Có một câu chuyện ngụ ngôn khiến người ta phải suy gẫm:
Hai
vợ chồng nhà nọ nuôi một con trâu và một con chó.Con chó được ở trong
nhà còn con trâu phải ở riêng ngoài chuồng. Mỗi ngày trâu ra đồng cày
bừa từ sáng sớm đến chạng vạng tối mới về,còn chó chỉ việc nằm ở cổng
rào canh chừng cửa.
Một hôm nọ trâu đi làm về,thấy chó nằm trước cửa nhà phe phẩy cái đuôi trông thật sướng, đang lúc mệt nhoài nó nổi cáu bảo:
- Không có ai sung sướng bằng mày,chỉ ăn rồi nằm. Thật là đồ vô tích sự!
Con
chó nghe con trâu hậm hực nặng nhẹ mình thì buồn bã trong lòng, nghĩ
trâu tuy to xác nhưng không có trí. Nó bèn nói với trâu:
- Anh
trâu không hiểu đâu, tôi nào có sung sướng như anh tưởng. Anh tuy làm
lụng nặng nhọc ngoài đồng nhưng có giờ có giấc ;sáng ra đồng,chiều lại
về,tối còn được nghỉ ngơi, cứ lăn ra mà ngủ.Còn tôi, tuy nằm canh cửa
giữ nhà trông có vẻ nhàn hạ hơn anh, nhưng thật sự thì mệt cầm canh đâu
có ai biết. Nằm lim dim mà lòng không yên, phải để tâm canh giữ cửa nhà,
không dám lơ là công việc. Nếu ngủ quên hoặc bất cẩn để xảy ra mất trộm
thì tôi khó mà sống được . Đêm đêm trong khi mọi người ngon giấc, tôi
có được nghỉ ngơi đâu, tôi phải lắng tai nghe ngóng, đưa mắt nhìn trông,
hễ nghe có động tĩnh gì thì phải sủa to để cảnh báo. Lúc chủ nhà vui
thì tôi còn được ăn no, chứ khi họ có chuyện buồn bực trong lòng thì bỏ
mặc tôi đói khát, không ai để mắt quan tâm. Những lúc sân si nổi lên họ
còn trút giận lên đầu tôi không thương tiếc, họ đánh họ đá, xua đuổi,
chửi mắng tôi. Mỗi khi bạn bè, người thân của họ đến chơi mà tôi không
biết, tôi sủa tôi vồ thì họ đánh tôi, chửi tôi là đồ ngu. Bạn bè họ đến
chơi thì không sao, còn bạn bè tôi đến chơi thì bị họ đuổi đi, ném đá
đến toạc đầu đổ máu. Ngẫm lại coi, anh và tôi ai sướng hơn ai chứ?
Con trâu nghe nói mới hiểu tình cảm của con chó, nghĩ mà thương nên an ủi:
-
Đúng là mày cũng không sung sướng gì. Tao với mày ở chung nhà mà chưa
một lần trò chuyện với nhau nên không hiểu nhau. Bây giờ tao đã hiểu nỗi
khổ của mày, mày cho tao xin lỗi. Nghe mày nói tao mới biết cả hai
chúng ta đều khổ cả.
Đang nói con trâu bỗng nghe tiếng chim ríu rít trên cành cây cao, nó nhìn nên rồi than thở:
-
Bọn chim trời cá nước sung sướng làm sao! Chúng có thể tự do tự tại bên
ngoài, không bị ai giam cầm quản thúc, không phải làm việc nặng nhọc
vất vả, không phải chịu nỗi khổ của kiếp tôi đòi. Giá mà chúng ta có
được cuộc sống vui vẻ như thế.
Khi ấy một chú chim nghe thấy lời trâu, bèn đáp lên lưng trâu nói:
-
Anh trâu ơi, anh không biết đâu, tôi cũng không sung sướng hơn các anh
đâu. Tuy loài chim chúng tôi không phải giữ nhà, không phải đi cày
ruộng, không phải chịu cảnh tù túng bó buộc, nhưng chúng tôi cũng có lỗi
khổ của mình. Hiểm họa luôn dình dập chúng tôi, những kẻ thợ săn có thể
bắn chết chúng tôi bất cứ lúc nào. Tổ của chúng tôi làm khó khăn vất vả
biết bao, chưa chắc ở được lâu vì sự phá hại của con người. Trứng chúng
tôi sinh ra chưa kịp nở con thì đã bị con người lấy mất. Loài người
biết thương con của mình nhưng nào biết thương con của kẻ khác. Các anh
chỉ bị hành hạ, còn tôi bị cướp đi mạng sống của mình, chết rồi còn bị
nhổ lông, xẻ thịt,nấu nướng, thân thể không vẹn toàn. Loài người ỷ mạnh
hiếp yếu, nào biết tôn trọng sự sống muôn loài. Các anh có cái khổ của
các anh, chúng tôi cũng có cái khổ của chúng tôi, không có ai sung sướng
cả.
