12/11/2018 18:09 (GMT+7)
Số lượt xem: 1381
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 



Là Tất Cả Mà Không Là Gì Cả


Bồ-tát ở cấp cao nhất, Bồ-tát nhất sanh bổ xứ, được kinh Pháp hội Pháp giới Thể tánh Vô phân biệt nói như sau:

“Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói: Này Thiên tử! Nếu có Bồ-tát biết tất cả các sanh mà cũng chẳng sanh, cũng biết tất cả sanh tử của chúng sanh. Ở trong các sanh khéo có thể thuyết pháp giáo hóa chúng sanh. Chỗ sanh, không thủ cũng không chẳng thủ. Các sanh lìa sanh tử thủ, chẳng đi chẳng đến, chẳng lên chẳng xuống, vì tất cả pháp đều bình đẳng vậy. Cũng biết nhân duyên hòa hợp tăng trưởng. Tất cả chúng sanh thân khẩu tâm ý đều bình đẳng. Không có cảnh giới tất cả chúng sanh, trụ Phật cảnh giới, nhập vào pháp giới. Vì pháp giới bình đẳng nên hiểu rõ tâm chúng sanh bình đẳng. Khéo biết thời để đến ngồi đạo tràng. Thiên tử! Đây gọi là Bồ-tát nhân sanh vậy”.

Bồ-tát ở trong sanh tử để giáo hóa chúng sanh nhưng đồng thời giải thoát khỏi sanh tử và chúng sanh: “Chỗ sanh, không thủ cũng không chẳng thủ; các sanh lìa sanh tử thủ, không đi không đến… vì tất cả pháp đều bình đẳng vậy”. Sống với chúng sanh mà thấy “… không có cảnh giới tất cả chúng sanh…”, “…tất cả chúng sanh thân khẩu tâm ý đều bình đẳng…”. Sự bình đẳng của tất cả pháp sanh tử và của tất cả chúng sanh là sự bình đẳng của “pháp giới thể tánh vô phân biệt”.

Sanh tử là “tất cả các sanh”, nhưng Bồ-tát thấy “tất cả các sanh (ấy) cũng chẳng sanh” , tất cả các sanh bình đẳng, vô phân biệt trong cái chẳng sanh, trong pháp giới thể tánh chẳng sanh. Tất cả chúng sanh thân khẩu tâm ý đều bình đẳng trong pháp giới thể tánh bình đẳng, do đó gọi là “không có cảnh giới tất cả chúng sanh”, nghĩa là tất cả chúng sanh “cũng chẳng sanh”. Thấy được tất cả các sanh là chẳng sanh, Bồ-tát “trụ Phật cảnh giới, nhập vào pháp giới” bình đẳng, vô phân biệt. Trụ Phật cảnh giới là sống trong pháp giới thể tánh vô phân biệt, “không có pháp nào sanh ra, không có pháp nào diệt mất”.

Nhưng Bồ-tát không chìm đắm trong cái bất sanh, cái vô phân biệt, mà vượt khỏi cái bất sanh, cái vô phân biệt để tự tại với cái sanh, cái phân biệt. Nói cách khác, Bồ-tát sống nơi cái sanh mà chẳng sanh, cái xuất hiện mà chẳng xuất hiện và cũng là nơi chẳng sanh mà sanh, chẳng xuất hiện mà xuất hiện: nơi sắc tức là Không và Không mà là sắc. “Thiên tử Bửu Thượng lại hỏi: Thưa ngài Văn-thù-sư-lợi, thế nào gọi là Bồ-tát bất sanh cũng được tự tại ở nơi tất cả? Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói: Nếu có Bồ-tát nhập các thiền định và thứ đệ định, đây gọi là bất sanh. Chẳng đam mê thiền lạc, đây gọi là được tự tại ở tất cả. Nếu có Bồ-tát nội tâm tịch tịnh thì gọi là bất sanh. Nếu chẳng ô nhiễm các cảnh giới ở ngoài thì gọi là được tự tại. Nếu có Bồ-tát chẳng trái nghịch chỗ an trụ (tánh Không) thì gọi là bất sanh. Nếu chẳng tùy theo chỗ việc làm thì gọi lả được tự tại. Nếu có Bồ-tát dùng tận trí quán tất cả pháp Không thì gọi là bất sanh. Nếu đủ các thiện căn thì gọi là được tự tại. Nếu có Bồ-tát quán tất cả pháp là tánh Không thì gọi là bất sanh. Nếu chẳng buông bỏ tất cả chúng sanh thì gọi là được tự tại. Nếu có Bồ-tát chẳng trụ ba cõi thì gọi là bất sanh. Vì chúng sanh nên chẳng nhập Niết-bàn thì gọi là được tự tại”.

Bất sanh là tánh Không, là giải thoát, là Niết-bàn, nhưng Bồ-tát vì chúng sanh đang còn ở trong sanh tử nên phải vượt lên khỏi một tánh Không bất động ấy để được tự tại nơi sanh tử và tự tại với cả Niết-bàn. Một thành ngữ của Đại thừa là “không lấy không bỏ”, đây là sự tự tại của Bồ-tát được nói ở đây. Tự tại là không lấy không bỏ sanh tử và Niết-bàn.

