23/08/2010 08:50 (GMT+7)
Số lượt xem: 4942
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bố thí đối trị lòng tham, bố thí là tu hạnh xả ly. Người tham tức là người keo kiệt, đã không biết bố thí cho người khác, lại còn muốn người khác bố thí cho mình, đó là loại người hà khắc, bỏn xẻn, keo kiệt. Cho nên muốn không còn tâm tham thì phải biết bố thí, vì bố thí là pháp đối trị tâm tham lam của mỗi người. Nên nói: “Xả đắc xả đắc”. Quý vị có xả mới có đắc, nếu quý vị không xả thì sẽ không có đắc. Trong Kinh Địa Tạng nói: “Xả nhất đắc vạn báo”, nghĩa là xả đi một xu tiền sẽ có lại được vạn xu tiền. Thực ra khi bố thí, chúng ta không nên có tư tưởng được báo đáp gấp vạn lần như thế, không nên nói: “tôi bố thí một đồng tiền, sau này tôi sẽ được giàu sang phú quý tột đỉnh, hoặc sẽ được lợi ích nào đó”. Không nên có suy nghĩ như thế. Vì sao vậy? Vì nếu mang tâm cầu được báo đáp thì đó chính là tham lam, nói: “tôi đã bố thí, tôi đang thực hành hạnh xả ly, tương lai tôi sẽ được quả báo hậu hĩ, được rất nhiều lợi ích.” Không phải tôi hủy báng quý vị, nhưng quý vị làm như vậy còn tệ hơn kẻ cho vay nặng lãi, vì tâm niệm như thế chẳng khác nào cho vay lãi suất cao. Quý vị bố thí một đồng, nhưng lại muốn mai sau được báo đáp vạn đồng, không phải cho vay nặng lãi thì là gì?

Vậy muốn tu hạnh bố thí, chúng ta phải thực hành như thế nào? Bố thí chính là thiên chức, là bổn phận mà chúng ta nên làm, do vậy không nên có tâm cầu báo đáp, tuyệt đối không mưu cầu gì trong việc bố thí này, như thế mới gọi là tịnh hạnh! Quý vị nghe đến đây, hiểu rõ được giá trị của sự bố thí là bất khả tư nghì rồi. Như tôi có từng nói: “Là người xuất gia, tôi tuyệt đối không lễ bái Bồ-tát Vi Đà.” Có lẽ quý vị sẽ nghĩ tôi có tư tưởng như thế là rất không bình thường: “Vì sao Hòa Thượng không chịu lễ Bồ-tát Vi Đà? Ngài là một vị hộ pháp mà! Nếu Hòa Thượng không lễ bái Bồ-tát, Ngài sẽ không hộ pháp cho Hòa Thượng thì làm sao đây?” Để tôi bảo cho quý vị nghe, sở dĩ tôi nghèo như thế là vì không mong muốn Ngài hộ pháp cho mình mà chỉ mong muốn Ngài hộ pháp cho người khác. Tại sao tôi không cần Ngài hộ pháp cho mình? Vì nếu tôi là người chân chánh tu hành thì dù tôi không bảo thì Ngài vẫn phải hộ pháp cho tôi, vì Bồ-tát phải làm tròn trách nhiệm của mình. Còn như tôi không tu hành gì cả mà chỉ khấu đầu cúi lạy Bồ-tát vài cái xin Ngài đến hộ pháp và Ngài liền đến hộ pháp cho tôi, nếu Bồ-tát mà như vậy thì tôi sẽ cho rằng Ngài không đủ tư cách. Vì sao vậy? Vì Ngài như thế là tham ô và cũng là người bán pháp! Người ta chỉ khấu đầu mình vài cái, mình liền hộ cho họ; người ta không khấu đầu, mình liền làm trái trách nhiệm, đó chẳng phải là tham ô sao? Quý vị thử nghĩ xem, tôi là người tu đạo, tôi không hướng về Ngài khấu đầu, Ngài cũng sẽ hộ pháp cho tôi; còn như tôi không chịu tu hành, dù có bái lạy Ngài, Bồ-tát cũng sẽ không hộ cho tôi. Đó là lý do vì sao tôi không lạy Ngài. Và đây cũng chính là tư tưởng, tông chỉ của tôi.

Giảng tới đây, quý vị là những người nghiên cứu Phật pháp, nhất định phải thấu triệt chân ý Phật pháp, không nên mơ mơ hồ hồ suốt ngày lễ Phật mà không hiểu gì cả, chư vị Bồ-tát thấy chúng ta tu hành kiểu này, các Ngài sẽ không khỏi bật cười. Vì sao? Các Ngài sẽ nói: “Ây da! Người này thật là mờ mịt, không thể giáo hóa được! Miệng nói là không có tâm tham, vậy mà tối ngày cứ cúi lạy mình, cầu được phát tài, cầu thăng quan tiến chức, lại cầu mọi việc đều được thuận lợi, bình an. Các vị nói tư tưởng như thế sẽ như thế nào…, khi tâm các vị được bình an thì còn cầu đến tôi để làm gì? Khi trong lòng các vị không còn những tật xấu tham sân si, thì tự nhiên mọi việc đều thuận lợi, cần gì phải cúi lạy tôi? Thật là… đáng thương! Đáng thương!” Quý vị thử nghĩ xem, Bồ-tát đang nhập định mà thấy quý vị vừa lạy vừa cầu như thế làm cho các Ngài cũng phải bật cười.

Như vậy, khi chúng ta đê đầu đảnh lễ Phật, đừng nên mong cầu điều gì cả. Có phải khi cần cầu gì mới đến lễ Phật, khi không cầu thì không lễ Phật? Trong Phật giáo, cách suy nghĩ này cần phải sửa đổi. Những đạo lý tôi giảng, quý vị nên dùng trí tuệ của mình lại suy nghĩ. Nếu tôi giảng không đúng thì quý vị cứ nêu lên, chúng ta sẽ cùng nhau nghiên cứu lại vấn đề, tôi luôn tiếp nhận và lắng nghe ý kiến của quý vị. Quý vị có quyền nói: “Hòa thượng giảng sai rồi, chỗ này không phải như thế…” Nếu lý luận của quý vị chính xác hơn, tôi sẽ tuyệt đối nghe theo.

Bởi vậy nói đến bố thí, chớ nên có tâm cầu báo đáp. Người xưa có câu liễn đối rất hay:

Độc thư tuy vị thành danh

Cứu cánh nhân cao phẩm nhã

Vi thiện bất kỳ hoạch báo

Tự nhiên mộng ổn thần thanh.

Nghĩa là:

Học hành tuy chưa được thành danh

Rốt cuộc vẫn người nhân phẩm tốt

Làm thiện không đợi ngày báo đáp

Tự nhiên thần sáng mộng an lành.

“Học hành tuy chưa được thành danh”: Nghĩa là học hành tuy chưa thi đỗ trạng nguyên, chưa thành tựu được cái danh cho mình. Cái danh này theo người xưa là: “Mười năm song lạnh không người hỏi, bảng hổ danh đề thiên hạ hay.” Tuy chưa đỗ đạt thành danh khiến thiên hạ biết đến, nhưng cũng là người đọc qua rất nhiều sách; do đọc nhiều sách nên “rốt cuộc vẫn là người nhân phẩm tốt”, nhân cách thanh cao, phẩm chất nhã nhặn, nói chung là tính cách tốt. Nhã là rất tốt. Phải làm thế nào để được nhân cách cao nhã? Nhờ đọc sách thánh hiền nên con người không còn tính thô tháo nữa.

“Làm thiện không đợi ngày báo đáp”: Khi làm việc thiện thì không nên kỳ vọng, chờ đợi. Chữ “kỳ” này chính là chờ đợi. Làm được chút việc thiện liền ở ngay đó chờ đợi. Chờ đợi cái gì? Chờ đợi quả báo tốt lành. Quý vị không nên mong đợi quả báo tốt lành đến với mình, cũng không nên quan tâm có hay không có quả báo tốt. Tuy không kỳ vọng, nhưng “Tự nhiên thần sáng mộng an lành”, dù có nằm mộng cũng không thấy ác mộng, bởi vì các vị làm điều thiện nên trong tâm rất an lành không có bạo lực; mà đã không bạo lực thì sẽ không thấy ác mộng. “Á! Tôi mộng thấy có người cầm súng bắn tôi.” Không hề có chuyện đó, mình không cầm súng giết người thì cũng không ai muốn giết mình. Trong lòng quý vị rất bình an nên giấc ngủ cũng an lành, nếu có nằm mộng đi nữa cũng là mộng tốt, mộng bình an. “Thần thanh”, Thanh nghĩa là minh mẫn, tỉnh sáng. Tinh thần quý vị vô cùng sáng suốt, nên cũng sẽ rất an vui; tinh thần an vui chính là tỉnh sáng, đầu óc sẽ không mê muội.

Nói như thế, nên khi chúng ta bố thí phải nghĩ rằng đó là trách nhiệm của mình. Quý vị nên biết điều tôi nói là một đạo lý, lý luận, không giống như có người nói: “Quý vị nên phát tâm bố thí đi, bố thí thì công đức của quý vị sẽ vô lượng.” Tôi nói cho quý vị biết, vô lượng chính là không có gì cả, vì không có (vô) lượng mà! Nên quý vị chớ nghe lời này, nếu quý vị cả tin thì tôi bảo đảm quý vị vĩnh viễn không hiểu gì về Phật pháp cả. Quý vị chớ nên cố nói: “Ồ, vị đại cư sĩ này, ông ta đã làm được rất nhiều việc tốt.” Rất nhiều là bao nhiêu? Quý vị thử đem ra cân xem, Ồ! Không có. Vậy phải nên thế nào? Việc làm công đức này, không thể nói là không có công đức, có thì có nhưng không nên có tâm chấp vào đó. Cho nên nói:

Hữu tâm vi thiện

Tuy thiện bất thưởng

Vô tâm vi ác

Tuy ác bất phạt

Thiện dục nhân kiến

Bất thị chân thiện

Ác khủng nhân tri

Tiện thị đại ác.

Nghĩa là:

Chấp tâm làm thiện, nên thiện không ứng;

Vô tâm tạo ác, nên ác không trừng.

Thiện muốn người thấy, không phải chân thiện;

Ác sợ người hay, chính là đại ác.

Nếu quý vị hiểu rõ ý hai câu này rồi thì thời pháp hôm nay mới thật sự có ý nghĩa. Còn nếu quý vị nói rằng: “vấn đề này chúng con sớm đã hiểu cả rồi, Hòa Thượng không cần giảng nữa, chúng con không muốn nghe nữa đâu.” Chính vì quý vị không muốn nghe nên tôi mới giảng cho quý vị nghe; còn nếu quý vị muốn nghe thì tôi lại không giảng, tôi kỳ lạ như vậy đấy! Vị pháp sư này chỉ muốn giảng những điều mà người ta không muốn nghe. Lúc nãy chẳng phải Thầy Hằng Do đã nói rồi sao, Thầy ra sức giảng về những thói tật của chúng ta, có người chịu không nổi phải bỏ chạy. Vị nào chạy thì cứ chạy, tôi không giữ lại; vị nào ở thì cứ ở, tôi cũng không đuổi, đó chính là tông chỉ của tôi.

Bây giờ, chúng ta tìm hiểu về ba loại bố thí, đó là tài thí, pháp thí và vô úy thí.

Về tài thí, không phải nói chúng ta đã bỏ ra vài ức bạc để xây cất chùa tháp như thế là có công đức rồi đâu. Quý vị hãy xem hạnh bố thí của Chư Phật và Bồ-tát, có thể làm những việc khó làm, xả những việc khó xả. Tài gồm có ngoại tài và nội tài. Ngoại tài chính là nhà cửa ruộng vườn, quốc thành, thê tử…tất cả đều có thể đem ra bố thí. Trong quý vị có ai có được dũng khí như thế chăng, có thể đem toàn bộ tài sản kể trên ra bố thí? Quý vị bố thí xong, tâm không chấp vào tướng bố thí, cũng không chấp vào ý niệm: “A, mình đã mang toàn bộ tài sản ra bố thí”. Không nên có ý niệm này, phải làm với tâm buông xả, đó mới là nền tảng của bố thí, hay còn gọi là làm việc khó làm, xả điều khó xả.

Quốc: Đất nước của tôi, tôi cũng đem ra bố thí, nhường lại cho người bên cạnh, không tham luyến nó nữa. Ai có thể làm được điều đó? Quý vị xem đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từ bỏ mọi vinh hoa phú quý, thậm chí vương vị thái tử cũng không màng, Ngài đến Tuyết Sơn tu hành khổ hạnh suốt sáu năm trời. Mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè, một hạt lúa mạch, khổ hạnh đến độ thân hình gầy như một thân cây khẳng khiu, chỉ còn da bọc xương. Đức Phật khi xưa cũng có thái tử phi, nhưng một khi lòng đã quyết, Ngài cũng đem vợ ra bố thí: “Ta trả tự do lại cho nàng, nàng muốn như thế nào thì làm như thế đó”. Nói về con thì Đức Phật có La-hầu-la, nhưng Ngài cũng không chút bận lòng. Quý vị xem, như thế mới đáng gọi là bậc trượng phu, bậc anh hùng hào kiệt, bậc siêu việt nhân thế! Nên nói “sinh ra trong loài người, nhưng siêu xuất hơn con người”. Người như vậy mới thành tựu đạo nghiệp, sáng lập ra Phật giáo vĩ đại. Trên đây là giảng về những vật bố thí ngoài thân, gọi là ngoại tài.

Bố thí nội tài, tức những vật trong thân thì thân tâm tánh mạng, đầu mắt não tủy đều có thể bố thí, đều có thể xả bỏ. Người hành Bồ-tát đạo nên xem tất cả đều là không, tất cả đều là giả, vậy nên có người muốn xin đầu của ta, ta liền cắt đầu đưa cho họ. Quý vị thử nghĩ xem, việc làm này khó hay không? Có người muốn xin đầu, Ngài liền bố thí đầu cho họ. Hạnh Bồ-tát này thật không phải dễ làm, cho nên Xá Lợi Phất khi nghe Phật khuyến khích thực hành Bồ-tát đạo, Ngài cũng muốn bỏ nhỏ về lớn, hành đạo Bồ-tát, thế là Ngài cất bước lên đường. Trên đường đi, thấy có người ngồi khóc bên vệ đường, Ngài liền khởi tâm Bồ-tát nghĩ: “Ây da, người đang ngồi khóc này chắc chắn có nỗi khổ tâm, mình nhất định phải giúp, nếu người ấy có gặp khó khăn gì mình đều nên giúp họ giải quyết”. Nghĩ vậy, Tôn giả Xá Lợi Phất liền đến bên ôn tồn thân thiết hỏi: “Ông ơi, ông có nỗi khổ gì có thể chia sẻ cho tôi nghe được không? Bất luận khó khăn gì, tôi cũng sẵn lòng giúp ông. Ông đừng khóc nữa!” Nghe vậy, người này mở to đôi mắt nhìn Xá Lợi Phất nói: “Ngài thật sự có thể giúp tôi được sao?” Xá Lợi Phất đáp: “Tôi phát tâm hành Bồ-tát đạo, nhất định sẽ giúp ông, có khó khăn gì xin ông hãy nói tôi nghe, đừng ngại, ông nói đi!”

Người ấy bèn nói: “Tôi khóc là vì Mẹ tôi bệnh, đi khám thầy thuốc, vị thầy thuốc này chuẩn mạch xong liền kê toa mua thuốc, tôi đã đến hết các tiệm thuốc tìm mua loại thuốc này nhưng đều không có, nên bệnh mẹ tôi chắc chắn không thể trị lành được.”

Tôn giả Xá Lợi Phất nghe xong, hỏi: “Rốt cuộc ông muốn mua loại thuốc nào, có thể nói cho tôi biết không, tôi sẽ giúp ông đi tìm.” Người này liền bảo: “Loại thuốc tôi cần chính là cặp mắt của con người. Thầy thuốc nói chỉ có mắt người mới có thể trị lành bệnh cho mẹ tôi, tôi đã đi khắp các tiệm tìm mua mắt nhưng không một tiệm nào có bán mắt người.” Thời đó không giống như bây giờ, ngày nay có ngân hàng mắt, nơi chuyên bảo quản mắt dùng để làm thuốc hoặc thay mắt cho người khác; đương thời khoa học chưa phát triển như bây giờ, cho nên thời đó chưa có loại thuốc mắt này.

Tôn giả Xá Lợi Phất bảo: “Không vấn đề gì, ông cần dùng mắt, tôi sẽ bố thí cho ông một con mắt của tôi để ông mang về trị bệnh cho mẹ.” Người đàn ông vui mừng: “Tốt quá! Ngài thật có thể bố thí cho tôi sao? Không phải Ngài đang đùa đấy chứ?” Tôn giả điềm tĩnh: “Ây, tôi nào có đùa với ông!” Nói xong, Ngài nhẫn chịu đau đớn dùng tay móc con mắt của mình ra đưa cho người ấy. Người đàn ông cầm lấy con mắt đưa lên nhìn qua nghía lại rồi nói: “A, Ngài móc nhầm rồi!” Tôn giả ngạc nhiên: “Sao lại có thể nhầm chứ?” “Mẹ tôi cần là con mắt bên trái, giờ Tôn giả lại đưa cho tôi con mắt bên phải là không đúng rồi! Con mắt phải của Tôn giả không thể trị lành bệnh mẹ tôi được.” Nói xong, người đàn ông liền quăng con mắt xuống đất, vừa quăng, con mắt liền vỡ nát.

Con mắt vỡ nát, lần này Tôn giả Xá Lợi Phất thì không đạt rồi. Tôi thường nói có mấy câu thế này:

Nhất thiết thị khảo nghiệm

Khán nhĩ chẩm ma biện

Đối cảnh nhược bất thức

Tu tái tùng đầu luyện.

Nghĩa là:

Tất cả đều thử thách

Xem anh làm thế nào

Đối cảnh không nhận rõ

Phải luyện lại từ đầu.

Tôn giả Xá Lợi Phất móc mắt phải ra, người đàn ông lại đòi mắt trái, Tôn giả luyến tiếc không nỡ; do luyến tiếc không nỡ nên thối tâm Bồ-đề, than rằng: “Ôi, hạnh Bồ-tát thật khó làm, chi bằng mình cứ làm một vị Tỳ-kheo bình thường!” Do thối tâm Bồ-tát, nên Tôn giả trở lại làm một vị Tỳ kheo. Quý vị thấy, bậc đại trí như Ngài Xá Lợi Phất khi hành hạnh Bồ-tát vẫn không thể xả được điều khó xả, huống gì là người bình thường như chúng ta! Đừng nói đến chuyện xin đầu, xin mắt của chúng ta, chúng ta chắc chắn không xả nổi đâu. Cho nên hành hạnh bố thí đạt đến trình độ tự tại không phải là việc dễ làm.

Bố thí ngoại tài vẫn còn dễ, bố thí nội tài không dễ chút nào. Bố thí nội tài chính là bố thí tất cả đầu, mắt, não, tủy…thậm chí cả thân thể này. Quý vị nghĩ xem mình có thể làm được đến trình độ Bồ-tát hạnh này không? Nếu làm không được thì nên nhớ kỹ không được tự mãn, chớ nên nói rằng: “Ồ, Tôi là một bậc đại tu hành gì gì đó! Hoặc tôi là người phát Bồ-đề tâm rộng lớn đây!” Quý vị phát tâm Bồ-đề thì phải trải qua khảo nghiệm mới được. Nếu thì không đỗ, thì vẫn còn là học sinh, chưa đủ tiêu chuẩn.

Lần này tôi đến Việt Nam có gặp một vị Pháp sư, vị này có một người đệ tử quy y rất biết nói năng biện luận. Người đệ tử này đã nói gì? Anh ta nói: “Những cư sĩ tại gia chúng con cũng không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu, như thế cũng giống như đã thọ giới rồi, cần gì phải đi thọ giới nữa chứ?” Người đệ tử thường biện luận với Thầy mình như thế và Thầy của vị ấy cũng chẳng có lời gì để nói. Lần này gặp tôi, anh ta cũng giở bổn cũ ra biện luận với tôi: “Hàng tại gia cư sĩ chúng con không nhất định phải thọ giới, chỉ cần không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu chính là giữ năm giới rồi! Cần gì phải thọ giới làm chi!” Tôi đáp rằng: “Anh nói nghe rất có lý, nhưng việc anh học ở nhà và học ở trường có khác nhau không? Anh học ở trường sẽ có một tấm văn bằng tốt nghiệp, còn học ở nhà thì ai cấp văn bằng cho anh?” Vừa nghe tôi giảng như thế, anh ta gật đầu: “Hòa Thượng nói cũng có lý, cũng có chút ý nghĩa. Hay là chúng con cũng nên thọ ngũ giới”. Chúng con phải qua khảo nghiệm, và phải được chứng minh. Tôi bảo: “Vậy là anh đã hiểu rồi, tôi cũng không cần phải nói thêm gì nữa.”

Tôi tin trong quý vị cũng có người giống trường hợp trên, cũng nói: “Những cư sĩ tại gia chúng tôi còn tu hành hơn cả người xuất gia nữa, nên đâu cần phải bái sư làm thầy, đâu cần phải thọ giới mà cũng tu được vậy. Chúng tôi là những đại cư sĩ, chúng tôi tu hành còn hơn cả người xuất gia”. Vì sao quý vị nghĩ như thế? Mà không nghĩ lại rằng: “Ôi, tôi rất hổ thẹn, tôi biết Phật pháp quá trễ nên công đức tu hành cũng không bằng ai!” Vì sao quý vị luôn nghĩ mình tốt hơn mọi người? Tập khí của con người thường là như vậy, mình vốn không bằng người nhưng luôn cảm thấy: “Ồ, mình tốt hơn mọi người, mình tốt hơn tất cả!” Quý vị thấy đó, các ngành các nghề đều gặp phiền phức vì vấn đề này, ai cũng tự cho mình là thái sơn cả. Người có tâm cống cao ngã mạn như thế thì Bồ-đề tâm của họ khó mà lớn mạnh được. Quý vị không nên có tâm cống cao ngã mạn, không nên có tư tưởng độc tôn như vậy. Đừng nên thấy rằng: “Trên trời dưới trời chỉ có mình ta là cao quý”. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có thể nói câu này, chúng ta là đệ tử Phật không nên sanh tâm kiêu ngạo, không được cảm thấy: “À, mình cao hơn tất cả mọi người.” Nếu thật sự quý vị có cao hơn tất cả mọi người thì được gì chứ? Chi bằng bình đẳng với tất cả mọi người thì sẽ không ai ganh ghét mình cả. Nếu quý vị cao hơn mọi người, thí như mọi người đều cao năm thước, còn quý vị thì cao một trượng, khiến họ nhìn thấy không khỏi thốt lên: “Ô, đây là cái gì vậy?” Mọi người đều cho rằng quý vị là một quái vật kỳ lạ, đến khi có hội chợ liền đem quý vị đi triển lãm khắp nơi. Người như vậy, tiếng Quảng Đông gọi là Cao Lão (lão cao to), tiếng Quan Thoại gọi là Đại Cá Tử (tên khổng lồ). Quý vị bị đem đi triển lãm cũng chẳng có lợi ích gì. Người tu hành nhất định phải đánh đổ cho được núi Tu Di. Núi Tu Di là gì? Chính là tâm ngã mạn cống cao của chúng ta, chính là tâm luôn cảm thấy mình hơn tất cả mọi người, mọi người không ai bằng mình. Phải mau mau dẹp tâm ngã mạn cống cao, vì tâm niệm này làm chướng ngại đạo nghiệp của chúng ta.

Bố thí còn có pháp thí. Pháp thí chính là giảng kinh thuyết pháp, lấy pháp làm vật bố thí. “Trong các pháp cúng dường, cúng dường pháp là tối thượng nhất”. Trong tất cả các pháp bố thí, bố thí pháp cho người là việc rất quan trọng, rất cần thiết. Bởi vì giả như có người hiểu rõ Phật pháp, nương theo giáo pháp ấy mà tu hành, cho đến thành tựu Phật quả. Người thành Phật ấy chính nhờ quý vị giúp đỡ mà thành. Quý vị giúp người thành Phật thì người cũng sẽ giúp quý vị thành Phật, đó gọi là tự lợi và lợi tha. Nhưng nói đi thì phải nói lại, quý vị đừng nên có tâm niệm này, không nên nói: “Ồ, mình giúp đỡ người ta thành Phật, sau này người ta thành Phật rồi, mình cũng sẽ được giúp thành Phật lại”. Mình chỉ mong mọi người thành Phật, còn mình thì không thành Phật, đó mới thật là tâm nguyện của Bồ-tát. Tôi luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác thành Phật, quý vị có ai muốn thành Phật không? Nếu vị nào muốn thành Phật, tôi sẽ hết lòng giúp đỡ.

Giảng đến đây, tôi sẽ kể cho quý vị nghe về vẻ ngông của tôi khi ở Mỹ. Ngông như thế nào? Tôi nói với mọi người tôi là kỹ sư. Kỹ sư nghành gì? Tôi nói tôi là kỹ sư tạo Phật sống, tạo Bồ-tát sống, tạo Tổ sư sống. Ai muốn làm Phật sống thì xin vào công xưởng của tôi. Công xưởng gì quý vị biết không? Đó chính là Chùa Kim Sơn. Chùa Kim Sơn không phải là của tôi, nhưng tôi chỉ tạm thời ở đó làm kỹ sư thôi. Vậy ai muốn làm Bồ-tát sống, Tổ sư sống thì xin đến đây, tôi không từ chối hay đuổi theo bất kỳ ai. Ai đã đến đây, nếu quý vị có tư chất làm Tổ sư, tôi sẽ tạo quý vị thành Tổ sư; ai có tư chất làm Bồ-tát, tôi sẽ tạo thành Bồ-tát; ai có tư chất làm Phật, tôi sẽ tạo thành Phật. Vị Phật tôi tạo không phải là một tượng gỗ. Tôi không phải là một kỹ sư chuyên tạo tượng Phật bằng gỗ, bằng sắt, bằng đồng hoặc bằng vàng, bằng bạc… mà tôi tạo một tượng Phật sống bằng xương bằng thịt. Nếu ai muốn làm, tôi xin sẵn lòng giúp đỡ người ấy. Tôi không chủ trương xây dựng chùa chiền, chỉ chủ trương tạo Phật sống mà thôi.

Tạo bằng cách nào? Chính là không sợ khổ, không sợ khó, không sợ không có tiền, chỉ cốt chân tu thật chứng, tự thân dấn bước. Dù khổ thế nào cũng phải nhẫn chịu, khó thế nào cũng phải bền chí, phải biết nhẫn, biết chịu. Cho nên có một số thanh niên người Mỹ tuổi đời chưa quá ba mươi đều muốn đến đây thử xem rốt cuộc như thế nào? Do vậy mà có hơn mười thanh niên người Mỹ đến xin xuất gia. Trước kia, người phương Tây xuất gia cũng có nhưng rất ít, bắt đầu từ bây giờ, họ đã có chút nhận thức về Phật giáo. Xưa kia nếu người phương Tây muốn nghiên cứu về Phật pháp cũng không có kinh điển để xem. Hôm nay chúng ta Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di khoảng bốn năm chục người cùng nhau nghiên cứu, ngày ngày làm công việc phiên dịch, đó cũng gọi là bố thí pháp. Chúng ta ở tại phương Tây truyền bá chánh pháp, mong muốn chánh pháp được trường tồn, không muốn chánh pháp suy vi; Chúng ta muốn mọi người đều tu đạo chứng quả, không có người nào không chứng và mong ước các bậc thánh nhân chứng quả xuất hiện nơi đời. Công việc này cũng là một phần trong bố thí pháp vậy.

Ngoài tài thí và pháp thí ra còn có vô úy thí. Con người ai cũng có lúc gặp phải sợ hãi, cảnh tượng khủng bố trước mắt này khiến người ta sợ đến run rẩy. Như sắp rớt xuống hố sâu, hoặc như giẫm lên lớp băng mỏng trên sông… làm cho tâm thần người ta vô cùng bất an. Hai chữ “thảm thức” (忐忑), theo chữ Hán thì chữ “thảm” () bên trên là chữ thượng (), bên dưới là chữ tâm (), còn chữ “thức” () bên trên là chữ hạ () bên dưới cũng chữ tâm (). Cả hai chữ đều có chữ tâm bên dưới, “thảm thức bất an” nghĩa là trong lòng thấp thỏm không yên, tim nhảy thình thịch, không thể bình tĩnh được, đó đều là biểu hiện của sự sợ hãi. Cho nên trong Tứ Thư có nói: “Hữu sở khủng cụ, tắc bất đắc kỳ chánh.” Nghĩa là một khi quý vị sợ hãi thì ngay lúc ấy sẽ không có chánh niệm; chánh niệm không có mặt thì rất dễ đi lạc vào ngã tẻ, hoặc đi sai đường. Cho nên ngay lúc này cần có một vị thiện tri thức đến an ủi, giúp đỡ họ. Vị thiện tri thức đến bảo với họ rằng: “Bạn đừng quá sợ hãi như thế, bạn nên nhất tâm xưng niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát thì Bồ-tát liền đến giúp đỡ bạn. Bồ-tát Quán Thế Âm luôn ban bố sự không sợ hãi, ai gặp sợ hãi, Bồ-tát đều có thể giúp cho người đó hết lo sợ. Bạn nên nhất tâm xưng niệm danh hiệu của Ngài thì bảo đảm sẽ không sao cả!” Đó gọi là an ủi. Hoặc quý vị có thể bảo họ: “Bạn không nên sợ hãi, trên đời này còn có chân lý, có công lý, việc này sẽ không gây rắc rối đến bạn đâu, đừng nên sợ hãi, chỉ cần tâm bình tĩnh thì mọi việc sẽ tốt đẹp thôi!” Quý vị an ủi họ như thế, họ sẽ cảm thấy không còn sợ hãi nữa, đó gọi là thí vô úy vậy.

Trích từ bài giảng Kinh Hoa Nghiêm của Hòa Thượng Tuyên Hóa
Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành

Các tin đã đăng:

Âm lịch

Ảnh đẹp