07/12/2017 11:33 (GMT+7)
Số lượt xem: 1197
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

NSGN - Trong số báo này, chủ đề đặt ra là thú vật có thể hiểu Phật pháp không. Tất nhiên thú vật không có cấu trúc não bộ như con người, nên nó không thể suy nghĩ, hiểu biết giống như con người. Nhưng có thể khẳng định rằng thú vật có thể cảm nhận được năng lượng từ bi, bao dung, chăm sóc, chở che…

của con người dành cho nó. Và pháp Phật nếu cất trong tủ sách, không có người đọc và triển khai thì không thể mang lại lợi ích gì. Nhưng thông qua lời thuyết giáo, hay lời kinh tụng của người tu, pháp Phật cũng tác động tích cực chẳng những cho con người mà cả loài thú hay cỏ cây hoa trái cũng tiếp nhận được sự lợi lạc.

ducphatvoikhi.png

Thật vậy, điều này được thể hiện rõ nét trong cuộc đời hoằng hóa độ sanh của Đức Phật. Trong kinh ghi rõ sau khi độ năm anh em Kiều Trần Như đắc quả A-la-hán, Đức Phật đã một mình đi đến tu viện của Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp nổi tiếng nuôi rắn hổ mang và ông có khả năng sai khiến rắn hại người.

Vừa trông thấy Phật, ông quốc sư này đã thầm nghĩ Sa-môn Cù Đàm tới số rồi, đến đây nộp mạng, nhưng Đức Phật vẫn thanh thản xin tá túc một đêm. Ông mới xếp đặt cho Phật ở trong hang động và đặc biệt hơn nữa, ông đã sai con rắn hổ mang chúa nửa đêm bò vào hại Phật.

Nhưng đạo lực của Đức Phật đã tỏa ra năng lượng từ bi cao tột tạo thành lực cảm hóa con rắn chúa một cách kỳ diệu. Nó không hại Phật mà còn ngoan ngoãn nằm yên trong bình bát của Phật một cách gọn gàng, vừa vặn!

Không cần phải nói, Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp đã thất kinh hồn vía trước đạo lực của Đức Phật và tự động thốt lên rằng quả tình Phật là vị Thánh. Sau đó, ông và hai người em là Già Da Ca Diếp, Na Đề Ca Diếp cùng 1.000 đồ đệ đã xin xuất gia làm đệ tử Phật.

Kết quả này thể hiện rõ rằng năng lượng từ bi của Đức Phật đã trực tiếp tác động con rắn chúa và dập tắt ý sát hại của nó, đồng thời năng lượng tha thứ, bao dung của Đức Phật cũng tạo thành một từ trường thánh thiện, giải thoát bao trùm tu viện chuyên luyện bùa chú hại người và chuyển hóa tâm thù hận, đố kỵ của Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp quay về tu theo Phật. Thử nghĩ trong môi trường cực ác này, nếu không có lực tác động sâu sắc của năng lượng từ bi cao tột từ Phật cảm hóa thì đã không còn Phật hiện hữu trên cõi đời này.

Hoặc một sự kiện khác nữa được ghi trong kinh điển cũng thể hiện sâu sắc rằng năng lượng từ bi của Đức Phật đã khiến đàn voi say của vua A Xà Thế phải phủ phục dưới chân Ngài và cũng chuyển hóa được tâm ác độc của ông vua này trở thành người hộ pháp đắc lực.

Nói về năng lượng từ bi, năng lượng giải thoát, hay vô số năng lượng hoàn toàn thánh thiện của Đức Phật, hay của Phật pháp, nhiều người thường cho rằng năng lượng là cái gì cao siêu huyền bí không có được.

Nhưng khoa học ngày nay mà người tiêu biểu là tiến sĩ, bác sĩ tâm thần, nhà nghiên cứu nhận thức và giảng viên tâm linh nổi tiếng người Mỹ, ông David R. Hawkins (1927-2012) đã chứng minh rằng mỗi người có mức năng lượng, hay còn gọi là tần số rung động khác nhau, tùy theo cảnh giới tinh thần của họ trong khoảng từ 1 đến 1000. Thí dụ người vui vẻ, thanh tịnh có tần số rung động là 540, người oán ghét, thù hận có tần số rung động là 150…

Cũng theo Tiến sĩ Hawkins, tần số rung động cao nhất mà ông quan sát được là 700. Riêng những người tu giải thoát, đắc đạo, tràn đầy từ bi thì năng lượng của họ rất cao, trên 700 và khi họ xuất hiện, tạo thành lực ảnh hưởng tốt đẹp tới từ trường xung quanh. Cũng vậy, khi người có tâm xấu xuất hiện, chẳng những họ làm tổn hại bản thân mà còn làm cho từ trường xung quanh đó bị ô nhiễm, biến đổi theo hướng xấu.