Bồ-tát không bỏ sanh tử vì nơi ấy có chúng sanh cần được giáo hóa, mà còn vì sanh tử là nơi tu hành Trí huệ ba-la-mật của Bồ-tát, vì “các pháp giới (dơ, sạch) là pháp giới thể tánh”.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói: Nếu thấy tất cả kiết sử ma nghiệp đều có thể lợi ích cho đạo vô thượng, đó gọi là Bồtát khéo biết phương tiện. Chẳng cùng đi với tất cả kiết sử, đó gọi là Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật”.

Lại này Ba-tuần!Nếu Bồ-tát tâm vì trọn vẹn cứu độ các chúng sanh nên dùng đại trang nghiêm mà tự trang nghiêm, đó gọi là Bồ-tát rốt ráo tâm hạnh. Nếu dùng bốn nhiếp pháp để nhiếp chúng sanh, đó gọi là Bồ-tát khéo biết phương tiện. Nếu rốt ráo quán tất cả chúng sanh thể tánh tịch diệt, đó gọi là Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật.

Lại này Ba-tuần! Nếu thấy ngưới đến xin đều chẳng trái bỏ họ, đó gọi là Bồ-tát rốt ráo tâm hạnh. Nếu có Bồ-tát tập hợp các thiện căn nguyện cầu nhất thiết trí, đó gọi là Bồ-tát khéo biết phương tiện. Nếu Bồ-tát khéo biết thể tánh của các pháp, đó gọi là Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật”.

Vào cuối kinh, khi Đế-thích, Phạm vương và các Thiên vương Hộ thế nguyện thủ hộ, cung cấp, phục dịch cho những thiện nam thiện nữ tu hành kinh này, Đức Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:

“Ông thọ trì kinh này để rộng lưu truyền ở Diêm-phùđề vào thời kỳ mạt thế sau. Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Lúc hỏa tai khởi lên, hư không chẳng được thọ trì mà cũng chẳng bị đốt cháy. Bạch Đức Thế Tôn! Như thể tánh hư không, tất cả pháp đây cũng như vậy. Các pháp đây chẳng sanh chẳng diệt. Nếu các pháp không sanh không diệt thì cũng không thọ trì. Vì thể tánh các pháp không thọ trì, đúng như pháp thể tánh, thọ trì các pháp cũng như vậy”.

Thọ trì pháp giới thể tánh vô phân biệt, hay thể tánh các pháp, hay Trí huệ Bát-nhã thấu suốt tánh Không, là không thọ trì. Không thọ trì vì như thể tánh hư không, các pháp không sanh không diệt. Không thọ trì là sự thọ trì rốt ráo, và sự thọ trì rốt ráo này là “an trụ trong giác ngộ (bồ-đề) của chư Phật”.

“Ngài Xá-lợi-phất hỏi: Này Ba-tuần! Luận về bồ-đề (giác ngộ), thể tánh của nó là những gì? Ba-tuần nói: Biết rõ tất cả pháp bình đẳng là thể tánh bồ-đề. Biết rõ hai pháp là thể tánh bồ-đề. Nhất thiết trí quán là thể tánh bồ-đề. Chẳng phải không thể tánh, chẳng phải hành chẳng phải chẳng hành, dứt hẳn tất cả các hành và chẳng hành, chẳng phải đạo chẳng phải chẳng đạo, đó gọi là bồ-đề của chư Phật Thế Tôn”.

An trụ trong pháp giới thể tánh vô phân biệt, hòa nhập làm một với nó, như thế trở thành tất cả biểu lộ của nó là sanh tử và Niết-bàn:

“Ba-tuần hỏi ngài Xá-lợi-phất: Ngài Xá-lợi-phất! Chư Phật Như Lai an trụ chỗ nào? Ngài Xá-lợi-phất nói: An trụ nơi bình đẳng trong sanh tử, an trụ nơi Niết-bàn bất động, an trụ nơi tánh như thật của tất cả các kiến chấp, an trụ nơi kiết sử của tất cả chúng sanh, an trụ nơi căn bản của tất cả pháp, an trụ nơi hai pháp hữu vi và vô vi, các an trụ đều chẳng an trụ vì không có an trụ vậy. Này Ba-tuần! Chư Phật Như Lai an trụ như vậy”.

Tóm lại, các bậc giác ngộ an trụ trong “pháp giới thể tánh” nên là biểu lộ của pháp giới thể tánh tức là “tất cả các pháp giới”. Nói cách khác, bậc giác ngộ là tất cả mà không là một cái gì cả:

“Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói: Thưa Đại đức Xá-lợi-phất! Tất cả cỏ cây rừng bụi không có tâm đều có thể làm thân tướng Như Lai và đều có thể thuyết pháp”.

Nguyễn Thế Đăng
Văn Hóa Phật Giáo 307 15-10-2018

Âm lịch

Ảnh đẹp