự vô nghĩa đối với đời sống của ta. Chúng như một cái bóng đèn thắp vào ban ngày phí tiền vô ích. Rồi ta nhận ra điều hệ trọng, chúng là những ‘mật vụ’, chúng giả vờ như không song lấn chiếm hết thảy thần hồn xác thân ta. Khi chúng biết ta đã biết về nhiệm vụ của chúng, bị ta gọi tên thì chúng tựa bị rút phép. Sự quyết liệt dễ khiến bọn trộm cướp rúng động ngay trong hàng ngũ của chúng.

Với năng lực ghi nhận và quan sát thuần túy, ta không nhất thiết phải diệt trừ vọng tưởng. Bởi chúng hoàn toàn không có tự thể, chúng hoàn toàn không có chỗ bám víu một khi đã bị lột mặt nạ, dần hao nguồn nhựa sống. Điều thiết yếu là hành giả cần tương tục vận hành năng lực quan sát tâm ghi nhận chúng như là một linh thể tự nhiên hư giả. Ở cấp độ cao thêm, như Đại lão Hòa thượng Chin Kung từng giảng trong kinh Hoa nghiêm: “Vọng tưởng là Bồ-đề, đoạn vọng tưởng chính là đoạn luôn Bồ-đề”. Một tên ác ôn tự nhiên lù lù xuất hiện trước cổng nhà ta. Vấn đề không phải hắn xuất hiện mà vấn đề nằm ở chỗ ta chấp vào cái thiện trong mình nên tự chống lại cái ác trước mặt. Bước lên một bậc thang tâm linh nữa để đặt câu hỏi: Tên ác ôn ấy có Phật tính chăng? Dĩ nhiên có. Thế gian muốn có thêm một Phật tử thì cũng từ tên ác ôn đó chứ lẽ nào giết hắn và tìm một Phật tử khác đặt vào. Thế mới thấm thấu lời khai thị của bậc cao tăng nói trên: “Trong Tứ hoằng thệ nguyện nói phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Có thể đoạn được sao? Nói với chư vị rằng đoạn không được. Nếu như phiền não đã đoạn rồi, Bát-nhã trí tuệ đức năng trong bản tánh của quý vị há chẳng phải đã đoạn hết rồi sao! Vậy làm sao có thể đoạn. Đoạn là một chữ giả thiết, quý vị phải hiểu được không phải là thật đoạn; là chuyển, phiền não chuyển thành Bồ-đề, sanh tử chuyển thành Niết-bàn. Khi chuyển rồi, phiền não vẫn là tự tánh, vẫn là tánh đức”.

Một con voi phá rừng, với sức mạnh ấy ta có thể chuyển công năng dụng vào việc kéo hàng. Người tánh nóng như lửa cũng chưa hẳn chướng ngại học Phật. Một phen nhận ra sự ảo giả cuộc đời, họ dụng bản tánh nóng ấy để đốt cháy nghiệp tập vượt thoát luân hồi rất nhanh. Điều quan trọng là phải biết chuyển. Tôi từng biết đến những hành giả nghị lực rất đáng phục song dụng chưa đúng chỗ. Họ thuần ăn cháo trắng muối mè suốt tháng trời để thanh lọc cơ thể, không vì mục đích chính tăng trưởng công phu mà trước hết nhằm thuyên giảm bệnh để tiếp tục có cơ hội thụ hưởng món ngon thỏa mãn tính ảo của giác quan. 

