06/10/2010 12:12 (GMT+7)
Số lượt xem: 4722
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Các hoạt động ngoài Phật sự, như: quản trị, quản lý, điều hành, hành chính, tài chính, kế toán, hậu cần, công tác từ thiện, xây dựng... cần được chia sẻ cho các cư sĩ, những nhà chuyên nghiệp, để dành nhiều thời gian hơn cho Phật sự: tu tập và truyền đạo đến những nơi chưa có ánh sáng Phật pháp.


Về điện thoại di động và internet

Đối với người Phật tử chưa chuẩn bị, những vị trong tuổi thanh xuân chưa cần sử dụng điện thoại di động và internet cá nhân, chỉ nên sử dụng điện thoại bàn và internet chung. Vì bên cạnh yếu tố tích cực, điện thoại di động và internet rất nguy hiểm cho những vị sơ cơ, chúng cung cấp cơ hội thuận lợi nhất để khơi dậy tính tò mò, lòng ái dục, làm suy yếu khả năng phòng hộ và chính niệm.

Về sinh hoạt, giải trí

- Y phục và tiện nghi cá nhân như nơi ngủ nghỉ, kính mát, đồng hồ, giày dép, nón . . . cần đơn giản, thô mộc mà trang nghiêm, nếu được tinh giản càng nhiều càng tốt.

- Không hút thuốc, uống bia, hạn chế vào quán ăn, nhất là những nơi sang trọng với các món ăn đắt tiền, dù là món ăn chay.

- Không sử dụng xe máy, ô tô hào nhoáng, xa xỉ, mẫu mả thời thượng. Trong giao thông, dù có khó khăn trở ngại, vẫn giữ oai nghi.

- Không xem tivi, sách báo, ca nhạc, kịch, phim ảnh về chiến tranh, bạo lực, tình cảm . . .thuộc về thế tục.

- Hạn chế việc đi vào mạng lưới mê cung các thông tin trên internet, báo chí . . . Tiếp thu quá nhiều tin tức, kiến thức đời thường, thậm chí kiến thức tôn giáo có thể làm nhiểu loạn, mất định tâm là căn bản của thực hành tu tập. 

- Không ngồi xem trình diễn văn nghệ ngoài xã hội, trường hợp cần thiết chỉ đến dự phần lễ, rồi ra về.

Về giao tiếp

Luôn giữ nụ cười thân thiện, gần gũi, kiên nhẫn mở lòng với tất cả khách thập phương không phân biệt đối tượng. Hầu hết người đến cửa chùa là để tìm sự yêu thương, chia xẻ, bao dung nơi cửa Phật (nhân viên các công ty ngoài xả hội luôn có nụ cười và thái độ tạo cảm giác dể chịu nơi người giao tiếp)

Về các hoạt động ngoài Phật sự

Các hoạt động ngoài Phật sự, như: quản trị, quản lý, điều hành, hành chính, tài chính, kế toán, hậu cần, công tác từ thiện, xây dựng . . . cần được chia sẻ cho các cư sĩ, những nhà chuyên nghiệp, để dành nhiều thời gian hơn cho Phật sự: tu tập và truyền đạo đến những nơi chưa có ánh sáng Phật pháp.

Về sự mê tín

- Các hoạt động mê tín diễn ra tại các chùa, thường là hành động tự phát của những người chưa hiểu Phật pháp. Bởi việc dùng vật chất để cầu xin dù theo thường pháp cũng phải thuận theo luật nhân quả. Dùng tiền bạc, hay lễ vật phàm tục  khác khấn vái dung tục để thỏa mãn lòng tham thì rỏ ràng là thuộc về một tôn giáo hay đạo giáo nào khác mà không phải là đạo Phật.

- Không thể trách những người có hành vi mê tín, chẳng qua chỉ vì họ thiếu hiểu biết. Sự hướng dẫn, giảng giải cho họ hiểu đúng Chính pháp là trách nhiệm của người Phật tử. Đây còn  là cơ hội rất quý và thực tế để hành đạo Bồ tát, hóa độ chúng sinh, chuyển mê khai ngộ cho họ. Thay đổi thói quen đã rất khó, huống hồ chuyển đổi lòng tham lam, ích kỷ, nhưng thực hiện hạnh Bồ tát thì không lệ thuộc vào không gian, thời gian, vào điều kiện cần và đủ. Chúng sinh còn mê lầm là còn kiên trì giáo hóa dù cho mãi đến vô lượng ưu ba ni sa đà kiếp tương lai.

