02/01/2013 13:39 (GMT+7)
Số lượt xem: 36567
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong tất cả công việc, trước khi tiến hành thì bao giờ cũng vậy, chúng ta thường nghĩ đến mục đích của công việc sẽ làm sau đó, đưa ra nhiều suy tính, cách làm nào để đạt đến mục đích ấy. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng lý tưởng, ước vọng công việc trong mỗi người ai cũng có, nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được.

  Có người đạt được mục tiêu trong thời gian ngắn, có người tốn kém nhiều thời gian, có người dễ dàng nhưng với người khác thì không thể trôi chảy. Cuối cùng vẫn có những người không bao giờ đạt được mục tiêu mà mình đã đề ra.

Với đạo Phật, để hoàn thành một công việc dù nhỏ hay lớn, cần phải có sự hội ngộ của các duyên, trong đó bao gồm các yếu tố chính và phụ như là nghịch duyên và thuận duyên. Thuận duyên còn gọi là thắng duyên hay phước duyên. Thắng duyên, thuận duyên ai cũng mong muốn, không có thuận duyên thì công việc chưa hẳn thành tựu. Thắng duyên cũng thường được đề cập như là những yếu tối hội đủ phước báo, nếu xem xét sâu xa hơn nữa đó là những gì mà chúng ta đã có làm, có tạo duyên, và có gây trồng, như là đã có gieo duyên. Nghịch duyên là những yếu tố ngược lại, đi ngược lại mong muốn, ngược lại sở nguyện, như là thiếu phước và thiếu duyên.

Mục đích của người học Phật là đạt đến trạng thái an tĩnh của tâm hồn, chứng nghiệm được sự an lạc của bản thân, đó là mục đích cơ bản thực tế mà mỗi người khi đến với đạo Phật cần nên nắm rõ. Ý nghĩa thâm sâu hơn là giải thoát sinh tử luân hồi, đạt đến giác ngộ. Ngược lại, những việc khác chỉ là phương tiện. Phương tiện được đề cập ở đây chính là những giải pháp, những cách thức, những con đường giúp chúng ta đạt đến những mục tiêu ấy. Cụ thể, những con đường ấy là lời Phật dạy, là những Phật sự liên quan đến đạo, đến những sinh hoạt trong khuôn khổ mang đạo vào đời. Lời Phật dạy được chứa đựng trong kinh là những phương tiện căn bản để tu tập. Phương tiện phụ là hạt giống của chúng ta, môi trường tha nhân và đồng loại. Trong cái nhìn bi nguyện của người Phật tử thì tất cả chúng sanh đều là bạn lữ, là thiện trí thức, dù đó là thuận hay nghịch, người thiện hay ác, tốt xấu v.v… dù trong hoàn cảnh, môi trường nào chăng nữa chúng đều là những đối tượng cần thiết trong việc tu tập, và là yếu tố có thể giúp chúng ta thăng hoa trên con đường đạo, đạt đến sở nguyện. Và còn rất nhiều phương tiện khác nữa cùng đồng hành với chúng ta trong bước đường thực hiện mục tiêu, ở đây không loại trừ những yếu tố trái ngược, gọi là nghịch duyên.

Nếu không có nghịch duyên trên con đường của chúng ta đang đi, hay mục đích đang thực hiện, thì rõ ràng không có gì đáng nói, và không có gì đáng bàn cãi, quả thật là phước báo. Nhưng nghịch duyên xét tận nguồn gốc cũng là một yếu tố trong hai mặt của một vấn đề. Chúng ta phải có cái nhìn thế nào. Khổng Tử đã từng nói: “Người thiện cũng là thầy, là bạn ta, mà người ác cũng là thầy, là bạn ta, chúng đồng hành và có thể giúp ích cho ta”. Trong hai vị thầy và bạn dù là thầy thiện hay bạn ác, chúng ta cần phải học và cần phải có sự lựa chọn chính xác, bởi vì bản chất của chúng chính là những yếu tố cần thiết phải tác hợp để thành tựu. Trong mười điều tâm niệm của người Phật tử, chúng ta biết rằng: “Sự nghiệp thì đừng cầu không bị chông gai, vì không bị chông gai thì chí nguyện không kiên cường”. Chông gai chính là nghịch duyên, mà nghịch duyên nhiều lúc phủ đầy trên bước đường chúng ta đang đi. Khi chúng ta không hiểu được bản chất của những tác duyên này, thì quả thật đây là một lực cản lớn cho tất cả mọi sự tiến bước.

Người học Phật chín chắn, chúng ta cần phải sẵn sàng đón nhận nghịch duyên là một phương tiện chứ không phải là một lực cản. Khi cảm nhận và biết chắc rằng đây là phương tiện cần phải có để chúng ta thực hiện mục tiêu thì lúc ấy nghịch duyên bản chất của chúng không còn là một tác duyên xấu. Lúc bấy giờ tâm thái chúng ta không trốn chạy hay tránh né khi nghịch duyên đến mà ngược lại, tiếp nhận chúng như là chất xúc tác để làm giàu thêm sức kiên định, tâm nhẫn nhục và hạnh tinh tấn v.v… Trong cuộc đời hoằng hóa của Đức Phật, chúng ta thấy rằng Ngài cũng không tránh khỏi những nghịch duyên, tuy nhiên với sự hiểu biết cùng tột, Ngài đã khôn khéo đón nhận và hóa giải chúng thành bạn lữ và cuối cùng thâu nạp chúng trở thành một thể bình đẳng vô sai biệt giữa các pháp.

Nhìn các pháp như huyễn hóa, vô thường, khổ đau, bất toại ý để thoát ly và không tham đắm chúng, thì đó chính là quán niệm đúng đắn của một vị học Phật. Người học Phật khi thấy được các pháp là như thế, mục đích là thấy được các pháp là huyễn trong vô huyễn, thân vô thường trong cái thường, bất tịnh chính là thanh tịnh khi đang vươn đến mục đích.

Hiểu và tin như vậy, thì nghịch duyên không phải là đối tượng cần phải loại trừ, mà chính là cần phải có thái độ trực diện và chọn cách hóa giải. Vì đó chính là phương tiện thật sự cần thiết để chúng ta đạt được mục đích. Có sự quán chiếu như vậy thì khi gặp những điều bất toại ý, chúng ta dễ tiếp nhận hơn; cũng thế, cuộc đời cũng dễ dàng dung chứa chúng ta hơn.

 

Huệ giáo

Âm lịch

Ảnh đẹp