Bày cá đang ở dưới mé nước nghe trâu nói mình sướng cũng không đồng tình:
-
Còn loài cá chúng tôi cũng không sung sướng đâu. Nhà cá chúng tôi
thường bị loài người đánh bắt, mỗi lần bị sát hại chết đến cả bầy đàn.
Không nơi nào là nơi để chúng tôi yên tâm mà sống, đâu đâu cũng có lưới
bủa câu giăng, đâu đâu cũng có bàn tay con người truy bắt.
Trâu nghe chim và cá nói thì ngao ngán thở dài não nuột:
-Hóa ra tụi mày cũng khổ. Hiểu biết của tao hạn hẹp quá nên không biết còn nhiều nỗi khổ trên đời này.
Nói
như thế rồi trâu buồn bã đi vào chuồng,nó nằm mông lung suy nghĩ về
thân phận của nó và bạn bè. Nó nghĩ, loài nào cũng bị con người hiếp
đáp, làm hại. Cuộc đời thật bất công, loài người đối xử tệ bạc với các
loài khác mà lại được sung sướng, không phải chịu sự khổ sở nào. Đang
lúc đó bỗng trâu nghe tiếng quăng bát ném đĩa trong nhà vọng ra. Nó lắng
tai nghe kỹ mới biết ông bà chủ đang gây gổ. Tiếng ông chủ gào lên:
-Sao
tôi khổ đến thế này, không bằng con trâu con chó nữa! con trâu đi cày
còn được nghỉ, còn tôi suốt tháng quanh năm phải bận bịu với nhà cửa, vợ
con, cơm áo gạo tiền, làm quần quật đêm ngày không lúc nào rảnh rỗi.
Tôi khổ sở như vậy là vì ai? vậy mà bà vẫn không để cho tôi yên, hễ thấy
mặt là hạch sách, càm ràm, đay nghiến. Vừa phải thôi, làm quá tôi cho
cả nhà ra chuồng trâu mà ở!
Nghe chủ nhà nói thế trâu bỗng giật mình, bất giác than rằng:
- Hóa ra sống ở trên đời đâu có ai không khổ!
Trong
chúng ta, mỗi người có một hoàn cảnh, xuất thân, có một hoàn cảnh sống,
có thể là vui, có thể là khổ, nhìn chung là như thế, song nếu xét cho
kỹ thì không ai hoàn toàn hạnh phúc, chỉ khác nhau là ít, nhiều những
nỗi vui, khổ mà thôi.Khổ và vui đan xen, chồng chéo nhau như một mạng
lưới vô hình giăng bủa cuộc đời chúng ta, không một ai thoát cả. Người
trẻ có những cái khổ của người trẻ, người già có những cái khổ của người
già; người giàu có cái khổ của người giàu, người nghèo có cái khổ của
người nghèo, dù trong hoàn cảnh nào cũng có những điều không như ý, cũng
có những nỗi khổ thân, khổ tâm, hoặc cả thân tâm đều khổ. Có ai không
lo lắng, không hối tiếc, không trông mong, hy vọng điều gì ? Có ai chưa
bao giờ buồn phiền, thất vọng, hay bất mãn, chán nản? Có ai hoàn toàn
khỏe khoắn, thoải mái cả về thể xác lẫn tinh thần? Chắc chắn là không có
ai. Cũng như Đoàn Như Khuê đã nói trong bài thơ Bể thảm:
“Bể thảm mênh mông sóng lụt trời.
Khách trần chèo một lá thuyền chơi
Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió
Gẫm lại cùng một bể thảm thôi”.
Đức
Phật đã từng nói: “Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển”, và khẳng
định bản chất cuộc đời là Khổ, một sự thật hiển nhiên (Khổ đế). Bởi vì
trong hoàn cảnh nào thì con người cũng không thoát khỏi sự chi phối của
định luật vô thường, mà hễ vô thường thì khổ. Cụ thể là con người khổ
vì sinh , già bệnh, chết, khổ vì mong cầu không toại nguyện , tử biệt
sinh ly, khổ vì oán ghét mà phải gặp nhau, khổ vì ngũ ấm bất hòa, cả
thân, tâm đều khổ.