Cõi hư không cùng tận, cõi chúng sinh cùng tận, nghiệp chúng sinh cùng tận, phiền não chúng sinh cùng tận, sự tùy thuận chúng sinh của tôi vẫn không cùng tận, niệm niệm nối luôn không hở, thân, khẩu, ý ba nghiệp không hề nhàm mõi (nếu ai bị lạc đường thì tôi vì họ mà chỉ cho con đường chính, nơi đêm tối tôi vì họ mà làm ngọn đuốc sáng . . .) ”   
(Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện)

- Việc giải thích, hướng dẫn những người đến chùa để hoạt động lễ Phật của họ trở nên thanh tịnh, tươi vui, an lạc đúng Chính pháp, có thể thực hiện bằng nhiều biện pháp đồng thời, kiên trì cho đến khi có sự chuyển đổi tích cực, như:

+ Đặt nhiều bảng hướng dẫn về nội quy tự viện, về cách lễ Phật đúng chính pháp; thường xuyên thuyết giảng nội dung trên tại các đạo tràng, trên các sách báo, tạp chí;

+ Phối hợp với chính quyền, đoàn thể, cư sĩ phật tử, và quý Thầy trực tiếp hướng dẫn, nhắc nhở tại ngay những chổ thường diễn ra các hành động mê tín. Điều quan trọng hợn là không tạo điều kiện cho hoạt động mê tín diễn ra.

- Cửa chùa luôn rộng mở, điều này không mang ý nghĩa tiêu cực, thụ động đồng thuận những việc làm chưa đúng Chính pháp.

- Trái lại, nó có ý nghĩa tích cực, bao dung để hướng thượng; luôn rộng mở đón nhận tất cả nổi khổ tha nhân để hướng họ đến sự  an lạc giải thoát; luôn rộng mở đón nhận tất cả tà pháp để  hướng đến Chính pháp.

- Cửa chùa không những là trung tâm của tình thương mà còn là nguồn động lực mạnh mẻ nhất hướng mọi người đến nếp sống đạo đức, trí tuệ, đúng luật pháp, văn minh, hạnh phúc.

Về cúng dàng

- Cúng dàng Tam bảo là phúc báo lớn nhất trong bảy loại cúng dàng.

“Này Ananda, có bảy loại cúng dàng cho Tăng chúng. Bố thí cho cả hai Tăng chúng với đức Phật là vị cầm đầu là cúng dàng Tăng chúng thứ nhất”
(Kinh Phân Biệt Cúng Dàng)     

“Chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn, đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dàng, đáng được chắp tay, là phúc điền vô thượng ở đời”
(Kinh Ví Dụ Tấm Vải)

- Những phẩm vật mà các thiện nam tín nữ dâng cúng cho Tăng già, tùy theo loại sẽ tạo bảy thiện nghiệp, là bảy loại phúc báo thế gian. Tuy nhiên còn có bảy loại phúc đức siêu thế gian có giá trị gấp vô lượng vạn lần, đó là, những thiện nam tín nữ vui mừng:

a/ Khi nghe Như Lai và các đệ tử du hành đến một nơi nào đó, sau đó từ giả chỗ đó họ đến chỗ này. Sau khi nghe như vậy, đi đến yết kiến và đỉnh lễ Phật cùng chúng Tăng với một tâm thanh tịnh;

b/ với tâm thanh tịnh cúng dàng cho họ;

c/ sau khi cúng dàng, quy y Tam bảo, thọ ngũ giới.

Đức Phật dạy rằng những hành vi này đem lại vô lượng vô số quả báo công đức, như nước của năm con sông lớn ở Diêm Phù Đề
(Thế Gian Phúc Kinh-Trung A Hàm)

- Nhưng sự cúng dàng tối thượng trong các loại đỉnh lễ, cúng dàng Đức Phật là sống và thực hành đúng Chính pháp:

Này Ananda, nếu có Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ nào thành tựu Chính pháp và Tùy pháp, sống chân chính trong Chính pháp, hành trì đúng Chính pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đỉnh lễ, cúng dàng Đức Phật với sự cúng dàng tối thượng. Do vậy, này Ananda, hãy thành tựu Chính pháp và Tùy pháp sống chân chính trong Chính pháp và hành trì đúng Chính pháp. Này Ananda, các ngươi phải học tập như vậy.”
(Kinh Đại Bát Niết Bàn).

“Thiện nam tử ! Trong các thứ cúng dàng, Pháp cúng dàng là hơn hết”
(Kinh Hoa Nghiêm)

- Trong kinh Du Hành-Trung A Hàm, Thế Tôn dạy các Tỷ-kheo chỉ nhận sự cúng dàng thanh tịnh, là một trong sáu pháp làm cho Chính pháp tăng trưởng, không bị tổn hoại.

- Thật cần thiết tạo điều kiện để mọi người có được duyên lành cúng dàng tạo thiện nghiệp cho mình. Bên cạnh đó việc cúng dàng phải thanh tịnh từ lễ vật cho đến tâm ý để phù hợp với ý nghĩa cao quý của việc làm này và mang lại kết quả tốt đẹp cho người thiện tín.

