Trì chú: Trì
là nắm giữ một cách chắc chắn. Chú là lời bí mật của Chư Phật mà chỉ có
Chư Phật mới hiểu được, chứ các hàng Bồ tát cũng không hiểu thấu. Các
bài chú đều có oai thần và công đức không thể nghĩ bàn, dứt trừ được
nghiệp chướng, tiêu tai giải nạn và tăng trưởng phước huệ, nên cũng gọi
là thần chú.
Niệm Phật: Niệm là tưởng nhớ. Niêm Phật là tưởng nhớ danh hiệu Phật, hình dung
Phật và đức hạnh của Phật, để luôn luôn cố gắng noi theo bước chân Ngài.
Lý Do Phải Tụng Kinh - Trì Chú - Niệm Phật
1)
Vì sao phải tụng kinh? Chúng ta sống trong cõi dục, cho nên lòng dục
vọng của chúng ta không bao giờ ngừng nghỉ, cho đến trong giấc ngủ, cũng
còn chiêm bao cãi lẩy, cười khóc, vui buồn như lúc thức. Trong cảnh mê
mờ đầy dục vọng ấy, may thay, Ðức Phật vì đã thương xót chúng sanh mà
truyền dạy những lời vàng ngọc, có thể phá tan màng mây u ám của vô minh
và tội lỗi. Nhưng những lời lẽ cao siêu ấy, chúng ta nghe qua một lần ,
hai lần cũng không thể hiểu thấu và nhớ hết được. Cho nên chúng ta cần
phải đọc đi đọc lại mãi, để cho lý nghĩa thâm huyền được tỏa ra, và ghi
khắc trong thâm tâm chúng ta, không bao giờ quên được. Ðó là lý do khiến
chúng ta phải tụng kinh.
2) Vì sao phải trì chú? Chú có công
năng phi thường, nếu người thành tâm trì chú, thì được nhiều hiệu lực
không thể tưởng tượng. Chẳng hạn thần chú "Bạc nhứt thế nghiệp chướng
căn bổn đắc sinh Tịnh độ Ðà la ni" có hiệu lực tiêu trừ được hết gốc
rễ
nghiệp chướng, làm cho người được vãng sanh về Tịnh độ. Thần chú "Tiêu
tai kiết tường" có hiệu lực làm cho tiêu trừ các hoạn nạn, tai chướng,
được gặp những điều lành. Thầ chú "Lăng Nghiêm" thì phá trừ được những
ma chướng và nghiệp báo nặng nềv.v... Thần chú "Chuẩn Ðề" trừ tà, diệt
quỷ. Thần chú "Thất Phật diệt tội" có công năng tiêu trừ tội chướng của
chúng ta từ nhiều đời nhiều kiếp v.v... Vì thế nên chúng ta phải trì
chú.
3) Vì sao phải niệm Phật? Tâm chúng ta bị vô minh làm mờ
đục, chẳng khác gì nước bị bùn nhơ làm ngầu đục. Muốn cho nước đục kia
hóa ra trong, không có phương pháp nào hay hơn là gia một chút phèn vào,
thì các chất dơ bẩn ngầu đục kia dần dần lắng xuống, bấy giờ nước đục
trở nên trong sạch. Phương pháp niệm Phật cũng vậy, có công năng trừ phá
các vọng niệm đen tối ở nơi tâm của chúng ta, làm cho tâm mê muội, mờ
ám trở nên sáng suốt, chẳng khác gì chất phèn làm cho nước trở nên trong
vậy.
Vì sao niệm Phật lại làm cho tâm mê muội trở nên trong sáng ? Vì lý do rất dễ hiểu sau đây:
Tâm
chúng ta rất điên đảo, không bao giờ dừng nghỉ. Kinh thường nói: "Tâm
viên, ý mã", nghĩa là "tâm" lăng xăng như con vượn nhảy từ cành nầy qua
cành khác, và "ý" như con ngựa chạy lung tung luôn ngày suốt buổi. Làm
sao cho tâm ý chúng ta đừng nghĩ xằng bậy? Chỉ có một cách là bắt nó
nghĩ những điều tốt lành, hay đẹp. Niệm Phật chính là nhớ nghĩ đến những
Vị hoàn toàn tốt đẹp, những hành động trong sáng, những đức tánh thuần
lương. Càng niệm Phật nhiều chừng nào, thì ít niệm ma chừng ấy. Ma ở đây
là tất cả những gì xấu xa đen tối, làm hại mình hại người. Vì thế chúng
ta nên luôn luôn niệm Phật. "
HT Thích Thiện Hoa