16/10/2012 09:33 (GMT+7)
Số lượt xem: 98606
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Khi Phật giáo ra đời ở Ấn Độ, các tín đồ Phật giáo không có thói quen hoặc những điều quy định nào đặc biệt về ăn uống. Vì Ấn Độ là một quốc gia mà tín ngưỡng tôn giáo là hiện tượng phổ biến, phàm những người có tín ngưỡng tôn giáo đều có một quan niệm đại đồng tiểu dị về việc ăn uống cho nên các tín đồ Phật giáo nguyên thủy cho đến các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni xuất gia đều sinh sống bằng cách khất thực, gọi là "một bát nghìn nhà".


Phật tử cần ăn uống như thế nào?

Phật tử cần ăn uống như thế nào?

Khi Phật giáo ra đời ở Ấn Độ, các tín đồ Phật giáo không có thói quen hoặc những điều quy định nào đặc biệt về ăn uống. Vì Ấn Độ là một quốc gia mà tín ngưỡng tôn giáo là hiện tượng phổ biến, phàm những người có tín ngưỡng tôn giáo đều có một quan niệm đại đồng tiểu dị về việc ăn uống cho nên các tín đồ Phật giáo nguyên thủy cho đến các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni xuất gia đều sinh sống bằng cách khất thực, gọi là "một bát nghìn nhà". Họ không lựa chọn đối tượng khất thực, cũng không có sự cấm kỵ về ăn uống gọi là tinh khiết hay không tinh khiết, thần thánh hay không thần thánh, bởi vì tất cả đều nhất loạt bình đẳng, rộng kết thiện duyên. Cho đến nay các khu vực Phật giáo thượng tọa bộ như SriLanka, Miến Điện, Thái Lan v.v… còn giữ tập tục cổ ai cúng dường gì thì nhận cái ấy không chọn lựa, miễn là không vì người khất thực mà phạm sát, dù là các món ăn bằng thịt, cá v.v… đều không từ chối. Đó là nguyên nhân vì sao Phật giáo Tiểu Thừa không quy định buộc phải ăn chay. Ăn chay là điều Phật giáo nhấn mạnh và khuyến khích. Nếu ăn chay được thì đó là dựa vào lập trường từ bi chứ không phải như người ta hiện này nói nguyên nhân khỏe mạnh và kinh tế. Sự thực thì các thức ăn bằng thịt vừa làm thương tổn đến lòng từ bi, lại làm hại sức khỏe. Cho nên các kinh Đại Thừa như Kinh Phạm Võng, Kinh Làng Già v.v… đều nhấn mạnh việc ăn chay, nghiêm cấm ăn thịt.
Đối với hành tỏi, chất tanh nên có sự phân biệt. Hành tỏi là các loại rau củ có mùi vị hôi hăng như : tỏi, hành, hẹ, kiệu. Kinh Lăng Già nói : hành tỏi ăn sống thì sinh cáu gắt, ăn chín thì kích dâm. Trong giới luật của Tỳ kheo có quy định : ăn hành tỏi thì phải ở riêng một mình, phải ngồi cách người khác ngoài mấy bước và phải ngồi hướng dưới gió, hoặc phải súc miệng cho đến lúc sạch mùi hôi hăng. Như thế chủ yếu là để khỏi làm phiền nhiễu người khác, nên quy định không được ăn hành tỏi. Hơn nữa, trước lúc tụng kinh, để cho quỷ thần nghe tiếng tụng kinh khỏi tức giận và dấy lòng tham thì tốt nhất là không ăn hành tỏi. Còn chất tanh là chỉ thức ăn bằng thịt. Các thứ như ớt, hồ tiêu, ngũ hương, bát giác, hương xuân, hoa hồi, vỏ quế v.v… đều là hương liệu không phải là hành tỏi, không bị giới luật hạn chế.
Về quy định cấm uống rượu thì đó là một đặc sắc của tín đồ đạo Phật ở Ấn Độ, các tôn giáo khác không những không cấm uống rượu mà thậm chí còn coi rượu có khả năng thông đạt với thần linh. Cất rượu không nên phạm tội sát sinh, rượu lại có thể trở thành dược liệu, không nên xếp vào các điều cấm kỵ của tôn giáo. Nhưng vì tôn giáo coi trọng trí tuệ, nếu uống rượu nhiều sẽ làm rối loạn tính tình. Ít người sau khi uống rượu mà làm chủ được mình, không bị say sưa rối loạn. Cho nên để giữ mình thường xuyên tỉnh táo, có lợi cho việc tu hành tinh tiến, đặc biệt là để đạt mục đích tu định thì phải cấm uống rượu. Còn đối với đông đảo đại chúng nếu căn cứ theo lời Khổng Tử đã nói thì "uống không đến mức say loạn" không phương hại phong thái đẹp của con người. Cho nên nếu thọ 5 giới mà không thể giới tửu được thì cũng có thể bỏ giới ấy cũng không mất đi tư cách đệ tử của Tam Bảo.
