Trước Phật, con nhận diện con và người còn khổ đau
là vì chúng con còn tham-sân-si trong tâm mình - Ảnh minh họa
Vì còn tham-sân-si (nhà Phật gọi là ba
món độc) cắm rễ sâu trong tâm mình nên ta mới đòi hỏi, mới yêu cầu... và, nếu
những đòi hỏi ấy không được đáp ứng hoặc được đáp ứng rồi mất đi ta mới khó
chịu, mới buồn phiền, mới tức giận.
Vì tham-sân-si có mặt nên ta mới không thể
sống với thực tại và không nhận biết được sự biến đổi liên tục trên thân, tâm
mình cũng như cuộc sống xung quanh. Và mọi thứ biến đổi ta sẽ không thể chấp
nhận được và nhân danh rất nhiều lý do để giận, để buồn, để khổ đau miên viễn
trong chuỗi ngày làm người, cũng như chuỗi những kiếp sống quẩn quanh luân hồi
sanh tử.
Ông bà mình nhận ra tính chất có mặt của
những món độc ấy trong tâm nên dạy rằng “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, để
nhắc cháu con chọn một môi trường không có nhiều độc tố, với những biểu hiện
xấu xí, quá đậm năng lượng tham-sân-si vì nó có thể tưới tẩm cho những hạt
giống tương tự có sẵn trong ta nẩy nở. Nên, môi trường và những mối quan hệ
quanh ta rất quan trọng, nếu ở một nơi hoặc quan hệ với một người nào đó mà ta
cảm thấy bất an, bực bội, buồn phiền... thì ta nên quán niệm và tạm thời rời
xa.
Quán niệm để thấy đó là môi trường cực
độc hoặc có thể cũng hiền hòa nhưng không hợp với tố chất của ta. Quán niệm để
thấy, có thể người ta cũng hiền lành, không phạm lỗi lầm lớn lao nào nhưng ta
vẫn cứ thấy không vui vì họ để nhận diện, rất có thể ta và họ đã từng có ân-oán
đời trước, bây chừ gặp lại, thương cũng có mà buồn giận cũng nhiều...
Quán niệm
cũng để thấy, có thể hiện tại ta đang tham-sân-si quá nhiều, ta đang vật lộn
với những quả báo khổ đau mà ta đã từng tạo đến mệt nhoài, đang cạn kiệt niềm
tin, tình thương nên dẫu mọi thứ quanh ta không đến nỗi nào nhưng ta vẫn ác
cảm, vẫn nhìn với đôi kính màu đen, tối sầm, không chấp nhận...
Và, giải
pháp tạm rời xa môi trường, tạm lánh đối tượng ấy có thể là giải pháp “cắt cơn”
để ta có thể rèn luyện tâm mình trở nên bao dung, vị tha hơn. Hay, nói cách
khác, là để bốn tâm vô lượng (từ, bi, hỷ, xả) trong ta đủ lớn để “dấn thân” vào
cuộc đời với những hình thức phù hợp, tùy duyên, tùy cơ mà biểu hiện...
Nếu
quyết định đó được đưa ra và thực thi bằng sự nhận diện chơn thật những tâm
hành cũng như từ sự phản tỉnh của chính mình thì nó sáng suốt và cần thiết.
Nhìn sơ qua có vẻ na ná một sự chạy trốn, lẩn tránh nhưng kỳ thực không phải,
bởi có lắm sự việc nhìn bên ngoài ta không thể hiểu thấu bản chất bên trong.
Ngọc Trong Đá