Ông Hawkins cũng cho biết hầu hết phim ảnh ngày nay sẽ làm suy yếu người xem vì chúng đưa ra các mức năng lượng xuống dưới 200. Và ngược lại, những quyển sách, hay tri thức mang tần số rung động cao như Tâm kinh và kinh Pháp hoa đều 780, kinh Kim cang 700, giáo lý Thiền 795…

Trở lại bài pháp về lực tác động của năng lượng hay tần số từ bi, thanh tịnh… tỏa ra từ Đức Phật, chúng tôi xin nhắc lại câu chuyện ghi trong kinh Nguyên thủy rằng một hôm Đức Phật đi hóa duyên đến một nhà nọ, con chó trong nhà trông thấy Phật đứng trước cửa, nó đã sủa dữ dội. Phật nhẹ nhàng bảo nó rằng ngươi vì tiếc của mà phải tái sanh làm con chó để giữ của trong nhà này, ngươi vẫn chưa chán sợ cái nghiệp này hay sao. Con chó nghe Phật nói vậy, nó không sủa nữa, nằm im, vẻ mặt buồn rầu.

Người con trai trong nhà hỏi Phật vì sao Ngài biết như vậy. Ngài cho biết con chó này là cha của ông, vì lúc sống có chôn giấu hũ vàng ở đầu giường mà chưa kịp nói cho ông biết, nên nó sợ mất hũ vàng mới đầu thai vào làm con chó để tiếp tục canh giữ vàng. Người con nghe Phật dạy như vậy mới cho đào lên thì quả đúng là có hũ vàng chôn ở đầu giường. Và ít lâu sau, nhờ năng lượng từ bi của Đức Phật, năng lượng của pháp Phật khai thị mà nó đã thoát kiếp làm chó.

Trong cuộc đời giáo hóa dộ sanh, Đức Phật đã có lần rời bỏ Tăng chúng, Ngài vào rừng ở, để nhắc nhở họ không được kiêu mạn, phải nỗ lực tu bồi phước đức trí tuệ mới thực sự là trưởng tử của Như Lai. Phật sống một mình trong rừng, nhưng năng lượng từ bi của Phật đã cảm hóa con voi già ra suối lấy nước cúng Phật và con khỉ già dâng trái cây cho Phật mỗi ngày.

Ngoài ra, cũng có câu chuyện về vua Lương Võ Đế rất kính trọng Hòa thượng Chí Công, nhưng bà hoàng hậu lại rất ghét Hòa thượng này. Vì trong kiếp trước, tiền thân của hoàng hậu là con dế mèn ở chùa được vị trụ trì quan tâm. Nhưng có chú tiểu là tiền thân của Hòa thượng Chí Công vì tiếng dế gáy làm mất ngủ và thức dậy trễ giờ công phu, chú bị vị trụ trì rầy. Chú tiểu giận quá mới ngắt đầu con dế. Một hôm, vị trụ trì đi xa về, không nghe tiếng dế gáy, Ngài ra vườn thấy xác con dế. Ngài đã chú nguyện cho con dế và chôn nó. Con dế nhờ nghe kinh hàng ngày, nên pháp lực và công đức lực của vị trụ trì đã trợ duyên cho nó được tái sanh làm hoàng hậu.

Còn một câu chuyện về cuộc đời hành đạo của Tổ Huệ Đăng tu ở núi Thiên Thai, Bà Rịa, Vũng Tàu. Ngài ở trong hang núi thì có con cọp từ bên ngoài đi vào hang, nó đứng yên, nhìn Ngài như muốn hỏi tại sao lại ở trong hang của tôi. Tổ nhẹ nhàng bảo nó rằng toàn khu rừng núi này là lãnh địa của ông, ông muốn ở chỗ nào cũng được. Vậy ông nhường cho tôi cái hang này để tôi ở đây tu. Năng lượng từ bi của Tổ đã khiến con cọp rời khỏi hang một cách đơn giản giống như hai người bạn thân hiểu nhau, thương nhau, giúp đỡ nhau. Và ông chúa sơn lâm đã đi luôn, không bao giờ trở lại nữa.