Nếu dùng rượu làm gia vị mà không còn mùi rượu, không làm cho người bị say thì nên coi là không phạm vào giới cấm rượu. Vì vậy một tôn giáo mới xuất hiện ở Trung Quốc gọi là lý giáo cũng răn cấm uống rượu. Trong trường hợp cần dùng rượu thì lấy dấm để thay thế, chẳng hạn dùng dấm để thay làm gia vị để nấu ăn nên dấm đó không có tính chất rượu nữa.
Nếu vào hiệu ăn mặn hoặc vào nhà mà có người ăn chay lại có người ăn mặn thì tốt nhất là sử dụng cả dụng cụ nấu chay và nấu mặn. Vì ăn chay và ăn mặn có mùi vị khác nhau, nên giữ cho sạch sẽ là điều cần thiết. Tuy vậy, tổ thứ sáu của Thiền Tông là đại sư Huệ Năng sau khi đã khai ngộ, truyền pháp phải ẩn lánh trong đám thợ săn chỉ ăn rau ở bên cạnh miếng thịt mà tránh những miếng thịt ở bên cọng rau. Không ăn thịt là để giữ lòng từ bi đối với chúng sinh, còn rau là để sống. Vì vậy trong điều kiện cuộc sống không cho phép dù cho dùng dụng cụ nấu thịt để nấu thức ăn chay cũng không phải là không thể chấp nhận được.
Về thuốc lá và chất ma túy thì theo giới luật của đạo Phật, có thể dùng theo yêu cầu của thầy thuốc để chữa bệnh. Không những chỉ thuốc lá mà cả rượu nữa trong trường hợp không thể không dùng thì không xem như phạm giới. Đương nhiên không thể mượn cớ chữa bệnh để uống rượu, hút thuốc lá và dùng chất ma túy để thỏa lòng thèm muốn của miệng và bụng. Hút thuốc để phòng ngừa chướng khi. Ở những vùng có bệnh chướng khí lan truyền thì người xuất gia có thể hút thuốc với liều lượng thích đáng, nếu không thì phải răn cấm thuốc là nhằm giữ uy nghi của người tu hành. Nếu vì những nguyên nhân như kích thích thèm muốn, buồn bực v.v… mà hút thuốc thì đó là điều giới luật nhà Phật không cho phép. Ở miền nhiệt đới phương Nam, ăn trầu cũng có tác dụng phòng ngừa bệnh viêm nhiễm của cơ quan hô hấp. Nhưng trong trường hợp không phải vì lý do chữa bệnh mà ăn trầu thì trở thành một tập tục xấu làm mất uy nghi và làm tổn thương hình ảnh của người tu hành.
Thuốc lá và trầu cau vốn không phải là những thứ nhu yếu phẩm trong việc ăn uống, đối với cơ thể con người dùng ít thì có ích cho việc chữa bệnh, dùng nhiều thì có hại. Thí dụ như uống rượu quá liều lượng thì trúng độc, chất nicotine trong thuốc lá làm tổn khí hại phổi đồng thời là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư. Nước trầu làm phá hủy chất men răng làm hại độ bền chắc của răng, tín đồ đạo Phật tốt nhất là không nên dùng.
Đối với các loại trứng thì nên coi là loại chất tanh, vì trứng có thể ấp nở thành gà, vịt con có mùi tanh, những người chay tịnh tốt nhất không nên ăn. Hiện nay trứng gà sản xuất ở các trại nuôi gà là trứng gà vô tinh, trứng bán ở thị trường tiêu dùng phần lớn đều là loại trứng không có sinh mệnh. Nhưng rõ ràng trứng không phải là loại thực vật. Theo quan điểm sát sinh thì ăn loại trứng vô tính ấy không coi là phạm giới, cũng không tổn hại đến lòng từ bi. Nhưng nếu theo tập quán ăn chay thì nên tránh không ăn.
Cuối cùng đối với các chế phẩm sữa là không thuộc loại thịt cũng không thuộc loại tanh, vì bò, dê ăn cỏ và ngũ cốc, chất sữa tiết ra không có mùi tanh. Uống sữa vừa không phạm sát sinh cũng không trở ngại đến việc chăn nuôi bê con, dê con, vì đã có người chăn nuôi chăm sóc, khống chế lượng sữa để không gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát dục của chúng. Bởi vậy trong thời đại của Phật uống sữa bò là phổ biến, hơn nữa còn phân chế phẩm sữa thành năm loại: sữa, kem, bơ, pho mát, sữa chua, đó là những thực phẩm hàng ngày cũng là chất dinh dưỡng rất cần thiết, không xếp vào các điều răn cấm.

 
Tác giả bài viết: HT. Thích Thánh Nghiêm

http://phatgiaoaluoi.com/news/Am-thuc-chay/Phat-tu-can-an-uong-nhu-the-nao-504/

Âm lịch

Ảnh đẹp