Ngày nay, tuy đời sống vật
chất phong phú nhưng lại thiếu kém về mặt tinh thần, tâm linh trống
rỗng, không nơi nương tựa. Trong khi thời xưa, đời sống tinh thần lại có
phần sung túc hơn. Nguyên nhân do đâu? Và làm thế nào để cải thiện?
Giáo dục cổ nhân
Ngạn ngữ Trung Quốc có câu “nhân dữ cầm thú cơ hy”,
con người là động vật, cầm thú cũng là động vật. Con người và cầm thú
khác biệt nhau chính ở giáo dục, hay nói cách khác, nếu con người không
được giáo dục, đời sống sẽ không bằng cầm thú. Không ít người đã từng
nghiệm chứng, cảm thấy mình là người nhưng không an nhàn tự tại.
Con
người là vạn vật chí linh, điều đáng quý nhất là chúng ta có năng lực
tiếp nhận sự giáo dục, hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh, biết
cách sống hòa thuận với nhau và với những loài động vật khác, hòa mình
cùng đại tự nhiên. Nếu không thông hiểu sẽ không thể đem bổn phận con
người dấn thân một cách tốt đẹp. Được như vậy, cuộc sống mới có giá trị,
có ý nghĩa; đời sống tinh thần mới được đầy đủ. Cách giáo dục của nhà
Nho, cụ thể là Khổng Lão phu tử, các khóa mục cũng rất có thứ tự trong
đó “đức hạnh” được xem là mối quan tâm hàng đầu.
Giáo dục đức hạnh
Đức
hạnh là yếu tố cơ bản để làm người, cũng chính là luân lý đạo đức mà
chúng ta thường đề cập. Nếu vứt bỏ luân lý đạo đức, con người sẽ không
khác gì loài động vật, mà cổ nhân thường ví von: “cầm thú mặc quần áo”.
Thân tướng con người, mặc y phục con người, đội nón người,… nhưng tâm
hạnh lại chẳng khác gì các loại động vật; đối với chân tướng của vũ trụ
nhân sinh, không hề biết một tí gì. Nhà Phật gọi hiện tượng đó là “thọ báo”,
người không những bị thọ báo mà còn tạo vô lượng vô biên tội nghiệp,
quả khổ không thể nào ước lượng được. Việc này chỉ cần tỉ mỉ quán sát,
chúng ta có thể nhận ra và khẳng định. Do đó “giáo dục đức hạnh” là căn bản của giáo dục.
Thời
xưa, bậc tiểu học, từ một đứa trẻ bảy tuổi rời khỏi cha mẹ phải theo
thầy, sống chung với thầy. Thầy giáo không chỉ dạy học mà còn giáo dục
ngay trong đời sống. “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”,
thầy giáo là tiêu chuẩn sống, hình tượng sống. Học trò cùng sống với
thầy phải hướng đến thầy để học tập. Học từ đời sống của thầy, học cách
đối nhân xử thế. Tiểu học chú trọng đến giáo dục đời sống, dạy cách tưới
nước quét nhà, dạy tôn kính sư trưởng, hiếu thuận cha mẹ, thương yêu
anh em, dạy điều cơ bản của luân thường, dạy về “trung hiếu tiết nghĩa”, “ngũ luân bát đức”.
Giáo dục học thuật
Ngoài
giáo dục đời sống, giáo dục học thuật được chú trọng song song. Không
giảng giải, thầy giáo xem tư chất của từng học trò. Ai có tư chất cao,
mỗi ngày được thầy truyền dạy bài học dài. Thiên tư kém hơn, mỗi ngày
được dạy bài học ngắn. Bài khóa thời xưa không giống giáo trình của
trường học ngày nay. Sách đọc đều từ “tứ thư ngũ kinh” hay “thập tam kinh”.
Mỗi ngày lên lớp, học trò được yêu cầu ngừng ngắt câu trong sách. Sau
khi được thầy chỉnh sửa lại, học trò được dạy đọc đi đọc lại hàng chục
lần đến thuộc lòng. Nếu không đủ năng lực, học trò sẽ chỉ được yêu cầu
thuộc ít bài hơn. Thiên tư bậc nhất một ngày có thể học thuộc khoảng 700
chữ. Thiên chất trung bình có thể học thuộc 400 chữ mỗi ngày. Sau khi
đã thuộc bài, thầy giáo lại yêu cầu đọc 100 lần, 200 lần cho đến thông
thuộc làu làu. Vì sao cách giáo dục thời xưa lại bắt đọc nhiều biến đến
vậy?, tuổi thơ sức nhớ rất tốt, sau khi đọc như vậy sẽ ghi nhớ cả đời.
Do đó giai đoạn tiểu học, các vị thầy lợi dụng năng lực ghi nhớ thiên
chất để buộc học trò phải ghi nhớ những điều cần thiết. Điển tích văn
chương của Cổ Thánh Tiên Hiền cũng đều dạy thuộc lòng ở giai đọan tiểu
học.
Khi
giai đoạn tiểu học hoàn tất, ngay lúc này, nhất cử nhất động của trò
đều phù hợp với lễ phép. Người Trung Quốc thường gọi là tiểu đại nhân.
Không giống tuổi trẻ được giáo dục ở phương Tây ngày nay, hoạt bát, hồn
nhiên, phương Đông giáo dục trẻ thơ như người lớn, cử chỉ đoan chính,
một chút cũng không dám tùy tiện. Thế nên điều đó dễ phát sinh trí tuệ,
mười ba tuổi vào thái học. Thái học thuộc giáo học Trung Quốc, tương
đương đại học hiện nay. Phương pháp dạy thái học hoàn toàn là giảng
giải, nghiên cứu, thảo luận. Thầy giáo dạy học sinh đi vào thực tiễn,
không cần sách vở. Vì sao? vì những điều giảng nói, học sinh đều đã
thuộc lòng. Thầy giáo chỉ nêu ra bộ sách nào, ví dụ “Lễ ký”,
chương nào, dòng nào, các học trò đều có thể đọc ra được. Thầy giáo dạy
học không cần mang giáo trình, học trò nghe giảng cũng không cần ghi
chép. Thầy trò có thể cùng đi du ngoạn, vừa đi vừa nghiên cứu thảo luận,
sau ba tháng quay về thì môn học đó cũng đã hoàn thành theo cách thức “đọc vạn quyển sách, đi vạn dặm đường”.
Những vấn đề khó hiểu trong kinh điển được thầy giảng nghĩa. Nơi nào
được đề cập trong kinh điển, thầy trò cùng đi đến để tham quan, khảo sát
thực tế, học vấn chân thật.
Giáo dục đối nhân xử thế
Ngày
nay, trong cuộc sống thường nhật, trong đối nhân xử thế, chúng ta thực
tiễn áp dụng phương cách của người xưa, đó gọi là chân trí tuệ, chân học
vấn. Lịch sử đã có rất nhiều người tuổi chưa tròn hai mươi đã là đồng
tử, tiến sĩ, cử nhân. Tiến sĩ, cử nhân năng lực thời bấy giờ được phân
bổ đến địa phương, làm trưởng huyện thị, quan phụ mẫu địa phương, đưa ra
những chính sách tối ưu. Những năm đầu dân quốc, chúng tôi biết một vị
đệ tử của Phật môn, tên Trương Lân, có lẽ bây giờ ông đã tịch. Trương
Lân làm huyện trưởng khi tuổi vừa tròn 19.
Giáo
học cổ xưa Trung quốc khác với phương thức hiện tại ở chỗ chú trọng vào
học vấn thiết thực, khóa mục đơn giản, dạy làm người, vì dân phục vụ. “Học nhi ưu tắc sĩ”, quốc gia bồi dưỡng nhân tài, tuyển chọn trưởng địa phương với tiêu chuẩn “hiếu liêm”. Phương cách tuyển cử thời xưa cũng không phải do toàn dân tuyển cử mà do quan viên địa phương tuyển cử.
Triều
đại xưa ban thưởng rất cao cho các thị trưởng địa phương nếu có thành
tích tiến cử nhân tài. Mão quan cũng biểu trưng cho khuynh hướng này.
Mão các quan thị trưởng địa phương không giống như mão thông thường. Mão
được thiết kế dạng bậc thang, phía trước thấp hơn một tầng, phía sau
cao hơn một tầng, gọi là mão tiến hiền, với niềm hy vọng đời sau cao hơn
đời trước một bậc. Mão Đế Vương có hình chuỗi ngọc, biểu thị tâm bình
đẳng đối với toàn dân.
Quan
thị trưởng địa phương là người thay quốc gia đề bạt nhân tài. Họ phải
đi điều tra hiếu liêm, hiếu tử, trung thần xuất thân từ người con hiếu.
Con người hiếu thuận cha mẹ nhất định sẽ trung thành với quốc gia, quan
tâm nhân dân, tận tâm tận lực, liêm khiết không hề tham ô. Quốc gia
tuyển chọn nhân tài dựa trên hai tiêu chuẩn: tận trung, gánh vác trách
nhiệm; và liêm khiết, không tham ô. Khi được tiến cử, những người con
hiếu thuận ấy lại được bồi dưỡng, giáo dục.
Vì
thế đời sống tinh thần người xưa khá dồi dào dù đời sống vật chất tuyệt
nhiên không quan trọng. Các quan lớn thậm chí đến thừa tướng, khi về
già, đa số vẩy hai tay sạch không, không có thứ gì. Họ trở về cuộc sống
bần hàn, thanh cao, được xã hội tôn kính. Họ làm quan nhiều năm, không
tham ô, mong cầu phú quý cho bản thân mà dốc toàn tâm toàn lực vì quốc
gia trăm họ. Cả cuộc đời sống ý nghĩa, có giá trị, vì vậy đời sống tinh
thần của họ đương nhiên đầy đủ, biểu hiện ngay trong đời sống “ý sách tình thơ”.
Con
người trong hiện tại tuy phú quý, địa vị, nhưng thực chất họ chẳng khác
những cỗ máy, không hưởng thụ, ngày ngày sống trong lo lắng phiền não,
sợ được sợ mất, khổ không nói ra. Do đó vạn nhất không nên hiểu lầm rằng
nghèo là khổ. Đôi khi giàu sang phú quý còn khổ hơn bội phần. Giàu
không vui, không bằng nghèo mà vui; quý không an, không bằng nghèo mà
an. Nghèo có an lạc, trong khi người phú quý lại không có an lạc. Nguyên
nhân do đâu? Đều do giáo dục. Nếu nhận sự giáo dục truyền thống Trung
Quốc, nhận được sự dạy bảo của Phật pháp, thì bất luận là người ở tầng
lớp nào, phú quý hay bần tiện cũng đều có thể an lạc, đều có thể đạt đời
sống tinh thần dồi dào phong phú.
Phương cách giáo dục thời nay
Cầu
tiền của cho bản thân không làm chúng ta hạnh phúc, địa vị cũng không
làm ta mỹ mãn nếu không có nền tảng của giáo dục luân lý, giáo dục của
Phật pháp.
Phật
pháp là giáo dục chánh giác, là giáo dục đại triệt đại ngộ có thể giải
quyết cơ bản vấn đề. Giáo dục luân lý nhà Nho có thể giải quyết vấn đề
của đời này, còn giáo dục của Phật pháp có thể giải quyết vấn đề của
nhiều đời nhiều kiếp. Ấn tổ nói: “Thâm tín nhân quả, tín nguyện niệm Phật”,
nếu không niệm Phật, không đem không gian đời sống của chúng ta mở rộng
ra, thì chúng ta không thể gặt hái quả lành. Nếu dùng ngôn ngữ hiện tại
để nói, thì thế giới Tây phương cực lạc chính là ngoài Thái không.
