25/01/2018 16:25 (GMT+7)
Số lượt xem: 1427
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng





Nắm Lá Nhiệm Mầu

Trong vô vàn hình ảnh thí dụ mà Thế Tôn thường hay vận dụng khi nói pháp thì nắm lá cây nơi rừng Thân-thứ thật nhiệm mầu. Cùng các Tỳ-kheo đi đến một khu rừng, nhặt lên một nắm lá cây, Đức Phật đã thuyết bài pháp bất tử. Rằng, các pháp mà Như Lai nói chỉ chừng ấy, như mấy chiếc lá này thôi. Còn pháp mà Như Lai chứng biết thì như lá rừng kia, vô cùng vô tận.

Theo truyền thống giải thích thì chúng ta đang khổ nên Thế Tôn chỉ nói pháp diệt khổ. Chúng ta đang chìm đắm trong luân hồi sinh tử thì Thế Tôn nói pháp để thoát ly tam giới, chứng đắc Niết-bàn. Chúng ta đang bị mũi tên có độc cắm vào người nên việc cần nhất là rút mũi tên ấy ra để chữa trị vết thương, chần chừ sẽ mất mạng. Việc gì cần làm thì phải nhanh chóng làm ngay.

“Một thời, Phật ở tại nước Ma-kiệt-đà, du hành trong nhân gian. Giữa Vương-xá và Ba-la-lị-phất có một xóm Rừng Trúc; tại đây vua dựng một ngôi nhà phúc đức. Bấy giờ Phật cùng với đại chúng dừng lại nghỉ một đêm trong nhà này. Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Các ông hãy cùng Ta đi đến rừng Thân-thứ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn cùng đại chúng đi đến rừng Thân-thứ, rồi ngồi dưới bóng cây. Khi ấy, Đức Thế Tôn tay cầm nắm lá cây, hỏi các Tỳ-kheo:

- Lá cây trong nắm tay này nhiều hay lá cây trong rừng nhiều?

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, lá cây trong nắm tay Phật rất ít, còn lá cây trong rừng thì nhiều vô lượng, gấp trăm, ngàn, vạn, ức lần cho đến tính toán thí dụ cũng không thể so sánh.

- Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, Ta thành Đẳng chánh giác, những pháp mà Ta đã tự thấy, rồi tuyên thuyết cho mọi người như lá cây trong tay. Vì sao? Vì pháp này có lợi ích cho nghĩa, có ích lợi cho pháp, ích lợi cho Phạm hạnh, minh tuệ chánh giác, hướng thẳng Niết-bàn.

Cũng nhiều như lá cây trong rừng lớn, Chánh pháp mà Ta tự mình chứng tri, thành Đẳng chánh giác, không được Ta nói ra, cũng nhiều như thế.  Vì sao? 

Vì những pháp ấy không lợi ích cho nghĩa, không ích lợi cho pháp, không ích lợi cho Phạm hạnh, minh tuệ chánh giác, hướng thẳng Niết-bàn. Cho nên, các Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế nếu chưa được hiện quán thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tăng thượng, tu học hiện quán.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.

(Kimh Tạp A-hàm, kinh số 404)

Rất rõ ràng, có nhiều vấn đề sinh thời Thế Tôn không nói, kể cả khi bị ngoại đạo gặng hỏi rất nhiều lần. Chính Đức Phật cũng xác định lý do “Vì những pháp ấy không lợi ích cho nghĩa, không ích lợi cho pháp, không ích lợi cho Phạm hạnh, minh tuệ chánh giác, hướng thẳng Niết-bàn”. Ngẫm sâu hơn, dẫu Phật có nói ra chỗ thấy biết của Ngài đi nữa thì bấy giờ ai hiểu được? Chuyện con cá không hiểu được những diễn tả về thế giới trên cạn của con rùa chính là đây.

Thành ra, Thế Tôn tùy trình độ mà giảng dạy, không cho người khác những gì Ngài có mà chỉ cho những gì họ đang thật sự cần. Điều này cũng minh chứng rõ ràng tinh thần phương tiện pháp môn, ‘tùy bệnh cho thuốc’ của Đức Phật. Trong bối cảnh thời đại, xã hội, văn hóa, con người đang ngụp lặn trong tham lam, thù hận, si mê thì cần “Hiện quán Tứ Thánh đế” để thoát khổ, được vui. Có thể xem đây là những liệu trình căn bản nhất để tự độ, nhằm chứng đắc giải thoát, Niết-bàn.

Đối với người học Phật hiện nay, “nắm lá trong tay của Thế Tôn” tức Tam tạng Thánh điển thì nhiều người đã biết. Còn cả khu rừng bao la rộng lớn với “vô lượng lá trong rừng” thì sao? Vậy thì có chăng những pháp ‘Tam tạng không ghi chép mà vẫn đúng thánh ý của Phật”? Có khi nào chúng ta tự vấn rằng mình đã phê phán những người vô tình nhặt được “vài chiếc lá trong rừng” của Phật là ngoại đạo, phi Phật thuyết? 

Thế nên “vô lượng lá trong rừng”, tức những điều chứng biết mà không nói của Thế Tôn là một cánh cửa đang để ngỏ. Người học Phật nên cẩn trọng khi đề cập hay đánh giá về những phạm trù mà ta không biết, và ngay cả những vấn đề mà kinh không chép hay Thế Tôn không nói.

Quảng Tánh

https://hoavouu.com/a44319/nam-la-nhiem-mau

Âm lịch

Ảnh đẹp