- Trong các biểu tượng Phật giáo, hình tượng chư Phật, chư vị Bồ tát là thiêng liêng nhất, không những về mặt tâm linh, có năng lực hướng chúng sinh đến sự giải thoát hoàn toàn, mà còn về phương diện tình cảm tôn giáo đại chúng. Những ai  muốn vơi đi nỗi  khổ đau nơi cuộc sống thế gian này, một khi thành kính sám hối, và với tâm thanh tịnh hướng về ảnh, tượng chư Phật, Bồ tát để nương tựa, người ấy chắc chắn sẽ có sự an  ổn, an lạc yên bình.

- Do ý nghĩa thanh tịnh cao quý trên, nên khi thực hiện những hành vi thuộc về tiền bạc hay vật chất phàm tục đi liền tiếp theo trước hay sau lễ chư Phật là điều không được chấp nhận. Sự thành tâm lễ Phật là để hướng tâm thức của mình đến  hạnh phúc phi vật chất, không lệ thuộc vào điều kiện thế gian. Nhưng khi một người với tâm thức hướng về vật chất, nặng về vật chất, đắm chìm trong vật chất; hướng về tham sân, nặng về tham sân, đắm chìm trong tham sân, thì chắc chắn rằng hành động cúng lễ ấy sẽ không mang lại điều mong muốn.

- Việc đặt hòm công đức tại chính điện để mọi người đều có được thiện duyên thể hiện lòng thành là điều có thể, nhưng cần đặt tại vị trí thích hợp, không nên đặt trước mặt và gần kề điện thờ Phật. Số lượng hòm công đức trong chùa phải hết sức hạn chế để không đánh mất sự tôn nghiêm, thanh tịnh, linh thiêng nơi cửa Phật.

- Nên dùng cụm từ Cúng dàng Tam Bảo thay thế cụm từ Hòm công đức  để  tôn vinh việc làm có ý nghĩa cao quý hơn hết, duy trì sự tồn tại và phát triển đạo Phật. Cúng dàng Tam bảo là thiện nghiệp, thiện quả lớn nhất. Tại nơi cúng dàng Tam bảo cần đặt các bảng ghi chép các lời dạy của Đức Phật, chư Tổ sư về lợi ích của việc bố thí cúng dàng, sống theo giới luật, luật nhân quả, nghiệp báo và tái sinh.  

Về giảng pháp

- Tu tập hạnh Bồ tát, không phải là việc khó, mà là vô cùng khó. Quá trình tu tập đạo Bồ đề đi liền với thực hành Tam muội Đà-la-ni để đạt đến “trực giác nội quán”, từ đó có được trí tuệ  để thể nhập Pháp. Điều này là không thể đối với Phật tử tại gia bình thường, bởi việc mưu sinh ngoài xã hội  làm tâm trí bị  ô nhiễm, và việc thực hành nội quán tất yếu cần có một căn cơ nhất định.

- Những vị có thiện căn, do tích lũy các thành quả tu tập từ rất nhiều kiếp trong quá khứ, nên việc ngộ đạo có thể thực hiện ngay lúc sinh thời, “trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật” đối với các vị ấy là khả đắc.

- Nhưng đối với một Phật tử bình dân sơ cơ thì vị ấy:

Không thể  hiểu về Tính không khi không  hiểu về lý nhân duyên;
Không thể hiểu lý nhân duyên khi không có trí tuệ;
Không thể có trí tuệ nếu không có định;
Không thể có định nếu không có giới;
Không thể thực hành tu tập giới, định tuệ khi không có thiện căn;
Không thể có thiện căn khi không có thiện nghiệp;

Và muốn có thiện nghiệp thì phải hiểu và sống theo lý nhân quả, theo luật nghiệp báo và tái sinh. Không làm điều ác, làm các điều lành, giữ tâm ý trong sạch, hay làm các điều thiện về thân, khẩu, ý; không làm các điều bất thiện về thân khẩu, ý.

- Chỉ khi đủ ý chí và kham nhẫn giáp mặt với nghịch cảnh, bất hạnh, với những ô nhiễm do  lỗi lầm, khi đó mới là sự luyện tập, thực hành đau khổ.

- Chỉ khi biết về tri kiến ấy, nhận thức một cái thấy như vậy mới có thể đi đến hiểu và chứng ngộ về Khổ Thánh đế.

- Chỉ khi hiểu và chứng ngộ về Khổ Thánh đế mới đi đến hiểu và chứng ngộ Tứ Thánh Đế.

- Và chỉ khi hiểu và chứng ngộ Tứ thánh Đế mới đi đến hiểu và chứng ngộ về Duyên khởi, Tính không, Phật tính.

- Có người, dù là Phật tử, nhưng do chưa hiểu đúng Phật pháp nên họ thể hiện sự kính lễ, hay mong cầu của mình bằng các nghi lễ và phẩm vật thế tục với sự mê tín. Phật giáo là tôn giáo của trí tuệ, không tin vào sự tồn tại hay đặc quyền ban phát, trừng phạt của vị ngã thần tối cao, duy nhất, hay các thuyết ngược lại luật nhân quả. Pháp đã được Đức Phật, bậc Chính đẳng giác, bậc Nhất thiết trí, với thắng trí chứng ngộ, với lòng đại từ đại bi đã tuyên thuyết để bất cứ ai có đủ lòng tin, có đủ ý chí, nghị lực thực hành như thế sẽ được kết quả như thế.