Chúng ta có thể sanh đến ngoài Thái không, cũng như chúng ta có thể sanh
đến thế giới Tây phương cực lạc. Đó là tận hư không khắp pháp giới, là
khoa học đạt đến đỉnh cao. Hay nói cách khác, nơi đó bao gồm tất cả thọ
dụng tùy tâm sở cầu. Muốn ăn thức ăn, thức ăn lập tức bày ra trước mặt,
đây là kỹ thuật chân thật đạt đến đỉnh tối cao. Như chúng ta biết, khoa
học cho rằng vật chất do năng lượng biến hiện, nhưng khoa học không lý
giải được cách thức biến hiện. Thế giới Tây phương cực lạc, ý niệm
chuyển biến vật chất, muốn ăn gì, năng lượng liền biến thành thứ ấy,
không muốn ăn nữa, cũng không cần dọn dẹp, năng lượng tự động làm vật
chất biến mất. Hiện tại chúng ta phải dùng phi cơ, hỏa tiễn,… làm phương
tiện di chuyển. Thế giới cực lạc du lịch thái không, nghĩa là không
dùng phương tiện, chỉ nghĩ đến đâu, thân liền đến nơi đó. Tự tại đến
vậy. Phát nguyện đến tận hư không pháp giới cõi nước chư Phật, chúng ta
sẽ nỗ lực để thực hiện được.
Đức
Thích Ca Mâu Ni Phật, chư Phật Bồ Tát khuyên chúng ta niệm Phật vãng
sanh tịnh độ, đến thế giới Tây phương cực lạc, đi khắp mười phương thảy
đều không chướng ngại, đến bất cứ cõi nước nào cũng được hoan nghênh,
chư Phật Bồ Tát vừa nhìn thấy, đặc biệt tiếp đón. Đó mới là chân thật
đại viên mãn. Được như vậy, chúng ta cần thông suốt kinh Vô Lượng Thọ,
đọc kinh điển đại thừa, liễu ngộ rồi sinh khởi tín tâm mới biết được
cách làm như thế nào. Cho nên, học Phật trước hết phải làm người tốt.
Đừng ngồi hy vọng trở thành Phật, Bồ tát mà phải hành thiện. Cụm từ “Đốn luân tận phân” của đại sư Ấn Quang có ý nghĩa rất sâu sắc. Chúng tôi tạm giải nghĩa là “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”. Chúng ta có thể dùng tâm này để đối nhân xử thế tiếp vật, tất cả gọi là “đốn luân”. Đem chức vị công việc của mình dấn thân phục vụ chính là “tận phân”.
Đức Phật dạy, bổn phận của người xuất gia là “thọ trì, đọc tụng, vì người diễn nói”. “Thọ trì” là tuân thủ lời giáo huấn của Phật trong kinh điển, y giáo phụng hành. “Đọc tụng”, là mỗi ngày ôn tập lời giáo huấn ấy, không thể quên được. “Vì người diễn nói” là biểu diễn, làm gương cho kẻ khác; vì người khác giảng giải. “Tận phân”,
chúng ta phải dốc hết bổn phận, làm từ thiện, thức tỉnh chúng sinh giác
ngộ. Giúp đỡ chúng sinh giác ngộ mới thật là từ bi cứu giúp.
“Từ tế” có ý nghĩa rất sâu rộng, tặng một ít lương thực, quần áo, đó chỉ là tiểu từ tế. “Vì người diễn nói”
là đại từ tế. Phật phổ độ chúng sinh chín pháp giới, chúng ta thông
hiểu đạo lý phải biết nên làm thế nào để tất cả chúng sinh đều có thể
giác ngộ. Chúng sinh khi được giác ngộ, tất cả tai nạn của thế gian đều
được hóa giải, được tiêu trừ. Người giác ngộ khi đó mới thật sự hạnh
phúc. Không giác ngộ thì dù ở địa vị cao, tài sản vật chất đủ đầy nhưng
họ không cảm thấy mỹ mãn. Cho nên giáo dục của nhà Phật rất chú trọng
hai chữ “giác ngộ”.