Khi nhận biết cuộc đời là khổ, và cái khổ tác
động đến tất cả mọi người cho dù con người có ở hoàn cảnh , địa vị, hay
thân phận nào đi chăng nữa; bấy giờ chúng ta sẽ không còn cảm thấy đau
khổ vì cho rằng mình khổ hơn người khác; mình là kẻ bất hạnh, vô phần
hơn người khác; cũng như trường hợp con trâu trong câu chuyện ngụ ngôn
nói trên. Khi nhận biết cuộc đời là khổ, chúng ta sẽ bớt tham đắm và
chịu huệ lụy bởi cuộc đời, biết tìm cho mình phương cách sống tích cực
để có được cuộc sống an vui hạnh phúc; ví dụ, biết sống thiểu dục tri
túc, biết xả ly, biết yêu thương san sẻv.v.Khi nhận biết cuộc đời là
khổ, chúng ta mới có nhu cầu thoát khổ, mới có ý muốn, chí hướng tu tập
tìm con đường giải thoát khổ đau. Đây chính là lý do vì sao Đức Phật nói
Khổ đế trước khi dạy các pháp môn tu là phần Đạo đế. Khi chiêm nghiệm
về sự khổ ở thế gian,
“Đường danh nẻo lợi lắm người trông,
Chen chúc làm chi giữa bụi hồng.
Kìa bong nguyệt câu qua cửa sổ,
Nọ tranh vân cẩu có rồi không.
Lỡ cười, lỡ khóc trên sân khấu,
Khi nở , khi tàn mấy cụm bông.
Muốn kiếp phù sinh ra khỏi lụy.
Quyển kinh câu kệ chớ nài công”.
Muốn
cuộc đời an vui không còn khổ nữa, muốn thoát ra khỏi những triền
phược, hệ lụy thì phải cố gắng tu, bởi vì: ” Hữu vi là pháp vô thường,
sớm còn tối mất vô phương vững bền . Một mai sinh diệt đã không, Niết
–bàn an lạc thong dong tháng ngày”. Ngày xưa khi còn là thái tử, Đức
phật đã bỏ cung vàng điện ngọc xuất gia đi tu, vua Trần Thái Tông cũng
từ bỏ ngôi vua vào núi tu hành. Các ngài nhận thấy làm vua cũng không
sung sướng như người ta tưởng, làm vua cũng có những cái khổ của một vị
vua và những cái khổ chung mà mọi chúng sinh phải chịu.
Trong bài
pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển ở thành Ba-la-nại, Đức Phật đã nói về
bản chất của thế gian là bất toàn, vô thường, bất toại nguyện, đau khổ(
gọi chung là dukkha). Đức Phật nói nguyên nhân của khổ (Tập đế) là do
hành động tạo tác của thân và tâm ý (Nghiệp) dưới sự thúc đẩy của phiền
não vô minh và ái dục. Đức Phật cũng nói về hạnh phúc chân thật có được
khi khổ đau không còn (Diệt đế), và Ngài chỉ rõ con đường đưa đến hạnh
phúc chân thật đó (Đạo đế) là con đường Bát Chánh Đạo: Cánh kiến (thấy
biết đúng đắn sự thật của cuộc đời, hiểu rõ pháp Tứ đế).Chánh tư duy
(suy nghĩ đúng đắn phù hợp chân lý), Chánh ngữ (lời nói chân chánh),
Chánh nghiệp (làm những việc lành có ích cho mình, cho người khác),
Chánh mạng (sống bằng nghề chơn chánh, lương thiện), Chánh tinh tấn
(siêng năng, chuyên cần theo chiều hướng tiến bộ, tu dưỡng bản thân và
tích cực làm lợi ích cho nhân loại chúng sinh), Chánh niệm (luôn ý thức
và kiểm soát hành vi của thân, khẩu, ý, luôn nhớ nghĩ các pháp lành, tâm
an trú trong thiện pháp), Chánh định (nhiếp phục tâm ý, có định lực, có
tuệ quán). Nội dung Bát chánh đạo có thể nói không ngoài bài kệ sau:
Không làm các việc ác
Siêng làm các việc lành
Giữ tâm ý thanh tịnh
Đó là lời Phật dạy.
(Pháp cú 183)
Văn hóa Phật giáo