24/10/2011 22:21 (GMT+7)
Số lượt xem: 68327
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Cầu nguyện là một việc dễ hiểu. Chúng ta cầu nguyện những điều tốt đẹp đến những người mà chúng ta thương yêu. Cầu nguyện cho quê hương, cho những người cùng khổ, cho ai lầm đường lỡ bước. Cầu nguyện cho cả chính chúng ta.


Cầu nguyện: Chúng ta Cầu những điều tốt đẹp và cũng Nguyện làm những điều tốt đẹp. Cầu nguyện trong hiểu biết và thương yêu.

Cầu nguyện xuất phát từ lòng khát ngưỡng bình an, mong muốn mang đi những tai ương.

Thế nhưng, nếu chỉ dừng lại ở việc ngồi đó cầu nguyện thì chúng ta bắt đầu có một tín ngưỡng tham lam. Chúng ta bắt đầu có một phi vụ đổi chác với một đấng nào đó mà chúng ta tin vào. Chúng ta cúng ít và muốn được nhiều. Để được nhiều, chúng ta đánh đổi lại lòng tin, sự mê tín, và một cuộc sống hiện tai. Chúng ta đổi chác sự can đảm của chính mình lấy lại niềm hy vọng từ ai đó ban cho.

Chúng ta hợp thức hóa sự “ăn mày Phật pháp” của chính chúng ta.

Nếu chỉ dừng lại ở cầu nguyện, chúng ta đang bỏ lỡ và chối từ bài học thầm lặng của Vô Thường.  Quên rằng, ngay cả điều không tích cực, không đáng ưa, không vui mà Vô thường mang tới cho cuộc đời chúng ta cũng là một bước ngoặt giúp chúng ta trưởng thành hơn.

Nếu bỏ quá nhiều thời gian để ngồi đấy cầu nguyện, chúng ta đang bỏ lỡ hiện tại. Cuộc sống hiện tại là khi chúng ta biết mọi việc đang diễn ra. Tốt và Xấu. Mọi vật luôn đang xảy ra và chúng ta thì lại đang bỏ lỡ. Như một bông hoa đã từ cái cuống của nó mọc lên, nở ra rồi tàn úa. Một bông hoa khác lại tiếp tục. Nó có quá khứ và hiện tại. Và tương lai là một dòng chảy. Khi chúng ta đang nghĩ đến tương lai là lúc chúng ta đang bỏ lỡ hiện tại. Chúng ta đang trôi miên man trong những ý nghĩ.  Chúng ta đang lãng phí hiện tại trong tín ngưỡng tham lam.

Sắp đến ngày vía Đức Phật Dược Sư.

Người Phật tử chúng ta không ngừng lại ở việc cúng kiến quá đà. Đức Phật hẳn không muốn chúng ta làm như thế. Ba đời chư Phật hiện ra trên thế gian này đều mong muốn chúng ta hãy là hải đảo tự thân cho chính mình.

Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức là một bài thuốc Phật truyền.

Trong đó, Đức Phật Dược Sư muốn mỗi chúng ta hãy cùng phát 12 lời nguyện như Ngài. Làm điều lợi ích cho tha nhân:  Bố thí vật dụng cho những ai đến xin,  là điểm tựa, là suối nguồn mát mẻ cho những ai yếu đuối, đang sống trong cảnh bưng bít, đói khổ, mất phương hướng.

“Thắp bảy ngọn đèn, mỗi ngọn lớn như bánh xe, đốt luôn trong 49 ngày đêm đừng cho tắt”. Có phải đức Phật Dược Sư muốn chúng ta làm như thế? 

Những người đã không đủ ăn đủ mặc, phải chạy gạo từng bữa hay những người dân miền Tây trắng tay sau trận lụt vừa qua làm sao có tiền mua dầu đốt luôn trong 49 ngày đêm và phóng sinh 49 thứ loài vật?

Phải chăng là đèn trí tuệ, đèn thương yêu bình đẳng, đèn giới định và chính hạnh. “Phóng sinh” những tâm xấu ác, ích kỷ, ganh ghét, hiềm hận, thủ đọan, giận hờn, đa đoan, độc đoán, bỏn xẻn, tham lam,…ra khỏi tâm hồn mình.

Đức Phật Dược Sư không có ý muốn chúng ta sắm sửa bày biện phẩm vật đắt tiền, lập đàn tràng pháp hội cúng dường Ngài đâu. Vì đơn giản, Ngài không sinh ra để nhận đồ cúng dường. Ngài muốn chính chúng ta hãy là Dược Sư cho chính tâm hồn mình. Tự bào chế phương thuốc Từ, Bi, Hỷ, Xã để ôm ấp và trị liệu những vết thương trong mình.

Ngài không muốn chúng ta đặt mua chim phóng sinh để đổi lấy sự bình an cho mình. Chúng ta đặt mua thì người bẫy chim tội tình gì chỉ bắt đủ số lượng bán hằng ngày mà không ráng bẫy thêm để kiếm nhiều tiền. Trong quá trình vận chuyển, có khối con bỏ mạng, đuối sức vì bị chèn ép trong cái lồng nhỏ hẹp.

Ngày Vía Phật Dược Sư, chúng ta cũng sẽ thắp một cặp đèn dầu nhỏ, 1 bình hoa và 1 đĩa trái cây để tập lập hạnh nguyện như Ngài. Rồi chúng ta hãy tủa đi các bệnh viện, các trại dưỡng lão, cô nhi, đem niềm an ủi đến cho họ, đem năng lượng an tĩnh của chính mình truyền qua những người ta gặp.

Trong một buổi chiều xuống, trong cái im lặng đang dần buông. Chúng ta đánh thức hiện tại bằng tình thương yêu dành cho ai đó. Điều đó thật là ý nghĩa. Chúng ta sẽ không bao giờ bỏ lỡ nữa!

Nguon: http://www.phattuvietnam.net/doisong/nghethuatsong/16760.html

Âm lịch

Ảnh đẹp