Giác
ngộ triệt để, viên mãn, cầu sanh thế giới Tây phương cực lạc, cầu sanh
tịnh độ, học tập với đức Phật A Di Đà, cũng có thể phát đại nguyện, giúp
đỡ tất cả chúng sinh khắp hư không pháp giới với tâm lượng chân thành,
thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, và từ bi. “Nói lời tốt, làm việc tốt, làm người tốt” là mô phỏng chân chính của Phật Bồ Tát. “Vì người diễn nói”, gương mẫu cho xã hội đại chúng nhìn vào. Chúng tôi đi khắp nơi giảng kinh đề xướng bốn tốt: “Nói lời tốt, làm việc tốt, làm người tốt, giữ tâm tốt”, “tâm tốt” chính là: “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”. Đấy mới thật là “học vi nhân sư, hành vi thế phạm”, cứu độ chính mình cũng là cứu độ tất cả chúng sinh.
Vận mạng có thể thay đổi không?
Một
vấn đề rất nhiều vị đồng tu quan tâm, đó là vấn đề xã hội. Nhiều người
thường đi xem tướng, đoán mạng. Việc này có nên không? Đáp án của chúng
tôi là nên.
Chúng
ta cần hiểu rõ chân tướng sự lý này để biết được nó là thật hay giả.
Mạng có hay không? Có! Mạng từ đâu ra? Là trong đời quá khứ chúng ta đã
tạo tác nghiệp thiện ác mà hình thành. Trong đời quá khứ tạo nhiều việc
thiện, thì mạng chúng ta tốt, tạo nhiều nghiệp ác thì mạng không tốt.
Mạng không do người khác định, ngay đến thiên địa quỷ thần, Phật Bồ Tát,
cùng thượng đế cũng không liên hệ.
Kinh Phật cũng nói rất rõ ràng “tự làm tự chịu”.
Người chân thật thông hiểu sự lý này dù gặp tai nạn to lớn đến đâu, họ
cũng sẽ không oán trời trách người. Dù hành thiện cả đời, tận trung báo
quốc, nhưng cuối cùng lại gặp nhiều bất hạnh, họ cũng hiểu rằng “sự thọ nhận đời này là do đời trước tạo” nên hoan hỉ vui mừng mà tiếp nhận. Nhân quả thông qua nhiều đời, không chỉ một đời.
Đời này làm, đời này nhận gọi là “hiện báo”; đời này làm đời sau nhận Phật pháp gọi là “sinh báo”; đời này làm, nhiều đời sau nhận gọi là “hậu báo”. Thời gian của hậu báo có lúc rất lâu dài. Cho nên Phật pháp thừa nhận, mỗi chúng sinh đều có vận mạng, nhưng không gọi là “túc mạng”.
Cũng
chính vì vận mạng có thể tùy thời thay đổi, vậy làm sao để thay đổi.
Nếu đã giác ngộ, chúng ta nhất định phải đoạn ác tu thiện để làm cho vận
mạng được tốt hơn. Bằng không, mỗi ngày vẫn giữ tâm hại người lợi mình,
tạo tác tội nghiệp, quả báo sẽ ngày càng xấu đi, vận mạng cũng xấu
theo. Cho nên vận mạng có một biến số. Người ta đi đoán mạng, xem tướng
đều có thể xem được rất chuẩn là vì, vận mạng tuy là biến số nhưng mức
độ thay đổi không lớn, cự ly tiêu chuẩn lên xuống không đáng kể, do đó
chúng ta xem được tương đối chuẩn. Nếu người đó hành đại thiện hay đại
ác, biến số dao động quá lớn, sẽ không đoán được. Vậy phải làm thế nào
để thay đổi vận mạng? Hành thiện lánh dữ.
Phong thủy có thật không?
Có. Người hiện đại nêu ra hai chữ “phong thủy”, cho là rất thần bí, nhưng kỳ thực hai chữ này lại rất bình thường. Hai chữ này có thể được diễn giải chính là “hoàn cảnh cư trú cùng với sự tu dưỡng của chính mình”,
tâm tình đều có quan hệ. Mỗi người một ý thích, không tương đồng, người
thích nước mà buộc lên núi ở, thì phong thủy của người đó không tốt,
hoặc ngược lại, người thích núi bị buộc sống cạnh nước, phong thủy cũng
không tốt. Vậy phong thủy tốt là hoàn cảnh mà chúng ta ở đó, cảm thấy
vừa lòng, thoải mái.
