“Cho sự không sợ hãi” là một tâm thái hiểu biết và thương quý
cuộc sống; chẳng những hết thảy mọi người đều có thể thực hiện mà còn
cần cần quan tâm nỗ lực thực hiện trong đời sống hàng ngày, vì lợi ích
của bản thân và lợi lạc cho tha nhân. Trong giáo lý của đạo Phật, “cho
sự không sợ hãi” được xem là một hạnh nguyện cao quý gọi là vô úy thí
(abhada-dàna), là Thánh hạnh (Ariya-cariyà), thiện hạnh (kusala-
cariyà), tức là một món quà tặng lợi lạc thầm lặng mà mỗi người có thể
trao tặng cho cuộc đời, được thể hiện qua lối sống đạo đức hiền thiện,
không làm điều xấu ác. Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, Đức Phật
khuyên dạy mọi người nên trao tặng cho nhau “món quà an tịnh”
(santamupahàram), ngụ ỳ một nếp sống hiểu mình thương người bằng cách nỗ
lực làm mọi điều tốt lành, tránh làm điều xấu ác gây lo âu tổnhại cho
người khác. Sống trong một xã hội đang diễn biến phức tạp đi đôi với
các hiện tượng tiêu cực xấu ác không ngừng phát sinh gây nên nhiều tâm
lý lo lắng bất an cho đời sống con người như hiện nay thì việc mỗi cá
nhân biết kiềm chế bản thân, tự khép mình vào một lối sống đạo đức căn
bản như việc thực hành năm giới cấm của đạo Phật – không sát sanh,
không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu – chính là
sự thể hiện tâm thái hiểu biết và thương quý cuộc sống, rất đáng được
mọi người quan tâm phát huy. Đức Phật đánh giá cao một tâm thái cao quý
như vậy và gọi đó là “cho sự không sợ hãi” (vô úy thí), tức
thể hiện một lối sống đạo đức trong sáng và hiền thiện tạo niềm tin yêu
an ổn cho cuộc sống, khiến cho người khác thoát khỏi mọi lo âu sợ hãi.
Bố thí (dàna) là một trong cá hạnh tu tập thể hiện tâm thái cao quý
của người con Phật. Nó là dấu hiệu tuôn chảy của tâm từ bi hay lòng bi
mẫn đối với cuộc đời. Bố thí có nghĩa là quà tặng, đem cho ai cái gì,
mang bình yên cho người khác, hay giúp cho người khác được hạnh phúc lợi
lạc. Bố thí được xem là hạnh tu của người con Phật bởi đó là việc làm
hiền thiện xuất phát từ sự hiểu biết, tình thương, lòng nhân ái, sự cảm
thông, tâm từ bi, mong muốn cho người khác vượt qua mọi khó khăn gian
nan vất vả. Nó cũng được xem là tâm thái cao quý bởi bố thí là nghĩa cử
ban phát cao thượng, hành vi của tâm từ bi, vô ngã vị tha, quan tâm
nhiều đến người khác, mong muốn cho mọi người thoát khỏi khổ đau, đạt
được hạnh phúc an lạc. Cuộc đời có lắm gian nan khổ đau nên luôn luôn
cần đến nhiều tấm lòng sẻ chia và cứu giúp. Người con Phật được khuyên
nuôi dưỡng đức từ bi đối với cuộc đời và thể hiện đức từ bi bằng các
hành vi bố thí.
Đạo Phật nói đến ba loại bố thí gồm tài thí (àmisa-dàna), pháp thí
(dhamma-dàna) và vô úy thí (abhada-dàna). Về ý nghĩa cơ bản, tài thí là
hiến tặng vật thực, cung cấp phương tiện lao động hay tạo điều kiện làm
ăn sinh sống cho người khác. Pháp thí là chỉ bảo cho người khác hiểu
rõ về đạo lý nhân quả thiện ác, khuyến khích người khác bỏ ác hướng
thiện, tu nhân tích đức. Vô úy thí tức là tỏ rõ tấm lòng tư bi, tôn
trọng người khác bằng cách thực thi nếp sống đạo đức hiền thiện, không
làm điều xấu ác, không gây tổn hại, tránh cho người khác khỏi mọi lao
âu sợ hãi. Tùy vào nhân duyên, điều kiện và tâm nguyện của mỗi người mà
việc bố thí có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau. Chẳng
hạn, người có đủ điều kiện về tài lực thì dễ thực hiện hàng vi tài thí.
Ngưới có nhân duyên hiểu sâu, hành sâu về đạo lý giác ngộ thì có thể
chia sẻ với người khác về mặt pháp thí. Trong khi một người không có đủ
hai điều kiện trên, chỉ có tâm nguyện sống nếp sống đạo đức hướng
thiện, tránh làm điều xấu ác, không gây tổn hại cho bản thân và người
khác, thì được gọi là vô úy thí, tức đem cho người khác sự không sợ
hãi. Nhìn chung, mọi người đều có khả năng thực hành hạnh bố thí và
điều đó là hết sức cần thiết và lợi lạc cho đời sống cộng đồng.