- Vậy thì con đường tu tập nào phù hợp với số đông Phật tử là cư sĩ tại gia, phù hợp với xã hội thiên về hưởng thụ vật chất hiện nay mà lại đúng với Chính pháp?

- Đó là con đường tu tập theo giới, định, tuệ, mà trước hết là thực hành sống theo giới luật, theo luật nhân quả, nghiệp báo tái sinh. Trong cuộc sống  hàng ngày, người nào hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống, giữ đúng năm giới, không làm điều xấu, làm điều tốt, thì đó là sự tu tập chân chính nhất, chắc chắn sẽ có hạnh phúc và an lạc không những được cảm nhận, thấy rõ thực tế ngay trong hiện tại, mà còn được tái sinh nơi thiện cảnh, thiên giới hay trên đời này.      

“Vị ấy thành tựu thánh hộ trì các căn [nên] nội tâm hưởng lạc thọ không uế nhiễm”

“Ta thấy sự sống chết của chúng sinh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẻ kẻ  thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh (người chết yểu, kẻ sống lâu; người nhiều bệnh, kẻ ít bệnh; người xinh đẹp, kẻ thô xấu; người có quyền hành thế lực, kẻ thì không; người sinh vào gia đình thấp hèn, kẻ sinh vào gia đình cao sang quyền quý; kẻ quá giàu sang, người quá nghèo hèn; người thông minh, kẻ đần độn . . .) đều do hạnh ghiệp của họ”
(Kinh Kandaraka)

-  Khi hiểu và sống theo chính pháp thì không còn van vái, cầu xin cho đời này hay đời sau một cách tham lam, phàm tục, mê tín nữa. Bởi tất cả điều tốt hay xấu đều xuất phát từ những hành động đã làm của mình.        

“Này Thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt có ưu"
(Kinh tiểu nghiệp Phân biệt

“Đối với kẻ thanh tịnh / Ngày nào cũng ngày tốt / Với kẻ sống thanh tịnh / Ngày nào cũng ngày lành”
(Kinh Ví Dụ Tấm Vải)   

- Một người cho dù lấy các lý do: phụng dưỡng cha mẹ, nuôi dưỡng vợ con, nuôi sống công nhân . . . mà  làm các điều bất chính, điều phi pháp. Thì dù với lý do nào đi nữa, do những việc làm bất thiện ấy, người ấy vẫn bị quả báo xấu, bị đọa vào cõi dữ, ác thú, ngả quỹ, địa ngục, cho dù những người được người ấy giúp đở có van xin cầu khẩn hộ. 

- Còn nếu một người sống đạo đức, giữ năm giới, làm điều chơn chính, điều đúng pháp, theo luật nhân quả, nghiệp thiện sẽ cho quả báo thiện, thì dù có ước nguyện hay không có ước nguyện, đều có được quả vị (kết quả tốt).

“Này Bhumija, những Sa-môn hay Ba-la-môn nào có chính kiến, chính tư duy, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm, chính định, nếu họ có ước nguyện, hành Phạm hạnh, họ đạt quả vị; nếu [mặc dù] họ không có ước nguyện ; nếu họ có và không có ước nguyện; nếu họ không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời họ [vẫn] đạt quả vị.Vì cớ sao ? Đây là phương pháp, này Bhumija, để đạt được quả vị.”  
(Kinh Phù Di)  

-  Trường hợp vị nào có lầm lỗi, dù nhẹ hay nặng, nếu thành tâm sám hối lỗi lầm, sau đó nghiêm trì giới luật, tránh điều ác làm điều thiện, thành kính nương tựa nơi Tam Bảo với tâm thanh tịnh, thì  lúc đó vị ấy sẽ đón nhận những trợ duyên, phù trợ mầu nhiệm từ chư Phật, chư Bồ tát chuyển hóa những ước nguyện của mình thành quả vị.

-  Đời sống đạo đức theo luật nhân quả nhà Phật giúp mỗi người có cuộc sống hạnh phúc. Do biết bớt đi việc chạy theo ngũ dục bên ngoài để nhìn lại bên trong mình, biết chú tâm đến từng hành vi của mình, biết sợ điều ác, điều trái pháp luật, có trách nhiệm với gia đình, xã hội.

-  Những hành động bất chính, phi pháp, như: dối trá, trộm cướp, mãi dâm, buôn lậu, hối lộ, tham ô . . . dù có né tránh sự trừng phạt của pháp luật đi nữa, nhưng chắc chằn không tránh khỏi bị quả báo xấu trong tương lai, khi chết sẽ sinh vào khổ cảnh nơi ác thú, địa ngục.