Ta thấy, vọng tưởng trước hết là sự đối đầu giữa các vọng tưởng. Hãy vẽ những mũi tên bắn lên và xem đó là vọng tưởng; bây giờ nghĩ xem, vọng tưởng đó chướng ngại chân tâm hay chính sự đối kháng giữa các vọng tưởng? Một vọng tưởng màu đỏ nổi lên (do có thể mắt thấy đối tượng đỏ) liền khó chịu bởi ta vốn thích sẵn màu xanh. Như vậy vấn đề đâu phải vọng tưởng màu xanh hay màu đỏ, mà vấn đề ở chỗ màu xanh đang chống màu đỏ. Thấy người ăn mặn liền khó chịu bởi ta có trường trai; chấp vào ăn chay gắn nó vào cái ngã “ta ăn chay đây” nên hễ vọng tưởng ăn mặn nổi lên là đưa ăn chay ra trưng diện lên mặt và chứng minh ta với những khuôn mặt thiện khác. Với người tu dĩ nhiên là đoạn tất cả ác làm tất cả thiện. Kinh Luật Luận học để thấy được thật tướng ta nên hướng thiện hành thiện hòa mình với thiện làm một, chứ Kinh Luật Luận học vào không phải để biến thành cái máy phát hiện lỗi lầm tha nhân, phát hiện ác và lên án xua đuổi, thậm chí đem Kinh Luật Luận ra chỉ trỏ Tăng Ni, chỉ trỏ luôn cả Bồ-tát nghịch hạnh. Ở một nghĩa cao hơn xét trên lý vô thường sẽ thấy vạn vật biến hoại trong từng sát-na, đâu có dừng lại khắc nào để chúng ta chấp vào. Người phàm như tôi không thấy được mức vi tế, thì cứ xét ở mức thô phù. Có lần nhìn tấm ảnh chụp mình mấy năm trước, tự hỏi, ai đây nhỉ. Rõ ràng khác hẳn mình giờ; còn nếu là tấm ảnh chụp hồi nhỏ, ai cũng đều tự thấy đó chẳng phải khuôn mặt ta bây giờ. Xa lạ. Vọng tưởng cũng vừa sanh liền diệt, chẳng niệm nào dính niệm nào để ta chấp cho được. Tụng kinh trì chú ở bậc sơ khởi dĩ nhiên có yếu tố dẹp loạn vọng tưởng. Lúc vọng đã “biết mặt” rồi nên cần dùng định lực khai trí. Khi chúng ta không hề mảy may chống đối vọng tưởng và các vọng tưởng cũng không còn chống đối nhau, chúng sẽ mất dần năng lượng, dần tan vào hư huyễn. Theo đó đến một lúc tâm hành giả sẽ tuyệt nhiên không vọng, hẳn là cảnh giới của bậc xuất thế. Bạn tôi chuyên niệm một câu kinh, có đưa ra cách phát hiện vọng là cứ niệm từng chuỗi mười câu, hễ nghi vấn đang câu thứ mấy tức đã có vọng xen vào, liền bỏ ngay vòng đó niệm lại từ đầu. Cứ như vậy miên mật ngày đêm bất cứ trong hoàn cảnh; đi đứng nằm ngồi, nhặt rau thổi cơm đều kết lại từng chuỗi mười câu kinh như vậy. Để thấy nếu chúng ta sau chặng công phu cơ bản hàng phục vọng tưởng, nay hành theo cách “buông” vọng tưởng, trả nó về tự do mà càng ngày vọng càng tự tung tự tác, càng nhiều sinh sôi và càng tăng sức mạnh, thì chúng ta đang hành sai ngay từ gốc của Giới - Luật! 

saobang.jpg

Vọng tưởng vốn hư giả song bạn và tôi cho là thật, gán ghép với ta, nên vọng khởi chính ta khởi, vọng buồn ta buồn, vọng vui ta vui, vọng điên đảo ta điên đảo theo. Bản chất của vọng là luân hồi, ta gắn với nó nhận nó là mình nên luân hồi theo. Vọng là trò chơi của tâm thức, không phải mình. Đại thừa pháp hướng hành giả chuyển thức thành Đại viên cảnh trí và đó xem như tánh biết sáng suốt vĩnh hằng từ vô thủy. Hành giả trực nhận tánh giác viên minh này, dẫu chưa thuần thục họ cũng bắt đầu nhận diện bản chất thật của vọng. Vọng nào cũng như một tờ giấy, lúc ngọn lửa vừa chạm chính là tro tàn; cũng như một đứa trẻ sinh ra, là nó đang chết. Ngay khi vọng khởi là sự kết thúc của chính nó. Trong một sát-na không thể có hai niệm chồng lấn mà chỉ là sự tiếp nối tương tục của các niệm.

Khoa học lượng tử cho thấy những hạt trung tử phiêu du tự tại trong khối sắt đặc. Phật thì thấy hạt thủy trần rong chơi trong nước. Cũng như một nét vẽ nếu phóng lên thì đó chỉ là những vệt đứt đoạn. Hay đó là 24h/s đã lừa mắt chúng ta sự chuyển động, như chính “hình nộm” là con người tôi làm rối giữa hư không. Lý này thực tế kẻ sơ cơ tôi chỉ tham khảo cho vui. Nhận pháp này đòi hỏi là người đã trải qua những giai tầng công phu giới định nhuần nhuyễn và đang phát tuệ.

Từ giới lên định hành giả phải đắc công phu cung kính. Cung kính là phẩm trợ đạo tối ưu để đạt định, vốn là kinh nghiệm của các vị đại đức. Họ luôn nhắc chúng ta phải tu bằng được tâm cung kính. Thiếu cung kính, dẫu đắc giới cũng không thể có định lực sâu để phát tuệ. Nói bao giờ cũng dễ vạn lần trên thực tế. Bạn tu của tôi bảo đắc giới định rồi, hành giả cầm được tấm gương soi mặt vọng tưởng rồi vẫn bị vọng lung lay. Cứ như một người mới tập quay camera, chưa vững nên hình ảnh thâu vào bị rung. Thực tế do ta nhận song chưa thực sống với cái tự biết ấy. Ta thấy màn hình camera không ô nhiễm bởi mọi hình ảnh sạch nhơ tĩnh động, ta ngài ngại không nhận nó là mình; vẫn tập khí thế gian nhận vọng tưởng là mình thấy dễ sống hơn. Lý thượng thừa khuyên, chỉ cần biết là đủ; biết nhìn mọi vọng động sinh khởi không mảy may phân biệt, chúng sẽ tự tan. Tan rồi, dẫu những vọng tưởng cũ trở lại thì cũng là việc nó đang trò chơi soi vào chiếc-gương-biết mà thôi. Hành giả cần một niềm tin xác quyết, không chao động, rằng không một niệm nào khác niệm nào bởi chúng đều giống nhau ở ngay sinh là tự diệt. Niệm thứ nhất sinh nó đã tự diệt, nó tái hiện lần thứ hai thứ ba lần thứ vân vân là do ta tự đùa rỡn với niềm vui ảo để rồi nhận quả thật khổ đau. Niềm tin này phải càng được đặt trên sự dũng mãnh tháo gỡ lầm mê mà ở đấy hành giả tưởng có thể xé toang mình để ánh quang minh rọi vào. Đương nhiên, trên đây chưa hẳn là cái nhìn đúng về vọng tưởng, mà là cái nhìn chân thật từ bạn đồng tu của tôi đang trú trong một tầng tâm thức hạn định.

Sự thật là, một khi vọng niệm khởi lên mà ta thấy đó chính là vọng niệm, thì bạn và tôi chớ ảo vọng tự huyễn là hư giả, mà cùng quay về tu lại từ nền tảng của mười giới thiện, kết hợp lễ lạy tụng niệm, tu lại từ Chỉ (rồi mới đến Quán); chúng ta cần tu từ căn nền cung kính. Cung kính là tầng công phu không dễ đạt, bởi tâm lý những hành giả sớm tiếp nhập Bát-nhã dễ bỏ qua căn nền, khiến sự xây nhà trở nên ảo tưởng. Cái sự ảo tưởng ở đây không có gì xấu, mà nó mang hàm nghĩa chớ ảo tưởng trong đời này vượt khỏi luân hồi, và đương nhiên những gì chúng ta có về Phật pháp kiếp này sẽ xếp vào kho đợi một kiếp nào đó thuận duyên hơn, biết cung kính hơn trước hết là những chủng tử quý báu vô ngần trong ta không dễ bật mầm để thành cổ thụ. Bởi tôi và bạn chưa thâm tín nhân quả nên mới phẩy qua sự cung kính. Hễ chúng ta chưa cung kính từ những chuyện tưởng nhỏ như trang nghiêm trước tượng Phật, chánh điện, trước kinh luận, trước mọi loài và trước cả những vị phá giới, không chừng sẽ trôi theo dòng ảo tưởng vượt thoát khỏi biển phiền não nghiệp chướng. Cung kính Pháp nghĩa là ta cung kính giới luật, hòa mình vào giới luật. Sống cùng giới luật và cảm nhận giới luật như một vị cứu tinh cho huệ mạng của mình sẽ khiến tâm dần thanh tịnh; thanh tịnh tâm là bước khởi đầu của định; có chút định sẽ khiến sự lôi dẫn của tham sân nhẹ bớt, hành giả sẽ hưởng được chút pháp vị trong cõi ô trược và điều này khiến sự linh cảm về giải thoát luân hồi thật hơn, nghĩa là chúng ta đang vượt lên cả niềm tin như một mặc định của chất liệu thứ tôn giáo bình phàm. Chưa đắc tâm cung kính, dẫu Phật cho phép ta vào nhà thì đến oan gia ma quỷ cũng ngăn chúng ta lại; bởi sao? Hàng sơ học vì phớt lờ cung kính mới chiêu cảm tâm ma quỷ. Chưa đắc tâm cung kính, chúng ta chẳng những chưa cảm được Phật lực để ngoặt qua giai đoạn thật sự công phu hành để chứng, mà có một hiển nhiên là chúng ta sợ ma, mà trước hết là tử ma, tức sợ cái chết, trái nghịch với nguyện buông xả thân tâm vượt thoát luân hồi bất cứ lúc nào. Sợ ma ngoài phước mỏng, điều trọng yếu vẫn là ta thiếu tâm cung kính ma. Một người biết tu không thể không cung kính ma. Chúng ta đi vào bóng tối bằng tâm cung kính họ, thậm chí còn nên chắp tay và tác ý lỗi phép bởi cái sự đường đột ‘có mắt như mù’ không nhìn thấy họ (trong lúc họ thấy ta). Rồi trở về với sự tỉnh giác, ta niệm kinh trì chú không phải để có lực tẩy trừ họ mà chia sẻ công đức với ma, hồi hướng đến những chúng sanh không may mắn như ta.

Niềm tin không dựa trên nền tảng cung kính, phần nhiều rơi vào tà kiến. Nhận lý thậm thâm sớm lúc chưa đủ nội lực từ giới và định dễ khiến hành giả nhanh thoái đọa. Bậc đại sư từng tâm huyết nhắc nhở: “Trì giới không đạt tâm thanh tịnh, đúng hơn là không đắc định, thì sự tu đó dừng lại ở phước hữu lậu. Tu định dẫu bắt chân ngồi nhập thiền hàng tháng trời mà không khai tuệ nhìn ra sự tướng hay cao hơn là chưa giải ngộ tánh giác vốn sẵn chớ cầu tìm xa xôi, định này cũng là phước đức, không phá nổi luân hồi”. Chưa lấy nền tảng của giới và cung kính làm nền, việc tùy tiện chạm tay vào mật pháp là phạm điều răn của Phật và chư Tổ.

Chưa đắc giới định sẽ rất khó phá cửa ải Dục. Trong lúc không ít hành giả tu theo Đại thừa bỏ qua tu Tứ niệm xứ, mà tiêu biểu như quán Vô thường, Bất tịnh vốn là phương thuốc đặc trị nhạt phai nghiệp ái - vốn là mắt xích sanh tử trọng yếu. Dục lạc thế gian rốt cùng cũng chỉ là những cảm giác, là thông tin phát lên não chứ thực tế đều hư vọng. Thế nên việc chiến đấu tiêu diệt cái hư giả cũng chẳng khác Đôn Ki-hô-tê chiến đấu với cối xay gió. Đơn cử hành giả dụng một câu kinh quần nhau với vọng tưởng, ban đầu khiến cho câu kinh không ngừng lớn mạnh đè phục vọng niệm. Đây tuồng như một cuộc chiến khốc liệt giữa thiện và bất thiện. Sau đó hành giả sẽ được một vị thầy hướng dẫn để nhìn nhận lại vọng tưởng thông qua cái biết như thật về ngũ uẩn, để hướng tới pháp bình đẳng về tự ly và vô tự thể. Bây giờ câu kinh là sự thay thế dòng chảy của tâm thức một cách tự nhiên nhi nhiên và ở mức độ nào đó có thể hiểu là tự động lập trình lại Tưởng và Hành ấm. Tâm phóng dật, đồng nhất nó với “ta”, là “của ta” (là lầm lẫn thứ nhất); ta quá hối lỗi để rồi ảo tưởng đuổi theo chụp bắt vọng lại sám hối đến ám ảnh (là lầm lẫn thứ hai). Định lực có được sẽ phát tuệ để hành giả không còn nhận giặc làm mình, vọng sẽ yếu rồi dần tan như một đám mây dẫu hiện sắc tướng gì chăng nữa.

Một vị thiện tri thức dạy, tâm đã lìa sở song vẫn còn hoạt dụng của năng. Năng tạm ví như ngòi bút, vẫn còn “năng viết” gần như là tập khí; còn sở là nội dung được [năng] viết ra. Chấp vào nội dung, dẫu là vô nghĩa lý liền rớt vào tầng chúng sanh; chấp càng nặng thì tầng tâm linh tương ứng với cảnh giới trong lục đạo càng thấp. Những hành giả nhận ra sở vốn là hoạt dụng của năng như một đứa trẻ cầm bút viết lên giấy, nên thật sự cẩn trọng dú mình trong giới định để hướng thượng. Nhận ra bản chất hư giả của sở là nhận ra bản chất của vọng, không còn chấp trước vọng tưởng thì vọng sẽ mất chỗ trụ; rớt vào cái không do đó sự có mặt của nó không chướng ngại chân tâm.

Diệu lý không được biến thành cuộc sống, nó sống sượng và vẫn nằm lại ở tri thức trong lớp vỏ hào nhoáng của ngã chấp ngã ái. Từ định lên tuệ cần phải qua một tầng nữa - là phát tâm bồ-đề vì lợi lạc mọi chúng sanh để cái ta dần phai mất giữa trần ai. Hành giả phải trần trụi trước chư Phật, Bồ-tát và các vị đạo sư. Chúng ta hoàn toàn không có bất cứ âm mưu sở đắc nào. Một người ham tài vật, giàu sụ vẫn ham, tóc bạc và bệnh gõ cửa vẫn ham; ta biết họ mê song không nhận thấy ta cũng ham những chân lý mầu diệu học được trong kinh Phật. Hễ sở đắc là có mặt của tự ngã. Cái biết là tự nhiên bổn lai không dựa vào tri thức, còn chúng ta biết nhờ học chính là có sở ắt đắc. Một người con Phật cần vắng bặt mọi âm mưu liên quan đến sự níu giữ nghiệp tập, níu giữ lạc thọ nằm trong Dục. Chúng ta hoàn toàn phơi mình ra như thiên nhiên dự phần cái vốn sẵn trong trời đất; hay đơn giản là sự trở về với cỏ cây hoa lá hòa vào không gian Bổn tánh nhờ thông dự vũ hội của nghệ thuật Buông.
Dương Thủy Triều

http://giacngo.vn/phathoc/triethoc/2017/07/12/7A5288/

Âm lịch

Ảnh đẹp