Biết đủ là người giàu nhất


Bài giảng tại khóa tu Một ngày an lạc ở chùa Phổ Quang
27/06/2017 13:38 (GMT+7)
Số lượt xem: 1327
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Biết đủ là người giàu nhất

 
GN - Hôm nay có lễ quy y cho Phật tử, nên trước khi  giảng về chủ đề chính, tôi nói về ý nghĩa quy y Tam bảo. Sau khi Đức Phật thành đạo ở cội bồ-đề, Ngài tới Lộc Uyển thuyết pháp đầu tiên để độ năm anh em Kiều Trần Như, giúp họ đắc quả vị A-la-hán.

Bấy giờ, Ngài nói từ đây về sau, ai muốn trở thành đệ tử Phật, phải quy y Tam  bảo, vì trước đó, người ta nghĩ quy y Phật là chỉ theo Phật, nhận Ngài là bậc Thầy dẫn đường tâm linh cho mình. Nhưng Phật dạy rằng quy Phật mà chỉ theo Phật là chưa đủ, phải học giáo pháp, thực hành giáo pháp và phải kính trọng Tăng. Nếu chỉ kính trọng Phật, nhưng không nương theo giáo pháp mà Ngài chỉ dạy để thể hiện trong cuộc sống, đôi khi trở thành phá pháp; đó là ý quan trọng mà Phật tử phải ghi nhớ. Và quy y Phật, nhưng không kính trọng Tăng, xem thường Tăng là phạm tội. Vì vậy, quy y Phật, nhưng không quy y Pháp và không quy y Tăng thì Phật không công nhận là đệ tử của Ngài. 

hanhgiatu phat.jpg
Không nghĩ đến vật chất, không nghĩ đến ăn, ăn uống đơn giản, 
có gì ăn nấy, chắc chắn tâm được nhàn hạ, đi thẳng vào thế giới Thiền dễ dàng

Quy y Phật thì Phật là Thầy dạy chúng ta cách tu hành để chúng ta cũng đạt được quả vị Phật. Phật không phải là vị thần có khả năng ban phước giáng họa cho ta, như một số tôn giáo khác chủ trương.

Và Phật dạy pháp tu thì những người xuất gia theo Phật lúc bấy giờ cũng có bạn đồng tu, đồng sự, nên Tăng chính yếu là những bạn đồng tu. Vì ban đầu, chỉ có Tăng đoàn, nên Phật dạy rằng muốn tu, tức gia nhập Tăng đoàn, sống với chư Tăng, tất yếu phải được chúng Tăng đồng ý. Như vậy, quy y Tăng ở bước ban đầu là Tăng quy y Tăng, không phải Phật tử tại gia quy y Tăng.

Riêng đối với tôi, hiểu yếu lý của quy y Tăng là phải chấp nhận những việc mà chư Tăng sai làm. Thí dụ, chư Tăng sai tôi điều hành sinh hoạt của Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, hay xây chùa Phổ Quang, chùa Việt Nam Quốc Tự… thì tôi làm, là quy y Tăng.

Và về sau, đệ tử Phật có Phật tử tại gia, đương nhiên Phật tử tôn trọng người xuất gia, vì người xuất gia thực tập pháp Phật nhiều hơn Phật tử. Thật vậy, Phật tử có thể hiểu sai lệch giáo pháp Phật dạy, trong khi người xuất gia thực tập miên mật pháp Phật nhiều hơn và họ chứng được từ Sơ quả đến A-la-hán. Như vậy, người xuất gia đã thực tập giáo pháp có kết quả tốt đẹp thể hiện trí giác và đạo hạnh của hàng đệ tử Phật đã hy sinh cả cuộc đời cho  lý tưởng giác ngộ giải thoát là yếu chỉ mà Phật đề ra. Vì vậy, Phật tử tu sau và bị gia duyên ràng buộc, không thể hiện được tinh ba Phật pháp, nên họ cần phải nương theo chư Tăng để tu học đúng đắn, đó là ý nghĩa của quy y Tăng đối với Phật tử tại gia.

Hôm nay, Phật tử quy y với tôi, không phải chỉ biết có tôi, học với tôi, kính trọng tôi. Quý vị nên nhớ thêm rằng mình đã quy y Phật, Pháp, Tăng, nên đối với bất cứ chư Tăng nào ở đâu, cũng phải kính trọng. Thứ nhất là kính trọng hình thức Tăng. Thí dụ các vị xuất gia ngồi trước tôi là hình thức Tăng mà chúng ta phải kính trọng.

Tuy nhiên, kính trọng hình thức Tăng, chúng ta cũng gặp tu sĩ giả, Tăng giả. Chúng ta còn nhớ Phật kể về tiền thân của Ngài trong một kiếp quá khứ, Ngài là Kim mao sư tử nghe một vị La-hán thuyết pháp, nên sư tử đã phát tâm cung kính chư Tăng. Tên thợ săn đã lợi dụng niềm tin của Kim mao sư tử đối với Tăng sĩ bằng cách mặc áo Sa-môn để có thể đến gần giết nó. Khi thấy hình bóng của chư Tăng, nó đã mọp xuống tỏ lòng cung kính, tên thợ săn thừa dịp này bắn cung tên tẩm thuốc độc giết chết sư tử.

Hình thức Tăng bên ngoài giống nhau, nhưng bên trong có Hiền Tăng, Thánh Tăng, nghiệp tăng, phàm tăng. Hiền Tăng là người tu thật, không màng phú quý lợi danh, xuất gia để đi trên con đường giải thoát của Phật. Và nghe Phật dạy rằng người biết đủ là người giàu nhất, nên người ta từ bỏ cuộc sống thế tục, xuất gia, tìm nghĩa lý tại sao biết đủ lại là người giàu nhất. Và họ tu có kết quả, đạt được quả vị  La-hán thể hiện mẫu người phát túc siêu phương, tức là người vượt qua cuộc sống đời thường, không còn kẹt vật chất. Đó là hàng tam Hiền gồm Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán là Thánh.

Những vị tam Hiền và Thánh quả khác chúng ta ở cuộc sống tri túc, không mong cầu, vì còn mong cầu là còn tham. Theo Phật, biết rằng mong cầu chẳng những không được, mà còn gánh lấy khổ đau nhiều hơn. Thật vậy, Phật dạy trong kinh Bát đại nhân giác rằng:”Tham dục nhiều, lụy khổ thêm nhiều. Dạt dào sinh tử bao nhiêu, cũng vì tham dục mọi điều gây nên”. Và dục vọng của con người không bao giờ thỏa mãn.

Có thể khẳng định rằng người không biết đủ thì luôn luôn họ thấy thiếu. Nhưng biết đủ là Sa-môn theo Phật, từ bỏ nhà cửa, gia đình…, họ hơn người khác ở tâm an lạc. Thật vậy, có trải nghiệm mới nhận ra cái lý là từ bỏ tất cả sẽ có tâm an lạc. Thực tế cho thấy khi chúng ta có bất cứ sở hữu vật chất nào, chúng ta cũng kẹt vô đó, vì phải lo toan nhiều. Thí dụ đơn giản, khi Nhà nước giao chùa Phổ Quang cho tôi và chư Tăng giao tôi xây dựng chùa này.

Lúc chưa giao việc này, tôi thấy nhàn hạ, nhưng lãnh việc rồi, bắt đầu có nhiều khó khăn phải giải quyết, hết việc này đến việc khác xảy ra. Trong đầu toàn là tiền bạc, xi-măng, sắt thép, thợ thuyền…

Vì vậy, có chùa Phổ Quang và bắt đầu khởi công xây dựng, tôi mới tìm cái an trong bất an để sống. Người tu không nhận ra lý này và không thực hiện được lý này thì phải khổ sở vô cùng cho đến bị đọa. Nhưng thành thật mà nói nhờ nhận chùa này, xây dựng chùa này mà tôi phát hiện ra phương pháp tu hành là thân tâm được an trong cảnh bất an.

Ngoài ra, từ đầu tôi không có gì, cuộc sống hoàn toàn thực sự nhàn hạ, muốn thiền mấy tiếng, mấy ngày cũng được, không ăn thì nhịn cũng không sao. Nhưng khi Đại hội Phật giáo thống nhất năm 1981, cử tôi làm Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, phải đi hoằng pháp cả nước. Bấy giờ, tự nhiên tôi phải nghĩ hoằng pháp thế nào, hoằng pháp ở đâu. Đó là việc mà Tăng sai, nhưng mình không làm là chống lại chư Tăng, như vậy không thực hiện lời Phật dạy về quy y Tăng thì không phải đệ tử Phật.

Sau Đại hội Phật giáo thống nhất, tôi đã đắp y đảnh lễ Đức Pháp chủ Đức Nhuận, tôi thưa rằng Hòa thượng đã sống 25 năm ở xã hội chủ nghĩa, ngài biết rõ phải làm sao. Vì con ở miền Nam, chưa biết, xin Hòa thượng thương xót chỉ dạy.

 Hòa thượng trả lời rằng người ta cho làm gì thì làm đó, cho nói gì thì nói đó, tức nói và làm đối với xã hội. Còn tu hành là trong lòng mình tu như thế nào để chứng được từ Sơ quả đến A-la-hán, cho đến thành Phật. Vì vậy, việc tu là việc riêng của mình, còn làm và nói phải theo luật pháp mới được an. Thật vậy, thiết nghĩ việc tu hành, không ai cấm được, vì Thức của mình còn không bị kiểm soát, huống chi là tâm của người tu.

Phật dạy rằng vì chúng ta mang thân tứ đại, người thấy ta được, họ mới nghĩ đến quản lý ta, sai chúng ta làm. Nếu ta không có thân này thì ai quản lý ta được, ai bắt nạt ta được, ai làm gì ta được. Vì vậy, còn mang thân người, phải nhớ đừng làm khác, nói khác những gì luật pháp cho phép, nếu không sẽ bị ở tù.

Suốt 25 năm tôi hành đạo yên ổn nhờ luôn ghi nhớ lời Đức Pháp chủ dạy. Còn suy nghĩ bên trong của tôi là gạn lọc tâm để đắc đạo; nói cách khác, trong tâm và Thức của tôi hoàn toàn tự do. Từ đó tôi phát hiện được việc cắt bỏ vật chất, tâm hồn mình sẽ trở nên thênh thang. Trong khi trước kia, còn kẹt vật chất thì chỉ một việc đơn giản như từ chùa Phổ Quang về chùa Huê Nghiêm cũng phải lệ thuộc nhiều mặt và đối với cuộc sống ở thế giới này còn vô số lệ thuộc khác nữa. Nhưng tu hành, Thức của chúng ta hoàn toàn tự do, tự tại.

Tôi thường nói quý vị mang thân vật chất này đi hành hương Ấn Độ quả là khổ sở. Còn trường hợp Sư cụ Hư Vân từ Phổ Đà sơn lên núi Ngũ Đài sơn, cứ ba bước ngài lạy thì không thể diễn tả nổi cái khổ đến mức nào. Thiết nghĩ lê xác phàm đi cực khổ vô cùng. Vì vậy, tu hành, chúng ta tập thoát ly thân này và càng thoát ly được nhiều thì chúng ta càng nhẹ nhàng.

Để thoát ly thân, Phật dạy chúng ta hạn chế ba việc là ăn, mặc, ở. Người lệ thuộc ăn, mặc, ở, dù họ có của cải vật chất nhiều đến đâu, họ vẫn nghèo, vẫn khổ. Không lệ thuộc ăn, mặc, ở, chúng ta hoàn toàn giải thoát khỏi thân tứ đại, cuộc sống trở nên thanh thản.

Thể hiện ý này, Phật dạy hạnh đầu-đà mà Ngài đã trải qua, không ngủ ở một gốc cây hai lần, không ăn cơm một nhà hai lần. Thân cứ đi mãi trên con đường tìm đến chân lý, như vậy mới đi xa vào thế giới vô hình.

Tu hành, đầu tiên, thân đâu tâm đó, là thân và tâm cùng đi. Nhưng có người thân đi mà tâm không đi, thân họ tới giảng đường này, nhưng đầu của họ ở chỗ khác, nghĩ cái khác. Thân họ đi chùa, nhưng tâm không đi chùa, thân họ lễ Phật, nhưng tâm không lễ Phật; vì người lạy Phật, họ cũng lạy theo. Thân đi, tâm không đi là đi theo quán tính.

Trái lại, có người tâm đi thân không đi, thí dụ họ ở nhà, không đến chùa được, nhưng họ vẫn muốn tới chùa lễ Phật, nghe pháp, nên tâm họ đã đến chùa lạy Phật và tham dự pháp hội.

Tôi bắt đầu tập pháp này, ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng tâm tôi đi tới Bồ Đề Đạo Tràng, vì tôi đã hình dung ra tháp Đại giác và cây  bồ-đề, tức hình dung ra đấng Đại giác và những lời dạy của Ngài.

Đức Phật Thích Ca nói không phải Ngài là người đầu tiên giác ngộ, thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng, trước Ngài đã có Đức Phật Ca Diếp thành đạo nơi đây. Vì lúc thân tâm Phật đến Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài thấy chỗ này rất quen thuộc, nên Ngài ngồi lại ở cây bồ-đề và vận dụng tâm đi xa thêm, mới thấy Phật Ca Diếp đã hiện hữu và thành đạo nơi này và tiến xa hơn nữa, Ngài thấy có Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Phật Câu Lưu Tôn cũng ngồi ở cội bồ-đề thành đạo. Nghĩa là Phật Thích Ca đã dùng tâm đi ngược thời gian về quá khứ, thấy rõ sự việc quá khứ.

Thân đi xa rất khó, nhưng dùng tâm ta đi thế giới khác một cách nhẹ nhàng. Thật vậy, trong kinh Di Đà, Phật nói mỗi sáng người ở thế giới Cực lạc lượm hoa trời đi khắp mười phương cúng dường, trở về còn kịp giờ ăn trưa.

Mới tu, tôi nghĩ về Tịnh độ sống, vì thân và tâm được thanh tịnh,  an lạc; nhưng về sau, tôi nhận ra cái lý này, nên thấy khác. Người ở Tịnh độ từ Liên Hoa hóa sanh, họ cũng có thân, nhưng thân tinh khiết như hoa sen và tâm trong sáng như ngọc Ma ni, không phải là thân tứ đại đầy đủ nghiệp ác, hôi dơ, bệnh hoạn… và tâm phiền não, mê muội như thân tâm của người ở Ta-bà.

 Chúng ta tu Pháp hoa, phát nguyện đời đời kiếp kiếp làm hành giả Pháp hoa, tức là làm sao mình có thân tinh khiết như hoa sen ở trong bùn, nhưng không nhiễm bùn và tỏa hương thơm cho đời và có tâm sáng suốt hoàn toàn. Đó cũng chính là cốt lõi mà Phật muốn dạy chúng ta tu hành phải kết thành thân tâm hoàn hảo như vậy. Các sư Tây Tạng thường tụng Om Ma Ni Pad Me Hum, nghĩa là viên ngọc Ma Ni nằm trong hoa sen.

Có thể nói nếu buông bỏ được tất cả sự lệ thuộc và có thân tinh khiết như hoa sen, có tâm sáng như ngọc Ma ni, chắc chắn chúng ta giàu nhất. Thật vậy, vì người có thân tâm như vậy mới có khả năng đi khắp mười phương để tạo thắng duyên cho người phát tâm sống theo Phật dạy.

Nói đến ý này gợi cho chúng ta suy nghĩ về việc cúng dường làm cho người phát tâm, hay làm người thoái tâm. Phật dạy rằng cúng dường mà khiến cho người phát tâm thì họ càng cúng dường càng giàu có, được khỏe mạnh và được an vui. Còn ai kêu gọi cũng cúng, ở đâu cũng đi và dẫn đến kết quả là hết tiền thì ai cũng tránh, khiến họ buồn phiền rồi nói bậy là đọa, vì đã làm người khác thoái tâm. Nói cách khác, đó là đem đồ ô uế bỏ vô biển Phật pháp. Người cúng như vậy, Phật, Thánh Tăng không thọ dụng.

Ngài Ưu Ba Cúc Đa là vị Tổ thứ ba sau Tổ A Nan, Ngài thường từ chối đi chứng trai. Cúng dường Phật, cúng dường Thánh Tăng không dễ, khó vô cùng. Cúng phàm Tăng, nghiệp Tăng thì dễ vì họ còn nghiệp, tức còn tâm tham muốn. Lên bậc Hiền Tăng đã không cần vật chất, họ chỉ cần ta có tâm cầu đạo.

 Phật dùng lòng thành, không cần vật chất; nhưng thực tế chúng ta thấy những người tạo nhiều tội lỗi, nên đem của tội lỗi này cúng Phật để mong Phật rửa sạch tội cho họ. Phật, Thánh Tăng thấy của ô uế cúng dường thì tránh, vì mới lên Hiền vị đã không cần vật chất, huống chi là Phật, là Thánh đương nhiên không cần.

Người thật tu chỉ cần tâm tu của ta. Khi chúng ta có tâm thanh tịnh cầu đạo, Hiền Tăng, Thánh Tăng mới chứng. Tổ đình Huê Nghiêm ngày xưa có câu liễn ghi rằng Phật dụng hiền lương, mạc dụng tiền tài, tức Phật dùng tâm của người hiền lành, lương thiện, không dùng tiền tài.

Đem tiền cúng dường rồi nghĩ mình là nhất, xem thường người khác, như vậy đọa. Điều chính yếu theo Phật là làm cho người phát tâm. Thí dụ tôi đi tu làm người phát tâm, tôi có công đức. Vì tôi tu từ 12 tuổi cho đến nay 80 tuổi, ăn uống kham khổ, nhưng tu học được, nên người ta nói nhờ ăn chay được thông minh, khỏe mạnh, họ muốn tu theo tôi. Các cháu nói tu như ông là học giỏi, khỏe mạnh thì con muốn tu, nghĩa là làm người phát tâm.

Các vị ở Cực lạc có thân tinh khiết như hoa sen và tâm sáng như ngọc Ma ni và dùng thân tâm hoàn hảo đó đến với người khiến họ phát tâm theo Phật. Lý này cũng được Phật giáo Nguyên thủy chỉ dạy. Thật vậy, Phật dạy người tu đi khất thực không vì ăn, nhưng mang thân giải thoát và tâm trong sáng vào làng độ sanh khiến cho người trông thấy phát tâm. Như vậy, kinh Nguyên thủy và kinh Đại thừa luôn có sự tương đồng.

Đến khi năm anh em Kiều Trần Như tu theo Phật đều đắc quả A-la-hán, 50 thanh niên Da Xá thấy năm thầy Tỳ-kheo này tỏa sáng thân giải thoát và tâm trong sáng, họ liền buông bỏ sự nghiệp, để được xuất gia tu, thể hiện cái lý là tu làm cho người phát tâm sống theo Phật. Làm người thoái tâm là phá pháp, thí dụ mình tu, rồi kết cuộc là nghèo thiếu, bệnh hoạn, khổ sở khiến họ sợ, không dám tu. Xưa kia, ông Cấp Cô Độc theo Phật, ông càng cúng dường, bố thí thì càng giàu, họ mới theo ông cúng dường, bố thí. Phật nói bố thí, cúng dường được thành quả tốt đẹp như ông Cấp Cô Độc thì nên làm, vì ông đã làm cho người phát tâm.

Trở lại đề tài biết đủ là người giàu nhất. Thật vậy, thực tế chúng ta thấy những người giàu có, nhưng không biết đủ, họ vẫn cảm thấy thiếu. Điển hình như những ông vua đi chinh phục nhiều nước, mà có biết đủ đâu; họ vẫn thấy thiếu, nên mới tiếp tục thôn tính, giết hại nữa để vơ vét của cải về họ. Cho đến khi nào họ thất bại, khổ đau và chết, đọa địa ngục, may ra mới tỉnh.

Tu theo Phật, chỉ cắt bỏ lòng tham là thấy đủ, không thiếu gì cả và cắt bỏ hoàn toàn tất cả mọi tham vọng thì càng trở nên giàu thêm nữa. Kinh nghiệm của riêng tôi, khi đi học, tôi nghèo nhất, nhưng thực sự tôi giàu nhất trong đám sinh viên, vì tôi còn dư tiền giúp đỡ người hoạn nạn và tôi còn dạy kèm miễn phí cho nhiều học sinh thi đỗ vào đại học.

Tôi nghèo nhất, nhưng giàu, vì không có nhu cầu vật chất. Tôi có tiền ít, mà vẫn dư. Còn các sinh viên khác cần quá nhiều nhu cầu vật chất, nên dù họ có tiền nhiều, nhưng vẫn không đủ xài. Những người bạn nói câu dễ thương là ông tu không biết xài tiền, nên cho họ mượn. Họ là con nhà giàu, vật chất có nhiều hơn tôi, mà tháng nào họ cũng thiếu tiền. Trong khi tôi dư tiền. Một tháng được chuyển 150 USD, nhưng vì tôi nghèo, không có tiền chuyển, nên giao cho cha mẹ sinh viên ở Việt Nam chuyển tiền qua tôi, họ lấy 80, tôi chỉ còn 70; như vậy mà tôi còn dư tiền; còn họ mỗi tháng đã có 150 cộng thêm 80 của tôi mà vẫn không đủ xài.

Phật dạy chúng ta hạn chế ham muốn xuống sẽ có dư. Thực tế là sống dưới mức mình có, bao giờ cũng đủ. Sống trên mức mình có thì nguy hiểm, vì nợ nần chồng chất, đau yếu không có tiền chữa bệnh, tâm trí lo âu, buồn khổ…

Có thể khẳng định Phật là người giàu nhất trong thiên hạ, trong khi Ngài chỉ có một y, một bát. Chúng ta là Phật tử, sao không đi theo con đường giàu có của Phật và tu chứng được quả vị nào, như chứng Sơ quả thì đã hơn người là thân không bệnh hoạn, tâm không đòi hỏi vật chất, ăn gì cũng được, ở đâu cũng được. Tiền nhiều, nhưng đi bệnh viện hoài thì có hạnh phúc hay không.

Hạnh phúc của ta là thân không bệnh hoạn, tâm không buồn phiền, không tức giận, không lo sợ, vì ta tu theo Phật đã giải trừ được nghiệp chướng, trần lao, phiền não. Giải phiền não trước là diệt trừ tham, sân, si. Không tham muốn thì bước đầu chúng ta đã thấy đủ, lần lần chúng ta mới có dư và chúng ta biết đủ, không ham muốn, không buồn phiền sẽ tác động cho thân không bệnh hoạn.

Tâm an vui, thân khỏe mạnh là quan trọng nhất và tới đây, nhu cầu vật chất còn rất ít. Đức Phật đã thể hiện lý này cho chúng ta thấy trong cuộc sống giáo hóa độ sanh của Ngài, Phật đi khất thực bữa có thức ăn, bữa không có gì thì Ngài nhịn và sống trong Thiền định.

Theo kinh nghiệm tu của tôi, không có thức ăn, thấy đói là vì nghiệp mình nghĩ đến thức ăn, nên đói. Hòa thượng Thanh Kiểm dạy rằng đừng nghĩ đến thức ăn sẽ không đói và ngồi thiền, nhập định, không thấy đói, nên họ nhịn ăn từ một ngày đến bảy ngày là việc bình thường.

Không nghĩ đến vật chất, không nghĩ đến ăn, ăn uống đơn giản, có gì ăn nấy, chắc chắn tâm được nhàn hạ, đi thẳng vào thế giới Thiền dễ dàng. Trước kia, các thiền sư chỉ tôi là con gấu tuyết ở Bắc Cực sáu tháng ngủ, không ăn, không chết. Muốn không ăn, hãy thử ngủ như gấu tuyết.

Một thiền sư khác dạy rằng tu như con rùa là tập thở nhẹ để không tiêu hao năng lượng nhiều sẽ không cảm giác đói và không ăn thì không thải ra cặn bã. Nhốt con rùa không cho ăn, cả năm nó cũng không chết.

Tôi thấy vị Thiền sư nào không ăn nhiều sẽ không tỏa mùi hôi. Ăn nhiều có mùi hôi nhiều tiêu biểu cho nghiệp.

Tóm lại, tu theo Phật, được quả vị nào là cuộc sống tự tại đến đó, thấp nhất là Sơ quả đã có thân khỏe mạnh, không bệnh hoạn, tâm trong sáng, hiểu biết chính xác thì mới hơn người, sướng hơn người có nhiều của cải mất công lo giữ. Chỉ đơn giản không lệ thuộc ăn, mặc, ở, không cần giàu sang, là đã được an lạc vô cùng.

Cầu mong đệ tử Phật thể hiện mẫu người biết đủ, không bị trói buộc vì của cải vật chất và đời sống tâm linh luôn dồi dào để làm cho người phát tâm sống theo Phật.

HT.Thích Trí Quảng

giacngo.vn

Âm lịch

Ảnh đẹp