Nếu làm điều thiện, điều đúng pháp luật không những được hưởng các quả báo tốt đẹp trong đời sau mà còn thấy ngay trong hiện tại. Từ đó hình thành xã hội đạo đức, an toàn, hòa hợp, vị tha, hạnh phúc.

Trong các kinh Đại Bát Niết Bàn-Trường Bộ Kinh, kinh Du Hành-Trường A-Hàm, Thế Tôn đã dạy các cư sĩ tại thành Ba-liên-phất về năm điều lợi ích khi một người giữ giới, sống theo giới luật:

1/ Tiền của dồi dào. 2/ Tiếng tốt đồn xa, được mọi người kính mến. 3/ Đi vào chốn đông người, hay bất cứ nơi đâu đều không bối rối, sợ hãi. 4/ Trước khi chết tâm không rối loạn, khinh khiếp. 5/ Khi chết được tái sinh vào nơi tốt đẹp trên cõi trời hay cõi người.

Trong bài kệ được Thế Tôn đọc cho đại thần xứ Ma-kiệt-đà, Thế Tôn dạy: một người bố thí, giúp đở mọi người, tôn kính người giữ giới, chư Thiên sẽ được chư Thiên phù trợ được nhiều may mắn:

Tại chỗ nào người sáng suốt lấy làm chỗ trú xứ. / Hãy nuôi dưỡng người giữ giới và người Phạm hạnh. / Và san sẻ công đức với chư Thiên tại chỗ ấy. / Được tôn kính, chúng sẽ tôn kính lại./ Được trọng vọng, chúng sẽ trọng vọng lại./ Chúng sẽ mến thương người ấy như mẹ thương mến con/ Và những ai được Thiên thần thương mến luôn được thấy may mắn.

Tóm lại, việc hướng dẫn đại chúng Phật tử thực hành Bồ tát hạnh, chứng Pháp Không hay giác ngộ Chân tâm, Phật tính là quá trình rất lâu dài, theo trình tự tu tập tuần tự từ thấp đến cao, từ Nhân Thiên thừa đến Bồ tát thừa, Phật thừa, và chỉ có thể đạt thành tựu bước đầu khi đã đủ thiện căn.

Thế nên, bên cạnh các pháp môn tu tập theo Đại thừa hiện nay, các pháp môn tu tập về giới luật, nhân quả, nghiệp báo, tái sinh được Đức Phật dạy rất chi tiết và xuyên suốt trong các bộ kinh Nikaya và A-Hàm cần được chú trọng hơn nữa trong các lần giảng pháp, nếu không muốn nói là nền tảng cho người bước đầu tu học theo Phật pháp.

Như thế tạo điều kiện vừa thực tế, vừa đúng Chính pháp, cho đại chúng Phật tử Việt Nam hiện nay thực hành tu tập để mang lại những kết quả tốt đẹp được thấy rỏ trong hiện tại và trong tương lai. Đồng thời góp phần xây dựng xả hội nhân ái, văn minh, hạnh phúc.

Về phân biệt Tiều thừa và Đại thừa

- Việc phân chia Tiểu thừa và Đại thừa cần được nhìn như là những cột mốc thời gian trong lịch sử  phát triển Phật giáo. Không có gì nhỏ hay lớn, cũng không có gì thấp hay cao, sự phân biệt chỉ được đặt định sau này, tất cả chỉ là tên gọi. Những tinh hoa Phật pháp vẫn tồn tại chói sáng trong suốt lịch sử văn minh của nhân loại. Từ tư tưởng tự lực giải thoát, siêu việt, vô cùng trí tuệ, uyên thâm, trác tuyệt đến tư tưởng tha lực giải thoát tràn đầy lòng thương yêu, cứu khổ, vô cùng mầu nhiệm, mặc dù có khi sự phát triển đi khá xa.

- Cần chọn lọc trong kho tàng tinh hoa ấy những gì phù hợp nhất với đại chúng Phật tử Việt nam hiện nay, để mang lại lợi ích thiết thực nhất cho họ, mà không bị vướng mắc vào thành kiến pháp môn tu tập nầy là thuộc Đại thừa hay Tiểu thừa.

- Sự phân biệt đưa đến sự tách rời giữa Đại thừa và Tiểu thừa có khi tưởng chừng như là hai giáo lý riêng biệt đã xảy ra từ rất lâu. Để phá bỏ định kiến đã được huân tập, tập nhiểm trong thời gian gần 2000 năm là điều không hề dể dàng. Thế nên, một trong những bước đi đầu tiên cần làm là xóa bỏ sự phân biệt thường thấy trong các bài viết, sách báo, tài liệu thuyết giảng . . . mà trong đó dù không chủ ý, nhưng cách định nghĩa cũng đã hàm chứa sự chê bai, hạ thấp thừa này, tôn cao  thừa kia.

- Điều này đưa đến sự ngộ nhận rất nguy hiểm cho những Phật tử sơ cơ mà theo tâm lý phổ biến, phần lớn đều muốn lựa chọn cho mình pháp tu nào cao nhất, hay nhất, tốt nhất, từ bi nhất để quy ngưỡng. Nhận thức này in dấu ấn khó phai trong tâm trí họ, trở thành một định kiến không tốt, vì  khi có dịp được tiếp xúc với tư tưởng Phật giáo, họ chỉ quan tâm một chiều, chỉ tìm hiểu những gì thuộc về Đại thừa; lại có vị do quá bảo thủ, quá thiển cận, tự đóng cửa  không tìm hiểu những tư tưởng cao thâm, vi diệu từ kinh điển Đại thừa.

Như thế những vị trên đã vô tình bỏ qua cơ hội quý giá được hưởng lợi ích, được tắm mát từ dòng suối tinh hoa chung của Phật pháp vốn không thuộc về thừa nào cả. Đây là sự thiệt thòi quá lớn, mà đời người thì quá ngắn ngủi.

Về các tác phẩm Phật học

- Hiện nay, có rất nhiều công trình nghiên cứu, giới thiệu, giảng giải về Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Thiền tông . . . nhưng có quá ít tác phẩm tìm hiểu, so sánh, đối chiếu các vấn đề tu tập được ghi  trong kinh điển Nguyên thủy và Đại thừa, thật may mắn là hiện giờ hầu như toàn bộ kinh điển Nguyên thủy đã được phiên dịch sang tiếng Việt.

Các tác phẩm thuộc các Bộ phái Phật giáo rất khó tìm thấy, gần đây có tác phẩm Tam Pháp Độ Luận (HT. ThíchThiện Châu, NXB Tôn giáo, 2004), và tác phẩm So sánh kinh Trung A Hàm Chữ Hán Và Kinh Trung Bộ Chữ PaLi (Tỷ-kheo Thích Minh Châu, NXB TP HCM, 1998) là những tác phẩm rất giá trị không những về tư tưởng mà còn về phương pháp so sánh, đối chiếu.

Hai tác phẩm này là tấm gương, gợi cảm hứng cho nhiều người sau này tiếp bước trong việc tìm hiểu, thực hành theo đúng những gì đã được Đức Phật dạy.

- Có nhiều bài viết về Phật giáo chỉ thuần trình bày kiến thức uyên bác hàn lâm, kinh viện với rất nhiều thuật ngữ, nhiều khi nội dung giảng giải lại khó hiểu hơn bài kinh được giảng.

Ngược lại có quá ít bài viết về hướng dẫn thực hành. Điều này khiến các bạn trẻ khó tiếp cận, làm hạn chế sự tu tập theo Phật pháp. Một số vị Sư nước ngoài có tác phẩm hướng dẫn thực hành  từ những kinh nghiệm trong thực tế tu tập,  nội dung  thường ngắn gọn, súc tích vừa sinh động, lại vừa dể hiểu.  

- Với nguồn tư liệu từ internet, cần tạo xu thế nghiên cứu sôi nổi, tự tin và sáng tạo nơi những người trẻ tuổi, cần thật nhiều tác phẩm về so sánh, đối chiếu để tìm hiểu chọn lọc những tinh hoa Phật pháp được ghi lại trong các kinh điển thuộc tất cả Thừa, trên tinh thần khoa học khách quan, không thiên kiến Thừa nào, để áp dụng cho việc thực hành tu tập hiện nay, không nhất thiết phải là các công trình mang tính học thuật cao từ các học giả hay các luận án tiến sỉ . . . mà tất cả mọi người đều có thể tham gia tìm hiểu, từ các bài viết ngắn, bình dị đến các đề tài tốt nghiệp bậc trung cấp, cao cấp Phật học . . .

Thí dụ: các mục, đề mục, vấn đề nhỏ, cụ thể có ý nghĩa thực hành thuộc các lĩnh vực thuyết pháp, tu tập, đạo đức, giải thoát, tính nhân quả, logic, huyền bí . . . , hay xa hơn về nhân sinh quan, thế giới, vũ trụ quan Phật giáo . . .  được nói đến trong các bộ kinh Nguyên thủy và Đại thừa có gì khác và giống nhau, điều gì có thể ứng dụng trong tu tập cho quần chúng Phật tử Việt nam hiện nay, điều gì không thể, vì sao ? . . .

Về hoạt động hoằng pháp

- Lý tưởng phấn đấu thuộc về các vấn đề:  Học vị, du học, chức vụ,  tác phẩm xuất bản, hoạt động từ thiện, thuyết pháp. . . có khả năng tạo những điều kiện thuận lợi cho việc hóa độ chúng sinh.  Nhưng nếu vì các mục tiêu trên mà các phiền não sinh khởi và phát triển thì lý tưởng ấy thuộc về thường pháp.

- Hiện nay có hoạt động mùa hè xanh rất hữu ích cho xã hội, nhiều thanh niên tự nguyện đi vào các vùng sâu, vùng xa, hải đảo để trợ giúp người dân nơi ấy; các bác sĩ, kỹ sư, giáo viên với lòng vị tha đã đến công tác dài hạn tại những vùng trên.

Cách nay hơn 2000 năm Ngài Phú Lâu Na, dù đã biết dân chúng nước Sunaparanta rất hung bạo, độc ác, vẫn hoan hỷ du hành đến nước ấy truyền bá chính pháp, cho dù có thể bị hãm hại, thương tật đi đến mất mạng.

- Gần đây hơn, Bồ tát Thích Quảng Đức là tấm gương mải mải ngời sáng cho tất cả tứ chúng Phật tử hôm nay và tương lai  noi theo. Cuộc đời hành đạo của Ngài thật vĩ đại, đức độ của Ngài thật cao quý, mặc dầu đang giữ những cương vị trọng yếu trong giáo hội, Ngài đã từ bỏ chức vụ để sống với hạnh khất thực, ba y một bình bát vân du khắp mọi miền để giáo hóa chúng sinh, bước chân ngài trải dài từ chốn thị tứ đông người đến tận các làng quê xa xôi hẻo lánh; từ các tỉnh miền trung đến tận các tỉnh miền tây tận cùng đất nước, và cho đến tận Nam Vang thuộc nước Campuchia.

Ngài đã thuyết pháp, đã góp phần xây dựng, trùng tu  hơn 30 ngôi chùa, mang Pháp lạc đến cho mọi người, từ người giàu có chí đến người nghèo khổ nhất.

-  Hôm nay, để kế thừa tinh thần từ bi hỷ xả trên, người Phật tử nên lấy lý tưởng từ bỏ chốn thị thành đầy đủ tiện nghi, đến những nơi thiếu thốn nhất, gian khổ nhất để hành đạo. Đây là việc làm vừa ích lợi cho mình, vừa cho người, vừa giúp đỡ những người thật sự cần giúp đỡ, đưa Phật pháp đến những nơi chưa có Phật pháp, lại vừa có cơ hội sống trong môi trường có  nhiều sự thử thách để tu tập thành mãn.

“Này Bà-la-môn, tùy thuộc vấn đề này, Ta suy nghĩ như sau: Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào tham dục, có ái dục cường liệt . . . ham muốn lợi dưỡng, cung kính, danh vọng, khi sống tại các trú xứ xa vắng . . . do nguyên nhân nhiễm trước tham dục, có ái dục cường liệt . . . ham muốn lợi dưỡng, cung kính, danh vọng, những Tôn giả Sa-môn hay bà-la-môn ấy chắc chắn làm cho sợ hãi, khiếp đảm, bất thiện khởi lên
(Kinh Sợ Hãi và Khiếp đảm)

- Việc các chùa tổ chức lễ cưới cho người ngoài xả hội là điều có thể. Nhưng điều quan trọng là cần có các nghiên cứu tìm hiểu thêm nữa, từ đó có các quy định, hướng dẫn thống nhất chung cho các chùa. Trước mắt cần có các hướng dẫn về các  vấn đề: nơi hành lễ, nội dung, quy mô, nghi lễ . . .  để giữ sự tôn nghiêm nơi cửa Phật. Nếu không, có thể sẽ dẫn đến những kết quả không tốt đẹp.

- Có thể ứng dụng công nghệ thông tin để tìm hiểu về kết quả tu tập của Phật tử sau một thời gian dài kiên trì nghe giảng pháp. Các kết quả thu được cho biết pháp môn đó có phù hợp hay không phù hợp với hoàn cảnh gia đình, việc làm, khuynh hướng tâm tính, trình độ tiếp thu và ý chí thực hành của vị ấy. Từ đó mà vị ấy cần mạnh dạn thay đổi phương pháp tu tập hay nổ lực tinh tấn hơn nữa, hay giúp vị thầy có sự điều chỉnh phương pháp giảng phù hợp hơn. Điều này là rất quan trọng vì đời người vốn ngắn ngủi.

- Một trong các biện pháp để việc Phổ độ chúng sinh trở nên chủ động, tích cực có hiệu quả hơn là: “mình đến với người, không chờ người đến với mình”. Cần phát huy vai trò người Phật tử cư sĩ trong việc thống kê tìm hiểu về thực trạng đời sống tín ngưỡng, tu tập của các vị đã quy y tại một ngôi chùa. Vì lý do nào đó, có vị không còn đến lễ chùa, có vị đã quên mình đang là một Phật tử, thậm chí có vị đã trở thành tín đồ của tôn giáo khác, và có vị nay không còn nữa.

- Vào dịp tết, lễ, vía hay dịp nào đó thích hợp gởi thư mời sinh hoạt, chúc mừng, thăm hỏi qua bưu điện, email đến các đạo hữu để động viên, khích lệ, sách tấn làm cho họ phấn khởi, hoan hỷ cùng nhau tu tập, cúng dường, làm từ thiện quanh mái chùa chung. Đặc biệt là chủ động đến thăm viếng những vị bị bệnh nặng để an ủi khích lệ họ hướng về Phật pháp trước lúc lâm chung.

- Thường xuyên trao đổi, chia xẽ kinh nghiệm tu tập, tương trợ vật chất để cùng tiến bước trên đường đạo với niềm tự hào mình là người con Phật, tự hào về vị Bản sư, về ngôi chùa tôn quý mà mình đã quy

Về xây dựng chùa

- Khuyến khích các thí chủ đóng góp  xây dựng các ngôi chùa tại vùng thôn quê. Xây dựng các ngôi chùa lớn là tốt, nhưng sẽ tốt hơn khi chia sẻ phần nào sự đầu tư, nguồn tài vật về những ngôi chùa nghèo, những vùng còn nhiều khó khăn, người dân nơi đây không những thiếu thốn về vật chất mà về tinh thần chưa có được cơ duyên hưởng pháp lạc từ sự quy y Tam Bảo.

Trong kinh Du Hành, Đức Phật dạy:  “Chung thọ hưởng với các bạn giới đức đồng tu, phân phát đồng đều cho Tăng chúng khi nhận các sự cúng dàng chân chính, hợp pháp, cho đến những vật thọ lĩnh trong bát khất thực. Điều này sẽ làm cho Chính pháp tăng trưởng, không bị tổn hại.”

Về khất thực

- Cần nghiên cứu khôi phục truyền thống khất thực theo Chính pháp đã được Thế Tôn cùng Tăng chúng thực hiện. Có thể tham khảo tình hình khất thực tại các nước bạn (không phân biệt Tiểu hay Đại thừa), nếu chư Tăng tại các nơi đó hiện nay vẫn hành trì hạnh khất thực, thì có thể chư Tăng tại nước ta cũng có các điều kiện tương tự để có thể tiếp tục truyền thống cao quý này bằng các biện pháp thích hợp.

- Đức Phật là bậc Nhất thiết trí với Trí tuệ tối thắng; là bậc Vương giả quyền quý cao sang đệ nhất, được tôn kính đệ nhất trong toàn cõi nhân thiên; là bậc Đại thần thông, Đại oai thần, Đại uy lực tối thượng trong tất cả cõi trời và người.

- Tuy thế, trong suốt 45 năm hoằng pháp cũng như những năm tháng tuổi đã 80, ngay cả những ngày lâm trọng bệnh, mỗi buổi sáng Thế Tôn với chiếc y củ kỹ vẫn ngày qua ngày tự mình cầm bình bát đi khất thực từng nhà, thọ thực xong Thế Tôn tự mình rửa bình bát rồi trở về tịnh xá hay khu rừng để nghỉ trưa dưới gốc cây.

Thật không gì vĩ đại bằng, thật không gì tôn quý bằng, không gì có thể so sánh với sự vĩ đại và tôn quý ấy, thật không ngôn từ nào diễn tả được. Cớ sao chúng ta lại tự mình quên đi mà không suy ngẫm về điều này ?

Nghĩ đến đây tự dưng nước mắt tuôn rơi, không biết vì quá xúc động, vì quá tôn kính Thế Tôn, Thế Tôn vĩ đại quá, thương yêu chúng sinh quá, hay bởi vì tự trong lòng mình bảng dâng lên nỗi hổ thẹn quá đỗi, cảm thấy hổ thẹn với mọi người, mà có lẽ nhiều nhất là hổ thẹn với chính mình, vì chợt nhận ra mình đang là người Phật tử.

TP. HCM,  25/9/2010
                                                                                                                
Tham khảo:
- Kinh Đại Bát Nhã, Việt dịch: HT Trí Nghiêm
- Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Pháp Hoa, Việt dịch: HT Thích Trí Tịnh
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Việt dịch: Thích Duy Lực
-Kinh Trung Bộ, Trường bộ, Việt dịch: HT Thích Minh Châu, 1992
-Kinh Trung A-Hàm, Trường A-Hàm, Việt dịch: HT Thích Trí Tịnh, 1992
-Đức Phật Lịch sử, Việt dịch: Trần Phương Lan, 2000


-  www.phattuvietnam.net


Ý kiến của bạn:

 Thông tin gửi về toà soạn cho nội dung:
 Những suy nghĩ hôm nay về tu tập Phật pháp

Vui lòng nhập vào Tiếng Việt có dấu:
Họ và tên:
Địa chỉ:
Điện thoại:
Email:
Tiêu đề:
Nội dung:  
Gửi file đính kèm (mỗi file có kích thước tối đa 1MB):




  
Nhập vào mã:
 


    

Âm lịch

Ảnh đẹp