Có thể nhận ra rằng ba hình thức bố thí được đề xuất bởi đạo Phật
chính là sự trợ duyên thiết thực và tốt đẹp nhất mà hết thảy mọi người,
nhất là người con Phật, cần nỗ lực thực hiện vì nó mang ý nghĩa lợi lạc
to lớn cho cuộc đời. Nó giúp cải thiện điều kiện và môi trường sống
của chúng sinh, khiến cho chúng sinh được vui sống trong hạnh phúc yên
ổn (vô úy thí); giúp soi sáng đạo lý giải thoát cho chúng sinh, khiến
cho chúng sinh vững tin bước đi trên con đường giác ngộ an lạc (pháp
thí). Ba hình thức bố thí hay chia sẻ nói trên vừa là dấu hiệu tỏ rõ
tinh thần từ bi của người con Phật đối với cuộc đời nói chung, vừa phản
ánh thái độ sáng suốt của đạo Phật đối với thực tại “cộng sinh” của
hiện hữu. “Làm điều tốt cho mình tức là hộ trì người khác. Làm điều tốt cho người khác tức là hộ trì cho mình”. Đạo
Phật quan niệm cuộc sống là một hợp thể của các yếu tố nhân duyên vận
hành và tồn tại hỗ tương, trong đó bất kỳ hành vi nào của con người, dù
thiện hay ác, đều trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng và tác động lên
toàn thể hiện hữu. Chính vì vậy mà đạo Phật rất chú trọng đến cơ sở đạo
đức trong mọi hành vi của cá nhân, khuyến khích mọi người tích lũy điều
thiện, xem đó là nền tảng căn bản cho sự vận hành tốt đẹp và hài hòa
của xã hội và thế giới. Bố thí – dù dưới hình thức nào, hoặc tài thí,
pháp thí, vô úy thí – chính là hành vi đạo đức hiền thiện, có ý nghĩa
tác dụng tích cực đến cuộc sống tiến bộ hiền thiện chung của xã hội.
Người con Phật được khuyên thực hành hạnh bố thí bởi bố thí là hành vi
đạo đức hướng thượng, một hành tu cao đẹp, đưa đến lợi mình, lợi người,
lợi lạc cho cuộc đời.
Bạn mong muốn được đóng góp một điều gì đó tốt đẹp cho người khác và
cho xã hội nhưng bạn cảm thấy mình không có đủ điều kiện để thực hiện
việc hỗ trợ hay chia sẽ? Bạn cho rằng mình không thoải mái về mặt tài
chính, không có đủ đức độ để hướng thiện cho người khác và vì vậy bạn
không thể thực hành hạnh bố thí? Hãy lắng nghe và suy ngẫm những lời dạy
hết sức căn bản sau đây của Đức Phật và bạn sẽ nhận ra rằng, ngoài tài
thí và pháp thí, chính nếp sống đạo đức hiền thiện – không sát sanh,
không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục, không nói láo,
không uống rượu – của mỗi cá nhân cũng là một cách bố thí (vô úy thí),
có tác dụng hỗ trợ tích cực, giúp ích rất lớn cho cuộc đời mà mọi người
cần quan tâm thực hiện, vì lợi lạc của bản thân và lợi ích cho người
khác:
“Này các Tỷ-kheo, có năm bố thí này, là đại bố thí, được biết là
tối sơ, được biết là lâu ngày, được biết là truyền thống cổ xưa, trước
không tạp loạn, hiện tại không tạp loạn, tương lai không tạp loạn,
không bị những Sa-môn, những Bà-la-môn có trí khinh thường. Thế nào là
năm?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận sát sanh, đem cho
không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng
chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh; sau khi cho vô
lượng chúng sanh không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được
san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại. Này các
Tỷ-kheo, đây là bố thí thứ nhất, là đại bố thí, được biết là tối sơ,
được biết là lâu ngày, trước không tạp loạn, hiện tại không tạp loạn,
tương lai không tạp loạn, không bị những Sa-môn, những Bà-la-môn có trí
khinh thường.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận lấy của không cho,
từ bỏ lấy của không cho, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh,
đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh; sau khi cho vô lượng
chúng sanh không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ
vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại. Này các Tỷ-kheo, đây
là bố thí thứ hai, là đại bố thí, được biết là tối sơ, được biết là lâu
ngày, trước không tạp loạn, hiện tại không tạp loạn, tương lai không
tạp loạn, không bị những Sa-môn, những Bà-la-môn có trí khinh thường.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận tà hạnh trong các
dục, từ bỏ tà hạnh trong các dục, đem cho không sợ hãi cho vô lượng
chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không
hại cho vô lượng chúng sanh; sau khi cho vô lượng chúng sanh không sợ
hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ
hãi, không hận thù, không hại. Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí thứ ba, là
đại bố thí, được biết là tối sơ, được biết là lâu ngày, trước không
tạp loạn, hiện tại không tạp loạn, tương lai không tạp loạn, không bị
những Sa-môn, những Bà-la-môn có trí khinh thường.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận nói láo, từ bỏ nói
láo, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem c ho không hận
thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh;
sau khi cho vô lượng chúng sanh không sợ hãi, không hận thù, không
hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không
hại. Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí thứ ba, là đại bố thí, được biết là
tối sơ, được biết là lâu ngày, trước không tạp loạn, hiện tại không
tạp loạn, tương lai không tạp loạn, không bị những Sa-môn, những
Bà-la-môn có trí khinh thường.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận đắm say rượu me,
rượu nấu, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem c ho không
hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng
sanh; sau khi cho vô lượng chúng sanh không sợ hãi, không hận thù, không
hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không
hại. Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí thứ ba, là đại bố thí, được biết là
tối sơ, được biết là lâu ngày, trước không tạp loạn, hiện tại không
tạp loạn, tương lai không tạp loạn, không bị những Sa-môn, những
Bà-la-môn có trí khinh thường”.
Nguồn: Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo