21/10/2011 17:59 (GMT+7)
Số lượt xem: 103127
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thiên tai gồm bão, lũ, động đất, sóng thần, núi lửa phun trào, hiện tượng đất chuồi, mưa đá, lốc xoáy, bão từ v.v… Những tai họa xảy ra trong tự nhiên gây thiệt hại lớn về người và của, nguy hại về sự an toàn của xã hội gọi chung là thiên tai.


Đứng trước thiên tai, con người cảm thấy nhỏ bé và bị khuất phục. Nhất là tâm trạng lo lắng khi thiên tai ập đến, rằng ta sẽ may mắn sống sót hay phải chết? Sau thiên tai, đời sống kinh tế của ta sẽ như thế nào? Nói một cách chắc chắn rằng, sau thiên tai con người sẽ sống trong đau khổ, cái khổ của mất mát và bi thương.

Chẳng hạn, thiên tai thảm họa kép động đất - sóng thần tại Nhật Bản vào ngày 11/3/ 2011 đã cướp đi mạng sống của 22.000 người, kéo theo các vụ nổ lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukusima, dẫn đến nỗi lo lắng về nhiễm phóng xạ từ không khí, thức ăn và nguồn nước, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhất là nguy cơ về ung thư,…là sự kiện thiên tai thảm họa lớn nhất trong năm 2011 đối với toàn thế giới. Tại Việt Nam vào mùa này thường xảy ra các cơn bão nhiệt đới, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và đời sống xã hội nghiêm trọng. Những ngày này, Việt Nam đang phải gồng mình đối với những cơn bão liên tiếp từ biển Đông hướng vào gây thiệt hại về người và của trên cả nước.

Sức mạnh của thiên tai không ai chống cự nỗi, kinh Địa Động (Trung A Hàm) Đức Phật dạy: “Này A-nan, khi trong hư không nổi lên gió lớn. Gió nổi lên thì nước bị khuấy động. Nước bị khuấy động thì xảy ra động đất. Đó là nguyên nhân thứ nhất khiến cõi đất bị chấn động mạnh. Khi cõi đất bị chấn động mạnh, bốn mặt gió lớn nổi lên, bốn phương sao chổi mọc; nhà cửa, tường vách, tất cả đều sụp đổ…”.

Nếu ai đó nói rằng những gì hiện hữu trên cõi đời này là không do nguyên nhân nào cả, do tự nhiên thì thật phi lý. Vì hãy nhìn xung quanh chúng ta, không có một cái gì là không có nguyên nhân? Vật vô tri như tứ đại kia còn bị luật nhân quả chi phối. Chẳng hạn: nước bị lửa đốt thì nóng, bị gió thổi thì thành sóng, bị lạnh thì đông lại. Nắng lâu ngày thì đại hạn, mưa nhiều thì lụt, gió nhiều thì sanh bão. Vũ trụ luôn tuần hoàn, biến động nên tự nhiên không bao giờ bảo đảm cho con người được bình an mãi mãi cả. Mọi sự vật, sự việc đều có nguyên nhân và kết quả. Vì có gây nhân nên có hậu quả, hậu quả tốt hay xấu là do nhân đã tạo. Con người thường tham cầu lợi ích nên khai thác thiên nhiên quá mức. Con người sống nhờ vào thiên nhiên nhưng lại vô tình hay cố ý hủy hoại môi trường sống. Vì vậy, khi thiên tai đến thì cả một cộng đồng xã hội đều gánh chịu hậu quả chứ không chỉ riêng ai, đạo Phật gọi là cộng nghiệp.

Thế giới này phải trải qua 4 giai đoạn “thành, trụ, hoại, không” và con người cũng phải bị chi phối bởi các yếu tố sanh, già, bệnh, chết, tai ương, hoạn nạn. Kinh Thất Nhật (Trung A Hàm), Đức Phật dạy rằng: “Tất cả các hành đều vô thường, là pháp không vĩnh cửu, pháp chóng đổi thay, pháp không thể nương tựa. Các hành như vậy không nên tham đắm mà phải ghê sợ nhờm tởm, nên tìm sự xả ly, nên tìm giải thoát”.

Nhận diện đời là bể khổ, nhưng con người cũng từ cái khổ mà biết vươn lên thoát khổ. Vì vậy, đối với người đời thì tìm cách tiến thủ, còn đối với người Phật tử thì y theo lời Phật dạy mà tiến tu, biết xả, không tham đắm luyến tiếc những gì đã mất và tìm cho mình một phương pháp tu tập thích hợp, rồi làm lợi ích chúng sanh. Người ta ca ngợi người Nhật anh hùng vì trong đau khổ mất mát của thảm họa động đất sóng thần họ đã rất bình tĩnh, không kêu gào, than khóc bi thương và cố gắng làm việc hết sức mình vì dân tộc và đất nước Nhật. Người Nhật đã vận dụng những chất liệu thiền Phật giáo, bình tĩnh để khắc phục sự cố trong các tình huống nguy cấp. Ngày 29/6/2011 Đài Truyền Hình Việt Nam đưa tin kinh tế công nghiệp Nhật tăng trưởng cao nhất trong vòng 50 năm qua. Điều này cũng đủ thấy tinh thần của người Nhật rất cao, họ biết sáng tạo cũng như bù đắp những thiệt hại nặng nề của đất nước. Con người không thể chống nổi với sức tàn phá của thiên nhiên nhưng có thể dự báo được khi nào xảy ra thiên tai và mức thiệt hại của nó để phòng tránh và khắc phục.

Người Phật tử cần nhận thức sự luân chuyển của vạn vật trong vũ trụ và thiên tai là sự kiện có thể xảy ra bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào. Cho nên, con người chúng ta luôn trong tư thế đối diện thay vì âu lo, chán nản và can đảm vượt qua những tàn phá của thiên tai để tiếp tục chung tay góp sức xây dựng cuộc sống lành mạnh cho bản thân, gia đình và xã hội.

Diệp Thiên

http://giacngo.vn/phathoc/2011/10/19/7F740B/

Âm lịch

Ảnh đẹp