Không
nên bị mắc lừa mà cho rằng tôi sống nơi này không vừa ý, có rất nhiều
bất trắc xảy đến. Bất trắc đó chính là nghiệp báo liên hệ rất ít với
hoàn cảnh cư trú. Dù ít nhưng hoàn cảnh cư trú cũng thường dẫn đến phiền
não. Một gian phòng bài trí tao nhã tạo cảm giác thoải mái cho người
vừa bước vào. Gian phòng bừa bộn, dơ bẩn làm cho người bước vào cảm thấy
không vui. Vậy thảy có được gọi là phong thủy? Những việc này có thể
thay đổi, không cần người khác, lại càng không cần mời thầy địa lý đến
để bố trí lại.
Thân
mạng chúng ta bị người khác xếp đặt, chính mình không thể làm chủ, thử
nghĩ xem đáng thương đến chừng nào. Người trí biết làm chủ chính mình.
Trong bữa ăn, chúng tôi trân trọng nhưng sẽ cảm thấy không thoải mái khi
được ai đó gắp thức ăn cho mình. Được gắp thức ăn, chúng tôi đã bị trói
trong sự xếp đặt, bảo gì ăn nấy, không thể tùy theo sở thích của mình.
Tâm lý này khá phổ biến. Chúng tôi thường khuyên người đừng gắp thức ăn,
chúng tôi không chịu sự xếp đặt của người khác, có vẻ rất khó nghe.
Nhưng nghe rồi liền giác ngộ, liền thông suốt. Chúng ta thích món gì thì
khi ăn mới đạt tự tại. Tương tự hoàn cảnh sinh hoạt của mình cũng không
nên nghe người khác xếp đặt. Chúng ta tự chọn lựa, cân nhắc, đắn đo,
như thế mới được gọi là hiểu phong thủy.
Phong
thủy tùy người mà thay đổi, sự thật này ít người thông hiểu. Anh A ở
đây thì phong thủy rất tốt, gặp nhiều thuận lợi, gia đình mỹ mãn, sự
nghiệp thăng hoa, nhưng anh B đến ở thì chưa chắc, thậm chí có thể gặp
nhiều tai nạn. Trung Quốc có câu “bát tự bất nhất dạng”.
Vì vậy, điều tiên quyết là sự phối hợp với tu dưỡng của cá nhân. Thói
quen sinh hoạt, tâm lý cá nhân, hoàn cảnh vật chất cùng đời sống tinh
thần được phối hợp tốt đẹp, đó chính là phong thủy tốt. Đạo lý vốn như
vậy, người hiểu rõ đạo lý sẽ không chịu sự xếp đặt của người khác, chính
mình hoàn toàn tự chủ bản thân.
Đôi khi thầy xem phong thủy cũng có câu nói qua loa thất trách: “đất phước người phước ở”.
Họ xem phong thủy tốt, nhưng sau đó, chúng ta lại gặp điều không may,
khi ấy họ dẫn câu trên để phủi trách nhiệm, cho rằng đất phước mà chúng
ta không có phước. Vì vậy phải thật thấu hiểu, hà tất phải đi xem phong
thủy. Chúng ta chỉ cần chuyên tu phước huệ. Có phước, không luận đến nơi
nào, phong thủy sẽ tùy theo ta mà chuyển. Nhà Phật nói “cảnh tùy tâm chuyển”
cũng vì đạo lý này. Tâm thiện, hoàn cảnh cư trú không tốt cũng sẽ dần
dần biến tốt. Ngược lại, tâm bất thiện, hành vi bất thiện thì dù cư trú
nơi phong thủy thật tốt, chúng ta vẫn gặp điều xấu. Vì vậy hãy giữ tâm
tốt, hành việc tốt, làm người tốt để được hanh thông trong cuộc đời.
(Trích trong bài giảng Giáo dục-Phong Thủy-Vận mạng của Lão pháp sư Tịnh Không)
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Chỉnh lý: PT. Giác Minh Duyên
HT.Tịnh Không
http://tongiaovadantoc.com/c1037/20120217153821293/lam-the-nao-cuu-van-dao-duc-xa-hoi-httinh-khong.htm