Riêng tôi cũng đã thể nghiệm rõ rằng năng lượng, hay tần số từ bi, giải thoát, đức hạnh… của người tu thực sự tác động mãnh liệt đến loài thú. Nhất là đối với những con thú mới bỏ thân người và bị đọa làm thú vật thì tất cả những gì của con người còn lưu lại trong nghiệp thức sau khi chết vẫn còn sống động mạnh mẽ, nên nó dễ dàng cảm nhận được năng lượng từ bi, an lạc, giải thoát của người tu mà nó có duyên được gần gũi, chúng ta tạm gọi là nó “hiểu” được người yêu thương nó.

Đó là một lần tôi sang Pháp ở chùa Trúc Lâm, Paris với cố Hòa thượng Phước Đường. Trong chùa có nuôi con chó, mỗi khi tôi đi giảng pháp về, nó đều đứng đợi tôi trước cửa phòng và chồm lên mở cửa cho tôi. Trông nó thật dễ thương. Một hôm, tôi nhìn nó mà nói rằng “Anh ráng ăn chay để khỏi làm phiền quý thầy mua đồ mặn cho anh, để anh đỡ tổn phước”. Tôi chỉ nói một câu đơn giản vậy thôi. Thế mà sau đó, nó nhịn ăn và đã chấm dứt được cuộc sống súc vật. Rõ ràng nó đã cảm nhận được lời pháp mà tôi khuyên với tất cả tâm yêu thương nó.

Hoặc câu chuyện mà cố Hòa thượng Tắc Ngộ đã kể về con chó ở chùa Kim Cang. Nhà nuôi nó ở gần chùa và nó đã bỏ nhà sang chùa ở. Người chủ đến chùa dắt nó về cho nó ăn nhiều thịt hơn để dụ nó đừng qua chùa nữa. Nhưng nó lại trốn qua chùa và nhất định không chịu về nhà chủ nữa. Điều đặc biệt là nó rất hiền, ăn chay dễ dàng và cứ đến giờ chư Tăng tụng kinh thì nó lên chánh điện nằm nghe kinh, xong thời kinh tự động đi xuống.

Có thể hiểu rằng con chó này đã cảm nhận được từ trường an lạc ở chùa và nó cũng trực nhận được âm thanh giải thoát của lời kinh mà chư Tăng tụng mỗi ngày. Nó không nghe được tiếng ngưởi, nhưng nó nghe pháp bằng tâm và cảm thấy thích sống trong chùa, nghĩa là sống trong môi trường thanh tịnh, an lạc mà nó có đồng tần số.

Đức Phật là đấng cha lành của muôn loài. Tâm từ bi của Phật bao phủ muôn loài. Tuệ giác vô thượng của Phật tỏ rõ quy luật vận hành của muôn loài trong Pháp giới. Pháp Phật có công năng rửa sạch phiền não, nhiễm ô của muôn loài.

Vì vậy, Đức Phật đã khẳng định rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật. Tuy nhiên, Ngài cũng xác định rằng trong các loài, chỉ loài người có đủ điều kiện tối ưu để đạt đến quả vị Phật. Thật vậy, với cấu trúc đặc biệt về thân vật chất và tinh thần là vốn quý báu giúp con người phát huy đạo đức, trí tuệ để tiến đến quả vị Vô thượng Bồ-đề. Còn các loài khác tuy có hạt giống Phật, nhưng không có được sự đặc thù của thân người, nên các loài, kể cả chư Thiên nhiều phước báu hơn loài người mà muốn tu thành Phật cũng phải tái sanh làm người để từ vị trí con người tiến tu lên.

Dĩ nhiên loài thú còn rất nhiều khó khăn hơn nữa trong việc tu hành, nhưng nếu chúng có được phước duyên gần gũi chư Tăng, Phật tử, hay ở gần chùa, thì nương vào từ trường thanh tịnh của Tam bảo mà khơi gợi cho chúng nhớ lại những điều thiện lành chúng cũng từng có được trước khi bị đọa làm thú vật, sẽ giúp chúng chuyển hóa nghiệp súc sanh, trở lại làm người.

Nhận thức nỗi thống khổ vô cùng trong kiếp sinh tử luân hồi và chúng ta lại được phước duyên làm người và được tu học Phật pháp là hai điều rất khó có, cần phải trân trọng và giữ gìn, đừng phạm tội để đọa xuống ba đường ác. Cần cố gắng nỗ lực thể hiện pháp Phật trong cuộc sống để phát triển đức hạnh và tuệ giác cho đến ngày thành tựu quả vị Phật. HT.Thích Trí Quảng

http://giacngo.vn/nguyetsan/chuyende/2017/11/30/7266DA/

Âm lịch

Ảnh đẹp